Việt Nam tìm kiếm lợi ích gì khi duy trì làm ăn với Triều Tiên?
2024.11.13
Cơ quan quản lý Tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ ra Thông báo hôm 17/10, cho biết Công ty TNHH Nước giải khát Việt Nam (VBCL) đã trả khoản tiền phạt 860.000 USD trách nhiệm dân sự thay cho một công ty con của mình vì vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Bắc Triều Tiên.
Theo thông báo nói tên, từ năm 2016 đến năm 2018, một số công ty con của Công ty TNHH Nước giải khát Việt Nam đã bán đồ uống có cồn cho Bắc Triều Tiên, nhận về khoảng 1.141.547 đô la.
Năm 2017, Công ty Thái Lan là ThaiBev mua lại công ty Sabeco (Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) thông qua công ty VBCL.
Năm 2019, dàn lãnh đạo mới của công ty VBCL đã phát hiện ra các giao dịch nói trên với Bắc Triều Tiên. Họ chủ động thông báo cho chính phủ Hoa Kỳ để xử lý vấn đề và nộp phạt.
Mặc dù Bắc Triều Tiên là quốc gia cộng sản khép kín nhất thế giới và bị phong tỏa bởi các lệnh cấm vận ngặt nghèo, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Bắc Triều Tiên vẫn được duy trì đều đặn trong nhiều năm qua.
Sự kiện này đặt ra nhiều câu hỏi về lợi ích của Việt Nam khi duy trì mối quan hệ với Bắc Triều Tiên.
Tình anh em nóng lạnh thất thường
Mối quan hệ Việt Nam và Bắc Triều Tiên không phải lúc nào cũng cơm lành canh ngọt. Có lúc hai bên đã chiến đấu bên cạnh nhau, nhưngcũng có những lúc hai người anh em cộng sản này coi nhau như thù địch, rồi sau đó lại khôi phục quan hệ.
Thời chiến tranh Việt Nam, Bắc Triều Tiên từng gửi phi công chiến đấu sang Việt Nam , vừa để giúp đồng minh ý thức hệ vừa để cho phi công có cơ hội thực chiến.
Theo nhà nghiên cứu sử Balazs Szalontai, trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí “Nghiên cứu chiến tranh lạnh” (“Journal of Cold War Studies”), Bắc Việt Nam và Bắc Triều Tiên đã hợp đồng tác chiến trong trận tổng tấn công Mậu thân 1968. Trong khi Bắc Việt Nam tổng tấn công các thành phố của Nam Việt Nam, Bắc Triều Tiên cũng cử một lực lượng đặc công tấn công vào Nhà Xanh (Phủ tổng thống Nam Triều Tiên) ở Seoul với mục tiêu hạ sát tổng thống Hàn Quốc.
Thời thế đổi thay, mối quan hệ của hai người anh em ý thức hệ cũng thay đổi. Khi Việt Nam tấn công Khmer Đỏ năm 1979, Bắc Triều Tiên vì ủng hộ Trung Quốc, đã lên án Việt Nam, khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.
Sau khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ, hai nước từng đứt gãy quan hệ do đi hai hướng khác nhau. Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Vũ Xuân Khang, một chuyên gia về bán đảo Triều Tiên và là học giả thỉnh giảng tại Đại học Boston College, cho biết “Hiện giờ chưa có thông tin có căn cứ và rõ ràng về các mảng hợp tác hai bên. Quan hệ hai nước từ lâu đã bị đứt gãy do Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc vào năm 1992 cũng như Triều Tiên không chi trả các khoản nợ mua gạo vào những năm 1990.”
Quan hệ Việt Nam - Bắc Triều Tiên đã đóng băng cho đến năm 1996. Tháng Tư năm 1996, Lee Sung-gi, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Đối ngoại Triều Tiên, thăm Việt Nam, và tháng 5 năm 1997, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm thăm chính thức Triều Tiên. Bắt đầu từ đó cho đến ngày nay, các quan hệ giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên đã nồng ấm trở lại.
Tiến sỹ Vũ Xuân Khang cho biết hai nước vẫn duy trì đối thoại cấp nhà nước, như là họp Trao đổi chính sách cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Triều Tiên. Ngoài ra, theo Tiến sỹ Khang, “sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Kim Jong-un vào tháng 2 năm 2019, quan hệ hai nước được dự báo sẽ có nhiều biến chuyển nhưng đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các hợp tác du lịch giữa hai nước.”
Tuy hai bên khôi phục quan hệ từ 1996, câu hỏi cần đặt ra là Việt Nam được lợi ích gì khi quan hệ với Bắc Triều Tiên.
Làm ăn với Bắc Triều Tiên
Các mặt hàng Việt Nam bán cho Bắc Triều Tiên chủ yếu là thực phẩm, bánh kẹo. Liên Hiệp quốc cấm vận Bắc Triều Tiên xuất khẩu lương thực và nông sản, nhưng không cấm nước này nhập khẩu các mặt hàng này.
Hằng năm Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố các con số thống kê về giao thương của Việt Nam với các nước, trong đó có Hàn Quốc, nhưng không đưa ra thống kê giao thương với Bắc Triều Tiên.
Có thể dễ dàng hiểu lý do: Bắc Triều Tiên bị Hoa Kỳ cấm vận.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Việt Nam không làm ăn với quốc gia cộng sản khép kín này.
Năm 2019 là năm hiếm hoi chính phủ Việt Nam công bố thống kê về quan hệ làm ăn với Bắc Triều Tiên. Động thái này diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Young Un đến Việt Nam để đàm phán với Tổng thống Donald Trump về quan hệ Mỹ và Triều Tiên.
Theo bài báo tuyên truyền nói trên, Việt Nam vẫn đều đặn và liên tục xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên. Cũng trong đợt tuyên truyền về quan hệ giữa hai người anh em cộng sản nhưng đi hai con đường kinh tế khác nhau từ sau khi Liên Xô sụp đổ, một thống kê khác được công bố, theo đó từ năm 2010 đến 2018, các giao dịch thương mại của Việt Nam với Bắc Triều Tiên có kim ngạch từ khoảng 10 triệu đô la đến 16 triệu đô la mỗi năm.
Thương vụ buôn bán đồ uống có cồn của Việt Nam với Bắc Hàn mà chính phủ Mỹ vừa công bố mức phạt hôm 17 tháng Mười, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong bức tranh thương mại Việt Nam – Triều Tiên rộng lớn hơn.
Theo công bố của chính phủ Mỹ, công ty con của VBCL đã bán cho Bắc Hàn lượng hàng hóa trị giá hơn 1,1 triệu đô la từ 2016 đến 2018. Trong khi đó, chỉ tính riêng năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên hơn 7,3 triệu đô la.
Như vậy, ngoài công ty nước giải khát chủ động báo cáo với chính phủ Mỹ nêu trên, còn nhiều đơn vị khác đang làm ăn với Bắc Triều Tiên nhưng chưa được công bố.
Làm ăn với Bắc Hàn: nguồn lợi quá nhỏ so với Nam Hàn
Các giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên được công bố hồi 2018 cho thấy Việt Nam hưởng lợi từ mối quan hệ làm ăn này rất nhỏ so với mối quan hệ kinh tế công khai với Nam Triều Tiên (Hàn Quốc).
Nếu như năm 2010, Việt Nam giao dịch với Bắc Triều Tiên khoảng 16 triệu đô la thì giao dịch giữa với Hàn Quốc lên tới 11 tỷ đô la, gấp gần 690 lần.
Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên hơn 7,3 triệu đô la, nhưng xuất sang Hàn Quốc hơn 12,5 tỷ đô la, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Như vậy, riêng trong năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Nam Hàn gấp hơn 1.700 lần xuất sang Bắc Hàn.
Sau năm 2019, không có thống kê hoạt động thương mại của Việt Nam với Bắc Triều Tiên, cũng tương tự như trước thời điểm đó. Trong thời gian đại dịch COVID-19 tư 2020 đến 2022, Bắc Triều Tiên đã đóng cửa biên giới. Quan hệ làm ăn giữa Việt Nam và nước này có thể giảm xuống hoặc tạm ngưng.
Bắc Triều Tiên mở cửa trở lại năm 2023. Các hoạt động ngoại giao Việt Nam và Bắc Triều Tiên cũng trở nên tấp nập hơn trong năm 2024. Trong đó, quan chức hai nước dự định nối lại hoạt động du lịch, vốn không bị Mỹ cấm vận.
Gần đây, trong các cuộc gặp cấp cao, quan chức Việt Nam và Bắc Triều Tiên đã tuyên bố hợp tác về quân sự, về chính trị, văn hóa, du lịch. Các hợp tác về thương mại hai phía vẫn không được nhắc đến.
Câu chuyện công ty VBCL bị chính phủ Hoa Kỳ bắt nộp phạt vì làm ăn với Bắc Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm vận Mỹ, cho thấy mối quan hệ Việt Nam - Bắc Triều Tiên về mặt thương mại như vậy có nguy cơ gây ra thiệt hại cho chính Việt Nam.
Trong khi đó, nguồn lợi Việt Nam thu được trong các giao dịch với Bắc Triều Tiên rất nhỏ, so với quan hệ với đối thủ của nước này là Nam Triều Tiên. Nguồn lợi Việt Nam nhận được từ quan hệ làm ăn với Mỹ còn lớn hơn. Hằng năm, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ khoảng hơn 100 tỷ đô la. Mười tháng đầu năm 2024, Việt Nam cũng xuất vào Mỹ lượng hàng hóa 98,5 tỷ đô la.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam duy trì một nguồn lợi nhỏ với người anh em ý thức hệ cộng sản mà không sợ rủi ro mất những nguồn lợi lớn hơn cả ngàn lần từ các “đối tác chiến lược toàn diện” trái ngược về thể chế chính trị?
Quan hệ quân sự và thương mại với Bắc Hàn
Nếu như quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Bắc Hàn quá nhỏ bé so với nguồn lợi mà Nam Hàn đem lại, vậy có hay không những lợi ích khác về mặt chiến lược khiến cho Việt Nam duy trì quan hệ làm ăn với Bắc Hàn?
Hôm 19 tháng Chín năm 2024, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Hoàng Xuân Chiến thăm Bắc Triều Tiên, thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương. Nội dung hai bên muốn thúc đẩy hợp tác khá toàn diện, bao gồm “hợp tác về công tác Đảng”, “trao đổi đoàn cấp cao”, “hợp tác đào tạo”, “giao lưu văn hóa quân sự và thể thao Quân đội,” “hợp tác về quân y,” hợp tác “công nghiệp quốc phòng, kỹ thuật quân sự, chia sẻ thông tin và các vấn đề nghiên cứu chiến lược; tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương…”
Mặc dù có những tuyên bố về hợp tác quân sự giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM cho rằng chúng ta “sẽ không thể biết cụ thể vì những hợp tác này hoàn toàn bí mật”.
Tuy hai bên có những tuyên bố hợp tác về quân sự như vậy, lợi ích chiến lược của hai bên khác hẳn nhau.
Theo Reuters, trong cuộc gặp lãnh đạo Ban Đối ngoại hai đảng cầm quyền ở Hà Nội và Bình Nhưỡng hồi tháng Ba năm 2024, trong khi phía Bắc Triều Tiên tuyên bố đối đầu với Mỹ, phía Việt Nam chỉ nhấn mạnh vào việc duy trì mối quan hệ bạn bè truyền thống.
Trong một bài phân tích trên East West Center năm 2023, Tiến sỹ Vũ Xuân Khang cho rằng Việt Nam và Bắc Triều Tiên ngày nay sẽ không trở thành đồng minh như thời chiến tranh Việt Nam. Theo TS Khang, mặc dù chia sẻ cùng một hệ tư tưởng cộng sản, Hà Nội và Bình Nhưỡng có sự khác biệt đáng kể về sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi Bắc Triều Tiên muốn Hoa Kỳ rút lui khỏi khu vực, Việt Nam muốn Hoa Kỳ ở lại để kiểm soát sự bành trướng của Trung Quốc.
Trao đổi với RFA, ông Khang cho rằng từ góc nhìn của Việt Nam thì mặc dù Triều Tiên vẫn là một người bạn đã từng giúp đỡ trong chiến tranh Việt Nam, nhưng cũng đã ủng hộ Khmer Đỏ chống Việt Nam. Do đó:
“Việt Nam và Triều Tiên hiện giờ cũng không còn quá nhiều điểm chung về mặt chiến lược đối với Mỹ, tuy vậy đối với Việt Nam thì duy trì quan hệ ngoại giao với Triều Tiên cũng không mất gì nếu Việt Nam tuân thủ luật cấm vận quốc tế.”
Mỹ cần Việt Nam làm ăn với Bắc Hàn?
“Hãy cho tôi biết bạn chơi với ai, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người như thế nào”. Các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam hiện nay như Mỹ, Nhật, Hàn có thể nhìn nhận quan hệ làm ăn của Việt Nam với Bắc Triều Tiên ra sao?
Để trả lời câu hỏi này, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM cho rằng không thể tách rời các mối quan hệ làm ăn của Việt Nam với Bắc Triều Tiên ra khỏi các vấn đề chiến lược.
Theo hãng tin Yonhap News Agency, ngày 15 tháng Mười năm 2024, Bắc Triều Tiên cho nổ tung tuyến đường bộ và đường sắt liên Triều. Hai ngày sau, hãng tin Reuters cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cáo buộc Bắc Hàn chuẩn bị gửi mười ngàn binh sỹ tới Ukraine chiến đấu cho Nga.
Ngay trong ngày Bắc Triều Tiên cho nổ tuyến đường liên Triều, ông Chang Ho-jin, Đặc phái viên, Cố vấn đặc biệt về Ngoại giao và An ninh của Tổng thống Hàn Quốc, đến Hà Nội.
Ông Chang Ho-jin đã gặp ông Tô Lâm, Tổng bí thư ĐCSVN, và ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng ngoại giao. Cả ông Tô Lâm và ông Bùi Thanh Sơn đều khẳng định sẽ làm hết sức mình để duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Ngày 25 tháng Mười thứ trưởng ngoại giao Việt Nam là ông Nguyễn Minh Vũ đã đi Bắc Hàn, họp “trao đổi chính sách cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Triều Tiên lần thứ 5.”
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM cho rằng chuyến đi của ông Nguyễn Minh Vũ tới Bình Nhưỡng mười ngày sau chuyến thăm của Đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc không phải là ngẫu nhiên.
Theo ông, cần phải đặt mối quan hệ làm ăn của Việt Nam với Bắc Hàn, bất chấp lệnh cấm vận của Hoa Kỳ, trong bối cảnh quan hệ chính trị nói chung. Ông nói:
“Giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản không có kênh giao tiếp nào để đối thoại với Bắc Triều Tiên. Việt Nam đã vi phạm lệnh cấm vận thì phải nộp phạt nhưng tôi tin là Mỹ sẽ không làm căng vấn đề này.
Bởi vì ít nhất Việt Nam đã duy trì được quan hệ với Bắc Triều Tiên để vẫn có một kênh cho các bên nói chuyện với nhau, nhằm duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Nếu Việt Nam không giúp Bắc Triều Tiên việc gì thì làm sao có thể làm trung gian đối thoại cho Hàn Quốc? Phải làm được gì cho họ thì mới có thể có tiếng nói với họ.
Cho nên trong quan hệ làm ăn với Bắc Triều Tiên, lợi ích về kinh tế thì rất nhỏ, nhưng lợi ích về chiến lược thì nhiều hơn. Cho nên ở đây cũng khó nói cái nào là lợi, cái nào là hại.”
Do đó, theo ông Hoàng Việt, việc Việt Nam vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ trong quan hệ làm ăn với Bắc Triều Tiên không phải là vấn đề với Việt Nam lúc này. Ông nói tiếp:
“Bởi vì lúc này là lúc cả Mỹ và Hàn Quốc đều không muốn một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ, Nhật, Hàn đều rất khó có một kênh nào để đối thoại với Bắc Triều Tiên. Lúc này chỉ có Nga, Trung Quốc, Việt Nam là có thể nói chuyện với Bắc Triều Tiên. Nhưng Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản không thể nhờ cậy Nga và Trung Quốc, vì có thể chính Nga và Trung Quốc đứng sau những động thái gây căng thẳng gần đây của Bắc Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đóng vai trò trung gian tuyệt vời. Đó là cái Việt Nam thu nhận được lần này.”
Hai nhà nghiên cứu Phan Thị Hạnh (Trường Đại học Văn Hiến) và Nguyễn Doãn Quang Anh (Trường Đại học Văn Lang), trong một hội thảo quốc tế ở Trường Đại học Indonesian Computer University năm 2023, cho biết Việt Nam là một trong số ít nước có Đại sứ quán tại Bình Nhưỡng. Hai tác giả đưa ra gợi ý rằng Việt Nam cần một sự đồng thuận từ các quốc gia chủ chốt liên quan trực tiếp đến việc giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.
Như vậy, có một số nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến vai trò của Việt Nam trong việc giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Vũ Xuân Khang ở Đại học Boston College có một góc nhìn khác. Theo ông Khang, lập luận trên mặc dù không sai về lý thuyết nhưng sai về thực tiễn:
“Việt Nam không có vai trò gì đối với an ninh trên bán đảo Triều Tiên, nên Việt Nam sẽ không thể tham gia vào các tiến trình hòa giải như một bên liên quan.
Việt Nam có thể là một bên trung gian như hồi 2019, nhưng Việt Nam không cần phải tuyên bố lập trường đứng về bên nào để tránh phá vỡ cân bằng trong quan hệ với hai miền Triều Tiên.”