Những việc phải làm để mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD khả thi

Trung Khang, RFA
2019.02.19
ca-tra-622.jpg Chế biến cá da trơn xuất khẩu tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Courtesy VASEP

Ngành thủy sản của Việt Nam đặt mục tiêu đạt 10 tỷ đô la xuất khẩu hàng năm vào năm 2019. Mục tiêu này có khả thi căn cứ vào thực tế hiện nay với nhiều hạn chế.

Theo Hiệp hội Các Nhà Sản xuất và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam (VASEP), mục tiêu này do ngành thủy sản của Việt Nam đặt ra, sớm hơn một năm so với mục tiêu của chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai kế hoạch xuất khẩu thủy sản năm 2019, do VASEP tổ chức tại TP HCM hôm 16/2, ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP cho biết, dù đặt ra mục tiêu này, nhưng ngành thủy sản cũng còn một số khó khăn như nguồn nguyên liệu, sự đồng bộ quá trình sản xuất nguyên liệu, chất lượng con giống, các rào cản thương mại như thuế chống bán phá giá cá da trơn và thẻ vàng IUU của châu Âu.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 19/2 đưa ra nhận định:

Đứng về phía các nhà sản xuất chúng tôi, nắm bắt tình hình xuất khẩu của các nhà chế biến xuất khẩu, và nhìn chung tình hình môi trường, và đặc biệt là các hiệp định mà Việt Nam đã ký với cộng đồng quốc tế, như CPTPP thì thấy có điều kiện đạt được mục tiêu này.
-TS. Nguyễn Việt Thắng

“Đứng về phía các nhà sản xuất chúng tôi, nắm bắt tình hình xuất khẩu của các nhà chế biến xuất khẩu, và nhìn chung tình hình môi trường, và đặc biệt là các hiệp định mà Việt Nam đã ký với cộng đồng quốc tế, như CPTPP thì thấy có điều kiện đạt được mục tiêu này, đó là thứ nhất. Cái thứ hai là thị trường thủy sản vẫn đang ở mức độ tốt như mọi khi, chưa có dấu hiệu giảm. Cái thứ ba là nội lực của các nhà sản xuất nguyên liệu như nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy hải sản, năng lực chế biến, đang nằm trong giai đoạn phát huy tương đối tốt, đặc biệt các kỹ thuật được đưa vào nuôi trồng thủy sản, đánh bắt, bảo quản chế biến đang ở mức độ tốt. Tất nhiên chế biến chưa ở đỉnh cao, nhưng đang ở trên đà phát triển. Tôi cho rằng con số đặt ra có khả năng đạt được.”

Cũng tại Hội nghị Triển khai kế hoạch xuất khẩu thủy sản năm 2019, ông Ngô Văn Ích, cho biết xuất khẩu thủy sản năm 2018 của Việt Nam đạt 9 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2017, đạt mục tiêu do VASEP đề ra trước đó. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đã lần đầu tiên vượt 2 tỷ đô la, đạt 2,26 tỷ đô la trong 11 tháng đầu năm 2018, tăng 26% so với cùng kỳ, nhờ tăng mua của thị trường Mỹ và Trung Quốc và sự phục hồi của thị trường EU.

Nhận định về thành quả này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cho biết:

“Việt Nam là một trong những nước rất là có lợi thế về cá tra, đây quốc gia sản xuất cá da trơn mạnh trên thế giới, với giá rất là thấp, chất lượng cao. Nếu tính về giá thành thì Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với các nước trên thế giới. Nếu chúng ta tổ chức tốt từ khâu giống, khâu thức ăn, khâu nuôi, cho đến khâu chế biến, đặc biệt là chế biến sâu thì ngành cá tra Việt Nam có thể trở thành ngành hàng chủ lực, có thể bán hàng tỷ đô la, nếu chúng ta tổ chức tốt.”

Đã có cả ngàn héc ta diện tích lúa bị nông dân phá bỏ để đào ao ương cá tra giống ở Long An.
Đã có cả ngàn héc ta diện tích lúa bị nông dân phá bỏ để đào ao ương cá tra giống ở Long An.
Courtesy longan.gov.vn

Đài Á Châu Tự Do hôm 19/2, liên lạc Anh Phạm Trung Tôn, một người nuôi cá tra giống ở Long Xuyên, để tìm hiểu thực tế và được anh cho biết như sau:

“Về gía thì hiện nay tốt rồi, chỉ có vấn đề ương hiện nay hơi khó do thời tiết. Thành ra cần vấn đề con bột và kỹ thuật thôi, làm sao hỗ trợ chất lượng đàn bố mẹ, thì người ương cá đỡ một chút.”

Anh Tôn cũng bày tỏ nỗi lo được mùa mất giá thì người làm cá, dù lâu năm như anh, thấy tình hình này thì cũng phải sợ. Thực tế giá cao, nhưng những hộ chuyên nghiệp làm ra con cá cũng rất là khó. Tuy nhiên, khi giá cao sẽ kích động những người mới tham gia, khi đó cá thịt mà mất giá thì cá giống sẽ gặp khó khăn.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam còn thừa nhận vấn đề nan giải cho ngành thủy sản hiện nay là thiếu nguồn lao động có tay nghề tại các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu.

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, hiện nay lao động Việt Nam ở tình trạng vừa thừa vừa thiếu, đang trong tình trạng sắp xếp lại và xáo trộn nhiều. Người dân nông thôn ít đất, nên thường lên đô thị làm việc; hệ quả điển hình là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xảy ra tình trạnh thiếu lao động trong khi các nhà máy chế biến thủy sản thì nằm dọc các tỉnh này rất là nhiều. Cho nên đối với nhà máy thì lực lượng công nhân không bào đảm bình ổn. Tình trạng này đang là thách thức lớn với nông thôn Việt Nam hiện nay.

Liên quan vấn đế này, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng nhận định:

Theo mình nên quản lý bài bản, nuôi cá phải có chứng nhận, để hạn chế, không đại trà, chẳng hạn như truy xuất nguồn gốc, hay vô hiệp hội nghề cá quản lý, như vậy bài bản hơn. Còn bây giờ mạnh ai nấy làm thì vấn đề trúng mùa mất giá cũng là bình thường thôi.
-Phạm Trung Tôn

“Có những lúc nhân công thiếu, khi phát hiện ra nó thì các khu vực khác tăng tốc, điều chỉnh cho các trường dạy nghề, cao đẳng nghề hoạt động tích cực lên. Tôi cho là cũng kịp thời, đặc biệt là khu vực chế biến thì việc hướng dẫn đào tạo mang tính chất liên tục, nên cũng không khó khăn lắm. Nhưng khu vực đánh cá ngoài biển thì cũng đang có vấn đề về nhân lực. Tuy nhiên, lực lượng đánh bắt trên biển luôn luôn được bổ sung bởi đặc điểm nghề đánh cá của chúng ta là cha truyền con nối. Nối tiếp nhau trong chỉ vài chuyến đi biển là biết được nghề. Tất cả những cái đó đều đan xen lại với nhau, thì chắc chắn dù có khó khăn, nhưng tôi cho rằng dưới mức độ có thể giải quyết được.”

Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng cho rằng, muốn đạt được mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD, thì cần phải nỗ lực mạnh hơn nữa trong sản xuất, nguyên vật liệu, phải gắn kết với những nhà chế biến. Ngoài ra theo ông, công tác thị trường xuất khẩu phải có cảnh báo, dự báo kịp thời, để những nhà xuất khẩu cũng như những nhà sản xuất điều chỉnh lại mục tiêu ngắn hạn của mình.

Từ kinh nghiệm nuôi cá của mình, anh Phạm Trung Tôn khuyến nghị:

“Theo mình nên quản lý bài bản, nuôi cá phải có chứng nhận, để hạn chế, không đại trà, chẳng hạn như truy xuất nguồn gốc, hay vô hiệp hội nghề cá quản lý, như vậy bài bản hơn. Còn bây giờ mạnh ai nấy làm thì vấn đề trúng mùa mất giá cũng là bình thường thôi.”

Còn ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội thủy sản An Giang thì cho rằng, muốn đạt được mục tiêu ổn định thì phải phát triển bền vững. Mà muốn bền vững thì phải xây dựng chuỗi, và từng mắc xích trong chuỗi phải ổn định, đầu tiên là từ con giống, khi con giống chất lượng thì người nuôi sẽ chọn con giống chất lượng, và số lượng nuôi theo quy trình thì sẽ ổn định. Ngoài ra theo ông Bình vấn đề thừa công suất nhà máy cũng cần giải quyết, doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu nếu ổn định được, thì mới xây dựng được các chuỗi ổn định.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.