Năng suất lao động của Việt Nam sao cải thiện chậm?

0:00 / 0:00

Vấn đề năng suất lao động của Việt Nam mới đây lại được nêu lên tại Hội nghị ‘Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập’ vào ngày 20/8/2022.

Đại diện Ngân hàng Thế giới - World Bank tại Hội nghị cho biết, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về nhân lực sau đào tạo. Tại khu vực ASEAN, Việt Nam hiện vẫn nằm trong nhóm ba nước thấp nhất.

Năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá thấp hơn so với các quốc gia khác trong khối ASEAN vào năm 2017, theo Tổng cục Thống kê, thậm chí đã sút hẳn so với Lào, chỉ còn xếp trên Campuchia.

Năng suất lao động của Việt Nam khi đó đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; bằng 17,6% của Malaysia; bằng 36,5% của Thái Lan; bằng 42,3% của Indonesia; bằng 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.

Năng suất lao động của Việt Nam thấp và được cải thiện chậm. Lý do là vì các cái doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam quá nhỏ bé và không có tiền vốn để đầu tư vào những trang thiết bị hiện đại.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khi trả lời RFA hôm 22/8, cho rằng:

“Chưa chắc là đã đúng mình thua Lào với Campuchia, nhưng tôi vẫn cảm nhận năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp vì vấn đề đào tạo của mình và nhiều vấn đề khác hạn chế phát triển của con người. Chúng ta phải cố gắng hết sức mỗi ngày làm sao đẩy lùi những cái kiềm chế phát triển con người, để nâng cao năng suất lao động của dân tộc của mình lên. Đây là việc của mọi người và đồng thời là vấn đề của quản lý nhà nướ. Tại sao Việt Nam không phải là một dân tộc yếu hèn, có được năng lực sáng tạo lớn nhưng vẫn đi theo sau thiên hạ, trong đó có vấn đề quản lý nhà nước. Mọi người đều cố gắng thì quản lý nhà nước cũng phải cố gắng thôi, làm sao tạo điều kiện để dân tộc ta phát triển tốt.”

Theo báo cáo của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế - ILO, GDP mỗi giờ làm việc năm 2021 của lao động Việt Nam đã cải thiện vị trí so với năm 2017, lên mức 7.3 USD, xếp trên Lào hai hạng khi nước này đạt 7.1 USD và Campuchia đạt 3.6 USD.

Dù Việt Nam đã có tiến bộ trong việc tăng năng suất lao động, nhưng theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI, cho biết tại Hội nghị hôm 20/8 thì tỷ lệ lao động có kỹ năng tay nghề của Việt Nam chỉ chiếm 11%, còn thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu, gặp khá nhiều hạn chế khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất. Mức lương trung bình tháng của lao động Việt Nam khoảng 300 USD, tương đương 7 triệu đồng, thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực hiện ở mức 1.992 USD.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia kinh tế - tài chính, từ Mỹ về Việt Nam làm việc hơn 12 năm qua, nhận định với RFA hôm 22/8:

“Năng suất lao động là GDP đầu người thực tế của người lao động. Con số của Việt Nam thấp vì thứ nhất, vào thời kỳ dịch bệnh vừa rồi nhiều cơ xưởng đóng cửa, người lao động mất công ăn việc làm, một số phải bỏ về quê. Dù chỉ kéo dài vài tháng nhưng ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến thu nhập của người lao động, và nếu dùng thu nhập của người lao động để đo lường năng suất lao động thì năm 2021 là năm băng suất lao động xuống rất thấp. Bởi vậy, chúng ta phải có một cái nhìn tổng thể hơn.”

000_9VZ3RX.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội ngày 12 tháng 1 năm 2022. AFP PHOTO.

Với 12 năm làm việc tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng năng lực của người lao động đã được cải tiến rất nhiều, đặc biệt là tại những khu công nghiệp. Ông Hiếu so sánh:

“Nếu lấy khoảng thời gian 20 năm vừa qua, rõ ràng người lao động đã được đào tạo rất nhiều, từ một trình độ rất thấp không đủ sức lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài… giờ đây các nhà đầu tư lớn, công xưởng của thế giới đã đến Việt Nam. Họ tin tưởng trình độ lao động của người Việt Nam và kỹ năng quản trị. Nhưng tôi cũng phải nói chúng ta có thể lôi kéo được họ một phần là do tình hình kinh tế chung của thế giới, khi mà rất nhiều nhà đầu tư rút khỏi Trung Quốc do biến chuyển quan hệ Mỹ - Trung. Các công ty đó đã rút về các quốc gia mà họ cảm thấy an toàn hơn, trong đó có Việt Nam có vị trí gần với Trung Quốc. Tóm lại có nhiều yếu tố các nhà đầu tư đến Việt Nam, nhưng trong đó có yếu tố năng lực lao động của Việt Nam đã được tăng cường.”

Ông Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam - VEPR từ năm 2008 đến 2020, khi trả lời báo chí trong nước cho rằng, Việt Nam đã thất bại trong việc cải thiện năng suất lao động trong 10 năm qua và vẫn đang đứng thứ 3 từ dưới lên trong khối ASEAN.

Tôi nghĩ rằng năng suất lao động của Việt Nam sẽ được cải thiện hơn nếu như Việt Nam khuyến khích có mật độ của doanh nghiệp trên 1.000 dân cao hơn.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA hôm 22/8, cũng cho rằng năng suất lao động của Việt Nam chậm cải thiện:

“Năng suất lao động của Việt Nam thấp và được cải thiện chậm. Lý do là vì các cái doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam quá nhỏ bé và không có tiền vốn để đầu tư vào những trang thiết bị hiện đại. Thứ hai là chất lượng của nguồn nhân lực được đào tạo chưa cao, cho nên chúng ta chỉ có thể cung cấp các lực lượng lao động giá rẻ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chủ yếu làm lắp ráp và ít các hoạt động có tính chất khoa học công nghệ cao. Để giải quyết việc này thì cần phải tập hợp các doanh nghiệp tư nhân có thể liên kết lại với nhau để hình thành các doanh nghiệp lớn đủ sức đầu tư các thiết bị hiện đại, có thể kết nối các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam hay kết nối vào các chuỗi giá trị đầu tư với các tập đoàn lớn ở nước ngoài.”

Theo ông Doanh, Việt Nam đã nhận thức được vấn đề này, nhưng vấn đề là chưa tổ chức thực hiện tốt. Ngoài ra, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết thêm:

“Tôi nghĩ rằng năng suất lao động của Việt Nam sẽ được cải thiện hơn nếu như Việt Nam khuyến khích mật độ của doanh nghiệp trên 1.000 dân cao hơn. Hiện nay chúng ta chỉ có khoảng độ 800 ngàn doanh nghiệp hoạt động và sau hai năm đại dịch thì số doanh nghiệp có lẽ chỉ còn gần 700 ngàn doanh nghiệp, so với 98 triệu dân như vậy là quá ít.”

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu số doanh nghiệp tư nhân ít mà lại có quy mô quá nhỏ, thì năng suất lao động thấp là điều dễ hiểu.