Vấn nạn trẻ em Việt Nam chết đuối nhiều

RFA
2019.05.31
000_RN617.jpg Các em nhỏ vui chơi tại ao làng. (Ảnh minh họa)
AFP

Thực trạng

Thống kê của Bộ Y tế và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam cho thấy trung bình hàng năm giai đoạn từ năm 2010 -2015 có khoảng 3000 trẻ trong nước chết đuối. Đến năm 2016 số em tử vong do chết đuối là 2110 trường hợp và từ năm 2017 đến nay tổng hợp số liệu báo cáo từ các địa phương chưa đầy đủ thì con số này khoảng 2000. Tỉ lệ này được cho là cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Từ đầu năm 2019 đến nay cũng đã liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp trẻ em bị chết đuối, Một số vụ điển hình gần đây như vụ 8 em học sinh tại tỉnh Hòa Bình, 4 em tại Thanh Hóa và hàng loạt các vụ lớn nhỏ khác tại khu vực Hòa Bình, Quảnh Bình, Khánh Hòa…Vụ mới đây nhất vào hôm 30/5 tại Nghệ An có 5 em học sinh lớp 8 rủ nhau ra đập tắm dẫn đến tử vong.

Nhận định về điều này anh Trần Thiện Tùng, chuyên gia về truyền thông và cũng là người thường xuyên có các hoạt động bảo vệ cho trẻ em tại vùng sâu vùng xa nói với chúng tôi rằng, đa số các trường hợp chết đuối xảy ra tại các khu vực nông thôn.

“Do trẻ em tại khu vực nông thôn các em được nghỉ học, người lớn, nhà trường ít có thời gian để ý đến các em hơn và tại khu vực nông thôn sẽ không được như tại các thành phố là có các lớp bơi miễn phí mùa hè. Còn khu vực nông thôn các em không đủ điều kiện nên phải tự học bơi lẫn nhau nên đó có thể là một trong những lý do xảy ra những trường hợp chết đuối thương tâm như vậy.”

Nhà trường và các cơ quan chức năng

Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) chết đuối là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ em tại Việt Nam. Đây không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà là của toàn xã hội, vì vậy cần đưa môn học về kỹ năng bơi lội và an toàn chống chết đuối vào chương trình giáo dục cho trẻ em.

Xác nhận điều này, anh Trần Thiện Tùng cho biết, chương trình này cũng đã được áp dụng tại các thành phố lớn trên cả nước.

“Tại thành phố Hồ Chí Minh hay các thành phố lớn thì cứ đến dịp hè là các cơ quan chức năng sẽ tổ chức các lớp bơi miễn phí cho các em học sinh hoặc tổ chức định kỳ hàng năm như tại Sài Gòn thì cũng tổ chức gần 10 năm nay rồi nên nhờ vậy nó cũng sẽ hạn chế được những chuyện đuối nước như vậy.”

Đồng ý điều này, một giáo viên hiện đang công tác giảng dạy tại một trường học ở thành phố Hồ Chí Minh cho hay, cách đây vài năm sau sự việc chết đuối của một số em học sinh, từ đó thành phố Hồ Chí Minh đã ra quy định bắt buộc các em phải phổ cập bơi lội.

“Hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh những bé bắt đầu vô lớp ba là bắt buộc phải đi học bơi và nó đã được đưa vào chương trình phổ cập luôn và buộc các em sau khi học xong lớp 5 là phải biết bơi, có chứng nhận bằng đầy đủ nên trường nào cũng tổ chức cho các em đi học bơi và nó là một trong những môn học của các em luôn. Chương trình này cũng đã được bắt đầu vài năm nay rồi.”

Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu kiểm soát mọi tình huống đối với trẻ em và đặc biệt là tai nạn do chết đuối.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam yêu cầu các cơ quan tăng cường phối hợp với các bộ ngành xây dựng thông tin, tổ chức thông tin, giáo dục và truyền thông về phòng chống chết đuối trẻ em đến mọi tầng lớp, đặc biệt tại các khu vực vùng nông thôn khó khăn có tỉ lệ chết đuối cao.

Trở ngại

Các em nhỏ nhảy cầu tắm sông. (Ảnh minh họa)
Các em nhỏ nhảy cầu tắm sông. (Ảnh minh họa)
AFP

Ông Thái Văn Thành, giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Nghệ An trao đổi với báo Tuổi Trẻ hôm 30/5 rằng, Nghệ An được xem là một trong ba tỉnh có số lượng học sinh tử vong do chết đuối nhiều nhất cả nước trở thành vấn đề nóng được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, ông cho biết việc triển khai dạy bơi cho các em còn nhiều khó khăn.

Trích nguyên văn giải thích của ông Thái Văn Thành “Việc dạy bơi trong nhà trường vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có rất ít trường học được đầu tư bể bơi, hầu như là chưa có bởi vì thiếu kinh phí xây dựng. Đội ngũ giáo viên môn thể dục biết bơi và biết dạy bơi còn hạn chế và thiếu, hơn nữa trường không có bể bơi, không có cơ sở vật chất để dạy. Kinh phí xây dựng bể bơi riêng ngành giáo dục không thể làm được.”

Anh Trần Thiện Tùng cho rằng, đưa lý do nhà trường không đủ điều kiện đáp ứng là điều không hợp lý. Anh đưa ví dụ:

“Nếu trước mắt chưa phối hợp được như thế thì có một số nhà hảo tâm đã bỏ tiền ra để xây những hồ bơi cho trẻ em đến học miễn phí như tại Thái Bình thì những việc làm như vậy đáng khích lệ nên thành ra nói trách nhiệm thì khó đối với tình hình chung như vậy. Các cơ quan chức năng có thể bỏ kinh phí hoặc vận động nguồn xã hội hóa để mở các lớp bơi miễn phí cho trẻ em vì cần phải phòng chống chứ để đến khi sự việc xảy ra rồi để lại những hậu quả thương tâm như thế thì nó càng khó giải quyết hơn nữa.”

Trong một báo báo của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2016 đến nay sau khi phát động chương trình “Bể bơi cho em” đã xây dựng 21 bể bơi tại 21 trường học với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng từ sự đóng góp của các doanh nghiệp và người dân tại địa phương. Đến nay đã dạy bơi miễn phí cho hơn 6000 em học sinh.

Còn theo nhận định của vị giáo viên vừa nêu thì thông thường ở các khu vực nông thôn nơi mà nhiều trẻ đều cũng biết bơi, tuy nhiên những trường hợp chết đuối có thể vì những yếu tố khác thường.

“Các bé bị đuối nước này là tại khu vực địa phương nên các bé rất rành, ham hiểu về địa bàn địa thế tại khu vực của mình, nhưng có thể do sự thay đổi thời tiết hay thay đổi tự nhiên mà các bé không được biết và dẫn đến tình trạng như vậy. Như hiện nay tại khu vực sông Hồng đã thay đổi, đồi cát ở Bến Tre, biển Cửa Đại cũng thay đổi về địa hình, mà chính quyền địa phương không theo dõi kịp nên có tình trạng như vậy.”

Do đó, vị giáo viên khẳng định rằng các cơ quan chức năng ngoài việc dạy kỹ năng bơi lội cần thường xuyên khảo sát địa hình và tuyên truyền cho các em cũng như gia đình hiểu về sự nguy hiểm tại các khu vực sông suối ao hồ cho dù các em có biết bơi nhưng sự thay đổi của thiên nhiên là điều không lường trước được.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.