Tín hiệu gì khi VTV chiếu phim về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979?

Diễm Thi, RFA
2020.08.12
2016-02-17T120000Z_704657983_GF10000311864_RTRMADP_3_VIETNAM-PROTEST.JPG Người dân Hà Nội tưởng niệm chiến tranh biên giới ngày 17 tháng 2 năm 1979. Ảnh chụp ngày 17 tháng 2 năm 2016.
Reuters

Ý đảng lòng dân hội tụ?

Tối 11 tháng 8 năm 2020, VTV1 chiếu bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình: Năm 1979”. Phim do Báo Nhân dân sản xuất hoàn thành năm 2020.

Đứng đầu Ban chỉ đạo là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng. Chỉ đạo nội dung là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu.

Chuyện một đài truyền hình quốc gia chiếu một bộ phim nhắc lại việc tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Đặng Tiểu Bình rằng, “Dạy cho Việt Nam một bài học” khiến các nhà nghiên cứu nhận ra có một sự thay đổi trong cách đưa tin của ban tuyên giáo.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho biết, ông dường như không coi phim trên VTV bao giờ, nhưng không hiểu sao ông lại mở VTV vào tối 11 tháng 8 năm 2020 và sững sờ với những gì diễn ra trước mắt mình. Ông chia sẻ:

“Khi VTV1 bắt đầu phát bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình: Năm 1979” thì tôi vẫn nghĩ đây là một bộ phim tuyên truyền. Nhưng khi xem, tất cả những thước phim tư liệu, tất cả những hình ảnh nó không mới nhưng tất cả những lời bình nó quá đanh thép. Nó làm cho chúng tôi khóc. Thời điểm 1979 chúng tôi là những người lính, những người bộ đội trực tiếp chiến đấu trên biên giới Tây Nam. Nó nhắc lại tất cả những cái khốn nạn của đất nước mình là do sự sắp xếp của các cường quốc trên thế giới và Trung Quốc lợi dụng để ép Việt Nam vào con đường phục vụ cho Trung Quốc.”

Theo ông Đinh Kim Phúc, bộ phim cho thấy tiếng nói của đảng cộng sản Việt Nam, tiếng nói của chính phủ Việt Nam đang nói cho tiếng nói của nhân dân từ năm 1979 tới nay. Cái quyền lợi của đảng phái, của dân tộc, của đất nước hình như đang hội tụ vào trong thời điểm này. Cái thời điểm mà chúng ta phải giữ hòa bình nhưng cũng phải chuẩn bị chiến tranh dù Việt Nam luôn luôn muốn hòa bình.

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc vào năm 1979 dường như bị chính quyền Việt Nam cố tình quên lãng khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1990. Việc gọi tên Trung Quốc là kẻ xâm lược cũng không thấy xuất hiện trên mặt báo hay bất cứ chương trình truyền hình nào. Người dân tổ chức tưởng nhớ ngày 17 tháng 2 năm 1979 thì bị chính quyền ngăn cản, thậm chí đàn áp, đánh đập…

Tại sao chính phủ Việt Nam bất ngờ “chỉ mặt đặt tên” Trung Quốc trong bộ phim truyền hình được sản xuất năm 2020 này?

Chuyên gia nghiên cứu độc lập Hà Hoàng Hợp nhận định:

“Cái chốt của vấn đề là từ trước đến nay thì các hế hệ lãnh đạo trong đảng cộng sản Việt Nam vẫn nhìn rõ bản chất của đảng cộng sản Trung Quốc. Tức là người ta không bao giờ đánh giá ngược lại chuyện đã xảy ra năm 1979 cả mà người ta chỉ nói nhẹ đi thôi.

Bây giờ đang lúc có nguy cơ Trung Quốc có thể gây chiến tranh ở đâu đó và có thể tấn công Việt Nam. Phim này người ta làm ra rất nhanh và công khai hóa để nói cho người dân cũng như nói cho Trung Quốc và các nước khác thấy được cái thái độ của đảng cộng sản Việt Nam đối với việc đảng cộng sản Trung Quốc đang làm gì, và để nói lên bản chất quan hệ hai nước bây giờ.”

Ông Hợp nói thêm rằng, chính quyền luôn dựa vào dân và họ dựa theo nhiều kiểu. Có kiểu mang tính chất áp đặt và áp bức. Nhưng rõ ràng nếu không có sự ủng hộ của người dân thì chính quyền không thể làm được gì nên phải làm điều thuận lòng dân trong tình hình hiện nay.

Thông điệp cho Trung Quốc

Người dân Hà Nội tưởng niệm chiến tranh biên giới ngày 16 tháng 2 năm 1979. Ảnh chụp ngày 17 tháng 2 năm 2014.
Người dân Hà Nội tưởng niệm chiến tranh biên giới ngày 16 tháng 2 năm 1979. Ảnh chụp ngày 17 tháng 2 năm 2014.
Reuters.

Bộ phim nêu chi tiết, ngày 17 tháng 2 năm 1979, 60 vạn quân Trung Quốc với chín quân đoàn chủ lực cùng 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và thiết giáp đồng loạt vượt biên giới tiến vào sáu tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu.

Ngày 18 tháng 2 năm 1979, trang nhất Báo Nhân Dân đăng toàn văn tuyên bố của Nước Cộng Hòa xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về cuộc chiến tranh xâm lươc Việt Nam của những người cầm quyền Trung Quốc và nêu cao quyết tâm bảo vệ tổ quốc.

Bộ phim này được truyền hình Báo Nhân Dân sản xuất năm 2020 nhưng tất cả những tư liệu sử dụng đều là những tư liệu trên 40 năm qua.

Là một người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc, bảo vệ tổ quốc vào tháng Hai năm 1979, ông Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông:

“Việt Nam luôn luôn muốn hòa bình. Dù còn một phút để đàm phán hòa bình, giữ vững sự ổn định để phát triển thì Việt Nam vẫn làm. Nhưng nếu kẻ thù buộc Việt Nam phải ôm súng thì Việt Nam vẫn chứng tỏ được truyền thống 4000 năm của dân tộc.

Ai cũng muốn hòa bình, không ai muốn chiến tranh nhưng nếu Bắc Kinh muốn xé toạc tất cả các công pháp quốc tế, xóa Luật biển Liên Hiệp Quốc 1982, xé toạc tình hữu nghị Việt Trung và tất cả các quan hệ đồng chí, anh em thì Việt Nam phải có tiếng nói chính thức đối với cộng đồng quốc tế.”

Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp đưa ra một đánh giá chung về quan hệ Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, cũng như cách hành xử của chính phủ Việt Nam:

“Cái này mình thấy là nó có hai cái đường đi song song với nhau. Một đường là quan hệ hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc. Một đường là quan hệ hai đảng cộng sản cầm quyền. Cả phía Việt Nam và Trung Quốc đều xử lý rất rõ rằng, lợi ích quốc gia đặt lên trên lợi ích đảng cầm quyền. Không thể có chuyện quan hệ giữa hai đảng mà làm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Đặc biệt là từ phía Trung Quốc xâm hại lợi ích quốc gia Việt Nam như chiếm đất hay xâm lược hay phá hoại. Đó là điều họ nói với nhau từ rất lâu rồi.”

Ông cho biết, vừa rồi khi soạn thảo dự thảo báo cáo chính trị cho đại hội 13 của đảng cộng sản Việt Nam, người ta cũng nói đến một điểm chắc chắn là hiện nay vấn đề Biển Đông với quan hệ Trung Quốc là vấn đề khó khăn nhất và rủi ro nhất đối với Việt Nam, và còn kéo dài. Nhưng không ai đả động đến chuyện ‘hữu nghị’ hay ‘đại cục’ như trước nữa.

Ông Hợp dẫn lại câu nói của bậc tiền bối mà người dân Việt Nam thường xuyên nhắc lại, là câu nói của nhà chính trị Nguyễn Trãi: “phúc chu thủy tín dân do thủy”, tức “lật thuyền cũng do dân mà nâng thuyền cũng do dân”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.