Đa số thanh niên Việt Nam không quan tâm đến vấn đề thời sự đất nước!
2020.08.28
Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam được Hội đồng Anh công bố tháng 8 cho thấy quan điểm của người trẻ ở nhiều khía cạnh, trong đó thanh niên Việt Nam quan tâm nhiều nhất đến an ninh lương thực và công ăn việc làm ổn định và ít quan tâm đến các vấn đề công cộng như tham nhũng và hành động vì khí hậu.
Cụ thể theo kết quả khảo sát, có đến 70% người Việt Nam trong độ tuổi từ 16 đến 30 cho biết an ninh lương thực và ổn định nghề nghiệp là mối quan tâm hàng đầu của họ.
Trong khi đó các vấn đề thời sự trong nước dường như không gây được nhiều hứng thú trong giới trẻ. Chỉ 26% tỏ ra quan tâm đến công cuộc chống tham nhũng đang diễn ra, vốn là chủ đề nóng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Chiến dịch cao điểm chống tham nhũng được lãnh đạo Đảng, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo. Một số quan chức chính phủ cấp cao, sĩ quan quân đội hàng đầu và doanh nhân đã bị bắt và bỏ tù vì các tội danh từ rửa tiền đến quản lý yếu kém trong những năm gần đây.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ xã hội học Phạm Quỳnh Hương, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, khi nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 28 tháng 8 năm 2020 cho rằng, có thể khảo sát này không đúng lắm, tuy nhiên bà cũng nhìn nhận thanh niên ngày nay ít quan tâm đến thời sự, chính trị:
“Khi người ta nói đến chính trị thì phải hiểu thế nào là chính trị, vì thực ra người Việt Nam nói chung và thanh niên nói riêng hiểu về chính trị khá là khác nhau. Cho nên nếu đi phỏng vấn khảo sát người dân mà không nói rõ chính trị ở đây là cái gì thì có thể kết quả sẽ không đúng lắm, đó là nói về kết quả. Còn nói về sự quan tâm của thanh niên đối với chính trị thì tôi thấy là thanh niên đúng là ít quan tâm đến chính trị.”
Theo Tiến sĩ xã hội học Phạm Quỳnh Hương, nguyên nhân vì giới trẻ chủ yếu học trong nhà trường, mà học trong trường hiện nay thì không có nhiều bàn luận, không có ý kiến trái chiều, nên thanh niên không quan tâm nhiều lắm đến phản biện, vì vậy những chuyện chính trị thanh niên cũng khó mà quan tâm.
Đa số các bạn trẻ ngày nay ít quan tâm đến các vấn đề thời sự xã hội hay thực trạng của đất nước, họ chỉ phần lớn quan tâm các vấn đề thể thao, giải trí hài hước... hoặc lo đi làm ăn kinh tế, chứ ít ai quan tâm chính trị.
-Bạn trẻ Đăng Quang
Để tìm hiểu thực tế, RFA hỏi chuyện các bạn trẻ ở 3 miền đất nước về vấn đề này. Trước hết bạn trẻ Đăng Quang, ở Sài Gòn khi trả lời RFA hôm 28/8, cho biết ý kiến của mình:
“Nếu so với thực tế thì ghi nhận này của Hội Đồng Anh cũng khá là chính xác, đa số các bạn trẻ ngày nay ít quan tâm đến các vấn đề thời sự xã hội hay thực trạng của đất nước, họ chỉ phần lớn quan tâm các vấn đề thể thao, giải trí hài hước... hoặc lo đi làm ăn kinh tế, chứ ít ai quan tâm chính trị, thực tế là như vậy.
Bạn trẻ Đăng Quang cho biết, bạn bè của anh quan tâm chính trị chủ yếu quen qua Facebook... Còn trong thực tế, một nhóm bạn học hay bạn đồng nghiệp 10 người thì chỉ 1 hay 2 người quan tâm chính trị như Quang mà thôi, rất là ít. Bạn Quang nói tiếp:
“Nhưng so với 4 hay 5 năm về trước thì tỷ lệ có tăng hơn. Nhưng cũng chia làm hai nhóm, một nhóm phản biện những quan điểm hay những điều luật của chính quyền Việt Nam, còn một nhóm thì ủng hộ... và đâu đó hai nhóm này vẫn xung đột và mâu thuẫn với nhau.”
Từ Hà Nội hôm 28/8, bạn trẻ Đỗ Nam Trung khi trao đổi với RFA cũng đồng ý là so với cách đây 5, 7 năm trước, có lẽ số lượng người trẻ tham gia các hoạt động xã hội, có quan điểm bất đồng chính kiến, phản kháng phi bạo lực... đông hơn, nhiều hơn so với trước kia. Tuy nhiên Đỗ Nam Trung cho là vẫn quá ít:
Nhưng thật sự so với dân số 100 triệu người của Việt Nam thì con số đó quá ít và người trẻ nếu không tham gia phong trào thì đa phần rất thờ ơ với thời cuộc của đất nước, đối với thực trạng của xã hội. Em nghĩ một phần là do cách giáo dục, cách cai trị của đảng cộng sản... khiến cho người dân chỉ biết đến cơm áo gạo tiền, không quan tâm đến các vấn đề xã hội nhức nhối xung quanh bản thân mình.”
Theo khảo sát của Hội Đồng Anh, thanh niên Việt Nam ngoài quan tâm an ninh lương thực và ổn định nghề nghiệp thì cũng có 58% các bạn trẻ quan tâm điều kiện sống đầy đủ, nước sạch và vệ sinh. Ngoài ra có 44% người được hỏi quan tâm đến khả năng tiếp cận giáo dục đại học. 39% trong số 1.200 người được hỏi trên toàn quốc quan tâm đến bình đẳng giới và 37% quan tâm đến chất lượng chăm sóc sức khỏe. Năng lượng sạch là mối quan tâm chính của 24% số người được hỏi trong khi 19% quan tâm đến sự bình đẳng cho các dân tộc thiểu số.
Trao đổi với RFA hôm 28/8, Huy Jos, một bạn trẻ ở miền Trung, người có tiếng nói mạnh mẽ cùng với người dân miền Trung phản đối Formosa trước đây, nhận định:
“Đa số các bạn hiện nay quan tâm đến đời sống vật chất, mưu sinh hơn là quan tâm vấn đề thời sự chính trị. Kể cả bản thân em cũng quan tâm vấn đề đời sống công việc, nhưng các vấn đề thời sự chính trị em cũng quan tâm. Em thấy đa phần giới trẻ hiện nay sống là để mưu sinh, chứ không sống để tìm kiếm. Đó là do nền giáo dục không quan tâm từ mưu sinh đến kiếm sống... nên những bất công ngoài xã hội như vậy cứ xảy ra.”
Đáng chú ý trong khảo sát của Hội Đồng Anh, chỉ có 14% thanh niên chú ý đến các hành động chống lại biến đổi khí hậu mặc dù Việt Nam là một trong sáu nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu từ năm 1999 đến năm 2018, theo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu do tổ chức môi trường Đức Germanwatch công bố năm ngoái.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ thanh niên quan tâm đến hòa bình, công lý và các thể chế vững mạnh tương tự là 14%.
Bạn trẻ Đăng Quang, ở Sài Gòn cho biết thêm về vấn đề bạn quan tâm và lo ngại nhất tại Việt Nam hiện nay:
“Vấn đề em quan tâm nhất hiện nay là vấn đề chính trị Việt Nam, đó là cai cơ chế lỗi ở Việt Nam. Ví dụ từ cơ chế lỗi này, dẫn ra nhiều vấn đề tiêu cực trong xã hội hiện tại, như chính vì cơ chế mà tạo ra vấn đề tham nhũng, hay nói chung là tất tần tật về chính trị văn hóa giáo dục... đề từ cơ chế lỗi mà ra. Cái em lo ngại là nếu cơ chế này vẫn tiếp tục còn đó mà chúng ta không thay đổi được cơ chế chính trị hiện tại thì vấn đề tiêu cực của Việt Nam không bao giờ giải quyết được, đó là một điều chắc chắn.”
Tuy nhiên, mặc dù không quan tâm nhiều đến vấn đề này, nhưng 67% số người được hỏi cho rằng chính phủ nên ưu tiên hàng đầu để trấn áp tham nhũng.
Theo Bạn trẻ Đỗ Nam Trung, so với mặt bằng chung trên thế giới thì người trẻ Việt Nam không quan tâm hoặc không chịu khó dấn thân vào phong trào phản biện. Bạn đưa ra lời khuyên:
Nếu như mình không quan tâm đến nó thì đến một lúc nào đó nó sẽ tác động đến mình, đặc biệt là chính trị sẽ tác động đến mình một cách tiêu cực nhất.
-Đỗ Nam Trung
“Em là một nhà hoạt động, em muốn nhắn nhủ với các bạn rằng không có cái gì tự nhiên miễn phí, không có gì là không tác động đến mình cả, tất cả các vấn đề kinh tế, môi trường, chính trị đều tác động đến mình. Nếu như mình không quan tâm đến nó thì đến một lúc nào đó nó sẽ tác động đến mình, đặc biệt là chính trị sẽ tác động đến mình một cách tiêu cực nhất. Vì thế cho nên muốn cuộc sống của mình thay đổi, trở nên tốt đẹp hơn, thì mình phải sống tích cực hơn bằng cách tham gia vào các phong trào xã hội, phong trào chung của cộng đồng hay là có ý thức tốt hơn bảo vệ môi trường sống của mình, bảo vệ nền chính trị của mình.”
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 73% thanh niên Việt Nam coi mạng xã hội là nguồn thông tin đáng tin cậy nhất cho các vấn đề thời sự, tiếp theo là internet và các trang web (69%), truyền hình (59%) và truyền thông (43%).
Tính đến tháng 1 năm 2020, Việt Nam có 68,7 triệu người sử dụng Internet, tăng 6,2 triệu hay 10% so với năm trước, theo công ty quảng cáo và tiếp thị We Are Social của Anh.
Vậy thực trạng ngày càng nhiều thanh niên không quan tâm các vấn đề thời sự, chính trị, xã hội... sẽ ảnh hưởng đến tương lai đất nước như thế nào? Tiến sĩ xã hội học Phạm Quỳnh Hương cho biết ý kiến của mình:
“Tôi nghĩ nó cũng ảnh hưởng, bởi vì khi mà những thanh niên này lớn lên, thành trụ cột của gia đình, là sức lao động chính của xã hội, thế nhưng người ta lại không quan tâm nhiều đến xung quanh mà chỉ quan tâm đến cá nhân người ta hoặc gia đình người ta thì đấy là điều bất lợi cho sự phát triển của cộng đồng chung cũng như là xã hội. Bởi vì trong xã hội luôn luôn có xung đột, gia đình cũng có xung đột, thế nhưng nếu như người ta không có những quan điểm về cách nhìn tôn trọng ý kiến đa chiều, tôn trọng cái chung, tôn trọng lợi ích chung của cộng đồng, mà chỉ quan tâm cá nhân gia đình mình thôi, thì cái đấy cũng rất là khó để mà xây dựng được một xã hội hòa hợp chung.”
Do đó theo Tiến sĩ xã hội học Phạm Quỳnh Hương, xã hội sẽ luôn tồn tại mâu thuẫn không được giải quyết và cũng sẽ không có đồng thuận xã hội để cùng nhau xây dựng được một cộng đồng phồn thịnh và vững mạnh hơn.