Liên minh Châu Âu cho rằng thỏa thuận mậu dịch tự do EVFTA với Việt Nam là một trong những thỏa thuận thương mại tham vọng nhất mà khối này đạt được với một nước đang phát triển. Theo đó, khoảng 99% thuế hàng xuất khẩu của cả hai phía sẽ được cắt giảm.
Fiber2fashion cho biết EVFTA có thể chính thức bắt đầu có hiệu lực kể từ tháng 7 tới đây.
EVFTA được nhận định sẽ là cơ hội lớn để mở rộng cho các doanh nghiệp Việt Nam và nhiều sản phẩm mà Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường EU, bao gồm cả hàng dệt may, cà phê và giày dép. Song song đó là những thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt.
Chỉ khoảng 43% sản phẩm xuất từ Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0 ngay. Số còn lại phải tiếp tục chờ trong vòng 3 năm hoặc 7 năm mới được đưa về bằng 0. - Diệp Thành Kiệt
Trao đổi với RFA tối ngày 9/3, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương cho biết bên cạnh những ưu đãi về thuế quan mà EVFTA mang lại, sản phẩm xuất khẩu Việt Nam sẽ phải đối mặt rất nhiều yêu cầu rõ ràng và khắt khe, đặc biệt đối với mặt hàng dệt may:
“Yêu cầu thứ nhất là hàm lượng nội địa của hàng dệt may phải đạt hàm lượng tối thiểu nhất định mới được đánh giá là hàng sản xuất tại Việt Nam, made in Vietnam. Hiện nay hàng dệt may của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều những sản phẩm đầu vào như vải sợi, phụ liệu khác nhập khẩu từ Trung Quốc vì rẻ hơn rất nhiều. Tuy vậy, tình hình dịch cúm covid-19 đã làm cho nhiều nguồn cung ứng bị đứt đoạn nên các doanh nghiệp Việt Nam đang phải tìm các nguồn thay thế từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Bangladesh. Điều này không thể một sớm một chiều có thể làm được.
Điều thứ hai là Hiệp định EVFTA nêu ra rất rõ điều kiện về lao động, công khai minh bạch, trách nhiệm đối với môi trường, bảo vệ môi trường. Vì vậy, tôi nghĩ đấy là cơ hội cũng là những thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực đáp ứng các yêu cầu này.”
Theo nhiều báo cáo được báo trong nước trích dẫn, ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào máy móc và nguyên liệu nhập khẩu.
Giải thích nguyên nhân vì sao Việt Nam vẫn phải nhập khẩu thành phần nước ngoài, ông Nguyễn Đình Trường, Tổng Giám Đốc dệt may Việt Tiến, một công ty thành viên Hiệp Hội Dệt May Việt Nam cho hay:

“Mỗi một năm trong nước chỉ sản xuất có một tỷ mét vải thôi, còn trong đó là nhập rất nhiều tỷ mét vải nên 60 đến 70%. Báo người ta đưa là chính xác. Vấn đề bây giờ Hiệp Định EVFTA yêu cầu muốn xuất đi EU phải có xuất xứ ở Việt Nam mới được ưu đãi thuế quan. Chúng ta phải độc lập tự chủ bằng nội lực của mình, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp trong nước liên kết với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để tạo thị trường vải vóc cho ngành may mặc Việt Nam bớt phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài.”
Không bị ảnh hưởng mạnh như ngành dệt may do phía Châu Âu chỉ yêu cầu khoảng trên dưới 40% giá trị xuất sang Châu Âu phải tạo từ Việt Nam, nhưng ngành da giày vẫn vướng phải một số trở ngại nhất định, như lời ông Diệp Thành Kiệt, Chủ tịch Hiệp hội da giày nhận định:
“Thứ nhất là không phải tất cả các dòng sản phẩm mà Việt Nam đang sản xuất sẽ được miễn thuế bằng 0 ngay ở năm đầu mà Châu Âu chia ra nhiều nhóm: nhóm A tức nhóm được hưởng thuế suất bằng 0 ngay khi Hiệp định có hiệu lực, hoặc nhóm nào có mã số B3 sẽ được giảm thuế trong vòng 3 năm và nhóm B7 là giảm thuế trong vòng 7 năm.
Theo thống kê của tổ chức Budrop trong 4-5 năm, chỉ khoảng 43% sản phẩm xuất từ Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0 ngay. Số còn lại phải tiếp tục chờ trong vòng 3 năm hoặc 7 năm mới được đưa về bằng 0.
Khó khăn thứ 2 của chúng ta là nếu chúng ta không đạt được điều kiện về quy chế xuất xứ để hưởng thuế suất bằng 0 thì phải chịu thuế MFN bình quân 12%, trong khi thuế GSP mà chúng ta đang hưởng từ 2014 tới giờ xấp xỉ trên dưới 8%. Như vậy nếu không đáp ứng yêu cầu phải chịu mức thuế cao nhất.”
Tuy vậy, ông Diệp Thành Kiệt vẫn lạc quan cho rằng những khó khăn đó sẽ phần nào được giải quyết nếu các doanh nghiệp chịu nghiên cứu xem dòng sản phẩm nào nằm trong nhóm A, B3 hay B7 để từ đó đưa ra đối sách phù hợp. Vẫn theo ông Kiệt, nhìn về mặt sáng, ta sẽ thấy được EVFTA đem lại thuận lợi trong mặt cạnh tranh khá cao:
“Có điều kiện mở rộng thị trường bằng cách lấn các đơn hàng của những nước hiện chưa được hưởng quy chế thương mại tự do như Trung Quốc, Indonesia, hay một số nước khác.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng những bất lợi trước mắt của các ngành công nghiệp khi tham gia EVFTA sẽ nhanh chóng được giải quyết vì chính phủ sẽ hỗ trợ và các doanh nghiệp cũng đang đầu tư thêm để đảm bảo nguồn hàng có xuất xứ từ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của EVFTA.
Lợi nhuận đối với Việt Nam có thể tăng lên đáng kể nếu Việt Nam tận dụng được các cơ hội. Về lâu về dài có thể giúp Việt Nam tăng khoảng 1-2% GDP nếu tốc độ gia tăng và Việt Nam thực hiện được các cơ hội. - TS. Lê Đăng Doanh
Bộ Công Thương cho biết các cơ chế và chính sách về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ tiếp tục được xem xét theo các nội dung của EVFTA để tạo điều kiện cho các ngành sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam cũng sẽ được cải thiện nếu Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam được thực hiện tốt, theo lời Tiến sĩ Lê Đăng Doanh:
“Lợi nhuận đối với Việt Nam có thể tăng lên đáng kể nếu Việt Nam tận dụng được các cơ hội. Về lâu về dài có thể giúp Việt Nam tăng khoảng 1-2% GDP nếu tốc độ gia tăng và Việt Nam thực hiện được các cơ hội.”
Mạng báo Fiber2fashion dẫn nguồn từ Bộ Công Thương Việt Nam rằng chính sách và cơ chế về phát triển các ngành phụ trợ tại Việt Nam đang được rà soát lại. Tất cả được thực hiện cho phù hợp với nội dung của EVFTA nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận mậu dịch tự do này.
Tuy nhiên cải cách tại Việt Nam hiện nay bị nhiều người chỉ ra vẫn chậm chạp chưa bắt kịp được thực tế phát triển. Các doanh nghiệp sản xuất gặp bao trở ngại và nay còn có dịch bệnh COVID-19 đang gây nên khủng khoảng khắp nơi trên thế giới.