Một năm buồn nhiều vui ít của ngành cà phê

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013.12.25
Một chủ trại cà phê ở Long Khánh đang kiểm tra lại loai cà phê Robusta đã được sấy khô và đóng bao. Một chủ trại cà phê ở Long Khánh đang kiểm tra lại loai cà phê Robusta đã được sấy khô và đóng bao.
AFP

 

Doanh nghiệp cà phê phá sản hàng loạt còn nông dân oằn mình trả nợ do lợi nhuận 2013 giảm sút gần một nửa so với năm ngoái.

Niên vụ buồn

Nếu gọi niên vụ cà phê 2012-2013 là niên vụ buồn thì quả không sai khi kim ngạch xuất khẩu giảm sút, hàng loạt doanh nghiệp phá sản. Trong khi đó nông dân dù tồn tại nhưng cũng chịu nhiều tổn thất. Vụ cà phê ở Việt Nam khởi sự từ đầu tháng 10 năm trước và kết thúc vào cuối tháng 9 năm sau.

Trị giá xuất khẩu cà phê tính theo trọn năm sẽ không trùng khớp cách tính theo niên vụ. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) niên vụ 2012-2013 cả nước xuất khẩu được hơn 1,4 triệu tấn cà phê  trị giá hơn 3 tỷ USD giảm 11,2% về khối lượng và giảm 10,3% về giá trị so với niên vụ 2011-2012.

Với nông dân có sụt kém hơn năm trước, nhưng không thể kết luận là năm u tối, còn với doanh nghiệp họ vẫn tiếp tục u tối là do sự tồn đọng nợ nần của những năm cũ.
-Ông Nguyễn Vịnh

Ông Nguyễn Vịnh, một nhà sản xuất cà phê và cũng là tư vấn trên mạng cho nông dân Tây nguyên ước tính: trong năm 2013 mỗi héc-ta cà phê nông dân kiếm được từ 50 tới 60 triệu sau khi trừ chi phí. Như thế lợi nhuận của nông dân giảm 20-30 triệu/ha so với năm 2012. Tuy vậy ông Vịnh cho là nông dân còn khá hơn nhiều so với tình hình của nhiều doanh nghiệp.

“Với nông dân có sụt kém hơn năm trước, nhưng không thể kết luận là năm u tối, còn với doanh nghiệp họ vẫn tiếp tục u tối là do sự tồn đọng nợ nần của những năm cũ chưa giải quyết được kéo dài cho đến nay mà vụ vỡ nợ của Trường Ngân là vụ vỡ nợ điển hình.”

Vụ một doanh nghiệp lớn chuyên doanh xuất khẩu cà phê như Trường Ngân vỡ nợ thật ra cũng chỉ là 1 trong số gần 80.000 doanh nghiệp đủ các ngành phải phá sản, ngừng hoạt động trong năm 2013. Nhưng câu chuyện Trường Ngân trở thành tin nóng bởi vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của nó và thể hiện sự yếu kém của hệ thống ngân hàng thương mại. Trường Ngân tồn kho 12.000 tấn cà phê nhân và dùng nó để thế chấp vay khoảng 700 tỷ đồng từ 7 ngân hàng. Nhưng khi vỡ nợ thì hàng trong kho là hàng ảo chỉ có có 2.800 tấn cà phê độn thêm 800 tấn rác.

Về tình trạng đổ vỡ của ngành cà phê mà Trường Ngân là một điển hình, ông Nguyễn Vịnh nhận định:

Người dân Đắk Lắk tưới cà phê, ảnh chụp tháng 3 năm 2013. Photo courtesy of giacaphe.com
Người dân Đắk Lắk tưới cà phê, ảnh chụp tháng 3 năm 2013. Photo courtesy of giacaphe.com

“Thực tế Trường Ngân đã nợ nần từ 3-4 năm nay và con số nợ tồn đọng của ngành cà phê lên đến 6.000 tỷ đồng, không phải chỉ có nợ nần trong năm vừa rồi mà là nợ nần  đã tích lũy nhiều năm nay. Lớn nhất là do buôn bán thua lỗ, thứ hai là do họ không có vốn liếng phải vay ngân hàng trước đây với lãi suất quá cao và thứ ba tất nhiên do sự tính toán trong làm ăn, do sự đầu cơ không hợp lý cho nên dẫn tới thua lỗ.”

Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê phá sản, ngừng hoạt động trong năm 2013 thật ra chỉ là những cái chết được dự báo từ trước. Ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam từ Hà Nội nhận định:

“Doanh nghiệp yếu về nghiệp vụ chưa thể thỏa thuận chưa định trước được giá cả chưa thấy được xu hướng thị trường. Thứ hai là yếu về vốn không có vốn, khi vay được vốn đẻ mua cà phê thì giá đã khác rồi, nó chuyển biến theo hướng không có lợi cho mình rồi. Cái yếu về vốn về năng lực nghiệp vụ thì đã rõ ràng, riêng khoản vay trả lãi ngân hàng thì đủ chết rồi.”

Nguyên nhân đổ vỡ

Ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam phân tích nguyên nhân gây ra tình trạng đổ vỡ cho hàng loạt doanh nghiệp cà phê:

Nguyên nhân chính cơ bản là các doanh nghiệp Việt Nam chưa xác định được biện pháp nào để chống rủi ro trong quá trình tham gia vào hoạt động kinh doanh.
-Ông Đỗ Hà Nam

Nguyên nhân chính cơ bản là các doanh nghiệp Việt Nam chưa xác định được biện pháp nào để chống rủi ro trong quá trình tham gia vào hoạt động kinh doanh mà lấy cái giá của sàn Luân Đôn làm cơ sở kinh doanh.  Do họ tham gia vào sàn kỳ hạn mà khi mua cà phê thì có tình trạng rất kém, thường họ theo một nguyên tắc kinh doanh là muốn đầu cơ khi giá lên để chờ lên cao hơn nữa mới chốt, nhưng trên thực tế khi chúng ta nghĩ nó lên thì nó lại xuống. Khi giá xuống các doanh nghiệp ôm lượng hàng rất lớn, có doanh nghiệp đến vài chục ngàn tấn. Cho nên chỉ cần một đêm mà giá xuống từ 100 đến 200 đô/tấn thôi thì rủi ro đã rất cao. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chết là vì nội dung này.”

Mặc dù Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê vối robusta nhưng giá cả hoàn toàn tùy thuộc vào giá thế giới, đặc biệt là sàn giao dịch Luân Đôn. Giá cà phê nguyên liệu lên xuống bất thường như trò ảo thuật.  Tuy vậy người trồng cà phê Việt Nam vài năm nay đã biết cách không làm cho tình hình tồi tệ hơn, họ đã không bán ra một cách ồ ạt khi thu hoạch rộ.

Ông Hà một người trồng cà phê ở Đắc Lắc nhận định:

“Trừ trường hợp những hộ làm vừa đủ ăn phải trang trải chi phí phân thuốc sâu người ta đầu tư trước đây được ứng trước thì buộc phải bán. Tính ‘bình bình’ ở Đắc Lắc có thể 50% số hộ phải bán ngay để chi tiêu, 50% còn lại giữ hàng để chờ giá.”

Ở góc độ của doanh nghiệp lớn, ông Đỗ Hà Nam cũng ghi nhận tình trạng người trồng cà phê trữ hàng lại để chờ giá tốt. Ông nói:

“Trong ba năm vừa qua, nông dân Việt Nam đi theo bài toán của hạt tiêu, tức là giá xuống thì không bán, giá lên mới bán…còn các ông doanh nghiệp muốn làm gì kệ các ông… và vì đời sống người nông dân tương đối khá cho nên việc trữ hàng của họ không cần vốn nhà nước hay cần ai hỗ trợ.”

Người trồng cà phê nói với chúng tôi cũng may là Nhà nước mở cửa thị trường ngành cà phê rất sớm và một số đại công ty cà phê quốc tế đã có mặt ở Việt Nam. Sự cạnh tranh trên thị trường giúp cho nông dân tiêu thụ được hạt cà phê làm ra với giá tốt hơn, cho dù Vicofa luôn e dè tiềm lực của các đại gia cà phê thế giới có khả năng nuốt chửng thị trường.

Cùng với nguy cơ đổ vỡ của ngành cà phê, trong năm 2013 Chính phủ đã cho thành lập Ủy ban Điều phối ngành hàng cà phê để lập lại trật tự sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Tuy nhiên các nỗ lực cải cách này diễn ra một cách chậm chạp và sẽ khó thấy sự gặt hái kết quả trong năm 2014.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.