Dư luận xôn xao trước tin một người chủ quán bánh xèo ở tỉnh Bắc Ninh đánh đập, bạo hành dã man nhân viên trong một thời gian dài, trong đó có cậu bé 14 tuổi.
Hành động của bà chủ quán bánh xèo bị cộng đồng lên án. Có người lên mạng nêu rõ quan điểm cá nhân gọi bà chủ quán hành hạ nhân viên là “cầm thú”, “ác ôn”, và “loại súc sinh”.
“Cùng là con người với nhau sao lại tàn nhẫn đến thế,” là comment của một Facebooker trước sự việc. Một độc giả khác lên tiếng, “Thiết nghĩ loại này cho vào tù nhanh khỏi cần mất thời gian giải quyết”.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chủ quán bánh xèo Miền Trung ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, vào ngày 22/11 đã bị công an huyện mời lên làm việc vì có dấu hiệu bạo hành với nhân viên. Báo chí Nhà nước Việt Nam dẫn lời Phó trưởng Công an huyện Yên Phong tin rằng, "Tuyết thừa nhận toàn bộ sự việc đánh cháu Duy. Ngoài ra, nữ chủ quán còn khai nhận đánh nhân viên khác là Võ Văn Đức vì cho rằng thanh niên này lười làm". Cơ quan chức năng cũng đã khám xét nơi ở và làm việc và ra quyết định tạm giữ bà Tuyết để tiếp tục điều tra.
Hai nhân viên là cậu bé Trương Quang Duy, 14 tuổi, và Võ Văn Đức, 21 tuổi, cùng quê ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, thường xuyên bị chủ quán đánh đập, đối xử vô nhân đạo. Ngày 21/11 bà chủ nghi Duy trộm cắp tiền, đánh đập em đến nỗi em không chịu được nữa. Đến chiều khi bà chủ đi vắng, em trốn ra ngoài và được người lạ giúp đưa đi bệnh viện và báo cho cơ quan chức năng. Tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong phát hiện những vết thương chi chít trên tay chân, dấu hiệu của sự tra tấn trong thời gian dài bằng dụng cụ sắt, que nóng.
Duy kể lại với báo chí trong nước rằng, "Bà chủ không chỉ đánh mình con, một anh khác cũng thường xuyên bị đánh. Trước đấy còn có một anh bị đánh đau quá, làm việc không được trả tiền nên anh đó đã bỏ trốn". Duy cho biết em không còn mẹ, xuất thân từ một gia đình nghèo khó, phải bỏ học để theo anh chị đi làm xa. Em đã được giới thiệu đến quán làm việc từ tháng 9.
<i>"Nhưng tôi nghĩ bạo lực nó có nguồn gốc ở truyền thống xa xưa, nên giải pháp không phải là trừng phạt, mà giải pháp là nâng cao nhận thức của người dân, làm sao cho cả xã hội lên án bạo lực dù cho nó nhỏ." PGS-TS Vũ Mạnh Lợi</i>
PGS-TS Vũ Mạnh Lợi, nguyên Phó Viện Trưởng, Viện Xã hội học Việt Nam nhận định về vụ việc này như sau:
"Nếu bạo lực gây thương tích nặng thì pháp luật nghiêm minh và có tính răn đe. Tuy nhiên đối với bạo lực ở mức thấp hơn, thì có vẻ như nó chưa đủ sức răn đe. Nhưng tôi nghĩ bạo lực nó có nguồn gốc ở truyền thống xa xưa, nên giải pháp không phải là trừng phạt, mà giải pháp là nâng cao nhận thức của người dân, làm sao cho cả xã hội lên án bạo lực dù cho nó nhỏ. Chúng ta chưa có chuẩn mực như vậy. Phải xây dựng cho bằng được chuẩn mực xã hội mà không chấp nhận bạo lực dưới bất cứ hình thức nào, mức độ nào. Thế thì điều này mình chưa làm được, xã hội cũng như nhà nước chưa làm được”.
Đơn cử câu chuyện thương tâm của bé Duy đã diễn ra trước mặt khách hàng. Một khách hàng quán Bánh xèo Miền Trung comment trên Facebook “Em biết bạn này lần nào vào (quán) cũng thấy bị quát chửi”.
Bé Duy kể lại với báo chí rằng “bà Tuyết thường lôi Duy vào phòng kín để đánh nền các nhân viên khác không biết, mà dù có chứng kiến nhưng trước thái độ hung dữ của chủ quán, vì miếng cơm manh áo họ chẳng dám can ngăn”.
Theo PGS-TS Lợi đây là những ví dụ cho thấy nhiều người vẫn một cách gián tiếp chấp nhận bạo lực. Chưa nói đến người xung quanh, PGS-TS Lợi bày tỏ quan ngại trước thái độ của các nhân viên chấp nhận sư hành hung này. Ông giải thích:
“Bản thân các cháu không nhận thức rõ được mình có quyền gì. Cái hiểu biết về quyền bất khả xâm phạm về thân thể của mỗi cá nhân cũng có vấn đề. Rõ ràng nó đặt dấu hỏi lớn cho việc giáo dục trẻ em, thanh thiếu niên.
Tôi nghĩ trước mắt, nâng cao nhận thức của người dân mới là biện pháp quan trọng nhất. Đưa nó vào giáo dục phổ thông ngay từ lớp một, mẫu giáo, dậy cho trẻ em làm người là không dùng bạo lực, thì chúng ta sẽ giảm dần được.Tất nhiên vấn đề giảm bạo lực nó đi kèm với nhiều vấn đề an ninh xã hội khác, Chúng ta cũng phải có tiến bộ trong việc đảm bảo cuộc sống cho người dân, công ăn việc làm cho thanh thiếu niên vv. Nhưng biện pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức thông qua giáo dục từ nhỏ”.
Nếu việc đánh đập và hành hạ từ phía chủ quán quá sức chịu đựng của một đứa bé đã ảnh hưởng vào tự tin của em, thì điều đó cũng dễ hiểu. Bác sĩ tâm lý trị liệu Lê Văn Ẩn, làm việc với thanh thiếu niên trong gần 30 năm phục vụ, từ Santa Ana, California, cho biết các em bị hành hung càng lâu thì việc điều trị càng khó:
"Hành hung đánh đập như vậy là trauma (chấn thương tâm lý ) như bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, bom đạn, giống y chan như vậy thôi. Nhưng mà các em mà càng bị lâu thì sẽ đi vào tiềm thức rồi vô thức... Bởi vì 14 tuổi còn phát triển về nhân cách, hành vi cử chỉ, ngôn ngữ, giao tế, sẽ ảnh hưởng lắm. Trị liệu tâm lý là gì? Bác sĩ hay chuyên viên tâm lý sẽ ngồi xuống nói chuyện với các em này để giúp các em lấy lại niềm tin, và hiểu rằng cái này là biến cố thôi chứ không phải mọi người xung quanh cũng là người xấu hết. Làm sao để họ giúp các em phát triển một sự tự tin mới. Muốn như vậy người chuyên viên trị liệu hay là gia đình, bạn bè là những người lấy lại niềm tin".
Bé Duy đang được điều trị tại Trung Tâm Y tế huyện Yên Phong về các vết thương trên thể sát. Nhưng Bác sĩ Ẩn nhận xét hậu quả của loại bạo hành như trường hợp của bé Duy về mặt tâm lý là điều đáng lo vì nó ảnh hưởng đến việc phát triển của em. Ông khẳng định, các em có thể vượt qua được khủng hoảng tâm lý như vậy nếu được trị liệu đúng mức. Việc này, ông nói, cần có sự phối hợp, tình thương của người mẹ, người anh người chị, thầy cô... là những điều mà Duy không có.
PGS-TS Vũ Mạnh Lợi đã từng nghiên cứu về bạo hành trong gia đình trong nhiều năm. Ông nêu ra thêm một khía cạnh theo ông cần phải lưu ý nếu muốn nhắm đến một chuẩn mực xã hội không chấp nhận bạo hành dưới mọi hình thức:
“Bạo lực là hành vi đáng lên án. Khi chúng ta lên án hành vi bạo lực thì cũng nên công bằng. Lên án hành vi bạo lực thì đúng, nhưng một người có hành vi bạo lực chưa chắc đã là người xấu. Cái đấy nên phân biệt, mà nhiều người không đồng ý với tôi. Bởi vì tôi vẫn có niềm tin. Nhiều người nghĩ là đánh con là giáo dục. Nhưng nếu họ được giải thích, được thuyết phục thì họ không đánh nữa. Tôi vẫn tin vào phần tốt, tiến bộ của con người. Còn nếu như bạn cho rằng những người gây ra bạo lực là những người bỏ đi, thì tôi cho là không công bằng. Chúng ta phân biệt, chúng ta lên án hành động bạo lực của họ. Nhưng chúng ta vẫn có niềm tin trong nhân cách của họ có những phần thiện nếu được giác ngộ thì ngăn chặn được trong tương lai”.
Ông nói nếu chúng ta chống bạo lực, thì cũng phải nhìn lại thái độ của mình với những người gây ra bạo lực, liệu nó có nẩy sinh ra cực đoan trong chính chúng ta không?