Việt Nam Tuần Qua

Những tranh cãi về tấm “hộ chiếu lưỡi bò” của Trung Quốc, đang là đề tài thời sự gây nhiều chú ý tại Việt Nam tuần này.
RFA 01.12.2012
Mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc có in đường lưỡi bò mà họ đòi hỏi trên Biển Đông. Mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc có in đường lưỡi bò mà họ đòi hỏi trên Biển Đông.
Source báo TQ/peopledaily

Phản ứng trước việc Trung Quốc cho in tấm bản đồ hình lưỡi bò vào hộ chiếu phổ thông của họ, như một cách xác lập chủ quyền trong Biển Đông, Việt Nam tuần qua đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối, khi cho rằng đây là một hành động mang tính xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Tuyên bố trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm 24 tháng 11, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Phan Thanh Nghị nhấn mạnh rằng: “Việc làm này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông”.

Trí thức VN ký tên phản đối

Hộ chiếu Trung Quốc với bản đồ lưỡi bò. hennhausaigon2015.com photo.
Hộ chiếu Trung Quốc với bản đồ lưỡi bò. hennhausaigon2015.com photo.
Hành động mang tính áp đặt của Bắc Kinh cũng ngay lập tức gây bất bình cho người Việt Nam cả ở trong và ngoài nước.

Nhiều nhân sĩ trí thức đã cùng ký tên vào một bản tuyên bố chung “Phản đối Nhà cầm quyền Trung Quốc in hình 'lưỡi bò' lên hộ chiếu công dân”.

Trong bản tuyên bố được phổ biến tại cả ba thành phố Huế - Sài Gòn – Hà Nội, nhiều vị nhân sĩ, giáo sư, các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực, các tu sĩ, vân. vân… đã cực lực phản đối hành động khiêu khích mới này của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Cho nên việc in đường 'lưỡi bò' hoang tưởng trên hộ chiếu của công dân nước này là một bước tiến mới trong tham vọng khống chế Biển Đông.

GS Tương Lai

Trả lời Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do, Giáo sư Tương Lai, nguyên thành viên Tổ tư vấn của thủ tướng Võ Văn Kiệt, Ban nghiên cứu của thủ tướng Phan Văn Khải, một trong những người ký tên vào bản tuyên bố, cho rằng:

“Đây mới là bộ mặt thật của giới cầm quyền Trung Quốc trong âm mưu muốn biến Biển Đông thành ao nhà riêng của họ.

Quan trọng hơn nữa là một loạt những bản đồ mà có thể nói cuộc chiến bản đồ nằm trong toàn bộ âm mưu của giới cầm quyền Trung Quốc. Cho nên việc in đường 'lưỡi bò' hoang tưởng trên hộ chiếu của công dân nước này là một bước tiến mới trong tham vọng khống chế Biển Đông. Nếu phân tích thì đây là một hành động cực kỳ nham hiểm không chỉ đối với Việt Nam mà cả các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế có chung quyền lợi trên Biển Đông.”

VN không đóng dấu lên hộ chiếu

Trước hành động ngang ngược của Bắc Kinh, khác với những tuyên bố phản đối chung chung như trước đây, lần này Việt Nam đã cho áp dụng các biện pháp cụ thể hơn để chống lại âm mưu thôn tính Biển Đông của Trung Quốc.

Việt Nam không đóng dấu những hộ chiếu có hình lưỡi bò mà chỉ cấp thị thực trên tờ giấy rời cho các du khách Trung Quốc.

CNVPCP Vũ Đức Đam

Vài ngày sau khi có tin công an cửa khẩu tại các tỉnh biên giới phía Bắc không đóng dấu vào “hộ chiếu lưỡi bò” của Trung Quốc, hôm thứ Năm 29 tháng 11 đích thân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam lên tiếng khẳng định là “Việt Nam không đóng dấu những hộ chiếu có hình lưỡi bò mà chỉ cấp thị thực trên tờ giấy rời cho các du khách Trung Quốc”.

Tuyên bố trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ông Vũ Đức Đam khẳng định nhà nước Việt Nam đã phát đi công hàm liên quan đến hộ chiếu mới của Trung Quốc trong đó có bản đồ hình lưỡi bò phi pháp.

Báo chí tích cực hơn

Báo chí Việt Nam đã tận dụng thông tin nước ngoài đồng loạt phản đối Trung Quốc in hình bản đồ “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu. RFA file.
Báo chí Việt Nam đã tận dụng thông tin nước ngoài đồng loạt phản đối Trung Quốc in hình bản đồ “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu. RFA file.
Cùng với phản ứng mạnh mẽ của chính quyền, báo chí dường như đã leo một nấc thang trong mặt trận truyền thông bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và vạch trần tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

Trả lời Nam Nguyên của Đài Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên Tổng Thư ký báo Doanh Nghiệp, từ Saigon nhận định:

“Chính phủ Việt Nam có những thay đổi có thể dễ dàng nhận ra. Theo tôi đây là thái độ tích cực và cứng rắn hơn thời gian trước đây. Trên mặt trận báo chí, theo cá nhân tôi thì có mạnh hơn. Những bài những tin viết về những sự việc liên quan đến Biển Đông gần đây, cụ thể vụ hộ chiếu có in hình lưỡi bò tôi thấy báo chí Việt Nam có dấu hiệu tích cực hơn.”

Philippines, Ấn Độ phản đối mạnh mẽ

Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc in bản đồ lưỡi bò lên hộ chiếu ở phía trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila vào ngày 29 tháng 11 năm 2012. AFP
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc in bản đồ lưỡi bò lên hộ chiếu ở phía trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila vào ngày 29 tháng 11 năm 2012. AFP
AFP
Việc Trung Quốc cho lưu hành tấm hộ chiếu công dân in bản đồ hình “lưỡi bò” với tham vọng xác lập chủ quyền tại một khu vực rộng lớn ở Biển Đông không chỉ gặp phải làn sóng chống đối mạnh mẽ từ Việt Nam mà còn từ nhiều quốc gia khác trong khu vực; từ Philippines, cho đến Đài Loan, Ấn Độ và cả Hoa Kỳ.

Cũng giống như Việt Nam, cùng với việc chính thức lên tiếng bác bỏ tấm bản đồ “lưỡi bò”, chính phủ Philippines quyết định không đóng dấu vào tấm hộ chiếu mới của Trung Quốc.

Ấn Độ thì có hành động mang tính trả đũa mạnh mẽ hơn bằng cách cấp thị thực cho công dân Trung Quốc với một tấm bản đồ Ấn Độ, bao gồm tất cả các lãnh thổ mà New Delhi tuyên bố chủ quyền.

Tại Washington, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng việc Trung Quốc tự ý cho in tấm bản đồ hình “lưỡi bò” vào hộ chiếu công dân của họ là không hợp pháp, và điều này sẽ không làm thay đổi quan điểm của Hoa Kỳ đối với cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Tuyên bố với báo chí hôm thứ Ba, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, bà Victoria Nuland, lặp lại quan điểm của Mỹ rằng vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nên được đàm phán giữa các nước có liên quan, giữa ASEAN và Trung Quốc.

Bắc Kinh - lỗi kỹ thuật?

Một nữ công an Trung Quốc ở Giang Tô so sánh hộ chiếu Trung Quốc cũ (bên trái) và hộ chiếu điện tử mới (bên phải) hôm 14-05-2012. AFP photo.
Một nữ công an Trung Quốc ở Giang Tô so sánh hộ chiếu Trung Quốc cũ (bên trái) và hộ chiếu điện tử mới (bên phải) hôm 14-05-2012. AFP photo.
Trước sự chống đối của nhiều nước trong khu vực cũng như các chính phủ có liên quan, phản ứng của Trung Quốc vẫn như mọi lần: Một mặt tìm cách xoa dịu dư luận, một mặt vẫn tiếp tục thực hiện các mưu toan xác lập chủ quyền tại Biển Đông.

Trong lúc tại Bắc Kinh, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Hồng Lỗi lên tiếng cho rằng dư luận không nên quá chú trọng tới hình bản đồ trong hộ chiếu mới của Trung Quốc, vì đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, và Trung Quốc sẵn sàng tiếp xúc với những nước liên quan để thảo luận về vấn đề này; thì tại Hải Nam, cảnh sát biển Trung Quốc lại được lệnh chận bắt và trục xuất tàu nước ngoài tiến vào Biển Đông.

Tỉnh Hải Nam cũng cũng là địa phương nơi nhà cầm quyền Trung Quốc cho thành lập đơn vị hành chánh thành phố Tam Sa, bao trùm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Việt Nam cần phải làm gì

Vậy trước những hành động leo thang mang tính áp đặt của Trung Quốc, Việt Nam cần phải làm gì để bảo vệ chủ quyền quốc gia? Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do, Giáo sư Tương Lai cho rằng ngoài việc lên tiếng phản đối qua các kênh chính thức, chính quyền Việt Nam cũng cần phải nêu rõ những âm mưu của phía Trung Quốc cho mọi người dân được thấy:

... Nhà nước hay nói đến '16 chữ vàng' và '4 tốt' trong mối quan hệ với Trung Quốc, thậm chí còn tuyên bố vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề 'toàn cục' trong mối quan hệ Việt- Trung, rồi 'đừng để vấn đề Biển Đông làm ảnh hưởng mối quan hệ Việt- Trung'.

GS Tương Lai

“Trong nước, việc vạch trần điều này ra có ý nghĩa lớn lắm vì từ lâu về mặt Nhà nước hay nói đến '16 chữ vàng' và '4 tốt' trong mối quan hệ với Trung Quốc, thậm chí còn tuyên bố vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề 'toàn cục' trong mối quan hệ Việt- Trung, rồi 'đừng để vấn đề Biển Đông làm ảnh hưởng mối quan hệ Việt- Trung'. Đó là những luận điệu không thể nào chấp nhận được vì đó là sự 'ru ngủ' trước hành động xâm lược thực sự của Trung Quốc.”

Quan điểm này của Giáo sư Tương Lai cũng nhận được sự chia sẻ của Giáo sư Vũ Quốc Thúc, từng giảng dạy tại Đại học Luật Khoa Sài Gòn, và nay đang định cư tại Pháp:

“Trước hết mình phải làm thế nào cho mỗi người Việt Nam trong hay ngoài nước đều hãnh diện mình là người Việt Nam. Chuyện Biển Đông một khi chúng ta thống nhất, đoàn kết, một lòng một dạ thì ta không sợ ai cả. Phải thống nhất nhân tâm. Khi toàn dân đồng lòng và lúc đó các đường lối được áp dụng chỉ chú trọng tới quyền lợi tối thượng của dân tộc chứ không riêng cho ai cả.”

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.