Chính phủ Việt Nam vừa phát động chiến dịch tuyên truyền các chính sách về biển của quốc gia vào khi Đảng Cộng sản cam kết sẽ khai thác “mọi công cụ pháp lý sẵn có” để bảo vệ lợi ích của mình trong lúc Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động lấn lướt ở Biển Đông.
Quyết định mới ban hành của Chính phủ xác định chậm nhất đến năm 2025, tất cả các cơ quan truyền thông trong nước phải có chuyên mục riêng biệt về chiến lược biển và đại dương của Việt Nam, và toàn bộ đội ngũ biên tập viên phải có kiến thức cần thiết và hiểu về các luật biển trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, giới chức Việt Nam cấm tất cả các hoạt động du lịch ở hai đảo gần Vịnh Cam Ranh hiện đang trong quá trình xây dựng thành một căn cứ hải quân hiện đại dành cho các tàu ngầm của đất nước.
Việt nam có hạm đội tàu ngầm lớn nhất Đông Nam Á với sáu tàu ngầm hạng Kilo mua của Nga trị giá 1,8 tỷ đô la.
Các hướng dẫn viên du lịch và người quan sát nói với RFA rằng kể từ tháng tư vừa qua, hai đảo Bình Ba và Bình Hưng ở Vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, đã không tiếp nhận khách du lịch nước ngoài. Các công dân Việt Nam vẫn có thể tới đảo một cách hạn chế. Đây là hai vị trí rất gần nơi các tàu chiến neo đậu.
"Cuối cùng thì ngay cả khách du lịch Việt nam cũng sẽ không được phép đến Bình Ba" – Bình, một người điều phối các hướng dẫn viên du lịch nói với RFA. Bình không muốn được nêu tên đầy đủ.
"Vì vậy, lời khuyên của tôi là hãy đến thăm (đảo) khi bạn có thể" – Bình nói.

Căn cứ hải quân hiện đại
Vịnh Cam Ranh là vịnh nước sâu nổi tiếng ở miền Trung Việt Nam, chỉ cách TPHCM khoảng 300 km. Cảng này đã từng được người Pháp sử dụng, sau đó là hải quân Mỹ cho đến cuối cuộc chiến Việt Nam.
Vào năm 1979, Liên Xô ký hợp đồng thuê Cam Ranh 25 năm và đầu tư một số tiền lớn vào đây để phát triển vị trí này thành một căn cứ chính của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô. Nhưng Nga sau đó đã rút khỏi căn cứ này vào năm 2002, lấy lý do là tiền thuê lên quá cao và có thay đổi trong các ưu tiên.
Hà Nội từ đó tuyên bố chính sách “Ba không”: không liên minh quân sự, không có căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ; không liên minh với nước thứ hai để chống lại nước thứ ba, có nghĩa là không có hải quân nước ngoài được phép thiết lập căn cứ ở Cam Ranh.
Mặc dù vậy, một cơ sở hậu cần đã được thành lập để cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo hành cho các tàu nước ngoài, bao gồm cả các tàu chiến của Nga và Mỹ. Moscow hiện vẫn có một trạm liên lạc ở đây và cũng đã cho thấy là nước này đang xem xét việc quay lại, theo truyền thông Nga.
Ba tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương Nga dẫn đầu bởi chiến hạm chống ngầm Nguyên soái Shaposhnikov vừa đến Cam Ranh để thực hiện chuyến thăm ba ngày từ 25 đến 28/6.
Với 50 tàu và 23 tàu ngầm, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga là hạm đội hải quân lớn thứ hai sau Hạm đội Biển Đen hiện đang tham gia cuộc chiến ở Ukraine.
Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
Sự hiện diện của Nga được coi là đối trọng trong đối đầu Mỹ - Trung ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền với “vùng nước lịch sử” chiếm đến khoảng 80% diện tích vùng biển, theo nhận định các nhà phân tích.
Với việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh của mình ở khu vực, tại căn cứ hải quân Ream ở Campuchia, thì Cam Ranh có thể trở nên quan trọng hơn về chiến lược đối với những quốc gia trong khu vực.
Vào ngày 19/6 vừa qua, Việt Nam đã lên tiếng phản đối cuộc tập trận của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa nơi cả hai nước đều đòi chủ quyền nhưng hiện do Trung Quốc kiểm soát.
Hà Nội và năm quốc gia có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông hiện vẫn đang có những khó khăn trong việc tiến tới một bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC), nơi Mỹ và các đồng minh trong thời gian qua đã có những hành động thách thức những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.
Các chuyên gia của Việt Nam đang kêu gọi một việc áp dụng năng động hơn đối với các tài liệu pháp lý nhằm khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, dặc biệt là vào năm 2022 nhân kỷ niệm 40 năm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và 10 năm kỷ niệm Luật biển của Việt Nam.
Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ, nói rằng UNCLOS “tạo ra một hành lang pháp lý cho các nước bảo vệ quyền hợp pháp của họ”, và cần được “sử dụng hợp lý”.
Một loạt các hoạt động đặc biệt đang diễn ra nhân các ngày kỷ niệm này, cũng như để nhấn mạnh tầm quan trọng của “hành lang pháp lý” này.
“UNCLOS và Luật biển của Việt Nam là hai công cụ pháp lý chính cho cuộc chiến giành quyền của chúng ta”, tướng Nguyễn Chí Vĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được báo Quân Đội Nhân Dân trích lời nói như vậy.
“Việt Nam chỉ nên cân nhắc các hành động quân sự như giải pháp cuối cùng khi không còn lựa chọn nào khác” – ông Vịnh nói.