Chính phủ Hà Nội loay hoay khi tổng cầu sụt giảm mạnh!

2023.07.18
Chính phủ Hà Nội loay hoay khi tổng cầu sụt giảm mạnh! Sức mua của Việt nam giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh minh hoạ
Reuters

Tình hình kinh tế Việt Nam dự báo trong sáu tháng cuối năm không mấy sáng sủa qua các chỉ số kinh tế “ảm đạm”; bên cạnh đó sự sụt giảm tổng cầu báo hiệu khó khăn chồng chất.

Tổng cầu sụt giảm, khó khăn chồng chất

Trong sáu tháng đầu năm, các chỉ số tăng trưởng của Việt Nam bị đánh giá là ảm đạm.

Theo Tổng cục thống kê, GDP sáu tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%. Đây là mức tăng thấp thứ hai so với cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020 - thời điểm có dịch COVID.

Mạng báo Vietnam Finance dẫn lời các chuyên gia kinh tế trong nước cho biết, tổng cầu của Việt Nam đang suy giảm mạnh, tình hình kinh tế hiện nay được đánh gia là khó khăn nhất trong 30 năm qua.

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, tổng cầu giảm nghĩa là chi tiêu, sức mua của người tiêu dùng giảm. Điều đó ảnh hưởng lớn đến GDP, có thể đẩy nền kinh tế, vốn đã trì trệ, càng tồi tệ hơn:

“Nhiều hàng hóa sản xuất ra không có người mua, ứ đọng, không tiêu thụ thì nó cũng ảnh hưởng nhiều đến GDP. Vì thế khi tổng cầu, không chỉ cầu về tiêu thụ, mà tất cả cầu về đầu tư, tài chính… mà giảm thì hàng hóa, tiền tệ không lưu chuyển. Từ đó nó đẩy nền kinh tế vào giai đoạn trì trệ. Đó là cái mà chúng ta đã nhìn thấy.”

Tổng cầu của một quốc gia được đánh giá dựa trên các yếu tố “sức mua người tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu ca chính phủ và xuất khẩu ròng.

Tiến sỹ Trí Hiếu cho biết chỉ trong sáu tháng đầu năm có khoảng 100.000 doanh nghiệp đã đóng cửa. Người lao động mất việc, không có thu nhập dẫn đến chi tiêu giảm.

Về chi tiêu chính phủ, hiện nay, các dự án đầu tư công đều đình trệ. Giải ngân vốn đầu tư công là hơn 211 nghìn tỷ đồng, đạt 29,13% kế hoạch và đạt 31,1% nhiệm vụ được giao.

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong sáu tháng đầu năm đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nước ngoài không chọn rót tiền vào Việt Nam.

Ví dụ, Việt Nam đã không còn là nước có chi phí sản xuất, chi phí nhân công thấp, khi mức lương đầu người mỗi năm hiện nay tương đương khoảng 4.110 USD. Ngoài ra, thể chế không minh bạch cũng là điểm yếu của Việt Nam trong thu hút đầu tư:

“Chế độ Việt Nam hiện nay không minh bạch, không tôn trọng tài sản, luật lệ, không bảo vệ nghiêm ngặt quyền sở hữu của người dân và của các doanh nghiệp.

Cho nên một doanh nghiệp khi muốn sang Việt Nam thì họ phải cân đo đong đếm các giá trị đó. Thể chế không được minh bạch, có nhiều chi phí ngầm làm cho doanh nghiệp rất khó khăn để hoạt động thì tốt nhất là họ sẽ chuyển sang các nước khác có thể chế dân chủ hơn hoặc là gần gũi  về giao thông hơn.”

Hành động của Chính phủ là chưa đủ

Theo tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ, tăng tổng cầu có thể đến từ hai nguồn: từ chi tiêu của người dân và từ chính phủ.

“Trước mắt, chính phủ có thể chi tiêu thông qua các dự án đầu tư công để kích cầu. Nhưng mà về dài hạn thì tổng cầu phải đến từ người dân. Người dân phải có thu nhập, có công ăn việc làm thì từ đó tổng cầu mới bền vững được.”

Chính phủ hiện nay đang thúc đẩy tiến hành một số dự án như đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Namxây dựng sân bay Long Thành, hay ưu tiên các dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, ông Huy Vũ lưu ý:

“Vấn đề lớn nhất hiện nay là khi Chính phủ đầu tư là nó phải bảo đảm rằng số tiền được đầu tư phải tạo ra hạ tầng có hữu ích cho đất nước, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Còn nếu trong tình trạng tham nhũng tràn lan thì chính quyền đầu tư chỉ tạo ra một tổng cầu trong ngắn hạn, kích thích sức mua trong ngắn hạn mà không tạo ra một nền tảng để phát triển đất nước, làm cho tổng cầu phát triển tốt trong tương lai.”

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho biết hiện chính phủ đã thực hiện một số chính sách để kích cầu tăng trở lại. Ví dụ như chính phủ đã giảm 2% thuế VAT, từ 10% xuống 8% đến cuối năm nay; giảm lãi suất điều hành hoặc thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, các hành động đó, theo ông Hiếu là chưa đủ:

“Tăng cầu thì chính phủ cũng đã làm nhưng chưa đủ. Thứ nhất là chính phủ cũng đã giảm thuế VAT nhưng mà theo tôi giảm 2% có lẽ không có tác dụng gì nhiều mà cần phải giảm cho đến 5%.

Đầu tư công thì chính phủ cũng đang thúc đẩy thế nhưng giải ngân vẫn còn rất trì trệ. Thành ra, mặc dù chính phủ có nhiều biện pháp nhưng mà cũng chưa kích thích được nền kinh tế để vượt khỏi sự trì trệ hiện tại.”

Ngoài ra, tiến sỹ Trí Hiếu còn đề nghị tăng lương cơ bản nhiều hơn nữa hoặc giảm trừ gia cảnh nhiều hơn, chứ mức tăng lương hiện nay chưa theo kịp lạm phát.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
18/07/2023 19:03

Đầu tư công đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và tăng tổng cầu trong giai đoạn dài vừa qua. Nay với chiến dịch chống tham nhũng thì các dự án lớn của nhà nước, của các thể chế tài chính quốc tế cho vay đều không đạt tỷ lệ giải ngân theo yêu cầu, vì cán bộ công chức không ai dại gì làm với bao nhiêu là quy định, pháp luật không rõ ràng, không "ăn chia" được như trước đó, dễ bị "chụp" cho cái mũ tham nhũng và lợi dụng chức vụ và quyền hạn, các cơ quan chủ đầu tư và chủ quản đầu tư không dám "ăn mạnh" như trước, nên không phê duyệt kết quả đấu thầu, kết quả cạnh tranh giá. Đó là tình trạng "lãn công" trong toàn bộ hệ thống hành chính của nhà nước. Còn doanh nghiệp tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài cũng không còn "mặn mà" với kinh doanh, đầu tư ở thị trường VN vì lợi nhuận không còn lớn, không còn hấp dẫn nữa. Các dự án lớn như là "nguồn của các con sông" không còn thì các con sông cũng không còn nước. Đó là hậu quả của một chính sách chính trị sai lầm, thiển cận, chỉ quan tâm đến lợi ích của đảng cầm quyền, không quan tâm thích đáng đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Người dân VN nhịn ăn nhịn mặc đê xây dựng thiên đường xhcn, nhưng thiên đường còn xa vời, hàng trăm năm nữa để đảng và cán bộ công chức làm giàu, lũng đoạn quyền lực trong thể chế độc đảng.