Việt Nam hướng đến tham gia Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức

RFA
2019.12.02
9005426f-172e-45f4-9b99-304352a43aa0.jpeg Ảnh minh họa: Một trung tâm cai nghiện ma túy ở Hà Nội.
AFP

Đề xuất gia nhập Công ước 105 của ILO

Phát biểu tại Hội thảo tham vấn dự thảo hồ sơ trình gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức, diễn ra vào ngày 2/12, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh rằng Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó bao gồm việc tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Châu Âu (EVFTA).

Theo Ông Nguyễn Văn Bình đó là lý do Việt Nam xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của các công ước cơ bản của ILO, cũng như nỗ lực tiến tới tham gia những công ước của ILO mà Việt Nam chưa gia nhập, trong đó có Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Tại Hội thảo, chuyên gia cao cấp của ILO, ông Pelce Alain giới thiệu tổng quan về Công ước 105 và nhấn mạnh nội dung cơ bản của Công ước 105 là yêu cầu loại bỏ 5 hình thức lao động cưỡng bức, được quy định tại điều 1 và điều 2.

Báo giới quốc nội dẫn lời của vị chuyên gia ILO nêu rõ chi tiết trong khoản a, điều 1 của Công ước 105 quy định mọi nước thành viên của ILO cam kết loại bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó như là một biện pháp cưỡng chế hay giáo dục chính trị hoặc như một sự trừng phạt đối với những ai đang có hoặc đang phát biểu chính kiến hay ý kiến chống đối về tư tưởng đối với trật tự chính trị, xã hội, hoặc kinh tế đã được thiết lập; hay khỏan b, c, d và e của điều 1 quy định cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó như một biện pháp huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế; như một biện pháp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động; như một sự trừng phạt đối với việc đã tham gia đình công hay như một biện pháp phân biệt đối xử về chủng tộc, xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo.

Đôi nét về lao động cưỡng bức tại Việt Nam

Trong lúc lao động mà phạm nhân thường phạm lơ là thì đội trưởng của họ ghi danh và giao nộp cho quản giáo. Sau đó, quản giáo sẽ làm việc với họ và khó có thể nói được hậu quả gì sẽ xảy đến cho họ. Trước hết là bị đánh và khi các tù nhân thường phạm phản ứng lại thì họ bị kỷ luật cùm chân
-Tù nhân lương tâm Trần Vũ Anh Bình

Đài RFA ghi nhận trước khi Hội thảo tham vấn dự thảo hồ sơ trình gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức diễn ra, vào hôm 21/11, 119 học viên bỏ trốn khỏi Trung tâm Cai nghiện Ma túy tỉnh Tiền Giang và đây không phải lần đầu xảy ra vụ việc này. Hồi tháng 8 năm 2018, hơn 220 học viên tại Trung tâm Cai nghiện Ma túy tỉnh Tiền Giang cũng đã bỏ trốn. Tất cả số học viên bỏ trốn sau khi bị bắt lại đều khai báo nguyên nhân họ bỏ trốn là do bị cưỡng bức lao động và bị đánh đập.

Trong những năm qua tại các trung tâm cai nghiện ma túy ở địa phương khác nhau trên đất nước Việt Nam cũng xảy ra tình trạng tương tự và hồi năm 2011, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế từng công bố một báo cáo về các trại cai nghiện tại Việt Nam có tên “Quần đảo cai nghiện”, tố cáo tình trạng lao động cưỡng bức và nhiều hình thức lạm dụng khác trong các trung tâm cai nghiện ma túy ở miền Nam Việt Nam.

Hàng chục công nhân Công ty Pouyuen bị bắt và bị cho thôi việc sau ngày biểu tình 11/06/18 phản đối Dự luật Đặc khu.
Hàng chục công nhân Công ty Pouyuen bị bắt và bị cho thôi việc sau ngày biểu tình 11/06/18 phản đối Dự luật Đặc khu.
RFA
Liên quan khoản a, điều 1 của Công ước 105, Đài RFA có thể dẫn chứng một trường hợp điển hình của tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức. Ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án 16 năm tù giam với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” qua việc điều hành một trang mạng đăng tải những nội dung phản biện các chính sách của nhà nước Việt Nam nhằm tìm một giải pháp cho tiến trình dân chủ hóa cho Việt Nam, hồi trung tuần tháng 8 năm 2016 từng tố cáo bị cưỡng bức lao động trong trại giam Thanh Chương ở tỉnh Nghệ An.

Tù nhân lương tâm-Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình ghi nhận trong thời gian 6 năm tù giam của mình, thì những tù nhân chính trị như ông về thực chất là không bị cưỡng bức lao động; tuy nhiên:

“Đối với tù nhân chính trị thì họ (trại giam) không có cưỡng bức lao động nhưng mà đôi lúc họ tạo ra những cảnh thật sự mà nói nó làm cho mình nhận biết đó chính là sự cưỡng bức lao động tuy là không hề có trong văn bản.”

Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình cho RFA biết tình trạng phạm nhân thường phạm bị cưỡng bức lao động trong các trại giam Việt Nam thì ông cho là rất “kinh khủng”:

“Trong lúc lao động mà họ (phạm nhân thường phạm) lơ là thì đội trưởng của họ ghi danh và giao nộp cho quản giáo. Sau đó, quản giáo sẽ làm việc với họ và khó có thể nói được hậu quả gì sẽ xảy đến cho họ. Trước hết là bị đánh và khi các tù nhân thường phạm phản ứng lại thì họ bị kỷ luật cùm chân.”

Đài RFA cũng tìm hiểu về tình hình công nhân tại Việt Nam bị cưỡng bức lao động dưới hình thức nào hay không và được một đại diện ẩn danh của Liên đoàn Lao động Việt Tự do, tổ chức công đoàn độc lập tại Việt Nam cho biết:

“Ví dụ như có tình trạng công nhân làm việc bị kiệt sức quá, nhất là tình trạng bị chửi bới, bị xúc phạm, bị mạ lị thì xảy ra thường xuyên. Ăn uống thì không đủ chất dinh dưỡng, tất nhiên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì không đảm bảo rồi thành ra sức khỏe của công nhân không đảm bảo kéo dài thời gian làm việc tăng ca nên công nhân hay bị ngất xỉu. Tuy vấn đề đánh đập công nhân là không có, nhưng bị chửi bới và mạ lị trong lúc làm việc thì rất nhiều.”

Không lạc quan khi Việt Nam tham gia Công ước 105

Ví dụ như có tình trạng công nhân làm việc bị kiệt sức quá, nhất là tình trạng bị chửi bới, bị xúc phạm, bị mạ lị thì xảy ra thường xuyên. Ăn uống thì không đủ chất dinh dưỡng, tất nhiên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì không đảm bảo rồi thành ra sức khỏe của công nhân không đảm bảo kéo dài thời gian làm việc tăng ca nên công nhân hay bị ngất xỉu. Tuy vấn đề đánh đập công nhân là không có, nhưng bị chửi bới và mạ lị trong lúc làm việc thì rất nhiều
-Đại diện
Liên đoàn Lao động Việt Tự do

Trở lại Hội thảo tham vấn dự thảo hồ sơ trình gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức, diễn ra hôm 2/12, đại diện cho ILO tại Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Triệu đánh giá cao về những nỗ lực đáng kể của Việt Nam, trong việc thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi cũng như thực hiện những công việc cụ thể để gia nhập Công ước 105.

Ông Nguyễn Ngọc Triệu phát biểu tại Hội thảo rằng cùng với Công ước 29 về lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập năm 2007) và nếu Việt Nam được phê chuẩn gia nhập Công ước 105 thì sẽ có những tác động hơn nữa trong quá trình Việt Nam cam kết loại bỏ lao động cưỡng bức.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng xác nhận tại Hội thảo rằng việc nghiên cứu, đề xuất Việt Nam gia nhập Công ước 105 lầ rất quan trọng và cần thiết nhưng cần được thực hiện một cách thận trọng.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi liệu rằng một khi Việt Nam tham gia Công ước 105 của ILO thì tình trạng cưỡng bức lao động tại Việt Nam sẽ được khả quan hơn rất nhiều hay không, đại diện của hai tổ chức công đoàn độc lập như Liên đoàn Lao động Việt Tự do và Phong Trào Lao Động Việt cùng một số cựu tù nhân chính trị bày tỏ rằng họ không lấy làm lạc quan với trưng dẫn như Hiến pháp Việt Nam quy định quyền tự do lập hội và các Hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA ràng buộc cho phép thành lập công đoàn độc lập cho công nhân nhưng đến giờ vẫn chưa có có kết quả thực tế nào.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.