Đi học trễ phạt 100 ngàn đồng

Trường Trung Học Phổ Thông Tư Thục Quốc Văn, toạ lạc tại Hoà Thạnh (Tân Phú, TP.HCM), mớí đây bị phụ huynh học sinh chống đối mạnh mẽ vì đã áp dụng những biện pháp như
- nếu học sinh đi trễ thì nhà trường sẽ phạt tiền 100 ngàn đồng,
- học sinh không những không được mang điện thoại cầm tay vào trường mà còn thường xuyên bị lục soát và tịch thu bởi bảo vệ nhà trường,
- không những điện thoại di động bị cấm, trường còn cấm cả việc mang sữa để uống trong trường,
- học sinh nào học kém thì nhà trường sẽ buộc vào lớp các học sinh yếu và mức học phí sẽ tăng lên 2,6 triệu đồng một tháng.
Những việc này sự thực ra sao, theo phản ánh của dư luận ? Chúng tôi tìm hiểu sự thật khi liên lạc được với ông Trần Văn Kỳ Nam, một thành viên trong Ban Quản Trị của nhà trường.
Khi chúng tôi muốn biết nguyên do nào khiến nhà trường áp dụng mức phạt tiền 100 ngàn đối với học sinh vi phạm kỹ luật, ông Kỳ Nam cho biết :
Phạt tiền phạt kỷ luật cái nào hiệu quả
Ông Trần Văn Kỳ Nam : Về phía nhà trường thì mong muốn rằng được quản lý học sinh tốt hơn. Nếu mà theo cái chỉ thị, theo cái thông tư 08 của Bộ Giáo Dục-Đào Tạo ban hành ngày 23-11-1988 thì cái vấn đề đó là xử học sinh theo 5 bước thì nó rất là khắt khe đối với học sinh.
Theo như ông Nam nói thì 5 mức phạt của Bộ GD-ĐT gồm có : (1) khiển trách học sinh trước lớp, (2) khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, (3) cảnh cáo trước hội đồng nhà trường, (4) đuổi học một tuần, (5) đuổi học một năm.
Ông Kỳ Nam cho rằng mức phạt do Bộ đưa ra là quá nặng và không hiệu quả. Nếu phạt tiền thì chính phụ huynh tác động lên học sinh trực tiếp hơn. Ông Kỳ Nam nói :
Ông Trần Văn Kỳ Nam : Những cái phạt đó thì phụ huynh sẽ tác động lên học sinh và học sinh sẽ không thể giấu bố mẹ được. Tức là có những vi phạm dù nhỏ hay lớn, chẳng hạn như xả rác, hay những việc như các em đi trễ, chểnh mảng học tập, thì đối với học sinh ở đay có thể là phạt một tuần học 5 ngày thôi có thể là các em mắc tới 10 lỗi.
Bộ Giáo Dục chưa đủ thông tin
Chúng tôi liên lạc với Vụ Pháp Chế thuộc Bộ GD-ĐT. Ông Vụ Trưởng Chu Hồng Thanh cho biết :
Ông Chu Hồng Thanh : Cái việc này thì tôi nhận được thông tin, tôi phải nắm thêm thông tin đã, xác định thông tin đó có thực hay không. Bây giờ tôi phải có thông tin đã thì mới xử lý thông tin được. Có một nguồn tin cung cấp là ông Mặc Lâm thì tôi chưa xử lý gì được. Bây giờ phải làm rõ xem có thông tin và thông tin vi phạm đến đâu, vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó.
Muốn tìm hiểu cặn kẽ hơn, chúng tôi liên lạc bà Lê Thị Kim Dung, Vụ Phó Vụ Pháp Chế của Bộ GD-ĐT, để tìm hiểu thêm chi tiết về các quy định này và được bà trả lời :
Bà Lê Thị Kim Dung : Điều anh hỏi có văn bản nào quy định không thì chúng tôi trả lời là có văn bản Bộ quy định. Cái thứ hai nữa là có quy định cả sinh viên, quy định tổ chức hoạt động của nhà trường. Tất cả những hoạt động anh vừa nói là đều có văn bản quy định của nhà nước quy định hết, của bộ ngành đều có quy định hết.
Mặc Lâm : Như vậy thì những việc làm của trường này (Trường Quốc Văn) có đúng quy định hay không, thưa bà?
Bà Lê Thị Kim Dung : Cái này tôi không thể trả lời trên điện thoại được. Khi nào có công văn anh gửi ra Bộ thì Bộ sẽ có công văn trả lời chính thức.
Báo chí hồi gần đây tỏ ra e ngại vì nhiều cơ quan nhà nước tự đặt ra những luật lệ mà giới chuyên gia cho rằng không thể áp dụng một cách nhất quán, và quan trọng hơn là tính hợp hiến của nó.
Mặc dù những người đề nghị ban hành những quy định hoàn toàn có ý muốn làm tốt hơn trong lãnh vực của mình, thế nhưng do không chuyên sâu và thiếu tư vấn trong lãnh vực luật pháp nên quy định nào cũng bị dư luận chống đối gay gắt.
Việc làm thiếu tình người?
Trường Tư Thục Quốc Văn cũng không ngoại lệ, khi ông Trần Văn Kỳ Nam cho biết động lực thức đẩy nhà trường ban hành những biện pháp kỷ luật vừa nêu.
Ông Trần Văn Kỳ Nam : Chúng tôi làm này cũng xây dựng trên cái cam kết giữa phụ huynh và nhà trường. Trước khi họ vào học thì chúng tôi có ký cái cam kết với phụ huynh và học sinh.
Còn về pháp luật Việt Nam, theo điều 4 chương 2 Bộ Luật Dân Sự thì có cho những chủ thể cá nhân cam kết với nhau những điều mà nhà nước không cấm, thì chúng tôi thấy là nhà nước cũng không cấm việc phạt tiền đối với một cá nhân nào trong trường. Chẳng hạn bây giờ các công ty tại Việt Nam, công nhân đi làm trễ hoặc chểnh mảng trong công việc vẫn bị phạt tiền mà đâu có ai nói gì.
Nhưng vừa qua thì Sở Giáo Dục có nói với chúng tôi là cái việc đó làm thiếu tình người, cần phải chấn chỉnh. Chớ còn tôi không biết chuyện đó đúng hay sai, tại vì theo cách suy luận của nhiều người thì nó khác nhau. Theo báo chí thì cái chuyện phạt tiền phải do quốc hội quyết định gì đó, thì tôi nghĩ không biết nó có đúng hay sai nữa.
Còn về các điều khoản trong luật dân sự thì coi như chúng tôi, bên nhà trường với lại bên phụ huynh là hai chủ thể cá nhân chỉ cam kết với nhau và đã có ký tên đàng hoàng. Tôi nghĩ việc đó, theo chúng tôi thì hợp pháp.
Cái việc phạt tiền của chúng tôi không phải nhằm mục đich thu tiền mà là hàng tháng đối với học sinh giỏi thì chúng tôi thưởng 100 ngàn đồng, học sinh khá thì thưởng 50 ngàn đồng, trích từ quỹ phạt các em đó. Hiện nay cái quỹ đó vẫn là con số âm, tức là nhà trường cũng phải bỏ tiền ra một phần nữa.
Ngay cả mức thưởng tiền cho học sinh giỏi mà trường áp dụng cũng không hoàn toàn đứng đắn vì theo các nhà giáo dục thì việc ban thưởng tiền bạc cho học sinh sẽ gián tiếp đưa các em sớm vào con đường hư hỏng.
Trường Tư Thục Quốc Văn mặc dù có khuynh hướng đưa học sinh của mình vào nề nếp và cố gắng dùng biện pháp thiết thực để mục đich này thành công, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, do luật pháp không quy định rõ về chức năng nên những luật lệ do các cơ quan ban hành không chiếm được sự đồng tình của dư luận.