Tính lan truyền mạnh
Với tốc độ tăng trưởng trên 10% liên tục trong 10 năm, hiện số người sử dụng internet tại Việt Nam đã lên đến khoảng 25 triệu, chiếm hơn 1/3 dân số. Trong số đó, người sử dụng internet có tham gia vào các mạng xã hội chiếm từ 20 đến 25%, chủ yếu là giới trẻ, tạo nên một thị trường hấp dẫn cho việc kinh doanh và quảng cáo trên mạng.
Trong số các mạng xã hội đang thu hút giới thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay, thì Facebook nổi lên như một đại gia giữa những ông chủ nhỏ khác như Twitter, Wordpress, Multiply, ZingMe.
Với số lượng người sử dụng tại Việt Nam lên đến con số 1 triệu vào cuối năm ngoái, Facebook đang trở thành mảnh đất thần tiên để các cô cậu tuổi mới lớn hoặc sinh viên, sinh viên mới ra trường, giới làm việc văn phòng thực hiện giấc mơ làm giàu với số vốn ít ỏi trong tầm tay.
Hữu Tiệp, một trong những anh chàng kinh doanh thời trang được nhiều thành viên trong giới mua sắm trên mạng Facebook biết tiếng với cửa hàng ảo HT Fashion đã khai trương và làm ăn khá hiệu quả từ hơn một năm nay. Nói về lý do tại sao Facebook trở thành đất lành mà nhiều bạn trẻ chọn để khởi nghiệp kinh doanh, Hữu Tiệp cho biết:
Facebook có tính lan truyền rất lớn. Bán hàng thời trang, mục đích của mình là để cho nhiều người mua thì mình phải tạo ra nhiều cái View, Facebook giải quyết được vấn đề đó, nó có tính lan truyền rất lớn.
Hữu Tiệp, kinh doanh qua Facebook
"Facebook có tính lan truyền rất lớn. Bán hàng thời trang, mục đích của mình là để cho nhiều người mua thì mình phải tạo ra nhiều cái View, Facebook giải quyết được vấn đề đó, nó có tính lan truyền rất lớn. Như vậy, mình sẽ tạo được nhiều View, số người xem sẽ nhiều và tất nhiên, nhiều người sẽ mua hàng.
Tại Việt Nam hiện nay cũng có khá nhiều các trang mạng mua sắm, hay thường được gọi là các chợ online, nhưng sở dĩ các trang này không cạnh tranh nổi với Facebook là vì nhiều lý do: Thứ nhất, số người biết đến và sử dụng mạng không cao; thứ hai, thiết kế các website khá đơn điệu, ít hấp dẫn và một trong những lý do quan trọng nhất được giới thanh thiếu niên kinh doanh online cho biết, đó là Facebook giúp quảng cáo sản phẩm một cách tự nhiên và khả năng lan truyền theo kiểu virus.
Yến, một sinh viên tại TPHCM, chủ nhân của một account bán hàng thời trang trên Facebook phân tích lý do cô chọn Facebook để khởi nghiệp:
"Tại vì ở trên đó có nhiều người và mình đem sản phẩm của mình đến người ta được, còn nếu đăng trên những trang kia thì tự người ta phải tìm đến mình, ý là mình đăng lên thì số lượng người ta vô sẽ hên xui. Còn cái này (Facebook) thì mình có thể add người ta và cho người ta coi ở trên đó cũng được. Em chỉ biết là những trang bán đồ trên mạng thì số lượng người ta truy cập vô ít hơn là khi mình đăng trên Facebook.
Người ta cũng lên đó chat với bạn bè nên khi mình tag vô trong trang của người ta thì người ta thấy được hàng hóa của mình, bạn bè người ta cũng thấy được."
Bất cứ ai cũng có thể khởi đầu kinh doanh bằng Facebook nhưng để trụ lại lâu trên đó không dễ vì sự nở rộ của kiểu kinh doanh này. Hầu hết các bạn trẻ đang kinh doanh trên Facebook hiện nay đều có những bí quyết riêng để tồn tại, từ việc chọn sản phẩm nào để đưa lên đến việc mở rộng mạng lưới bạn bè. Một số cô cậu chủ kinh doanh thành công cho biết họ thường tìm đến những người nổi tiếng hay người có mối quan hệ rộng như phóng viên, giới văn nghệ sĩ để add vào trong Friend List của mình.
Chiếc cầu nối trong kinh doanh

Đây chính là một trong những cầu nối hữu hiệu nhất để đưa sản phẩm đến với khách hàng, vốn là những fan hâm mộ họ. Càng mở rộng mạng lưới Friend List, các bạn trẻ càng tự tin phát triển công việc kinh doanh của mình, ngay cả khi Facebook bị một số nhà cung cấp ngăn chặn. Hữu Tiệp tỏ ra khá lạc quan:
"Số lượng fan của mình gần 5000 rồi nên mình chỉ cần tag hình thôi thì rất nhiều người thấy. Facebook có tính năng là mình tag hình vào một người, thì tất cả bạn bè của người kia sẽ nhìn thấy sản phẩm của mình. Ví dụ 4000 người bạn của mình sẽ nhân lên thành mấy ngàn người nữa."
Tuy nhiên, ngoài những lợi thế kể trên, kinh doanh trên Facebook cũng dễ gặp những rủi ro tương tự như các loại hình kinh doanh trên mạng khác.
Kim Phú, một sinh viên tại TPHCM, mới kinh doanh mặt hàng nữ trang, phụ kiện làm đẹp trên Facebook chừng 2 tháng trước, cho biết về khó khăn mà cô đang gặp phải:
"Mình có ý tưởng lâu rồi, bây giờ mới thử làm thôi. Mình đang học Quản trị Kinh doanh nên muốn thử sức xem mình có thể làm được hay không, có điều gặp một số vấn đề về hàng hóa nên hơi chật vật một chút xíu. Khi hàng về thì thực tế nó không được giống như những hình ảnh mà mình đã xem và đặt. Mình định chuyển sang một hình thức khác như áo quần chẳng hạn. Áo quần cũng có khác nhưng giống khoảng 95, 98% nên cũng không chênh lệch nhau mấy."
Số lượng fan của mình gần 5000 rồi nên mình chỉ cần tag hình thôi thì rất nhiều người thấy. Facebook có tính năng là mình tag hình vào một người, thì tất cả bạn bè của người kia sẽ nhìn thấy sản phẩm của mình.
Hữu Tiệp, kinh doanh qua facebook
Ngoài ra, các cô cậu chủ còn gặp không ít khó khăn từ khách hàng. Chuyện phải "ôm sô" sản phẩm là chuyện xảy ra thường xuyên bởi sự thiếu uy tín của khách hàng. Đối với những bạn trẻ không có nhiều vốn liếng, khó khăn này có thể làm trì trệ công việc kinh doanh. Kim Phú cho biết thêm:
"Một số khách tuổi teen thì kêu hết tiền, đang kẹt tiền nên hủy order rất là nhiều, như vậy thì vốn của mình bị đọng lại. Về tài chính thì không được suông sẻ vì mình ít vốn, lại mượn của gia đình nên kinh doanh không được thoải mái lắm."
Tuy nhiên, chính những khó khăn phải đương đầu trong công việc kinh doanh và xử lý đối với khách hàng lại càng làm cho các bạn trẻ đang kinh doanh trên Facebook học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trên thương trường, ngoài việc tăng khả năng tài chính cho bản thân. Yến tâm sự:
"Đương nhiên, khi làm thì tài chính của mình được tăng lên. Lúc đầu làm thì không quen trong chuyện giao tiếp, nhưng khi làm rồi thì mình biết chiều lòng khách hàng, dần dần mình có kinh nghiệm hơn."
Hiện tốc độ tăng trưởng của Facebook ở vào khoảng 153%, xếp hàng đầu trong các trang mạng xã hội hiện nay trên thế giới, cũng là một yếu tố khiến giới trẻ Việt Nam chọn trang mạng này để có thể dễ dàng mở rộng tầm hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai, đặc biệt đến các nước khác.
Nhiều bạn trẻ cho biết, họ nhận được không ít đơn đặt hàng từ người Việt ở hải ngoại và du học sinh ở các nước như Hoa Kỳ, Âu châu và một số nước châu Á như Singapore, Malaysia. Tuy nhiên, do hàng rào về thuế quan và chi phí vận chuyển nên hầu hết chỉ thực hiện giao dịch tại Việt Nam.
Theo dòng thời sự:
- Phần mềm mã nguồn mở giúp vượt tường lửa: TOR
- Chiến dịch kiểm soát website nước ngoài của Trung Quốc
- Việt Nam: 28% dân số sử dụng Internet
- Đã nhận dạng được nhóm tin tặc tấn công trang Bauxite
- Các nước yêu cầu Google tăng cường bảo vệ sự riêng tư
- Tin tặc không chỉ nhắm vào các nhà dân chủ ở Trung Quốc
- Google chỉ trích Úc kiểm duyệt Internet
- Email người nước ngoài ở Trung Quốc và Đài Loan bị đột nhập
- Tin tặc xuất xứ từ Việt Nam tấn công trang web VPS