Ba người tị nạn Việt Nam bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ tại chỗ làm việc
Ông Nguyễn Văn Long, Nguyễn Thanh Khải và Thạch Phum Rích bị cảnh sát Thái Lan bắt vào chiều ngày 23/7 tại nơi các ông này làm việc ở huyện Khu Khot, tỉnh Pathumthani (Thái Lan).
Bà Thạch Thị Kha, vợ của ông Phum Rich nói với Đài Á châu Tự do rằng chồng bà thường làm công việc cạo mía ở một quán nước để kiếm thêm thu nhập. Hôm 23/7, ông Rich có mặt tại quán nước với ông Khải, chưa làm việc, thì bị cảnh sát Thái Lan kiểm tra giấy tờ. Bà Kha kể:
“Họ tới bắt mà chồng em nói là chồng em không có làm gì thì họ nói là ngồi chơi cũng phải coi có giấy tờ không, có passport không. Chồng em trả lời là không có thì họ bắt chồng em lên xe.”
Bà Kha nói, theo lời kể của ông Rich, lúc đó, cảnh sát Thái tiếp tục chạy thẳng đến gian hàng bán đồ chơi nhỏ trên vỉa hè của vợ ông Long. Lúc này, ông Long đang có mặt ở đây nên cũng bị bắt đưa đi luôn.
Cả ba, vẫn theo lời bà Kha, sau đó bị tạm giữ ở đồn cảnh sát Khu Khot hai ngày và đã ra toà ở Thanyaburi Pathumthani hôm 26/7 nhưng người thân và bạn bè không được tham dự.
Cô Phương Vũ, bạn của ba người bị bắt và cũng là một người tị nạn nói với RFA rằng mỗi người bị phạt 9000 bath Thái Lan (khoảng hơn sáu triệu đồng) nhưng vẫn chưa được thả ra mà bị đưa ngược trở lại tạm giam ở đồn cảnh sát huyện Khu Khot. Cô Vũ kể tiếp
“Ngày hôm qua (25/7) họ bị xử ở tòa rồi đóng tiền phạt mỗi người là 9.000 bath. Nó ghép vô ba tội nhưng mà em không biết rõ chi tiết về những tội gì, rồi họ mới nói là họ sẽ đưa qua trại giam cảnh sát để ở đó chừng hai tuần nữa thì họ đưa lên IDC (trại giam di trú ở Bangkok - PV).
Họ nói là lên IDC xong rồi sẽ trục xuất về Việt Nam chứ không ra tòa nữa bởi vì ra toà ngày hôm qua rồi mà mình đã đóng tiền phạt tại tòa rồi thì không có xử nữa.”
Bà Phấn, vợ của ông Nguyễn Thanh Khải nói với RFA rằng ngày nào bà cũng lên thăm chồng vì sợ chồng bị đưa đi trại giam khác mà gia đình không được thông báo. Bà đã liên hệ với Cao uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan nhưng chưa có kết quả khả quan:
“Họ cũng chỉ giải thích cho mình là ra đóng phạt rồi khi nào bị đưa lên IDC thì họ sẽ can thiệp cho mình, nhưng mà cảnh sát Thái lúc nào cũng nói đóng phạt xong là đưa về Việt Nam.”
Phóng viên RFA thường trú ở Thái Lan đã nhiều lần gọi điện tới đồn cảnh sát huyện Khu Khot - nơi đang tạm giữ ba ông Long, Khải và Rich - để hỏi thêm thông tin nhưng không có ai nghe máy.
Trong khi đó bà Phương Vũ cho biết hiện cảnh sát Thái Lan ở tỉnh Pathum Thani đang có đợt truy bắt những người Việt tị nạn ở đây. Bà Vũ cũng đã đến thăm ba ông Long, Khải và Rich tại trại tạm giam, bà thuật lại sự việc:
“Khi mà tôi vô thăm anh Khải ảnh nói là khi anh Khải với anh Rich lên xe rồi thì họ mới nói chuyện với nhau bằng tiếng Thái là còn một người Việt ở bên khu bên kia nữa và bắt đầu chạy xe qua bên đó để bắt chú Nguyễn Văn Long.
Họ lại nói chuyện với nhau nữa là ngày hôm nay nếu đi được hai xe thì sẽ bắt được nhiều hơn, còn một người Việt bán cơm ở một khu bên kia nữa. Đó là anh Khải nghe họ nói chuyện với nhau.”
Hồi cuối năm ngoái, báo chí Thái Lan có đưa tin về cuộc sống của những người Việt tị nạn ở tỉnh Pathum Thani.
Theo thông tin bà Phương đọc được , hiện có khoảng 100 hộ gia đình Việt Nam tị nạn, bao gồm cả người sắc tộc Khmer, H’Mong và người Thượng đang sinh sống tại tỉnh Pathum Thani.
Từ khi xảy ra vụ bắt người trên, nhất là sau khi ông Y Quynh Bdap bị bắt vào ngày 11/6, rất nhiều người, bao gồm cả bà Phương rất dè dặt, lo sợ mỗi khi ra đường hoặc đi làm việc mưu sinh.
Theo lời bà Phương, người tị nạn Việt Nam ở Pathum Thani chủ yếu làm thuê cho các sạp rau ở chợ vào nửa đêm. Còn ban ngày thì ai kêu gì thì làm nấy kiếm thêm thu nhập.
Sau khi chồng bị bắt, bà Kha cho biết cuộc sống gia đình bà trở nên khó khăn hơn rất nhiều:
“Năm giờ sáng ảnh dậy đi làm một xe rau được 200 bath, rồi ảnh về mua đồ ăn cho mẹ con em, rồi ảnh đi cạo mía thêm được khoảng 300 bath nữa. Ngày thường ảnh là người đi làm nuôi ba mẹ con em, giờ ảnh đi tù rồi ba mẹ con em không biết nương tựa vào ai hết, cũng rất là khổ.”
Cuộc sống của gia đình bà Phấn cũng tương tự, bà nói dù biết giấy tờ tị nạn của mình không được làm việc theo luật của Thái Lan, tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh nên ai cũng phải đi làm bất hợp pháp. Bà chia sẻ
“Dạ sợ chứ! Mình ở ngày nào hay ngày nấy bởi vì mình đâu có giấy tờ để được ở thoải mái đâu. Chứ bây giờ không ở thì biết đi đâu bây giờ, ở đâu cũng phải đi làm. Nếu không đi làm thì đâu có tiền nuôi mấy đứa nhỏ. Thành thử ra cũng phải đi làm nhưng mà cũng phải trốn. Tất cả mọi người ở đây ai cũng như vậy hết.”