Ban Tuyên giáo lại nhắc phải loan chủ yếu tin “tốt”

Hòa Ái, phóng viên RFA
2018.11.29
VoVanThuong.jpg Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị vào sáng ngày 28/11/18.
Courtesy: Ảnh chụp màn hình baophapluat.vn

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu cần thiết phải tăng cường thông tin tích cực trên mạng xã hội và internet. Đó phải là “dòng chủ lưu, chủ đạo” trong thời gian tới. Cư dân mạng tại Việt Nam nói gì trước thông tin vừa nêu?

Tăng cường biện pháp kiểm duyệt

Phát biểu tại hội nghị giao ban công tác tuyên giáo 6 tháng cuối năm 2018 khu vực miền Đông Nam Bộ, diễn ra vào sáng ngày 28 tháng 11, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh rằng ngành tuyên giáo khi muốn đẩy mạnh công tác chống lại các quan điểm sai trái, thù địch thì trước hết phải tăng cường thông tin tích cực trên mạng xã hội, trở thành dòng chủ lưu, chủ đạo.

Trước nhắc nhở mới nhất của ông Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, cư dân mạng tại Việt Nam nhận định có thêm bằng cho thấy Chính quyền Hà Nội ngày càng hà khắc hơn trong việc tăng cường biện pháp kiểm duyệt thông tin; đặc biệt là trên mạng xã hội.

Đài RFA ghi nhận không ít người dân ở Việt Nam thường xuyên theo dõi thông tin qua mạng xã hội thắc mắc thế nào là thông tin tích cực và thế nào là thông tin xấu độc theo yêu cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương. Đối với đa số các cư dân mạng mà Đài RFA tiếp xúc cho biết thông qua tin tức trên các báo đài lề phải thì họ hiểu rằng bất cứ những thông tin nào không có lợi cho Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đều là những tin độc hại, chẳng hạn như Chính phủ Việt Nam hô hào chống tham nhũng, nhưng những ai chia sẻ thông tin về quan chức tham nhũng thì bị quy chụp cho là “nói xấu và bôi nhọ lãnh đạo”; hay kêu gọi bảo vệ môi trường, nhưng không phải mỗi một Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tuyên án tù 10 năm với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” do phản đối nhà máy Formosa mà còn rất nhiều người khác bị những hệ lụy nặng nề vì lên tiếng liên quan thảm họa môi trường biển ở khu vực Bắc Trung Bộ hồi tháng 4 năm 2016.

Một số facebooker và blogger ở Việt Nam khẳng định với RFA rằng khi Luật An ninh mạng có hiệu lực vào đầu năm 2019, Chính quyền Hà Nội sẽ còn sử dụng kết hợp nhiều biện pháp để kiểm duyệt thông tin tại Việt Nam. Nhà báo tự do Đỗ Cao Cường nêu lên quan điểm của anh:

Đây không chỉ là việc kiểm soát thông tin nữa, mà là việc giữ vững chế độ, bảo vệ chế độ này. Vì sự tồn vong của chế độ cho nên họ sẽ làm mọi cách để thắt chặt quyền tự do báo chí
-Nhà báo Đỗ Cao Cường

“Đây không chỉ là việc kiểm soát thông tin nữa, mà là việc giữ vững chế độ, bảo vệ chế độ này. Vì sự tồn vong của chế độ cho nên họ sẽ làm mọi cách để thắt chặt quyền tự do báo chí và một trong những biện pháp của họ là dùng lực lượng dư luận viên 47, Ban tuyên giáo cho đến hàng loạt phóng viên, những cây bút mà người ta gọi là ‘bồi bút’ theo ý kiến chỉ đạo của họ; đồng thời sử dụng các biện pháp quản lý như họ sẽ hợp tác với lãnh đạo Facebook Việt Nam và lãnh đạo của các doanh nghiệp truyền thông, thậm chí họ sẽ có những hợp tác ngầm với bên Trung Quốc để thắt chặt thông tin, yêu cầu Facebook và Google xóa các bài viết gây ra tiêu cực cho họ. Thêm nữa là những hình thức xử phạt rất mạnh như dùng phương thức kỷ luật, đình bản cho đến việc bắt bớ những tiếng nói phản biện, kể cả người làm báo.”

Truyền thông quốc nội cho biết hiện tại có khoảng 55 triệu người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam. Hồi đầu tháng 11, tân Bộ trưởng Thông Tin-Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn tuyên bố rằng mạng xã hội không còn ảo nữa mà là thật và người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên không gian mạng để cái tốt lớn lên và cái xấu sẽ giảm đi; đồng thời ông Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn cho biết, Bộ Thông Tin-Truyền Thông đã hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.

Với lời phát biểu mới nhất liên quan truyền thông mạng xã hội của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng rằng thông tin tích cực trên mạng xã hội phải là chủ đạo, thì dư luận đặt vấn đề xã hội Việt Nam sẽ thế nào khi tin tức trên các kênh truyền thông chính thống lẫn mạng xã hội chỉ tràn ngập những điều “đẹp lòng” Đảng và Nhà nước?

Một nhóm bạn trẻ đọc tin tức qua điện thoại có kết nối internet trên vỉa hè Hà Nội. Ảnh chụp năm 2014.
Một nhóm bạn trẻ đọc tin tức qua điện thoại có kết nối internet trên vỉa hè Hà Nội. Ảnh chụp năm 2014.
AFP

Nhưng bất lực trong kiểm soát?

Cư dân mạng Võ Phương Thuận, một bạn trẻ thường xuyên theo dõi tin tức qua mạng xã hội và chia sẻ những thông tin từ báo chí chính thống đăng tải các vấn đề tiêu cực xảy ra hàng ngày, với mong muốn cộng đồng quan tâm nhiều hơn cũng như cùng góp sức làm thay đổi xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, bạn trẻ Võ Phương Thuận bị công an địa phương nhiều lần gửi giấy mời lên làm việc và yêu cầu cô không chuyển tải những thông tin bị cho “tiêu cực” như thế nữa mà hãy chuyển sang các thông tin như về lãnh vực làm từ thiện. Cô Võ Phương Thuận nói với RFA:

“Mấy ngày qua, công an đi vòng vòng và nói rằng em bị khùng. Ngày hôm kia thì xuống ủy ban chỗ khu mình ở hỏi xem tiếp xúc với em có thấy tinh thần có bị khùng hay không. Họ đi phao tin là mình bị này, bị kia. Dư luận viên của Long An có viết blog và lên mạng nói em bị khùng.”

Mấy ngày qua, công an đi vòng vòng và nói rằng em bị khùng. Ngày hôm kia thì xuống ủy ban chỗ khu mình ở hỏi xem tiếp xúc với em có thấy tinh thần có bị khùng hay không. Họ đi phao tin là mình bị này, bị kia. Dư luận viên của Long An có viết blog và lên mạng nói em bị khùng
-Cư dân mạng Võ Phương Thuận

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do xoay quanh những biện pháp Chính quyền Việt Nam đang sử dụng để kiểm soát truyền thông mạng xã hội, cư dân mạng Võ Phương Thuận chia sẻ cho dù sắp tới đây Luật An ninh mạng có hiệu lực, cho dù những thông tin tích cực tràn ngập mạng xã hội, cho dù những tin tức của người dân đăng tải bị cho là xấu độc và bị gỡ bỏ thì cô vẫn tìm kiếm sự thật về xã hội mà mình đang sống và vẫn tiếp tục chia sẻ thông tin bị cho là tiêu cực vì theo cô một xã hội không có sự phản biện thì xã hội đó không thể tiến bộ và phát triển.

Nhà báo tự do Đỗ Cao Cường khẳng định với RFA rằng anh sẽ không từ bỏ lý tưởng truyền tải thông tin trung thực đến cộng đồng cho dù Nhà nước sử dụng các biện pháp kiểm duyệt thông tin đến mức độ tuyệt đối như thế nào đi nữa.

Trong khi đó, một số cư dân mạng khẳng khái cho rằng Chính quyền Việt Nam rõ ràng đang bất lực trong việc quản lý thông tin truyền thông mạng xã hội và với “mệnh lệnh” mới nhất của Ban Tuyên giáo Trung ương vi phạm Hiếp pháp về quyền tự do truyền thông và tự do ngôn luận của người dân. Vì thế, họ tuyên bố với RFA rằng họ vẫn tiếp tục những việc làm của một công dân được quy định trong luật pháp Việt Nam, trong đó họ có quyền thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề xã hội cũng như chia sẻ thông tin liên quan.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.