Cuộc sống của lao động VN ở Lào hiện nay thế nào?
2015.11.13
Đất nước Lào nhỏ bé chỉ với 7 triệu dân, song lại là nơi có rất đông người Việt Nam tìm đến để cư trú và làm việc trong điều kiện là lao động bất hợp pháp. Cuộc sống của họ hiện nay ở Lào thế nào?
Không có cơ hội ở Việt Nam
Hiện nay số người lao động Việt Nam sang Lào làm việc có khoảng chừng 40 ngàn người. Họ thường làm các nghề trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế biến đồ gỗ, bán hàng rong, làm thuê, sửa xe… Ngoài ra cũng có nhiều lao động Việt Nam ở Lào lâu năm đang là chủ các cửa hàng bán lẻ, bán buôn, tiệm may… hay các doanh nghiệp nhỏ ở Lào.
Hầu hết những người lao động Việt Nam sang tìm sinh kế ở Lào đều xuất phát từ nhu cầu kiếm việc làm, mà bản thân họ đã không có cơ hội ở Việt Nam.
Chị Lâm, một thợ làm đầu ở Viêng chăn cho chúng tôi biết:
Tôi quê ở Thanh hóa sang đây được 4 năm rồi, hiện tại tôi buôn bán nhỏ. Do ở Việt Nam làm ăn khó, anh em bạn bè bảo tôi sang Lào để tìm cơ hội mới. Khi sang bên này thấy cuộc sống yên bình, an ninh tốt và con người bên này rất tốt.
-Nguyễn Thị Phương
“Tôi tên là Lâm, quê ở Nghệ An, tôi sang đây đã 4-5 năm rồi, sang đây kiếm ăn cũng do mình không có bằng cấp, học thức. Ở Việt Nam kiếm tiền không được thì sang đây làm nghề cắt tóc, gội đầu, làm móng tay, cũng vì mình không có vốn nên phải làm nhỏ lẻ.”
Anh Ri, một công nhân xây dựng người Huế bày tỏ:
“Tôi tên thật là Võ Đình Mẫn, ở tổ 10 khu vực 5, phường An tây. Sang đây mỗi tháng làm được 6 triệu đồng Việt Nam, (khoảng gần 300 đô la Mỹ) thì tôi gửi về nhà 5 triệu. Cũng vì sang đây chỉ lo dành dụm thôi.”
Bà Hoa, một phụ nữ làm nghề giúp việc nhà ở Pakse tiếp lời:
“Tôi tên là Đỗ Thị Hoa, người ở Huế tôi sang đã đây được 8 năm rồi, sang đây vì nghe họ nói sang Lào làm ăn được lắm, nhanh giàu. Hiện tại mỗi tháng tôi kiếm được 2 triệu kíp, khoảng 250 đô la Mỹ.”
Hầu như tất cả mọi người lao động mà chúng tôi có dịp tiếp xúc tại Lào đều có chung một nhận xét rằng, đất nước Lào là một nơi đáng sống.
Chị Phương, một chủ tiệm bánh mỳ ở chợ Sáng – Thủ đô Viêng chăn chia sẻ:
“Tôi là Nguyễn Thị Phương, quê ở Thanh hóa sang đây được 4 năm rồi, hiện tại tôi buôn bán nhỏ. Do ở Việt Nam làm ăn khó, anh em bạn bè bảo tôi sang Lào để tìm cơ hội mới. Khi sang bên này thấy cuộc sống yên bình, an ninh tốt và con người bên này rất tốt. Đối với bản thân tôi là người kinh doanh thì tôi thấy ở đây ít sự cạnh tranh hơn ở Việt Nam, về thu nhập thì mỗi tháng kiếm được khoảng 1 ngàn đô la Mỹ, còn những người lao động hay buôn bán nhỏ khác thì thu nhập kém hơn mình.”
Theo báo Vientianetimes cho biết, hiện nay người lao động nước ngoài sẽ có 3 tháng để đăng ký với cơ quan chức năng của Lào, trên cơ sở đó cơ quan này sẽ xem xét liệu họ có tiếp tục được ở lại Lào hay không và những ai không tuân thủ sẽ bị trục xuất về nước. Tuy nhiên, họ không cho biết chính xác thời gian đăng ký bắt đầu từ khi nào.
Do ở trong tình trạng là những lao động bất hợp pháp, nhập cảnh vào Lào dưới danh nghĩa khách du lịch, vì thế tất cả các lao động người Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn trong việc cư trú.
Chị Lâm cho chúng tôi biết:
“Do hộ chiếu của mình chỉ là sang du lịch thôi, nên khi bị công an Lào bắt thì họ quy tội lao động bất hợp pháp và họ sẽ phạt, nhưng phạt không quá 100 đô la Mỹ. Nói chung nước Lào họ vẫn tạo điều kiện cho mình nhiều.”
Do vậy, hầu hết người lao động tại Lào hàng tháng phải làm thủ tục gia hạn visa bằng cách xuất cảnh sang Thái Lan và nhập cảnh trở lại ngay trong ngày. Việc làm này cũng ảnh hưởng đến thời gian và tiền bạc, tuy nhiên cũng có không ít người dùng cách chi tiền cho cảnh sát để tránh bị gây khó dễ.
Ông Đông, một chủ xưởng mộc ở Atapu cho biết:
“Do giấy tờ không hợp pháp nên cũng phải có quan hệ với công an của Lào, nói chung cũng phải làm các thủ tục và khi họ đến thì phải cho tiền. Cái thủ tục ấy là do tôi tự làm thôi, làng xã hay huyện cũng đều cho tiền cả, vì xưởng của tôi có nhiều lao động.”
Người Lào gây khó dễ?
Ngoài ra, do là lao động bất hợp pháp nên có một số lao động Việt Nam bị người Lào lợi dụng điểm yếu này để gây khó dễ, thậm chí là lừa gạt tiền công lao động. Anh Hóa, một công nhân xây dựng chia sẻ với chúng tôi:
“Lần đầu chúng tôi qua đây làm việc đã bị (chủ thầu) người Lào lừa. Khi chúng tôi làm một tầng của tòa nhà gần xong thì do sắp Tết, chúng tôi yêu cầu chủ thanh toán tiền để về nhà thì họ không trả, họ nói phải làm xong họ mới trả. Đến khi chúng tôi về nhà, sau Tết sang thì họ đã bỏ đi không còn ở đấy nữa.”
Nói về sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đối với người lao động Việt Nam, ông Đông chia sẻ với chúng tôi:
Lần đầu chúng tôi qua đây làm việc đã bị (chủ thầu) người Lào lừa. Khi chúng tôi làm một tầng của tòa nhà gần xong thì do sắp Tết, chúng tôi yêu cầu chủ thanh toán tiền để về nhà thì họ không trả, họ nói phải làm xong họ mới trả. Đến khi chúng tôi về nhà, sau Tết sang thì họ đã bỏ đi không còn ở đấy nữa.
-Anh Hóa
“Sang đây nếu để nói đến sự giúp đỡ của nhà nước Việt Nam thì nghe ra cũng khó, vì thực sự những người sang lao động chui ở bên này chưa nhận gì được sự trợ giúp. Nói thật sự trợ giúp đó là không có, tôi muốn chỉ trích rất nhiều, kể cả việc người lao động Việt Nam sang đây bị chết khi đưa lên chùa, khi tôi báo với Đại sứ quán thì họ cũng không để ý.”
Theo chỉ dẫn, chúng tôi đã liên lạc tới bà Nguyễn Thị Hà, Tham tán Công sứ, Trưởng phòng Chính trị của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào thì được từ chối trả lời và yêu cầu gửi câu hỏi tới ĐSQ để xem xét.
Khi được hỏi về cảm nhận của mình về người lao động Việt Nam đang làm việc tại Lào, bà Monethong Charoensad, một nhà kinh doanh ở thủ đô Viêng chăn nói với chúng tôi, đại ý bà thấy rằng:
“Người Việt Nam sang Lào làm việc là những người chịu khó, siêng năng nên người Lào thích thuê họ, cho dù rằng họ cũng còn có một số nhược điểm như thích uống rượu rồi đánh cãi nhau. Nhưng điều đó không làm người Lào ghét họ, mà vẫn luôn đề cao và coi họ là người bạn tốt. Vì họ đã làm những việc mà người Lào không làm được hoặc không muốn làm.”
Trả lời câu hỏi: nếu như có một nghề và thu nhập như nhau ở Việt Nam và Lào thì anh, chị sẽ chọn sống ở đâu?
Chị Lâm khẳng định:
“Nếu có điều kiện như thế thì tôi sẽ lựa chọn sống ở Lào, vì ở đây sống thoải mái, không có sự chụp giật hay ganh đua gì hết.”
Còn anh Ri tiếp lời:
“Có chứ, nếu được việc làm điều độ như thế tôi cũng muốn về Việt, vì khỏe hơn lại được gần nhà. Chứ đi qua bên đây vừa xa nhà nên cũng nhớ nhà lắm.”
Nói về nguyện vọng của những người lao động bất hợp pháp ở Lào hiện nay, chị Lâm đề đạt:
“Mình đi lao động tự do thế này chỉ mong muốn nhà nước Việt Nam có chính sách cấp visa hay giấy phép cho mình sang đây lao động hợp pháp. Để khi xảy ra các vụ việc hay tai nạn thì mình được bảo vệ.”
Trong thời đại kinh tế toàn cầu, việc lao động nước này sang làm việc ở một quốc gia khác là điều hoàn toàn bình thường, thì việc lao động Việt Nam sang Lào làm việc cũng vậy. Tuy nhiên, với một thị trường hơn 90 triệu dân thì lẽ ra Việt Nam sẽ là một môi trường lao động hấp dẫn, vậy mà người Việt Nam vẫn phải bỏ nước ra đi tìm kế sinh nhai, kể cả ở Lào và Campuchia. Đó là điều đáng phải suy nghĩ.