Bộ Giáo dục & Đào tạo mới đây cho biết sẽ bổ sung môn Tiếng Hàn vào danh mục các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), kể từ năm 2021.
Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin như vừa nêu ngày 17/3, cho biết thêm mục đích việc bổ sung môn Tiếng Hàn để các thí sinh đã học chương trình giáo dục phổ thông, đăng ký dự thi môn Tiếng Hàn để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, trình độ đại học năm 2021.
Theo đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã bổ sung mã tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Hàn để xét tuyển đối với các thí sinh lựa chọn thi và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Hàn trong xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng năm 2021, bảo đảm theo quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT trước đây có quy định trong bài thi ngoại ngữ, thí sinh được tự chọn để đăng ký dự thi một trong 6 thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức hoặc tiếng Nhật. Nay thêm tiếng Hàn.
Có lẽ đây là giải pháp vừa chữa cháy vừa tạo điều kiện những học sinh có bố mẹ là đại sứ hay công tác bên Hàn Quốc nói tiếng Hàn và đã tiếp xúc với tiếng Hàn để các em được thi tiếng Hàn. - Thầy Đỗ Việt Khoa
Trao đổi với RFA tối 17/3, Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên Trường THPT Thường Tín, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội đưa ra nhận xét về việc này như sau:
“Có lẽ đây là giải pháp vừa chữa cháy vừa tạo điều kiện những học sinh có bố mẹ là đại sứ hay công tác bên Hàn Quốc nói tiếng Hàn và đã tiếp xúc với tiếng Hàn để các em được thi tiếng Hàn.
Đó là một cách tạo điều kiện chứ cũng không gây sức ép với học sinh nên tôi nghĩ chuyện này cũng nhẹ nhàng vì xưa nay thi tốt nghiệp người ta cũng thử tạo điều kiện để học sinh tùy chọn theo ý của mình ở các môn ngoại ngữ.”
Bộ GD&ĐT trước đó đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn, tiếng Đức hệ 10 năm thí điểm. Quyết định vừa nêu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/2/2021. Báo trong nước dẫn nội dung trong quyết định đăng tin cho hay, môn tiếng Hàn và tiếng Đức được Bộ GD&ĐT xác định là ngoại ngữ 1.Trong khi trước đây, ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Nhật. Đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều lúc bấy giờ.
Đại diện Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học khi trả lời với báo giới nhà nước Việt Nam sau đó cũng đã đính chính rằng nếu trường phổ thông nào có đủ điều kiện dạy tiếng Hàn là ngoại ngữ 1 và học sinh tự nguyện lựa chọn tiếng Hàn thay cho tiếng Anh để học, thì khi đó tiếng Hàn sẽ là môn học bắt buộc.
Báo Tuổi trẻ online khi đăng tải thông tin về vụ việc cũng cho rằng “Với quyết định nêu trên, có thể hiểu Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung hai ngôn ngữ tiếng Hàn và tiếng Đức vào chương trình phổ thông, còn có chọn học hai thứ tiếng này hay không là quyền của học sinh.”
Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng bổ sung môn học Tiếng Hàn vào danh sách ngoại ngữ 1, Bộ lại tiếp tục đưa môn học này vào danh sách môn thi tốt nghiệp. Nhiều ý kiến bày tỏ liệu quyết định này có hợp lý hay không?

Từ Sài Gòn, chị Mai Anh, cử nhân Anh văn, trước đây từng học thêm tiếng Hàn bày tỏ:
“Học tiếng Hàn lúc mới vô học bảng chữ cái thì dễ nhưng chừng hai tháng sau, vô ngữ pháp nhiều thì bắt đầu thấy hơi khó vì tiếng Hàn chia động từ và viết ngược với mình.
Nếu họ cho tự chọn thì chị thấy không vấn đề nhưng nếu thi mà bắt buộc thì trình độ đó quá sớm, có mấy tháng không thể nào thi được vì mới thuộc bảng chữ cái.”
Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên ngôn ngữ học tại Đại học Đà Nẵng nhận định rằng động thái của Bộ Giáo dục thêm môn học vào ngay giữa thời điểm học kỳ đang diễn ra đã khó chấp nhận, nay lại bổ sung vào môn thi tốt nghiệp THPT lại càng không phù hợp và thiếu chín chắn. Ông nói:
“Nếu Bộ Giáo dục quyết định đưa tiếng Hàn vào thi tốt nghiệp mà lại ở giữa một năm học, một bộ môn học sinh học chưa chu đáo thì tôi nghĩ đây là một kế hoạch chưa hợp lý.
Tất cả những kế hoạch liên quan tới việc ra các môn tự chọn hay hai môn ngoại ngữ đó (tiếng Hàn, tiếng Đức) phải thực hiện trước khi năm học mới bắt đầu. Có nghĩa người ta phải nghiên cứu và thống nhất để có thể ban hành ngay từ khi năm học kết thúc, có thể công bố cho tất cả học sinh, phụ huynh cũng như nhà giáo có ý kiến, có phản hồi trao đổi để thấy chín chắn, đó là lựa chọn hợp lý. Cần có thời gian để cho học sinh, phụ huynh cũng như giáo viên chuẩn bị thêm.”
Vẫn theo Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, việc bổ sung ngôn ngữ hai cũng phải mang tính chất chiến lược lâu dài của Việt Nam để cho học sinh có thêm ngoại ngữ thứ hai, có lợi thế tương lai giáo dục trong nền giáo dục toàn cầu. Ông tiếp lời:
“Tôi đang băn khoăn ngoại ngữ hai là tiếng Hàn thì tôi không biết dựa trên cơ sở nào để đưa ra cái này bởi vì nếu chúng ta nói học sinh học tiếng Hàn để sau này ra làm việc ở các tổ chức hay cơ quan chính phủ Hàn Quốc thì tôi thấy cái này là vấn đề thận trọng.
Bản thân là nhà giáo tôi nghĩ phải xem xét tầm xa rồi mới đưa vào chương trình thử nghiệm để thấy là có tốt hay không, có phù hợp hay không để điều chỉnh, thay đổi trong tương lai.”
Nếu Bộ Giáo dục quyết định đưa tiếng Hàn vào thi tốt nghiệp mà lại ở giữa một năm học, một bộ môn học sinh học chưa chu đáo thì tôi nghĩ đây là một kế hoạch chưa hợp lý. - Thạc sĩ Đinh Gia Hưng
Từ thực tế giảng dạy và tiếp xúc với học sinh, Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng môn ngoại ngữ tốt nhất phải tập trung vào là môn tiếng Anh vì đây là ngôn ngữ quốc tế.
"Mọi người nói tiếng Anh thành thạo thì đi sang Hàn nói được, giao tiếp được. Bây giờ vẽ ra tiếng Hàn cũng có, tiếng Đức cũng có, ngày trước bắt sinh viên tiếng Nga, tiếng Pháp. Thật ra những ngoại ngữ đó nên để ngoại ngữ hai tự chọn, chứ bây giờ triển khai cả nước cũng không triển khai được. Ngay cả nước cũng không triển khai được vì số người biết tiếng Hàn ở Việt Nam ít. Thứ hai là các thầy cô chưa từng dạy môn này nên chắc cũng mù tịt."
Đồng tình với quan điểm vừa nêu, chị Mai Anh cho rằng nếu để học cho biết thêm về ngôn ngữ là chuyện tốt, nhưng ngoại ngữ chính nên học là tiếng Anh.
Theo chị Mai Anh, tiếng Anh ở Việt Nam xưa nay chỉ chú trọng ngữ pháp mà quên mất dạy cho học sinh nói đúng, tự nhiên và lưu loát, thậm chí giáo viên dạy tiếng Anh còn phát âm sai.
Từ thực tế vừa nêu, chị Mai Anh cho rằng trước khi triển khai một môn ngoại ngữ mới, điều cần thiết nhất là giáo viên được đào tạo bài bản để truyền đạt đúng cho học sinh.
“Nói chung là Bộ Giáo dục năm ngoái giờ nhiều cái xàm xàm. May quá cảm giác thi được chục năm trước mừng ghê vì không trúng ba cái thể chế như bây giờ.”