Vì sao giàu nhanh, lên chức nhanh?

“Cần làm rõ những biểu hiện giàu nhanh, lên chức nhanh” là nội dung một bài tham luận được trình bày trước đại hội đảng kỳ XI và gây sự chú ý đặc biệt tại hội trường với sự tham gia của hàng ngàn đại biểu và đảng viên.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2011.01.18
000_Del439721-305.jpg Ông Nguyễn Phú Trọng (giữa), Ông Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Ông Trương Tấn Sang đang bỏ phiếu tại Đại hội đảng XI hôm 17-01-2011.
AFP PHOTO / HOANG DINH Nam

Mời quý vị theo dõi Đỗ Hiếu trình bày thêm chi tiết về thông tin được báo đài trong nước phổ biến rộng rãi.

Chạy chức?

Ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng khi đề cập tới các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công cuộc đấu tranh bài trừ tham nhũng đã nhấn mạnh, “Cần nhìn thẳng vào sự thật, những biểu hiện giàu nhanh, lên chức nhanh, do dùng tiền để chạy chức, chạy quyền.”

Nếu nhìn thẳng vào sự thật, thì chỉ có lúc nhắm mắt, bịt mắt mới không thấy thôi, mở mắt ra thì thấy ngay anh nào giàu bất chính, hay giàu chính đáng.

Ô. Vũ Tiến Chiến

Trích thuật phát biểu của ông Chiến, trước đại hội đảng cộng sản kỳ XI, báo chí nhắc lại nhận định của ông khi nói rằng, “nếu giàu nhanh do làm giàu chính đáng, lên chức nhanh do tài năng, là điều rất đáng trân trọng, nhưng nếu giàu nhanh do tham nhũng, thăng chức nhanh do dùng tiền để mua quan, bán chức, thì cần phải làm rõ, lên án và nghiêm trị.”

Vẫn theo ông thì quyết tâm ngăn chống tham nhũng và hành động thực tiễn chống tham nhũng trong chánh quyền còn có khoảng cách đáng kể. Những vụ án tham nhũng được phơi bày, xử lý còn thấp, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng xảy ra ở mọi cấp. Tình trạng sa sút phẩm chất, đạo đức, nhũng lạm, gây phiền hà cho dân từ một số cán bộ, công chức, vẫn tồn tại. Các hiện tượng như “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, hay “làm giàu nhanh”, “lên chức quá nhanh” chưa được đảng và nhà nước quan tâm đúng mức và nghiêm trị thích đáng.

Một nhà nghiên cứu  khoa học, xã hội, có nhiều bài viết phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng, về hiện tượng “làm giàu nhanh” trình bày ý kiến của ông về bài tham luận của ông Vũ Tiến Chiến như sau:

“Giàu do lao động chân chính, sản xuất do kinh doanh, sáng kiến, từ hai bàn tay trắng, hoặc từ một ít vốn mà có thể  tích lũy được, làm giàu lên thì đó là đáng tự hào. Ai trên thế giới này đáng tự hào hơn ông Bill Gate không? Ông từ một người bình thường, thành một tỷ phủ giàu có trên thế giới, rồi dùng của cải của mình mà đem lại phúc lợi xã hội cho những người gặp bất hạnh ở đời. Cách làm giàu như thế thì có cách nào tuyệt vời hơn, cũng có bao nhiêu người khác làm giàu lên một cách chính đáng. Sự làm giàu không chính đáng thì cũng nhiều lắm, giàu do tham nhũng, giàu do hối lộ, thì xã hội người ta biết hết, người ta thấy rõ lắm. Nếu nhìn thẳng vào sự thật, thì chỉ có lúc nhắm mắt, bịt mắt mới không thấy thôi, mở mắt ra thì thấy ngay anh nào giàu bất chính, hay giàu chính đáng.”

Vậy việc làm giàu không chính đáng sẽ đưa tới hậu quả ra sao? Giáo sư Tương Lai nhấn mạnh:

“Chính vì đất nước này có những người làm giàu không chính đáng cho nên đó là đại họa cho xã hội, cho đất nước, thật là đáng buồn và đáng lên án. Tôi vừa viết một bài và nói rằng, vấn đề là có dám nói lên sự thật đó không? Chứ không khó đâu khi muốn phân biệt giữa cái giàu bình thường, chân chính với cái giàu bất chính.”

000_Hkg4468009-250.jpg
Các đại biểu bỏ phiếu tại Đại hội đảng XI ở Hà Nội vào ngày 17 tháng 1 năm 2011. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Về chuyện làm giàu nhanh, lên chức nhanh, chạy quyền, chạy tội,  được viên chánh văn phòng cơ quan phòng chống tham nhũng trình bày trong một bài tham luận trước đại hội đảng XI, Giáo sư Tương Lai hy vọng:

“Tôi tin vào sức mạnh của dân, cho dù người ta bưng bít sự thật, hay người ta nhìn vào sự thật và nói ra sự thật, nhắc các khẩu hiệu thì dễ thôi, nhưng cái chính là việc làm, bản thân anh tham nhũng, làm sao mà trị tham nhũng được. Vấn đề  là phải làm thế nào, ngày càng công khai, minh bạch về tài sản, của cải, từ lời nói, biến thành hành động. Muốn làm như vậy, phải có áp lực xã hội, có một cuộc đấu tranh từ dưới lên. Câu kết luận của tôi trong bài viết mới đăng trên VietnamNet là sức mạnh tự thân vẫn là từ dân tộc và nhân dân, bằng cách đó nó sẽ buộc những người lãnh đạo có thiện chí hay không có thiện chí, có phẩm chất hay kém phẩm chất, cũng phải chịu sự áp lực đó, làm thế nào để gây được sự tín nhiệm đối với người dân.”

Cần nghiêm minh

Cùng đề tài “làm giàu nhanh, lên chức nhanh”, luật sư Phạm Hồng Hải, phó Chủ tịch Đoàn luật sư toàn quốc Việt Nam phân tích thêm, đồng thời cũng nói lên quan điểm của mình:

Anh kiếm nhiều tiền bằng biện pháp bất minh, thì điều đó cần phải phản ứng, lên án, và trong điều kiện hiện nay thì cần phải trừng trị những hành vi đó.

LS Phạm Hồng Hải

“Tôi cũng rất quan tâm và gần đây, tôi có đọc báo, nghe bài phát biểu của một số nhà lãnh đạo, và các địa phương nữa, cũng bàn tới chuyện này, tức là không bầu những người giàu nhanh một cách bất hợp pháp, vào các chức vị này khác của đảng và nhà nước. Làm giàu nhanh, bất hợp pháp là những con người không trong sáng, không thể được giới thiệu và bầu vào những vị trí quản lý, đó là điều đương nhiên. Tôi nghĩ là có những người không phân biệt được thế nào là giàu nhanh, do tài năng, do trí tuệ. Trong cuộc sống xã hội ngày nay, ai cũng muốn có phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống, của cá nhân, gia đình mình, địa phương và cả đất nước, đó là một mục tiêu rất tốt. Chúng ta phải khuyến khích những người có trí tuệ, có sức khỏe, biết kinh doanh, sáng tạo để kiếm nhiều tiền, và cần phải lên án mạnh mẽ những người tham nhũng, làm giàu nhanh. Trong một khoảng thời gian mà anh kiếm nhiều tiền bằng biện pháp bất minh, thì điều đó cần phải phản ứng, lên án, và trong điều kiện hiện nay thì cần phải trừng trị những hành vi đó.”

Mặt khác ông cũng mong muốn cấp lãnh đạo kiên quyết đối với những hiện tượng tiêu cực và có liên hệ chặt chẽ với nhau:

“Hiện tượng chạy chức, chạy quyền, thì bây giờ đã có một số đồng chí lãnh đạo nói tới rồi, chúng ta cần phải đấu tranh, kiên quyết với nó. Nhà nước rất quan tâm đến biểu hiện tham nhũng hiện nay, đã có luật phòng chống tham nhũng, rồi trong tất cả các cuộc họp, các hội nghị của đảng, đại hội đảng, kỳ họp quốc hội, mọi người đều rất quan tâm đến việc này, để làm cho xã hội văn minh, phát triển, tiến tới như các nước văn minh khác, đó là một biện pháp rất quan trọng. Tham nhũng là một hiện tượng gắn liền với một loạt các tệ đoan khác, chính vì thế tham nhũng được coi là một biện pháp hàng đầu để mà thực hiện những nhiệm vụ khác nữa.”

Vẫn theo ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thì nhân đại hội đảng kỳ này, cấp lãnh đạo cần lựa chọn các ủy viên Trung ương đảng có đầy đủ tiêu chuẩn không tham nhũng, lãng phí, và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xóa bỏ những đối tượng như vậy khỏi hàng ngũ đảng và chánh phủ.

Dư luận quần chúng Việt Nam mong mỏi đại hội đảng XI sẽ mang lại cho đất nước Việt Nam nhiều thay đổi rõ nét như những văn kiện dự thảo, những bài tham luận thực tiễn được trình bày công khai, gây chú ý đặc biệt, trong vấn đề nhân sự, chính sách, đường lối để đất nước sớm tiến bộ, dân chủ và người dân được sung túc, tự do.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.