Hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đang bồi đắp đảo thuộc quần đảo Trường Sa

2021.10.25
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đang bồi đắp đảo thuộc quần đảo Trường Sa Hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động cải tạo đang diễn ra ở mũi phía Nam của đảo Phan Vinh trên Biển Đông hôm thứ Sáu tuần trước
Ảnh: Planet Labs

Hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy Việt Nam đang tiến hành các hoạt động xây dựng và bồi đắp một đảo đá xa xôi mà quốc gia Đông Nam Á này chiếm giữ trong khu vực Biển Đông đang có tranh chấp.

Thực thể được nói đến là đảo Phan Vinh thuộc chuỗi đảo Trường Sa. Việt Nam đã chiếm đảo đá này từ năm 1978 và trước đó đã cải tạo khoảng sáu mẫu Anh đất ở đó.

Khi so sánh với hình ảnh chụp từ tháng ba năm nay, hình ảnh Planet Labs chụp hôm thứ sáu tuần trước cho thấy đã có những hoạt động xây dựng và cải tạo đang được tiến hành ở mũi phía nam của phần phía bắc của đảo này. Sự khác biệt thậm chí còn rõ ràng hơn khi so sánh với hình ảnh chụp từ tháng 6 năm 2020.

2.png
Hình ảnh vệ tinh chụp cách nhau khoảng 16 tháng cho thấy việc mở rộng đảo Phan Vinh vốn đã được cải tạo. Ảnh: Plannet Labs

“Hình ảnh của Planet cho thấy một cách chắc chắn một chiếc sà lan được kéo lên và cái gì đó trông giống như những chùm trầm tích trong nước” – ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington nói với Đài Á Châu Tự do (RFA).

“Có khả năng là họ đã mang cát và máy xúc vào và đang tập trung những thứ này ở rìa phía nam của hòn đảo để mở rộng nó. Đảo Phan Vinh đã được mở rộng thêm khoảng sáu mẫu Anh nhưng tất cả việc đổ đất trước kia đã được thực hiện từ  trước năm 2014” – ông Poling nói.

Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy trong tuần này, cũng đã có một số tàu đang ở gần đảo Phan Vinh. Mỗi chiếc có chiều dài khoảng 50 đến 70 mét, gợi ý rằng chúng có thể là tàu tiếp tế.

Chính phủ Việt Nam thường không bình luận về những sự kiện như vậy, nhưng theo AMTI, kể từ năm 2014, Việt Nam đã “mở rộng một cách từ từ” nhiều thực thể mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho biết Việt Nam có “đầy đủ bằng chứng về chủ quyền của mình đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

“Liên quan đến  việc cải tạo các thực thể ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam luôn nói rõ rằng chúng tôi nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông, cũng như các thỏa thuận đã đạt được với Trung Quốc và các nước ASEAN khác” - ông Ca nói với RFA với tư cách cá nhân và không bình luận trực tiếp về diễn biến tại đảo Phan Vinh.

“Việt Nam chỉ thực hiện các công trình chống xói mòn và sạt lở đất để bảo vệ các thực thể chứ không mở rộng cũng như thay đổi cấu trúc của các đảo dưới quyền kiểm soát của mình” – ông nói.

Đặt theo tên một vị anh hùng dân tộc

Trường Sa, một quần đảo gồm các đảo, cồn cát và đảo đá ngầm ở phía nam của Biển Đông, là đối tượng tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Malaysia.

Đảo Phan Vinh được AMTI xếp ở dạng đảo đá ngầm,  cách khu vực Cam Ranh thuộc miền Trung Việt Nam 300 hải lý về phía đông.

Trong tiếng Việt, đảo này được gọi là Phan Vinh, được đặt theo tên của ông Nguyễn Phan Vinh, một người lính anh hùng hy sinh năm 1968 trong Chiến tranh Việt Nam.

Đảo đá này bao gồm hai đảo cồn cát, Phan Vinh A và Phan Vinh B. Theo báo chí Việt Nam, mỗi đảo có một số công trình, trong đó có cả một ngôi chùa Phật giáo để phục vụ cho bộ đội đóng quân và một số thường dân ở đây

Báo chí Việt Nam cho biết bãi đá ngầm này có vai trò rất quan trọng trong vành đai phòng thủ chiến lược Trường Sa đối với Việt Nam.

AMTI cho biết Việt Nam có 49 hoặc 51 tiền đồn trải dài trên 27 thực thể, đồng thời cho biết thêm rằng có bằng chứng về việc cải tạo ở 10 trong số các thực thể này.

Trung Quốc đã và đang chỉ trích các quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam, về việc xây dựng đảo ở Biển Đông.

Tuy nhiên, cho đến năm 2016, Việt Nam mới chỉ bồi đắp hơn 120 mẫu đất mới ở Biển Đông so với gần 3.000 mẫu đất Trung Quốc cải tạo, AMTI cho biết.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.