‘Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’ trong phát biểu của lãnh đạo về khống chế dịch COVID-19

0:00 / 0:00

Đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 27/1/2021. Sau chỉ hai ngày, cơ quan chức năng ghi nhận tổng cộng 107 ca nhiễm mới với 100 ca nhiễm từ cộng đồng. Đó cũng là thời điểm ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất kể từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam. Chỉ trong hai ngày, năm địa phương ghi nhận các ca bệnh trong đợt dịch này gồm Hải Dương 84 ca, Quảng Ninh 13 ca, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh mỗi địa phương 1 ca.

Khi phát biểu tại cuộc họp Chính phủ hôm 28/1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tuyên bố sẽ dập được dịch trong 10 ngày.

Tuy nhiên đến hết ngày 3/2, tức gần đến hạn 10 ngày, Theo Bộ Y tế Việt Nam, COVID-19 đã lan ra 10 tỉnh thành với 329 ca nhiễm cộng đồng.

Phát biểu tại họp báo của Chính phủ hôm 2/2/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng lại cho rằng Chính phủ không công bố thông tin 10 ngày dập được dịch. Theo ông Dũng “Ai công bố thì trách nhiệm của người đó, người công bố thông tin này không phải với danh nghĩa Chính phủ”... Ông nói thêm: Căn cứ nào, cách tính thế nào, đánh giá thế nào là trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, tức là trách nhiệm của ông Vũ Đức Đam. Chẳng lẽ Phó thủ tướng Vũ Đức Đam không phải người của Chính phủ? (!?)

Nếu ông Đam nói chính thức trong một cuộc họp hoặc công khai họp báo, thì tôi nghĩ ý kiến của ông Đam là có giá trị pháp lý hơn ý kiến của ông Mai Tiến Dũng là Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng chính phủ chứ...
-Bác sĩ Đinh Đức Long

Từ Việt Nam, Bác sĩ Đinh Đức Long nhận định với RFA hôm 3/2:

“Nếu ông Đam nói chính thức trong một cuộc họp hoặc công khai họp báo, thì tôi nghĩ ý kiến của ông Đam là có giá trị pháp lý hơn ý kiến của ông Mai Tiến Dũng là Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ chứ... Ông Đam là Phó thủ tướng thì trọng lượng lời nói là hơn chứ, vì ông Đam cũng là Trưởng ban, đứng đầu chính phủ về phòng chống dịch, ông Dũng đâu có quyền bác bỏ ông Đam. Còn nói đùn đẩy trách nhiệm thì tôi nghĩ trách nhiệm không thuộc về ông Dũng, mà trách nhiệm thuộc về người được phân công việc này là ông Đam. Nên ông Dũng nói thế là lạm quyền, vì ổng không được phân công trực tiếp làm việc này. Đại hội Đảng 13 vừa rồi ông Mai Tiến Dũng bị loại khỏi Trung ương, tức là sẽ mất chức Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, có lẽ vì thế ông ta phát biểu vô trách nhiệm, nói lung tung cho bõ tức thôi, kiểu “giận cá chém thớt” ấy mà.”

Cụ thể, theo Bác sĩ Đinh Đức Long, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là người chịu trách nhiệm về chống dịch, còn làm được hay không thì phải chờ một thời gian nữa. Bác sĩ Long cho rằng có thể ông Đam muốn như vậy nhưng tình hình có những đột biến mà không thể kiểm soát được, đó là chuyện bình thường.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA hôm 3/2 từ Hà Nội, nói:

“Ông Vũ Đức Đam đứng đầu ban chống dịch quốc gia nói như thế là để tỏ một quyết tâm rất lớn của Chính phủ để chặn COVID này, điều đó không nên nghĩ máy móc là đúng 10 ngày hay là 13, 14 ngày... mà cũng không nên hiểu máy móc là thế nào là chặn xong. Chẳng hạn số ca không tăng lên mà giảm dần thì cũng là chặn xong...”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, phát biểu của ông Đam phải hiểu một cách linh hoạt như vậy, nhưng ông Dũng là Chánh Văn phòng Chính phủ mà tuyên bố cá nhân ông Đam phải chịu trách nhiệm... thì Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng rất là vô duyên và vô trách nhiệm. Bởi vì một người cấp dưới mà áp đặt như vậy thì về mặt đạo đức, hay cách hành xử của một chính khách là quá kém.

mai-tien-dung_630.jpg
Câu nói của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng ‘Chính phủ không công bố thông tin 10 ngày dập được dịch’ được hàng loạt tờ báo do nhà nước Việt Nam kiểm soát giật tít hôm 2/2/2021. Nhưng cho đến tối cùng ngày đều đã bị cắt bỏ gỡ tựa. Screen capture.

Trao đổi với RFA hôm 3/2 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ lâu năm, nhận định:

“Tôi có đọc cái câu ông Mai Tiến Dũng nói, nhưng câu đó bây giờ nhiều tờ báo đã kiểm duyệt, họ gỡ mất rồi. Đại ý nói ‘người nói như thế thì trách nhiệm của người ấy chứ không phải của Chính phủ’... một câu tương tự như vậy.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng thứ nhất, chuyện các vị lãnh đạo không đồng ý với nhau về một vấn đề gì đó là chuyện hết sức bình thường ở bất cứ nước nào. Thứ hai, tuy nhiên việc đó lại công khai trên báo chí và ngay trước Chính phủ, thì ở Việt Nam theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng là lần đầu tiên. Ông nói tiếp:

“Điểm thứ ba, nếu như họ không đồng ý với nhau chuyện gì khác thì cái đó dễ hiểu. Nhưng ở đây là họ sợ trách nhiệm, tôi thấy cái đó không ổn. Về vấn đề trách nhiệm, lẽ ra họ phải đứng cùng với ông Đam, bất cứ ông Đam nói điều gì thì ông Đam không phải nói với tư cách cá nhân, mà ổng là Phó thủ tướng được giao nhiệm vụ chống dịch, như vậy Chính phủ phải đứng sau ông. Mọi việc làm của ông Chính phủ phải có trách nhiệm, chứ không phải sợ trách nhiệm mà nói rằng là nếu không thực hiện được là trách nhiệm của người phát ngôn đó chứ không phải của Chính phủ. Tôi thấy cách phát biểu như vậy là quá dở về phía ông Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ.”

Câu nói của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng ‘Chính phủ không công bố thông tin 10 ngày dập được dịch’ được hàng loạt tờ báo do nhà nước Việt Nam kiểm soát giật tít hôm 2/2/2021. Nhưng cho đến tối cùng ngày đều đã bị cắt bỏ gỡ tựa. Tuy nhiên phần nội dung quy trách nhiệm tuyên bố 10 ngày dập dịch về phía Ban chỉ đạo chống dịch vẫn còn được giữ lại.

Phát biểu của ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 là nhân danh chính phủ chứ có phải nhân danh cá nhân đâu, mà ông Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói lạ vậy?!
-Anh Quang

Một người dân miền Trung, anh Quang, nhận xét với RFA hôm 3/2:

“Phát biểu của ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 là nhân danh Chính phủ chứ có phải nhân danh cá nhân đâu, mà ông Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói lạ vậy?! Mà giả sử sau 10 ngày dịch vẫn chưa dập hết thì cũng chẳng ai bắt tội người toàn tâm, toàn ý vì công việc như ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cả! Qua đây mới thấy ông Mai Tiến Dũng là người rất sợ trách nhiệm và ứng xử không hay đối với cấp trên của mình!”

Không chỉ thông tin trái ngược như tuyên bố của ông Dũng và ông Đam. Ngay cả thông tin kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong cùng một ngày cũng mâu thuẫn. Đơn cử như hôm 3/2/2021, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết ‘Có thể yên tâm tình hình ổ dịch Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội’.

Trong cùng ngày, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Hải Dương lại cho biết, địa phương này phát hiện 2 ổ dịch ở huyện Ninh Giang và Cẩm Giàng chưa rõ nguồn lây.

Liên quan đến ý kiến cho rằng đợt bùng phát trở lại dịch COVID-19 lần này là do chủ quan của chính quyền, Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng có nhiều nguyên nhân:

“Chủ quan thì hiện nay mình cũng chưa kiểm chứng được, cái mà chắc chắn là do chủng virus có đột biến, chủng này đột biến của Anh và nó lây nhanh hơn 70%, lan rất nhanh, độc rất mạnh, cái đấy chắc chắn. Chủ quan thì mình chưa có thống kê kiểm soát nhưng rõ ràng là báo chí nói những người bị F1 chẳng hạn, thì khi phỏng vấn họ không khai những người tiếp xúc khác, thì đó có thể là một trong những yếu tố khiến lây lan nhanh hơn. Vì nếu khai đúng sẽ dễ khoanh vùng dập dịch, đấy là dấu hiệu chủ quan, cố tình không hợp tác, có hai yếu tố như vậy.”

Không chỉ các tỉnh phía Bắc, tình hình lây lan của dịch bệnh COVID-19 ở tỉnh Gia Lai trên Tây Nguyên cũng đang chuyển biến nhanh với 13 ca được ghi nhận kể từ ngày 27/1 đến nay khiến Bộ Y tế phải khẩn cấp thành lập Đoàn Công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh này từ ngày 3/2.

Trong khi đó, tại tỉnh Bình Dương, ngày 3/2, giới chức địa phương đã phải phong toả hai khu vực có 10.000 người để phòng dịch lây lan. Hiện Binh Dường đã xác nhận có 4 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng kể từ ngày 27/1 đến ngày 2/2.