Việt Nam: Muốn không tụt hậu, phải tăng tốc cách mạng số

Thanh Trúc, RFA
2019.11.19
công nghệ ICT không chỉ là hạt nhân cốt lõi của công nghiệp 4.0 mà còn cả trong quá trình chuyển đổi số của các lãnh vực khác nữa (Hình minh họa)
AFP

Thiết lập diễn đàn chung ASEAN

Đây là số liệu từ buổi hội thảo quốc tế ở Hà Nội hôm 12 tháng Mười Một, do Viện Chiến Lược Thông Tin-Truyền Thông, Bộ Thông- Tin Truyền Thông Việt Nam tổ chức, xoay quanh chủ đề phát triển nguồn nhân lực trong lãnh vực Thông Tin và Truyền Thông.

Cụ thể trong 10 năm tới, khoảng 7,5 lao động Việt Nam phải chuyển nghề, tức là dịch chuyển  công việc,  khi tất cả mọi lãnh vực như thông tin, kinh tế, giáo dục, đào tạo, sản xuất .v.v đều được số hóa trên nền tảng trí thông minh nhân tạo.

Báo chí trong nước cho biết đây cũng là hội nghị nhằm thiết lập một diễn đàn chung cho ASEAN, nơi mà cơ quan hữu trách các quốc gia ASEAN có thể chia sẻ, đề xuất kiến nghị nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực công nghệ-truyền thông-thông tin (ICT). Và cũng là cơ hội để thu hẹp khoảng cách cung cầu về nguồn nhân lực ICT trong khu vực, góp phần phát triển cũng như nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa các nước ASEAN.

Báo cáo mới nhất của Viện Chiến Lược Thông Tin-Truyền Thông cho thấy cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ khiến khoảng 60% công nhân tại thị trường lao động giá rẻ ASEAN mất việc, trong đó bị tổn thương nhất là lao động giản đơn với kỹ năng thấp.

Giáo sư Phạm Quang Minh, hiệu trưởng trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn, chuyên ngành Quan Hệ Quốc Tế thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội cho rằng, bảy triệu năm trăm ngàn lao động Việt bị thất nghiệp trong năm 2028, mà tổ chức lượng định kinh tế Cisco & Oxford Economics đưa ra, là chuyện phải xảy ra:

“Chúng ta có tỷ lệ dân số vàng cao, có nghĩa số lượng người lao động trẻ chiếm tới 2/3 dân số.  Thứ hai, trong Đông Nam Á chúng ta đứng thứ ba về dân số, chỉ sau Indonesia và Philippines thôi.

“Thế nhưng đúng là dân số vàng độ tuổi lao động không có trình độ cao và không thể sử dụng được công nghệ hiện đại mà chỉ làm được những việc đơn giản là lao động chân tay, dùng sức mạnh thôi”.

Đáng nói những lãnh vực như vậy lại không được ASEAN ưu tiên, do đó giáo sư Phạm Quang Minh, phân tích tiếp:

“ASEAN bây giờ ưu tiên những lãnh vực đòi hỏi lao động kỹ thuật lành nghề, ưu tiên cho sự dịch chuyển lao động có tay nghề cao và kỹ thuật cao mà chúng ta lại không đáp ứng được. Trong những năm gần đây,  lao động các nước có tay nghề cao như Singapore, Malaysia, thậm chí cả Philippines họ chỉ hơn Việt Nam tiếng Anh, ngay cái đó thôi cũng là thua thiệt rồi. Ngay bây giờ thì chúng ta đã thiếu nguồn lực công nghệ hiện đại rồi”

Nhiều triệu người lao động mất việc vì cuộc cách mạng 4.0 là vấn đề chung của ASEAN bước vào năm 2028. Vẫn theo Cisco & Oxford Economics, 7,5 triệu người Việt bị thất nghiệp, nghĩa là số lượng thất nghiệp của VN chỉ kém đất nước đông dân nhất ASEAN là Indonesia mà thôi.

Điều này cho thấy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhu cầu chung của tất cả các nước thành viên ASEAN. Theo tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, chủ tịch Hội Tư Vấn Khoa Học Công Nghệ Và Quản Lý, cũng là viện trưởng viện Điện- Điện Tử-Tin Học ở Sài Gòn, Việt Nam chỉ có thể học hỏi và ứng dụng những kết quả của cách mạng 4.0 mà ông gọi là cuộc cách mạng thứ tư:

“Cuộc cách mạng thứ tư là cuộc cách mạng ứng dụng tất cả những cái cao siêu nhất của công nghệ hiện nay để gần như là tự động hóa toàn bộ. Đấy là cuộc cách mạng có 2 mảng là trí tuệ nhân tạo và cuộc cách mạng sinh học. Việt Nam đâu phải là nước tiên tiến để có thể có những công trình nghiên cứu về công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Cho nên người Việt Nam chỉ có thể cố gắng học hỏi và ứng dụng chính cái đó là cái mở đầu cho cách mạng công nghiệp, và chính vì thế tôi nói Việt Nam phải cố gắng học hỏi những kết quả của cách mạng công nghiệp thứ tư để ứng dụng tất cả những gì mà Việt Nam không có”

Việt Nam phải chủ động đối phó

Dưới mắt phân tích của tiến  sĩ, chuyên gia tài chính và thị trường Ngô Trí Long, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một xu hướng không thể đảo ngược, Việt Nam không thể đặt mình ra ngoài xu hướng đó:

“Cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng làm hay đổi toàn bộ, tác động đến mọi lãnh vực, mọi ngành. Trong bối cảnh đó thì lực lượng lao động gọi là lao động giá rẻ trở thành vô nghĩa đối với Việt Nam. Khi đó những loại lao động thủ công, lao động giản đơn sẽ bị sa thải. Công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có tay nghề, có nghiệp vụ, thế thì phải đào tạo thôi”.

“Cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng làm hay đổi toàn bộ, tác động đến mọi lãnh vực, mọi ngành. Trong bối cảnh đó thì lực lượng lao động gọi là lao động giá rẻ trở thành vô nghĩa đối với Việt Nam. Khi đó những loại lao động thủ công, lao động giản đơn sẽ bị sa thải. Công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có tay nghề, có nghiệp vụ, thế thì phải đào tạo thôi”, Chuyên gia Ngô Trí Long

Số liệu dự kiến 7,5 triệu người lao động Việt Nam mất công ăn việc làm trong vòng không đầy một thập niên tới là lời cảnh báo phải được hết sức quan tâm, là khẳng định của tiến sĩ Ngô Trí Long:

“Chính phủ đã nhìn thấy vấn đề nhưng phải nói thẳng ra là hiện nay trong nhu cầu về công ăn việc làm ở Việt Nam cũng có mức độ hạn chế, vì vậy cho nên phải đi xuất khẩu lao động. Phần lớn lao động sang bên kia thì cũng học nghề nhưng mà nghề cũng không phải trong xu thế phát triển hiện đại, có phục vụ công nghiệp 4.0 đâu.

“Việt Nam đang ở Top ASEAN 4, ASEAN 5  đang phấn đấu mà trong bối cảnh hiện nay dân số rất đông, sau Indonesia thôi, mà để giải quyết thì không thể ngày một ngày hai. Nếu chính phủ giải quyết được thì đất nước Việt Nam không phải như thế này nữa. Đó là cuộc cách mạng làm đảo lộn và thay đổi rất lớn mà muốn triển khai thì không thể không đào tạo”.

Giáo sư Hà Tôn Vinh, giám đốc Trung Tâm Đào Tạo Nhân Lực Stella Management ở thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng 10 năm trong thuật ngữ kinh tế chỉ là một giai đoạn, Việt Nam phải biết tận dụng sức mạnh và khả năng của lượng người sử dụng mạng lưới toàn cầu để trực tiếp hoặc gián tiếp đào tạo, tái đào tạo một đội ngũ nhân lực ICT với vai trò quyết định trong cách mạng công nghiệp 4.0 mà buổi hội thảo đề cập tới:

“Hiện thời dân số toàn cầu khoảng 7.7 tỷ người, trong đó 4.5 tỷ sử dụng Internet, 3,5 tỷ dùng mạng xã hội. Việt Nam là nước sử dụng Internet rất mạnh,dân số Việt Nam cuối năm nay là khoảng 98 triệu người, khoảng 65 triệu sử dụng Internet và rất nhiều người sử dụng mạng xã hội như Facebook rồi điện thoại thông minh”.

“Vậy thì khi nói đến cách mạng 4.0 thì chính quyền phải chuyển sang cách mạng số, tài chính ngân hàng, giáo dục đào tạo, truyền thông, y tế xã hội, sản xuất, thương mại điện tử, giao thông vận tải. Tất cả trong vòng 10 năm tới chắc chắn sẽ phải thay đổi rất nhiều. Chắc chắn trong thời gian 5 năm, 10 năm tới  người lao động truyền thống bằng tay chân hay bút giấy phải được tái đào tạo, phải tìm cách để sử dụng công nghệ 4.0 thì mới có thể phát triển phù hợp với nhu cầu của thế giới và nhu cầu của đất nước”

Rõ ràng ICT không chỉ là hạt nhân cốt lõi của công nghiệp 4.0 mà còn cả trong quá trình chuyển đổi số của các lãnh vực khác nữa.

Theo chuyên gia đào tạo nhân lực Hà Tôn Vinh, điều này Việt Nam đã nói từ lâu và nói nhiều trước đây, thí dụ như Diễn Đàn “Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp 4.0- Được Và Mất “  cách đây 2 năm:

“Thay đổi mau hay chậm tùy vào cam kết của chính phủ, tùy vào nguồn đầu tư của chính phủ, tùy vào trình  độ của lao động và quản lý, vào cá nhân tham gia vấn đề số hóa. Việt Nam thì nhu cầu thay đổi đang cấp thiết nhưng phải nói chúng ta đi sau nhiều nước như Singapore hay Thái Lan.

“Cuộc cách mạng số đã đến rồi và đang ở khắp nơi, tôi nghĩ chính phủ phải đầu tư, đào tạo lại những người trong chính phủ, đào tạo lại những tổ chức doanh nghiệp. Thứ hai là đầu tư vào cơ sở hạ tầng về Internet. Chắc chắn trong thời gian tới, với dân số 97 đến 98 triệu tôi nghĩ chúng ta sẽ theo kịp những nước tiến tiến được.

Ngoài việc phát triển công nghệ 4.0 như vừa nêu thì việc phát triển chính sách để biến ý tưởng thành hiện thực cũng được các chuyên gia đưa ra khi họ cho rằng đây là điều cần thiết khối ASEAN, trong đó có Việt Nam, để trao đổi chia sẻ với nhau trong tương lai.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.