Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới 2015 với tu sĩ, giáo dân vùng xa

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2015.09.27
000_Was8966979-622.jpg Ảnh chụp từ trên cao Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới 2015 hôm 26 tháng 9 tại Philadelphia, Hoa Kỳ.
AFP

Giáo hội Công giáo Việt Nam có một phái đoàn gồm các đức giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đến dự Đại hội Gia đình Công giào Thế giới 2015 diễn ra trong tuần cho đến hôm nay 27 tháng 9 tại Philadelphia, Hoa Kỳ. Rất nhiều người trong nước không đến được cũng theo dõi tin tức liên quan, tuy vậy còn một số tu sĩ và giáo dân ở những vùng sâu, vùng xa do thiếu phương tiện không thể cập nhật mọi tin tức như đồng đạo của họ. Bên cạnh đó là những khó khăn trong đời sống đạo tại những nơi đó.

Tin tức ít ỏi

Mặc dù Việt Nam được xếp hạng có số tín hữu Công giáo chỉ đứng sau Philippines, nước được mệnh danh là ‘trưởng nữ’ của giáo hội, trong khu vực; số giáo dân Công giáo La Mã chỉ chiếm chừng 7% dân số hơn 90 triệu người hiện nay trong nước.

Ở những vùng sâu, vùng xa số giáo dân còn ít ỏi hơn so vơi các khu vực thành thị. Và trong những ngày này khi mà nhiều tín hữu trên thế giới hân hoan đón mừng Đại hội Gia Đình Công giáo Thế giới 2015, thì ở những nơi xa xôi của Việt Nam thông tin về hoạt động lớn này cũng rất hạn chế, thậm chí có nơi không biết gì.

Tại vùng U Minh này thì Internet ba lúc được, ba lúc không; mấy ngày hôm nay lại bị mất. Còn truyền hình thì chưa có, ăn ten, tivi cũng chưa có. Ở đây tôi chỉ theo dõi trên trang web của giáo phận có thông tin gì thôi chứ còn mở rộng ra hơn nói chung ít.
-LM Hoàng Minh Quân

Linh mục Hoàng Minh Quân, hiện đang phụ trách hai giáo xứ tại Vùng U Minh, thuộc giáo phận Cần Thơ tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, cho biết chính bản thân một tu sĩ như ông tại đó cũng khó có thể cập nhật mọi tin tức như hoạt động của Giáo hoàng Phan xi Cô trong những ngày này, chứ đừng nói đến giáo dân lam lũ lo chạy ăn từng ngày của ông ở vùng sông nước U Minh:

“Tại vùng U Minh này thì Internet ba lúc được, ba lúc không; mấy ngày hôm nay lại bị mất. Còn truyền hình thì chưa có, ăn ten, tivi cũng chưa có. Ở đây tôi chỉ theo dõi trên trang web của giáo phận có thông tin gì thôi chứ còn mở rộng ra hơn nói chung ít.

Dân thì bị ngăn trở bởi rất nhiều thứ nên không quan tâm, có lẽ mấy họ đạo ngoài phố thì có đỡ hơn. Từ đây mà ra đến trung tâm tỉnh cũng 50-60 cây số rồi, mà đường sá thì khó. Dân miền nam hình như cũng an phận không xây dựng đường sá gì…”

Từ giáo xứ Lãng Điền, giáo phận Vinh, Linh mục Nguyễn Ngọc Giao cũng cho biết:

“Tôi cũng có nghe tin Giáo hoàng có đến đại hội đó, nhưng tôi chưa nghe thông tin cụ thể về diễn tiến đại hội. Thông tin trên mạng của giáo phận Vinh chưa thấy nói. Còn hôm nay là ngày chủ nhật, tôi phải đi dâng lễ đến lúc này chưa mở mạng, chưa biết có gì cập nhật hay chưa.”

Khó khăn trong sống đạo

Một giáo dân Công giáo tại thành phố Sơn La, nơi từng bị chính quyền địa phương cấm tổ chức lễ Giáng Sinh năm 2008, cho biết đến nay tình hình vẫn chưa có tiến triển gì.

Giáo xứ Kim Long – Hạt Bình Giả, ảnh minh họa chụp trước đây. Courtesy photo.
Giáo xứ Kim Long – Hạt Bình Giả, ảnh minh họa chụp trước đây. Courtesy photo.

“Chúng tôi cũng không có thông tin gí. Bây giờ cũng còn cầu nguyện ở gia đình, nhà tư thôi, chưa có nhà thờ nào. Sơn La chưa có điểm nào được sinh hoạt chính thức hết. Mình xin giấy phép để hoạt động chính thức họ vẫn chưa cho. Đơn do cha quản xứ đứng đơn với Tòa Giám mục. Dân (tín đồ) khoảng hơn 500 người. Bây giờ được cái là một tuần có thánh lễ chủ nhật. Nhưng chỉ sinh hoạt vậy thôi, chứ còn về góc độ chính thức mặt chính quyền nhà nước thì họ vẫn không công nhận. Ở đây sinh hoạt, thánh lễ hạn chế nhiều mặt. Thánh lễ và tổ chức các lễ cũng bị hạn chế, phải xin phép.”

Nhiều người quan tâm hẳn còn nhớ vụ việc Con Cuông ở giáo phận Vinh vào tháng 11 năm 2012 khi lực lượng chức năng đến đập phá tượng Đức Mẹ tại nhà của một tín hữu cho mượn để sinh hoạt tôn giáo vì chưa có nhà nguyện hay nhà thờ. Sau vụ việc đó, Tòa Giám mục Vinh làm việc với chính quyền và theo linh mục Nguyễn Ngọc Giao thì nay cơ quan chức năng đồng ý cấp đất, nhưng để có thể tiến hành xây dựng nhà thờ chắc còn lâu. Linh mục Nguyễn Ngọc Giao cho biết:

“Về Con Cuông theo như tôi được biết thì họ chấp nhận cấp đất cho mình rồi. Họ chỉ chỗ và lên làm thủ tục rồi. Mọi thủ tục gần xong nhưng đến giai đoạn cuối cùng cấp sổ đỏ, bàn giao đất thì họ cũng nói cách này, cách khác; thiếu tổ chức nọ, tổ chức kia. Đến giai đoạn đó cũng còn lâu lâu, chưa biết lúc nào cả.”

Linh mục Hoàng Minh Quân trình bày những khó khăn cho công cuộc truyền giáo mà ông được giao phó tại khu vực U Minh ở Đồng bằng Sông Cửu Long:

Đa số dân 4 tỉnh này là dân nghèo. Đức cha vẫn nói với các linh mục lo vấn đề truyền giáo là những gì cần thì cứ nói, rồi đức giám mục có cách nào đó để san sẻ ra. Tại vì quá nhiều người, giáo phận nghèo không thể lo được hết. Đức cha nói chỗ nào cần thiết hơn thì lo trước.
-LM Hoàng Minh Quân

“Đa số dân 4 tỉnh này là dân nghèo. Đức cha vẫn nói với các linh mục lo vấn đề truyền giáo là những gì cần thì cứ nói, rồi đức giám mục có cách nào đó để san sẻ ra. Tại vì quá nhiều người, giáo phận nghèo không thể lo được hết. Đức cha nói chỗ nào cần thiết hơn thì lo trước. Còn chương trình ổn định hơn thì trong giáo phận đức cha cũng xin bề trên cho giáo phận rồi chia đổ đồng ra. Còn ở đây những việc nhỏ như từ thiện, bác ái hoặc giúp đỡ cho các em học sinh là do tôi xin từ trên Sài Gòn hay những người quen biết.

Dân thì nghèo, mà công giáo chỉ rất nhỏ chưa đến 3% một cụm truyền giáo quá lớn. Khó khăn về nhiều mặt lắm nhưng tôi cũng cứ làm theo khả năng, rồi theo hướng dẫn của giáo phận. Chúa dắt đến đâu, mình đi đến đấy. Chủ yếu về đây thì làm công việc bác ái, xã hội và không phân biệt lương - giáo. Đây là công việc chung.”

Đất đai tôn giá

Tại Sóc Trăng, một nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng vào sáng ngày 27 tháng 9 cho biết việc nhà dòng yêu cầu trả lại cơ sở bị chiếm dụng đã lâu nhưng vẫn không được giải quyết:

“Sóc Trăng người ta chưa giải quyết, họ trả lời là cho mình phần nào để mình sử dụng thôi còn phần nào họ sử dụng thì không trả lại. Chúng tôi xin có lý do vì phần nhà nước quản lý nằm tại trung tâm nhà của chúng tôi, mà chúng tôi tu hành. Nói chung chúng tôi đã trình bày hết và mọi cấp chính quyền đều nắm, còn nhà nước trả hay không tùy chính quyền, mặc dù lý do chúng tôi xin rất chính đáng.”

Trường hợp mà vị nữ tu vừ nêu không phải cá biệt. Ngay tại Hà Nội một số cơ sở tôn giáo đã bị chiếm dụng và chuyển đổi chức năng. Tình trạng này cũng đang diễn tiến tại nhiều giáo phận khác nhau trên cả nước. Thời gian càng kéo dài thì khả năng giải quyết càng trở nên bế tắc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.