Thành lập một mạng lưới các khu Ramsar và khu bảo tồn đất ngập nước là rất cần thiết nhằm thúc đẩy tiến trình thực hiện Công Ước Ramsar trên lãnh thổ Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu nói chung. Đây là đề xuất mà Bộ Tài Nguyên-Môi Trường (TN&MT) Việt Nam đưa ra hồi tháng 2/2021.
Việt Nam tham gia Công Ước Ramsar năm 1989 và không chỉ là quốc gia thứ nhì trong số 50 nước đã ký mà còn là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á phê chuẩn Công Ước Ramsar này.
Số liệu chính thức từ Tổng Cục Môi Trường cho thấy, 9 vùng đất ngập nước ở Việt Nam được Ramsar công nhận giá trị sinh thái và đa dạng sinh học cao là vùng U Minh Thượng, vườn quốc gia Tràm Chim ở Đồng Tháp, Mũi Cà Mau vùng cực Nam, công viên quốc gia Tam Đảo, vườn quốc gia Xuân Thủy ở Nam Định, hồ Ba Bể, vùng dự trữ sinh quyền Láng Sen, vùng trũng Bàu Sâu tại khu dự trữ sinh quyền Cát Tiên ở Đồng Nai, và gần đây là công viên quốc gia Vân Long ở Ninh Bình.
Tuy nhiên, vẫn theo Tổng Cục Môi Trường, việc quản lý các khu Ramsar còn nhiều khó khăn và bất cập, chưa đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các mục tiêu, kế hoạch chiến lược của Công Uớc Ramsar về bảo tồn và sử dụng hiệu quả các vùng đất ngập nước.
Đó là lý do Bộ TN&MT đề xuất thành lập mạng lưới các khu Ramsar và khu bảo tồn đất ngập nước hầu có thể giải quyết những bất cập trong vấn để bảo tồn.
Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, nhận định, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường đang theo đúng xu hướng thế giới:
"Việc Bộ TN&MT đưa ra là phù hợp và đúng theo xu hướng thế giới cũng như đúng với điều kiện Việt Nam hiện nay. Chúng ta sử dụng và lạm dụng môi trường tự nhiên quá nhiều, mà như thế thì nhân loại không tồn tại được. Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng không phải vì để phát triển mà vi phạm đến sự tồn tại của thiên nhiên".
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, chuyên gia môi trường từng vận động thành công việc bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên ở Đồng Nai, cho biết quan điểm của ông:
"Thật sự là vừa mừng vừa lo. Đây là tinh thần rất tốt để mà kết nối giữ gìn môi trường rừng như quyết tâm của Bộ Chính Trị về vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên Việt Nam."
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, khoa Môi Trường và Tài Nguyên Thiên Nhiên thuộc viện Đại Học Cần Thơ, chuyên gia về biến đổi khí hậu, cho rằng, mạng lưới sẽ là cơ sở để các nhà khoa học, các nhà bảo tồn hoặc những người quản lý 3 khu Ramsar ở phía Bắc và 6 khu ở phía Nam có cơ hội trao đổi thông tin về chuyện bảo vệ những khu Ramsar đó.
"Mạng lưới cũng sẽ giúp trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia quốc tế hoặc chuyên gia trong nước, để xem xét những khu đất ngập nước khác có thể phát triển và trở thành những khu Ramsar tương lai hay không, đồng thời có chính sách bảo vệ cho những khu đó không bị mất đi những đặc điểm của đất ngập nước, tiến tới là được sự công nhận của Công Ước Ramsar".

Những vùng đất thấp ngập nước đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ sinh thái vì là nơi tích trữ nguồn nước, nguồn gen động thực vật và nhiều loài sinh vật khác:
“Đó đồng thời là nơi điều tiết lũ lụt, cung cấp nước trong mùa khô. Các vùng đất ngập nước còn là nơi hấp thụ, giữ carbon không phát tán ra môi trường”
“Ngoài sinh thái, những khu đất ngập nước còn có giá trị văn hóa, giáo dục, du lịch. Đây là khu vực quan trọng đối với một khu vực hay quốc gia”
“Việt Nam còn một số khu tiềm năng nữa mà có thể được công nhận trong tương lai. Nhưng nếu muốn được công nhận thì phải có giải pháp bảo tồn, đảm bảo tiêu chí của Ramsar. Hầu hết những khu đó là trũng thấp ở vùng đồng bằng”.
Vì thế mạng lưới các khu Ramsar giúp các nhà bảo tồn thiên nhiên đi xa hơn phạm vi 9 khu Ramsar đã được công nhận. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn giải thích :
"Hiện 9 khu Ramsar được công nhận là những khu được bảo vệ tương đối chặt chẽ, chuyện bị người dân hoặc các công trình xâm lấn cũng ít đi"
Tuy nhiên còn những khu đất chưa được công nhận và có đặc tính của đất ngập nước thì đang bị đe dọa, bị khai thác đất để canh tác, mở rộng kinh tế do sự phát triển con người, công nghiệp hóa, đô thị hóa hoặc do tác động bất lợi của biến đổi khí hậu hoặc thiên tai”.

Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng nói ông đồng ý với nhận định rằng, Việt Nam còn nhiều vùng ngập nước có khả năng được vào danh sách Ramsar:
“Chẳng hạn những đầm phá ở ven sông Hương miền Trung là khu ngập nước, rồi trên Tây Nguyên có hồ Trọng cũng là khu ngập nước, còn lại khu Cần Giờ cũng là vùng ven biển. Những vùng này lâu nay đúng là chưa có luật nào quản lý, cho nên dân tự tiện phát triển theo sinh kế, thí dụ đánh cá, khai thác đất, rồi có thể là khai thác những cây sinh vật, rong rêu biển vân vân…Như vậy dần dần đất không còn giữ được tính ban đầu của nó nữa”.
Tại cuộc họp trực tuyến về việc thành lập và tổ chức hoạt động của mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam, người đại diện Tổng Cục Môi Tường phát biểu được báo chí dẫn lời nói rằng: các khu Ramsar nằm trong hệ thống bảo tồn thuộc hệ thống rừng đặc dụng nên chưa được quản lý theo đúng bản chất của vùng đất ngập nước.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, khoa Môi Trường và Tài Nguyên Thiên Nhiên Đại Học Cần Thơ, đơn cử trường hợp Vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, nơi có hơn 198 loại chim nước, chiếm một phần tư trong tổng số các loài chim đang có ở Việt Nam.
Cách quản lý bằng đê bao để tránh cháy rừng ở Vườn Quốc gia Tràm Chim, tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói, đã làm suy giảm giá trị đa dạng sinh học nơi này. Đáng chú ý nhất, theo ông, là số lượng hàng trăm cá thể Sếu đầu đỏ quí hiếm bay về mỗi năm đã giảm xuống còn 11 cá thể vào năm 2019.
Đối với nguyên Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Vũ Trọng Hồng, bảo tồn những khu Ramsar là sống chung một cách khôn khéo với thiên nhiên chứ không phải thay đổi nguyên trạng của nó.
Việt Nam rất ít tài liệu nói về Ramsar, dự án bảo vệ những vùng ngập nước của Bộ TN&MT là mới so với nhận thức của người Việt Nam.Đây chính là trở ngại. - TS Vũ Trọng Hồng
Thí dụ được ông Vũ Trọng Hồng nêu ra là dự án đô thị Cần Giờ vốn được coi là mảng xanh, lá phổi và khoảng cách an toàn giữa biển với đất liền bên trong thành phố:
"Thứ nhất khu Cần Giờ chính là hướng biển tiến vào, nếu di dân ra đó thì khi nước biển dâng, mà Việt Nam là 1 trong 5 nước có hiện tượng biển dâng, thì người sống ở đó sẽ như thế nào"
“Thứ hai, Cần Giờ là vùng ven biển nên địa chất của nó rất yếu, không thể xây dựng đô thị được. Nếu làm nhà cao tầng thì nó không chịu nỗi”.
“Sử dụng biển Cần Giờ, thực chất nằm trong chiến lược phát triển đô thị tiến ra biển, thì nhiều nhà khoa học quan ngại và không đồng tình. Đối với Việt Nam thì biển có nhiều tác động lớn và dữ dội, mà hướng biển đông của Sài Gòn dễ có triều cường và biết đâu cả sóng thần, cho nên không thể di dân ra vùng ven biển và coi là hướng phát triển”.
Bảo toàn vùng ngập nước Cần Giờ, tiến sĩ Vũ Trọng Hồng khẳng định, là cách sử dụng khéo léo nhất theo tinh thần Công Ước Ramsar mà Việt Nam đã ký.
"Việt Nam rất ít tài liệu nói về Ramsar, dự án bảo vệ những vùng ngập nước của Bộ TN&MT là mới so với nhận thức của người Việt Nam.Đây chính là trở ngại. Chúng ta phải tuyên truyền cho người dân, có nghĩa bên cạnh luật pháp thì kiến thức phải rộng rãi hơn sâu sắc thì người ta mới hiểu".
Còn theo chuyên gia môi trường Nguyễn Huỳnh Thuật, hiện đang làm việc tại khu dự trữ sinh quyền Cát Tiên, đã có mạng lưới các khu Ramsar và khu bảo tồn các vùng đất ngập nước thì cũng phải có qui định nghiêm khắc song song với đó:
"Làm thế nào để các khu nghiêm ngặt như Vườn Quốc Gia Cát Tiên là tuyệt đối không có qui hoạch. Những khu Ramsar, những vùng lõi như vậy tuyệt đối không có bất cứ công trình xây dựng lớn nào trong đó như thủy điện, cáp treo, resort (khu nghỉ dưỡng)…"
“Ý thứ hai nữa là Bộ Tài Nguyên Môi Trường phải có một cổng thông tin để công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường ở tất cả các nơi có liên quan đến Ramsar, đến dự tữ sinh quyển và vườn quốc gia.”
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết việc huy động sự tham gia rộng rãi của các giới trong quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước cũng sẽ được xúc tiến mạnh.