‘Trạm thu phí’ BOT: thuật ngữ thể hiện sự hiểu biết của một Chính phủ

RFA
2019.08.19
0614f Làn thu phí tự động tại BOT Cai Lậy.
RFA

Thay đổi hay làm xáo trộn khái niệm?

Báo chí trong nước vào ngày 7/5 vừa qua loan tin trích dẫn từ Dự thảo thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của ‘trạm thu tiền’ dịch vụ sử dụng đường bộ, thay thế cho thông tư 49/2016, cho biết Bộ Giao thông - Vận tải có đề xuất dùng ‘trạm thu tiền’ thay cho ‘trạm thu phí’.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Giao thông - Vận tải dùng từ thay thế cho cụm từ ‘trạm thu phí’. Trước đó, vào đầu năm 2018, Bộ cũng đã sử dụng ‘trạm thu giá’ nhưng sau khi gặp nhiều phản đối do cụm từ ‘trạm thu giá’ không có ý nghĩa và không cần thiết để thay đổi nên Bộ sử dụng lại ‘trạm thu phí’ rồi một thời gian sau lại đổi sang ‘trạm thu tiền’.

Đây là một từ kinh tế mà có thuật ngữ kinh tế chứ không phải mình muốn đặt ra thế nào cũng được. Chính phủ phải quay về với từ ‘thu phí’ thì mới chuẩn mực, thành ra tôi nghĩ họ buộc phải làm thôi. - ThS. Đinh Gia Hưng

Mới đây nhất, vào ngày 14/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp về tiến độ Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng và Bộ trưởng Thể đã lại công bố sử dụng “Trạm thu phí” thay cho “Trạm thu tiền”.

Nhiều người cho rằng, sau một thời gian dài loay hoay quanh việc đổi tên và bị dư luận phản đối mạnh mẽ, phải chăng Bộ Giao thông - Vận tải đã bắt đầu lắng nghe ý kiến người dân bằng việc quay lại với cách gọi cũ, dễ nghe là ‘Trạm thu phí’?

Theo Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên Văn hóa học tại trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, việc Bộ giao thông – Vận tải dùng lại cụm từ ‘trạm thu phí’ là lẽ dĩ nhiên vì trước đó Bộ đã đưa ra những đề xuất làm xáo trộn các khái niệm không cần thiết và không tôn trọng ngôn ngữ, bản chất chính xác của loại hình ‘thu phí’.

“Người ta thấy không đúng trong tên gọi cũng như trong chức năng từ. Đây là một từ kinh tế mà có thuật ngữ kinh tế chứ không phải mình muốn đặt ra thế nào cũng được. Chính phủ phải quay về với từ ‘thu phí’ thì mới chuẩn mực, thành ra tôi nghĩ họ buộc phải làm thôi.”

Ông giải thích thêm:

“Cụm từ ‘trạm thu phí’ phản ánh chính xác nhất của ngôn ngữ cũng như ý nghĩa việc thu, vì đây là các loại dịch vụ mà dịch vụ thì người ta gọi là phí. Nhưng đổi thành trạm thu tiền thì nó không phản ánh được, vì chữ tiền rất chung chung, mơ hồ, không phản ánh được bản chất của công việc mà ở đây là dịch vụ công. Lâu nay từ ‘phí’ là từ chuẩn mực của thế giới và Việt Nam, không tranh cãi về chuyện này nữa. Công luận cũng biết từ trong kinh tế cũng như kinh doanh, thế nào là phí, thế nào là giá, và thế nào là tiền, người ta biết rất rõ.”

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội lại nhận định rằng không phải nhà nước đang lắng nghe lòng dân, mà mấy ông trong Bộ Giao thông – Vận tải nghĩ cách đổi tên gọi để lách luật. Ông giải thích:

Trạm BOT thuộc huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Người dân cho rằng BOT này đặt sai vị trí và mức phí trên trời. Hệ quả là ảnh hưởng đến người tham gia giao thông lẫn người dân xung quanh.
Trạm BOT thuộc huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Người dân cho rằng BOT này đặt sai vị trí và mức phí trên trời. Hệ quả là ảnh hưởng đến người tham gia giao thông lẫn người dân xung quanh.
RFA

“Phí và giá là hai khái niệm mà luật pháp Việt Nam quy định khác nhau và khi thu những khoản tiền ấy có những quy định khác nhau về vấn đề báo cáo, sử dụng cũng như thuế khóa liên quan. Nhưng họ dùng ‘thu giá’ để lách những quy định về phí, tất nhiên xã hội lên tiếng, bản thân các ủy ban trong Quốc hội cũng tranh luận và buộc Bộ Giao thông quay trở lại dùng đúng thuật ngữ quy định chứ không dùng những thuật ngữ phịa ra để lách luật.

Đồng tình với suy nghĩ của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, anh Nguyễn Minh Hùng, một tài xế thường xuyên lên tiếng phản đối tại các trạm BOT ‘bẩn’ cũng cho rằng Bộ Giao thông – Vận tải muốn lách luật phí và lệ phí. Anh tiếp lời:

“Vì thu phí, giá cả phải quyết định qua Hội đồng Nhân dân thẩm định và duyệt, còn thu giá do công ty và Bộ Giao thông – Vận tải quyết định giá cả và thời điểm tăng giá, không qua Hội đồng Nhân dân. Còn chính phủ cũng một phần lắng nghe dân và Hùng cảm thấy cũng có những chuyển biến tích cực từ những phản ứng của người dân.”

Còn theo anh Vũ Tân, một người dân sống tại Kiên Giang thường xuyên qua trạm BOT T2 và từng nhiều lần tham gia phản đối vị trí đặt trạm thu phí T2 lại đặt ra nghi vấn việc sử dụng những từ ‘thu giá’, ‘thu tiền’ mà Bộ Giao thông – Vận tải đề ra trước đây phải chăng là sự lấp liếm của một số người trong nhóm lợi ích.

“Mình thấy thu gì thì thu, nhưng mà thu bất hợp lý thì dân mới phản đối, như làm be bét cũng thu, không làm cũng thu mà thu nhiều nữa.”

Bài toán khó giải, bài học kinh nghiệm

Trao đổi với Đài Á Châu tự Do, cả Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh đều nhận xét rằng thực chất mô hình BOT đã và vẫn đang thực hiện rất tốt ở các nước khác, nhưng lại bị “biến chất” khi đưa vào vận hành tại Việt Nam.

Hàng loạt các trạm BOT đặt sai vị trí vẫn ngang nhiên hoạt động mặc sự phản đối mạnh mẽ từ những tài xế và người dân sống quanh trạm. Những lời hứa sẽ giải quyết các sai phạm trên từ phía Bộ Giao thông – Vận tải đến nay vẫn chưa được thực hiện một cách thỏa đáng.

Chuyện Bộ Giao thông – Vận tải hết lần này đến lần kia đề nghị hết thu giá đến thu tiền rồi cuối cung quay lại thu phí như thế là suy nghĩ của Bộ Giao thông – Vận tải có nhiều vấn đề. - TS. Đinh Trọng Thịnh

Dưới góc nhìn cá nhân, Tiến sĩ kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định rằng hiện BOT đang là một sai lầm rất khó khắc phục trong một sớm một chiều:

“Chuyện Bộ Giao thông – Vận tải hết lần này đến lần kia đề nghị hết thu giá đến thu tiền rồi cuối cung quay lại thu phí như thế là suy nghĩ của Bộ Giao thông – Vận tải có nhiều vấn đề.

Rất hy vọng từ việc thay đổi nhận thức về thu phí, thu tiền, hay thu giá cuối cùng cũng chỉ là một khoản thu, từ đó giúp Bộ Giao thông – Vận tải có nhận thức đúng đắn hơn không chỉ là tên gọi, mà thực chất các dự án BOT nói riêng cũng như các dự án cơ sở hạ tầng nói chung trong tương lai.”

Thông qua việc Bộ Giao thông – Vận tải sử dụng lại cụm từ ‘trạm thu phí’, anh Nguyễn Minh Hùng lạc quan tin rằng, đối với những sai trái trong xã hội hiện nay, người dân nên bày tỏ quan điểm, lập trường của mình trong khuôn khổ pháp luật cho phép để dần dần xã hội sẽ tốt lên.

Còn theo Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, việc đổi tên ‘thu phí, thu giá, thu tiền’ vừa qua có lẽ là bài học mà Bộ Giao thông – Vận tải cần rút kinh nghiệm:

“Bất kỳ sửa đổi hay công bố gì liên quan đến chính sách công, trong đó các thuật ngữ rất quan trọng bởi vì thuật ngữ thể hiện sự hiểu biết của một chính phủ về những vấn đề hệ thống quốc gia ảnh hưởng tới hàng triệu công dân. Vì sức ép đó chính phủ càng phải chú tâm và lắng nghe người dân, xem phản hồi của người dân ở mức độ nào thì lúc đó mới điều chỉnh và thể hiện vai trò đại diện tốt hơn của mình.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.