Việt Nam đang đương đầu với khủng hoảng gì?

Cát Linh, phóng viên RFA
2017.05.02
071_1176-540.jpg Người dân Việt Nam chạy xe máy dưới mưa ở Hà Nội hôm 16/10/2016.
AFP photo

Năm 2017, văn phòng Thống kê Trung ương đưa ra báo cáo tăng trưởng kinh Việt Nam năm 2016 đạt 6,2%. Đây là con số được cho là “không mong đợi” vì không phải mục tiêu của nhà nước đề ra ban đầu. Nhiều nhà quan sát và các chuyên gia trong nước đều có những nhận định lo ngại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ không chỉ khủng hoảng kinh tế, mà cả xã hội và chính trị.

Khủng hoảng kinh tế

Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện là thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên hiệp quốc, cho biết trong quí 1 của năm 2017, mức tăng trưởng của Việt Nam chỉ là 5%.

Con số này được đúc kết ở nhiều lĩnh vực kinh tế thương mại của Việt Nam.

Tờ Tạp chí Tài chính Việt Nam trưng dẫn lý do của sự suy giảm tăng trưởng là do sự cố môi trường biển miền Trung và hạn hán tại miền Nam cũng như Tây Nguyên. Thảm hoạ môi trường biển do nhà máy Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh gây ra từ tháng 4 năm 2016 đến nay làm cho hàng trăm ngàn ngư dân bế tắc, ảnh hưởng đến cả những dịch vụ ngành nghề liên đới.

Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất có diện tích canh tác lớn nhất Việt Nam bị xâm ngập mặn nặng nề. Vấn đề này làm cho ngành sản xuất lúa gạo vốn là thế mạnh của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á nay đang gặp rất nhiều khó khăn.

Những hành động đơn lẻ trước đây rồi được cổ vũ trong trường hợp của Đồng Tâm sẽ thành những tiền lệ về sau rất dở. Tốt hơn hết nên sửa từ gốc.
- Luật sư Đặng Đình Mạnh

Nguyên nhân này cũng được Fox News của Mỹ đưa tin với số liệu giảm 0,5% so với năm 2015.

Sự việc gần đây nhất, giá heo đang tiếp tục giảm xuống mức kỷ lục khiến cho Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn phải triệu tập nhiều cuộc họp khẩn để giúp người chăn nuôi heo giải quyết khó khăn. Tất cả nguyên nhân đều được các chuyên gia và chủ các trang trại nuôi heo cho là do cung vượt quá cầu.

Một sự kiện được các chuyên gia kinh tế cho là có ảnh hưởng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Kinh tế gia của ngân hàng Credit Suisse, Deepali Bhargava, từng nhận định 3 nguy cơ của nền kinh tế của Việt Nam.

Trước tiên, đồng bạc của Việt Nam sẽ nhiều phần bị sụt giá từ 4% đến 5% trong năm 2017. Thứ hai, tình trạng đầu tư toàn cầu sẽ sụt giảm, ảnh hưởng đến thương mại. Và sau cùng, khi chính sách ưu đãi thuế quan để xuất cảng hàng hoá sang Mỹ của Việt Nam đã “tan thành mây khói” thì đồng nghĩa với những cải cách mà Hà Nội dự tính sẽ không được thi hành vì hiệp định không còn nữa.

Tờ Business Insider từng đưa ra nhận xét “Việt Nam có thể đang gieo mầm mống một cuộc khủng hoảng tiếp theo” liên quan đến chính sách tiền tệ nới lỏng, gia tăng nợ xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế và thương mại.

Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế vĩ mô – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trả lời báo trong nước vào năm 2016 cho biết giải pháp tránh cuộc khủng hoảng là chính sách tiền tệ phải được cân bằng, giữ ổn định thành quả kinh tế vĩ mô. Nói về vấn đề này, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh ý kiến rằng Việt Nam đang có quá nhiều các doanh nghiệp nhà nước lớn kinh doanh vào các lĩnh vực có tính chất thương mại. Theo ông, nhà nước nên tập trung vào những việc có hiệu quả và cần thiết. Còn các lĩnh vực thuần tuý thương mại thì nhà nước nên thoái vốn để tư nhân hoạt động.

“Việt Nam làm thì sẽ giảm bớt tham nhũng, quan liêu và các chi phí cho doanh nghiệp. Theo tôi các điều ấy rất là quan trọng.”

Khủng hoảng xã hội

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017.
AFP photo

Là đất nước nông nghiệp, nền kinh tế Việt Nam phần lớn gắn liền với đất đai. Nhiều cuộc cưỡng chế đất, bồi thường không hợp lý kéo dài trong những năm vừa qua. Trong đó, cao trào nhất  là câu chuyện Đồng Tâm, Mỹ Đức.

Lần đầu tiên, tầng lớp nông dân ‘mất đất’ đã biết phản kháng bằng cách bắt giữ 38 cán bộ và công an làm con tin, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam từ sau năm 1975.

Cũng lần đầu tiên, cuộc đối thoại chính thức diễn ra giữa chính quyền nhà nước và người dân, kết thúc bằng một văn bản cũng chưa từng có trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, do vị Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Hà Nội đọc trước toàn thể người dân trong diện cưỡng chế đất.

Người quan sát sự kiện gọi đây chính là thể hiện của khủng hoảng xã hội.

Chúng tôi đặt vấn đề này với Luật sư Đặng Đình Mạnh và ông phân tích ở lĩnh vực xã hội và pháp lý.

“Mọi người đều có cảm giác chung là Đồng Tâm đã thắng. Nhưng như vậy thì luật pháp nước nhà đã thua rồi. Tại vì mọi việc lẽ ra phải giải quyết theo pháp luật thì giờ người ta cứ manh động và được nhượng bộ theo ý họ.”

Theo ông, qua sự việc Đồng Tâm, nhà cầm quyền sẽ phải suy nghĩ lại về những nguyên nhân phát sinh ra sự việc. Do đó, chiến thắng lớn nhất trong chuyện này không phải là người dân Đồng Tâm, cũng không phải phía nhà cầm quyền, mà là vấn đề liên quan trực tiếp đến xã hội. Nếu không sửa kịp thời, xã hội sẽ có những bùng phát khác với qui mô lớn hơn và hoàn toàn vượt khỏi phạm vi pháp luật.

“Nhà cầm quyền phải suy nghĩ lại về chính sách đất đai. Những hành động đơn lẻ trước đây rồi được cổ vũ trong trường hợp của Đồng Tâm sẽ thành những tiền lệ về sau rất dở. Tốt hơn hết nên sửa từ gốc.”

Khủng hoảng chính trị

Nhưng dư luận và báo chí trong nước gần đây tập trung vào những câu chuyện liên quan đến các quan chức lãnh đạo cấp cao của Bộ chính trị và các ban ngành chủ chốt. Từ những vi phạm trong quá khứ cho đến những vụ mất tích, hoặc trốn ra nước ngoài với lý do chữa bệnh được đưa lên các trang báo chính thống. Đặc biệt, những vụ vi phạm, kỷ luật đó đều do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đích thân ra quyết định.

Một nhà báo độc lập trong nước giấu tên gọi giai đoạn này là giai đoạn khủng hoảng chính trị, và Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam nhận định thêm:

Bây giờ chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 5, chính là cuộc thanh toán các đối thủ chính trị. Để cho ông Trọng có thể ngồi lại tiếp tục.
- Giáo sư Tương Lai

“Bây giờ chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 5, chính là cuộc thanh toán các đối thủ chính trị. Để cho ông Trọng có thể ngồi lại tiếp tục.

Tham nhũng, trong sạch, rồi đạo đức…tất cả những cái đó chẳng qua là thủ đoạn chính trị. Những thủ đoạn chính trị càng lòi ra, người ta càng thấy phơi bày một thể chế toàn trị. Một thể chế toàn trị mà không thay đổi nó đi thì không làm sao giữ được niềm tin trong dân. Cái nguy hiểm là dối trong lãnh đạo thì càng mất uy tín trong dân. Và một khi lãnh đạo không có uy tín với dân thì lợi cho ai? Lợi cho ngoại bang.

Cao trào sẽ còn diễn ra. Có thể sau Hội nghị Trung ương 5, lực lượng bảo thủ, tay sai của Trung Quốc sẽ thắng. Nhưng rồi cuối cùng sẽ bị lật đổ thôi, không khác được vì nó không thể cưỡng lại được ý chí của dân tộc.”

Một quốc gia với một nền thể chế cấu thành từ các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, cho đến chính trị. Cũng từ một nhà báo độc lập trong nước, lịch sử qua các triều đại mấy ngàn năm đã chứng minh, khi cả ba lĩnh vực ấy đều bước vào bờ vực khủng hoảng ắt phải dẫn đến thay đổi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.