Tuyên bố ‘lắng nghe dân’ nhưng không cho trưng cầu dân ý

RFA
2018.06.27
000_9F2SN Chủ tịch Quốc hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Chính phủ VN ông Nguyễn Xuân Phúc.
AFP

Luật Trưng Cầu Dân Ý của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, và được nói là sự thể chế hóa quyền “dân chủ trực tiếp” của công dân được Hiến pháp qui định.

Theo luật này thì cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, luật sư Ngô Anh Tuấn, đoàn luật sư Hà Nội cho chúng tôi biết kể từ khi luật trưng cầu ý dân có hiệu lực đến nay là 2 năm nhưng chưa một lần được áp dụng:

Chưa có một dự luật nào chẳng hạn mà đại biểu Quốc hội đề xuất đưa ra trưng cầu ý dân, cho dù luật quy định rất rõ ràng rằng những vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội nhưng cho đến giờ chưa có một trường hợp nào mang ra trưng cầu ý dân. Ngay cả trường hợp dự luật đặc khu hay luật an ninh mạng, chưa thấy Quốc hội đề cập đến vấn đề này.

Đến khi vấp phải phản ứng của dân chúng về dự luật khu hành chính đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, Thủ tướng VN ông Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng rằng Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và công chúng về điều khoản cho người nước ngoài thuê đất gần một thế kỷ trong dự luật về đặc khu kinh tế này.

Tương tự, bà chủ tịch Quốc Hội, Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng đăng đàn phát biểu kêu gọi người dân bình tĩnh vì Quốc hội đang luôn lắng nghe ý kiến của người dân.

Về vấn đề lãnh đạo lắng nghe dân, anh Viễn - một người dân ở Hà Nội, cho biết quan điểm:

Có vẻ như có lắng nghe, bằng chứng là ba bốn cuộc gặp gỡ của ông Nguyễn Xuân Phúc ở Hải Phòng cho tới ông Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội và Trần Đại Quang ở Sài Gòn đều nói đến hai thứ là luật an ninh mạng và đặc khu.

Nhưng nghe là một chuyện còn làm là chuyện khác, họ đâu có làm theo đâu.

Nhưng nghe là một chuyện còn làm là chuyện khác, họ đâu có làm theo đâu.
- Người dân

Thực tế cho thấy, dù khắp nơi trên cả nước nổ ra đợt biểu tình vào ngày 10 tháng 6 với các khẩu hiệu phản đối hai dự Luật Đặc khu và An Ninh Mạng, đến ngày 12 tháng 6, Quốc hội Việt Nam vẫn thông qua luật An Ninh Mạng. Theo nhiều người thì đây là một bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy các lãnh đạo không hề nghe ý dân.

Còn Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, đặt ra câu hỏi rằng nếu Quốc hội thực sự muốn lắng nghe ý dân thì vì sao đến nay luật trưng cầu dân ý vẫn chưa được áp dụng?

Người ta làm luật cho nó vui thôi, để dọa thiên hạ rằng mình cũng văn minh. Nói như bà Ngô Bá Thành ngày xưa, cũng là một Nghị sĩ Quốc hội, bà ấy nói rằng VN có một rừng luật nhưng chỉ thi hành luật rừng thôi.

Hội nghị bàn về chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì gần đây có tuyên bố phải dựa vào dân để chống tham nhũng. Cũng là nói cho hay vậy thôi, chứ dựa vào dân thì phải có báo chí tự do để dân nói tiếng nói của mình. Nhưng họ lại thực hiện luật an ninh mạng, tức là khóa mồm dân lại thì lấy gì lắng nghe.

Muốn tôn trọng ý dân thì phải có tự do tư tưởng, tự do báo chí, quyền lập hội, biểu tình để bày tỏ chính kiến của họ về các vấn đề.

Một chiến dịch mà cơ quan chức năng ở Sài Gòn đang làm mà GS. Nguyễn Khắc Mai gọi là “trò hề”, đó là họ phân phát những tờ rơi giải thích về luật đặc khu đưa tới từng gia đình và bắt họ ký vào. Ông nghi ngờ sau này chính quyền sẽ nói đó là bằng chứng người dân đã đồng tình với luật đặc khu. Ông khẳng định đây không phải là một hình thức trưng cầu dân ý.

Trước đây trong một phiên thảo luận về Luật Trưng Cầu Dân Ý, Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội phát biểu rằng dân trí thấp không thể tùy tiện trưng cầu. Phát biểu của ông Huệ vấp phải nhiều sự phản đối từ phía người dân.

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng “trưng cầu dân ý” hay “lắng nghe dân” chỉ là những câu nói xã giao của giới lãnh đạo:

Theo luật, thì đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân. Có thể lắng nghe ở đây họ sẽ nói rằng các đại biểu nghe ý kiến của dân rồi phản ánh lại với Quốc hội. Chứ lắng nghe thực sự trực tiếp từ phía người dân thì gần như không có.

Tôi thấy việc lắng nghe là một từ dùng chung, quen thuộc họ hay dùng với nhau thôi, chứ tôi thấy nó không có giá trị gì.

Tôi thấy việc lắng nghe là một từ dùng chung, quen thuộc họ hay dùng với nhau thôi, chứ tôi thấy nó không có giá trị gì.
- Ls. Ngô Anh Tuấn

Trả lại câu hỏi người dân cần làm gì để tiếng nói của họ được lãnh đạo lắng nghe, trưng cầu, GS. Nguyễn Khắc Mai nói:

Bây giờ dân phải đòi hỏi nhiều quyền. Chỉ còn cách tập hợp nhau lại lên tiếng để đòi những quyền đó. Có dịp nào đó thì thông qua bầu cử, loại trừ những thành phần dốt, cậy quyền ra, và thay bằng những nghị sĩ đàng hoàng hơn thì hi vọng họ hiểu luật, họ biết thế nào là dân và tôn trọng dân.

Luật trưng cầu dân ý của Việt Nam quy định rõ mọi công dân VN từ đủ 18 tuổi trở lên là người có quyền bỏ phiếu biểu quyết. Những vấn đề cần trưng cầu dân ý bao gồm toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước hoặc vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước…

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.