Không thi hành nghị định tăng lương hay cố ý chận bớt lương?

Hoàng Dung, thông tín viên RFA
2016.01.09
cong-nhan-622 Vào ngày 04/01/2016 công nhân ở công ty Triumph phường Bình Thọ, quận Thủ Đức đã biểu tình để phản đối vì công ty không trả đúng lương theo như pháp luật quy định có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Photo courtesy of TPO

Vào ngày 04/01/2016 công nhân ở công ty Triumph phường Bình Thọ, quận Thủ Đức đã biểu tình để phản đối vì công ty không trả đúng lương theo như pháp luật quy định có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14/12/2015 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức người Việt Nam; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam thuê mướn lao động theo hợp đồng.

Theo đó, mức lương tối thiếu sẽ tăng hơn mức lương hiện tại là 250.000-400.000 đồng/tháng, tùy theo từng vùng.

Cụ thể, đối với vùng I, mức lương mới được áp dụng là 3,5 triệu đồng/tháng thay vì 3,1 triệu đồng/ tháng vào năm 2015. Đối với vùng II, III, IV thì mức tăng lương tương ứng là 3,1 triệu đồng/tháng, 2,7 triệu đồng/tháng và 2,4 triệu đồng/ tháng.

Nghị định cũng nêu rõ, đây là mức lương thấp nhất để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trả lương.

Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc ban đêm, làm công việc nặng nhọc, độc hại. Phụ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Công nhân biểu tình

Công việc của chúng em thì nhiều, làm việc thì luôn bị áp lực thế mà lương chúng em nhận chẳng được mấy đồng, nay chính phủ có quy định tăng lương, thế mà công ty lại cắt xén.
-Chị N

Vào sáng ngày 04/01/2016 khoảng hơn 1000 công nhân thuộc công ty Triumph International phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh đã đồng loạt biểu tình để phản đối công ty vì công nhân không đồng ý với cách tính lương của công ty, trước đó các công nhân cũng đã tập trung về tại trụ sở chính của công ty để phản đối.

Chị Nguyễn Thị N xin được giấu tên làm ở tổ may, đến từ Nghệ An chị đã làm việc trong công ty được 3 năm rồi chia sẻ, theo nghị định mới của chính phủ cũng như thông báo mà công ty trước đó đã nói, thì mỗi công nhân được tăng thêm 400 ngàn/1 tháng, nhưng sau đó công ty lại thông báo là giảm 2,5% lương trong số 5% lương mà công nhân được hưởng, tức là thay vì 400 ngàn công nhân được hưởng thì bay giờ công nhân họ chỉ nhận được 200 ngàn, bức xúc trước sự việc này nhiều công nhân đã bỏ làm để biểu tình.

Chị N tiếp lời:

“Công ty họ làm như vậy là quá đáng, lương chúng em thì 3 cọc 3 đồng, tăng như vậy chúng em chưa đủ sống mà họ (công ty) lại còn cắt xén, mà họ lại bắt chúng em làm việc kiệt sức, chúng em không hài lòng với cách làm đó của công ty nên chúng em sẽ tiếp tục đình công khi nào họ đồng ý mới thôi.”

Chị N cũng cho biết thêm, công nhân rất trông mong vào số tiền tăng mà chính phủ sẽ quy định vì như vậy họ sẽ có thêm thu nhập giúp đảm bảo cuộc sống và cũng dịp cuối năm nên số tiền lương tăng ít ỏi trong dịp tết này có thể phụ giúp thêm cho gia đình:

“Công việc của chúng em thì nhiều, làm việc thì luôn bị áp lực thế mà lương chúng em nhận chẳng được mấy đồng, nay chính phủ có quy định tăng lương, thế mà công ty lại cắt xén, dịp cuối năm rồi ai cũng mong kiếm thêm tiền về ăn tết mà công ty làm vậy thì công nhân chúng em có mà chết hết.”

Tuy nhiên, dưới áp lực gây sức ép của công nhân thì vào 12h cùng ngày ban giám đốc của công ty đã phải giữ nguyên tiền của công nhân là 5%, mà công nhân được hưởng theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Hiện nay, theo chúng tôi được biết việc không thi hành đúng nghị định tăng lương hay cố ý chận bớt lương mới xảy ra ở công ty Triumph International.

Theo công nhân ở công ty Triumph International cho biết, thì nhờ sự hướng dẫn của một số thành viên trong lao động Việt và những bài viết trên Page lao động Việt, nên công nhân mới biết những quyền lợi của mình và sau khi biết họ đã đứng lên để đòi.

Lao động Việt bị làm khó dễ

Hai thành viên của lao động Việt: Anh Hoàng Bình với vết thương trên cổ vì bị đánh và Cô Đỗ Thị Minh Hạnh.
Hai thành viên của lao động Việt: Anh Hoàng Bình với vết thương trên cổ vì bị đánh và Cô Đỗ Thị Minh Hạnh.
Photo courtesy of LĐV

Lao động Việt được thành lập để hỗ trợ cho công nhân về mặt pháp lý, khi mà công đoàn lao động không có những trợ giúp nào, tuy nhiên lao động Việt vẫn chưa được công nhận ở Việt Nam mà chính quyền Cộng Sản Việt Nam luôn có những hành động gây khó dễ cho lao động Việt trong những việc tiếp cận với công nhân để trợ giúp cũng như phổ biến về pháp luật và những quyền lợi mà công nhân được hưởng.

Theo chị Minh Hạnh thành viên của lao động Việt cho biết, thì trong một vài tháng trở lại đây nhiều thành viên của lao động Việt bị bắt bớ và đánh đập một cách vô cớ, còn chị Minh Hạnh thì bị công an, dân phòng canh giữ 24/24 không cho ra khỏi nhà.

Chị Minh Hạnh tiếp lời:

“Khó khăn hiện tại của lao động Việt đang gặp, thì hiện nay lao động Việt đang bị đàn áp một cách khốc liệt lắm. Vừa qua, ngày 22/11 hai thành viên của lao động Việt bị bắt và bị đánh đập tại Đồng Nai. Ngày 25/12 thì một thành viên của lao động Việt đã bị bắt khi giữ 4.000 tờ rơi chuyển lời của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về nghiệp đoàn độc lập và bị đánh đập rất dã man, thậm chí là moi mắt, bị cắn, bị cào. Sau đó 8 người khác cũng bị bắt khi mà đòi anh bị đánh đập thẩm chí có em bị động chạm vào vết thương bị ở nơi tay gãy làm ảnh hưởng tới xương của em. Đây là một trở ngại rất lớn, sau đó những thành viên của lao động Việt liên tục bị theo dõi gặp và bao vây nhà cửa trong đó có ký giả Trương Minh Đức và Minh Hạnh bị canh giữ 24/24.”

Khó khăn hiện tại của lao động Việt đang gặp, thì hiện nay lao động Việt đang bị đàn áp một cách khốc liệt lắm.
-Chị Minh Hạnh

Chị Minh Hạnh cũng chia sẻ, từ khi lao động Việt được thành lập thì lao động Việt luôn cố gắng để tiếp cận và giúp đỡ cho công nhân, tuy nhiên khi có những trường hợp công nhân biểu tình phản đối thì luôn có những công an, bảo vệ canh phòng không cho lao động Việt tiếp cận, bên cạnh đó công ty còn tuyên truyền lao động Việt là những tổ chức “phản động” để công nhân đề phòng không cho lao động Việt tiếp cận:

“Lao động Việt tiếp cận công nhân ở những khu công nghiệp thời gian gần đây họ đã rất khắt khe trong vấn đề quản lý công nhân và tuyên truyền rằng lao động là một tổ chức phản động để cho công nhân sợ nghiêm cấm công nhân không được gặp lao động Việt. Bên cạnh đó trong những cuộc đình công nhân lại xuất hiện rất nhiều công an, dân phòng bao vây quanh đó cho nên việc tiếp cận công nhân ngày càng khó khăn hơn.”

Chị Minh Hạnh cũng chia sẻ với chúng tôi, lao động Việt chỉ giúp cho các công nhân hiểu biết về pháp luật và những quyền lợi của công nhân được hưởng, nhưng lại bị công an và công ty làm khó dễ, có những công ty còn hạn chế công nhân của mình lên mạng xã hội vì theo họ khi công nhân lên mạng xã hội họ sẽ biết được nhiều hơn về quyền lợi của công nhân và khi công nhân biết họ sẽ đòi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.