Tranh chấp Việt-Trung: song phương, đa phương hay quốc tế hóa?

Tuần này sự kiện quốc tế đáng chú ý liên quan đến Việt Nam là cuộc đối thoại chiến lược về quốc phòng-an ninh cấp thứ trưởng lần thứ hai tại Bắc Kinh
Việt-Long- RFA
2011.08.31
Biển Đông, với những vùng tranh chấp-Wikipedia photo
-Wikipedia photo

Hội nghị quốc phòng này do Thứ trưởng quốc phòng Việt Nam, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, và phó Tổng tham mưu trưởng quân đội  Trung Quốc, thượng tướng Mã Hiểu Thiên đồng chủ trì. 

Tin tức quốc tế cho hay, hai bên đồng ýquan tâm không để nước ngoài khác can thiệp, khiêu khích trong vấn đề tranh chấp biển Đông, đẩy mạnh hợp tác song phương về quốc phòng, mở rộng quan hệ quân sự sang những lĩnh vực mới, như trao đổi các phái đoàn quân sự, trong đó có cả các sĩ quan học viên quân sự, không nói ở cấp bậc nào, và thiết lập đường dây nóng giữa  hai bộ quốc phòng.   Có gì mới trong lần đối thoại thứ hai này?  

Tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc-AFP photo
Tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc-AFP photo
AFP photo

Việc mở rộng quan hệ quân sự đã được biết là hai bên đã có dự kiến, nay chỉ có thêm chi tiết. Việc thiết lập đường dây nóng giữa hai Tổng bí thư đảng Cộng sản hai nước đã từng được loan báo cách nay mấy năm. Hồi năm 2009 hai bộ ngoại giao lại ký kết việc thiết lập đường dây nóng giữa giới lãnh đạo hai bên, mà không nói rõ cấp chức nào, nhân vật lãnh đạo nào, và tình trạng của đường dây điện thoại nóng đó cũng không được loan báo  rõ ràng, sau những biến cố xung khắc trên biển Đông. Nay hai bên nói tới đường dây nóng giữa hai bộ quốc phòng, nhưng cũng không nói rõ dành cho hai bộ trưởng hay cấp nào trong bộ.

Chuyện mới lạ và đáng chú ý là ở những lời tuyên bố của hai bên trong vấn đề gọi là “nước ngoài khiêu khích” .

Trong những lời tuyên bố được loan báo, nhìn chung hai bên đều nhấn mạnh việc không để nước ngoài khiêu khích, nói nghĩa đen là “đổ dầu vào lửa” cho cuộc tranh chấp biển Đông. Nhưng xem kỹ, phía Việt Nam không chỉ nói như vậy.

Chiến hạm tối tân USS Chung Hoo (ở phía xa) từng ghé Việt Nam-AFP photo
Chiến hạm tối tân USS Chung Hoo (ở phía xa) từng ghé Việt Nam-AFP photo
AFP photo
Yếu tố bên ngoài can dự vấn đề biển Đông được nói tới trong cuộc tiếp kiến của bộ trưởng quốc phòng Lương quang Liệt với thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh mang nội dung đúng như thế. Và trong cuộc đối thoại song phương trước đó, phó Tổng tham mưu trưởng Mã Hiểu Thiên của quân đội Trung Quốc đề cập thẳng thắn đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, coi đó là điểm bất đồng nhạy cảm nhất, cần “xử lý thỏa đáng” bằng các biện pháp hoà bình, và ông nhắc lại điều mà nhiều người coi như lời cảnh cáo, rằng hoà bình thì hai bên cùng có lợi, đối đầu hai bên đều thiệt  hại.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu với ngụ ý rằng vấn đề biển Đông cần được chia làm ba phương pháp giải quyết, đó là giải quyết trên bình diện quốc tế, giải quyết giữa nhiều nước liên quan, và giải quyết song phương. Ông cũng nói Việt Nam không có ý định quốc tế  hóa các vấn đề giữa hai nước vì chính lợi ích của Việt Nam, điều ấy mang ý nghĩa gì?

Thứ trưởng quốc phòng Việt Nam tỏ ra mềm mỏng khi nói rằng Việt Nam không thể dựa vào nước này để chống nước kia, như vậy mới có được độc lập, tự chủ và quan hệ tốt với cộng đồng thế giới. Sau nữa ông còn nhấn mạnh rằng Việt Nam cần sự ủng hộ và đồng cảm của  Trung Quốc hơn bất kỳ nước ngoài nào. 

Tuy nhiên về vấn đề quốc tế hóa, thì thứ trưởng quốc phòng Việt Nam nói rõ ba đường lối giải quyết. 

Ông nói rằng những vấn đề mang tính quốc tế theo Luật Biển Liên Hiệp Quốc phải được giải quyết trên bình diện quốc tế, xử lý theo luật pháp quốc tế.

Thứ nhì, những vấn đề thuộc biển Đông mà liên quan đến nhiều nước cần phải giải quyết giữa những nước liên quan.

Hàng không mẫu hạm Viraat của Ấn Độ- Wikipedia Common file
Hàng không mẫu hạm Viraat của Ấn Độ- Wikipedia Common file
Wikipedia Common file

Sau cùng, những vấn đề liên quan giữa hai nước thì cần giải quyết song phương.

Thứ trưởng quốc phòng Việt Nam lại nói thêm, những tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam- Trung Quốc thì rõ ràng cần giải quyết giữa hai nước THEO LUẬT PHÁP QUỐC TẾ và công khai minh bạch. Câu này mang ý nghĩa gì?

Tướng Vịnh muốn nói đến giải pháp song phương trước tòa án về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc chăng? Trong khi đó ông vẫn xác định là “không quốc tế hóa vấn đề”.  Điều này khá ngộ nghĩnh! Người ta nghĩ sao nếu thứ trưởng quốc phòng Việt Nam ngụ ý rằng giải quyết song phương bằng cách hai nước nên đưa nhau ra trước một tòa án quốc tế trong tính cách “công khai minh bạch”? 

Đây chính là lập trường của Philippines lâu nay. Và nếu đúng là thứ trưởng quốc phòng Việt Nam có ngụ ý như vậy thì lại phù hợp với lập trường xưa nay của Việt Nam, là muốn Liên Hiệp Quốc can dự vào vấn đề tranh chấp biển Đông. Khi thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh vẫn khẳng định là không “quốc tế hóa”, thì phải chăng đó chỉ là cách nói của ông Vịnh trong một hội nghị gọi là hợp tác quốc phòng với Trung Quốc... 

Phi đạn cruise tàng hình siêu thanh BrahMos, trang bị cho hải quân Ấn Độ- Wikipedia Common file
Phi đạn cruise tàng hình siêu thanh BrahMos, trang bị cho hải quân Ấn Độ- Wikipedia Common file
Wikipedia Common file
Gọi là “ngộ nghĩnh”, khi người ta còn thấy đường lối giải quyết thứ nhì mà ông Vịnh nói, chính là giải quyết đa phương giữa  Trung Quốc và các nước có liên quan đến chủ quyền lãnh hải biển Đông, rồi đường lối thứ ba là vấn đề ranh giới biển đảo giải quyết qua đàm phán song phương. Giải pháp song phương "bẻ đũa từng chiếc" mới là điều  Trung Quốc khát khao đòi hỏi nhưng chưa bao giờ được vừa ý.

Còn một điểm nữa đáng chú ý, là thứ trưởng quốc phòng Việt Nam tuy phụ họa với trưởng đoàn Trung Quốc về việc đề phòng sự khiêu khích từ nước ngoài, ngụ ý là Hoa Kỳ chứ không ai khác, nhưng Việt Nam vẫn liên tục mời chào tàu chiến Mỹ và Ấn Độ đến thăm viếng và thao dượt trong năm qua.  Hải quân Ấn Độ còn huấn luyện tác chiến cho hải quân Việt Nam nữa.  Trong lịch sử loài người từ xưa đến nay phải chăng lời nói ngoại giao và hành động quân sự-quốc phòng thường khác hướng?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
31/08/2011 11:39

China chỉ tìm cách câu giờ, họ sẽ ra tay khi thuận lợi. Có đàm phán thì chỉ nói chung chung, chả đi đến đâu. VN phải đề phòng và tìm thêm phương cách khác.

Anonymous
01/09/2011 08:09

Đây là cuộc đối thoại của 2 tên điếm chảy gặp nhau : nghĩa là nói cho hay để quốc tế thấy mình có thiện chí nhưng khi hành động thì ngược lại. Sau hội nghị TQ cứ tiếp tục gửi tàu Hải Giám và Ngư Chính ra bắt nạt ngư dân VN , còn VN cứ tiếp tục mời Mỹ , Ấn Độ , Nhật , Hàn , Singapore đem tàu chiến vào ghé thăm Đà Nẵng , Cam Ranh....

Anonymous
01/09/2011 22:25

Việt nam và Trung quốc đã nâng cách Nói một đằng làm một nẻo lên trình độ nghệ thuật.

Anonymous
01/09/2011 03:38

VN không dám lên tiếng phản đối Trung Quốc luôn tuyên bố họ có chủ quyền khắp cả Biển Đông, sở hữu quần đảo Trường Sa, nơi có nhiều dầu mỏ. Trường Sa và Hoàng Sa vốn của VN, nhưng đảng đã ký công hàm thừa nhận của China. Tại sao đảng đàn áp nhân dân phản đối đảng và China.

Anonymous
04/09/2011 18:52

Các Vấn đề song phương hay đa phương thì tự bản chất của nó đã chứa đựng những yếu tố đó. Giải quyết song phương hay đa phương cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế và lịch sử.

Anonymous
04/09/2011 15:11

Tranh chấp biển đông nguyên nhân chủ yếu là nguồn năng lượng mới. Tại sao không chủ trương hợp tác khai thác nguồn năng lượng này. Bản thân VN kĩ thuật còn yếu, có thể mượn nhờ kĩ thuật nước ngoài, sử dụng đa phương hợp tác, ai điều kiện tốt hơn thi hợp tác, làm sao mang lại lợi ích lớn nhất cho VN. Còn về chủ quyền đất đai, lãnh thổ quyết không khoan nhượng,cần thiết chiến tranh thì chiến tranh, dân tộc VN từ xưa đến nay không sợ chiến, dù cho chết đến người cuối cùng.