Thách thức nào cho Việt Nam khi đạt kỷ lục xuất siêu?

RFA
2021.02.23
Thách thức nào cho Việt Nam khi đạt kỷ lục xuất siêu? Ảnh minh họa. Ngành dệt may Việt Nam.
AFP

Xuất siêu kỷ lục trong bối cảnh dịch COVID-19

Trong cuộc phỏng vấn với báo mạng Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, đăng tải ngày 22/2, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh về Việt Nam đạt thành tích xuất siêu trong năm 2020, khi lần đầu tiên vượt hơn 19 tỷ USD.

Số liệu ghi nhận, Việt Nam xuất khẩu trong năm 2020 với giá trị 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Kết quả xuất siêu trong năm 2020 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới, trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc lại rằng từ năm 2016 trở về trước, Việt Nam luôn triền miên trong nhập siêu. Việt Nam từng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cân bằng cán cân xuất nhập khẩu. Thế nhưng, Việt Nam đã xuất siêu từ cột mốc năm 2016 và vẫn duy trì ổn định liên tục trong nhiều năm liền.

Người đứng đầu ngành công thương của Việt Nam khẳng định với những kết quả đó, Việt Nam rất tự hào khi được xếp hạng thứ 22 thế giới về kim ngạch xuất khẩu và năng lực xuất khẩu đứng thứ 26 trong quy mô của thương mại quốc tế.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng kỳ tích xuất siêu mở ra vị thế mới của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Trao đổi với RFA vào tối ngày 22/2, ông Phạm Mẫn, một chuyên gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo và nông sản bày tỏ với RFA rằng tuyên bố vừa nêu của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh mang ý nghĩa rất lớn cho ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Trước hết, ông Phạm Mẫn lý giải về kết quả xuất siêu trong năm năm qua của Việt Nam, đặc biệt trong năm 2020 với bối cảnh đại dịch COVID-19:

“Năm 2017 là Việt Nam chính thức áp dụng tất cả các quy định về thuế suất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sang năm 2018, đồng thời Việt Nam phải mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài vào. Các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và có thời gian chuẩn bị trong một năm. Cho nên, năm 2018, họ bắt đầu khởi động. Năm 2019, các doanh nghiệp FDI giới thiệu hàng hóa ra các thị trường Châu Âu cùng thị trường Mỹ và khách hàng làm quen với. Đến năm 2020, trong bối cảnh Trung Quốc bị Mỹ chế tài thì Việt Nam mới có cơ hội trỗi dậy như vậy.”

Năm 2017 là Việt Nam chính thức áp dụng tất cả các quy định về thuế suất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sang năm 2018, đồng thời Việt Nam phải mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài vào. Các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và có thời gian chuẩn bị trong một năm. Cho nên, năm 2018, họ bắt đầu khởi động. Năm 2019, các doanh nghiệp FDI giới thiệu hàng hóa ra các thị trường Châu Âu cùng thị trường Mỹ và khách hàng làm quen với. Đến năm 2020, trong bối cảnh Trung Quốc bị Mỹ chế tài thì Việt Nam mới có cơ hội trỗi dậy như vậy-Ông Phạm Mẫn

Dưới thời Chính quyền Tổng thống Trump, Hoa Kỳ và Trung Quốc xảy ra cuộc chiến thương mại. Một số chuyên gia cho rằng Việt Nam được hưởng lợi bởi vì là cửa ngỏ ở Đông Nam Á trong quá trình các tập đoàn sản xuất quốc tế có xu hướng dịch chuyển ra khỏi lãnh thổ Hoa Lục và có lực lượng lao động tiềm năng cùng giá nhân công rẻ.

Trong khi sự dịch chuyển đó chưa có biến chuyển nhiều trong bốn năm qua thì Việt Nam lại bị rơi vào tình huống bất lợi khi đương kim Tổng thống Donald Trump, hồi cuối tháng 6/2019, đã tuyên bố Việt Nam đang lạm dụng thương mại với Mỹ còn tệ hơn Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi của RFA liên quan giả thuyết hoài nghi về tuyên bố này của cựu Tống thống Trump có thể phần nào ám chỉ Việt Nam là nơi trung gian để Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ mà né tránh được các mức thuế áp đặt tăng cao, ông Phạm Mẫn cho biết ghi nhận của ông rằng Việt Nam đang làm tốt việc quản lý nạn gian lận thương mại từ các doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành ở thị trường Việt Nam.

“Nếu như nhập nguyên liệu thô và được sản xuất trên dây chuyền do công ty Trung Quốc đầu tư và nhà nhà máy đặt tại Việt Nam thì không thể bắt bẻ được vì kiểm tra chất lượng thành phẩm đạt tiêu chuẩn xuất nhập khẩu hay không thôi. Còn cách thức làm gian dối như làm ở ba cụm rồi nhập về ba công ty ở Việt Nam, rồi cả ba công ty đó mới bán lại cho công ty cuối cùng với sản phẩm ‘Made in Vietnam’ thì hầu hết Việt Nam xử lý được hết. Vấn đề gian lận thương mại, tất cả doanh nghiệp có sản phẩm ‘Made in Vietnam’ nhưng nhập theo cụm hàng hóa sản phẩm sơ chế từ Trung quốc về Việt Nam để lắp ráp hoàn chỉnh thì công ty nào bị cơ quan chức năng của Việt Nam ‘chụp’ được đều bị điêu đứng, không có khả năng phục hồi, không tồn tại nỗi theo quy trình kiểm soát sản xuất của Việt Nam hiện nay.”

06f3e63a-eed2-4ff2-8440-ca5a85a0ad6a.jpeg
Ảnh minh họa. Các container hàng hóa tại cảng Đà Nẵng. Hình chụp ngày 16/6/2017. AFP

Thách thức và rủi ro trong thời gian tới

Vấn đề gian lận thương mại cũng được đề cập trong cuộc phỏng vấn ngày 22/2 của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh với báo mạng Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra rằng Việt Nam đã bước một bước rất dài và có thể nói ổn định qua các vụ kiện điều tra thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích các vụ kiện tranh chấp thương mại dưới hình thức thuế chống bán phá giá, điều tra chống bán phá giá, điều tra chống trợ cấp, thậm chí kể cả tự vệ đã trở thành những hiện tượng rất phổ biến trong quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam với các đối tác, nhất là khi Việt Nam tham gia rất nhiều các hiệp định tự do thương mại (FTA).

Đồng thời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định rằng cần thiết có cái nhìn tích cực không chỉ qua số lượng vụ kiện tranh chấp thương mại Việt Nam xử lý thành công, mà cốt lõi là các doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết được cơ bản về các vấn đề này như có kinh nghiệm, đã có thành công và thắng lợi trong các vụ kiện tranh chấp, kể cả dưới góc độ của Chính phủ đối với các đối tác bên ngoài.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng kỳ tích xuất siêu mở ra vị thế mới của Việt Nam và cùng với nhiều lợi thế cho xuất khẩu của Việt Nam, nhưng theo các FTA thì Việt Nam cũng đứng trước những thách thức. Vì vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là thực hiện các cải cách, hoàn thiện về thể chế pháp luật, nhất là theo môi trường kiến tạo và đặc biệt phải hướng vào người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu trọng tâm cho hoạt động của ngành công thương.

Liên quan về cải cách, hoàn thiện thể chế pháp luật, chuyên gia tài chính-kinh tế độc lập Nguyễn Trí Hiếu, hồi trung tuần tháng 10/2020, đã từng nêu dẫn chứng Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu là một trong những FTA đòi hỏi Việt Nam phải có sự cải tổ từ mặt luật pháp cho đến các vấn đề thương mại với Liên minh Châu Âu.

“Đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi. Hiệp định EVFTA đòi hỏi rất nhiều phương thức sản xuất mới, cách bán hàng và tất cả các vấn đề về lao động và công đoàn, rồi rất nhiều những vấn đề không chỉ liên quan đến xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu mà nó đòi hỏi phải có sự cải tổ mạnh mẽ, mà ở Việt Nam gọi là về mặt thể chế kinh tế. Đúng là cơ hội cho Việt Nam thay đổi.”

Đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi. Hiệp định EVFTA đòi hỏi rất nhiều phương thức sản xuất mới, cách bán hàng và tất cả các vấn đề về lao động và công đoàn, rồi rất nhiều những vấn đề không chỉ liên quan đến xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu mà nó đòi hỏi phải có sự cải tổ mạnh mẽ, mà ở Việt Nam gọi là về mặt thể chế kinh tế. Đúng là cơ hội cho Việt Nam thay đổi-TS.Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, ông Phạm Mẫn ghi nhận hiện tại việc xuất siêu của Việt Nam từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đã mang lại công ăn việc làm cho hàng triệu người dân Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đối diện với thách thức về hỗ trợ cho doanh nghiệp.

“Thách thức nằm ở chỗ là để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước lại chia thành hai nhóm, bao gồm các doanh nghiệp đã xã hội hóa và thành phần kinh tế tư nhân cùng nhóm thứ hai là các doanh nghiệp vẫn còn gốc nhà nước vẫn phải tiếp tục tiến đến cổ phần hóa hoàn toàn để tham gia vào doanh nghiệp của nền kinh tế thị trường, không bao cấp bởi nhà nước nữa. Quá trình này không phải là ngắn.”

Theo ông Phạm Mẫn, thậm chí về cơ bản doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa xong và các quy định về pháp luật được cải thiện để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp Việt thì cũng cần thời gian rất lâu, bởi do khả năng quản lý của người Việt chưa thể đáp ứng trong môi trường cạnh tranh có thể gọi là từ “ao làng” ra “biển lớn”.

Hiện tại và trong tương lai gần, theo ông Phạm Mẫn, các doanh nghiệp nội địa đang phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp FDI để tồn tại, chưa nói đến xây dựng thương hiệu ‘Made in Vietnam’.

Điển hình mới nhất là Tập đoàn SCG của Thái Lan, vào trung tuần tháng 2, ký thỏa thuận mua 70% cổ phần của Công ty Sản xuất Nhựa Duy Tân. Công ty này có đến 80% sản phẩm bán tại thị trường Việt Nam và 20% xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.

Theo kinh nghiệm cá nhân, ông Phạm Mẫn còn chỉ ra các rủi ro ngay trước mắt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát.

“Rủi ro nếu có xảy ra thì trong lĩnh vực xuất khẩu đang bị ảnh hưởng rất nặng về container, mà hiện tại các hãng tàu vẫn chưa có phương án phục hồi tình hình container tới nơi tới chốn. Vấn đề căng thẳng về giá cước quá lớn và đây là tình trạng đang phải đối diện và chưa biết đến khi nào mới kết thúc. Thứ hai nữa là hiện tại nằm ở chỗ năng lực tiêu thụ của thị trường nhập khẩu như thế nào. Bởi vì chỉ số tiêu thụ của thị trường tiêu thụ toàn cầu đang sụt giảm. Điều này tác động rất lớn đến năng lực sản xuất theo thiết kế đã được đầu tư của Việt Nam.”

Bởi vì không ai có thể quyết định một điều gì dựa trên những dữ kiện của năm 2020. Năm 2020 là một năm mà cả thế giới đảo lộn hết. Có những sự kiện đáng lẽ không có nhưng lại xuất hiện. Do đó, chúng ta phải chờ đợi đến lúc dịch COVID-19 có thể tạm khắc phục được và tiên liệu được tới khi nào chấm dứt thì khi đó mới có thể dùng các sự kiện trong thời gian đó để dự đoán tương lai-Ông Nguyễn Gia Kiểng

Ông Nguyễn Gia Kiểng, cựu Phụ tá Tổng trưởng Kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa, từ Pháp quốc, lên tiếng với RFA rằng Việt Nam nên học hỏi mô hình xuất khẩu theo như Đài Loan và Nam Hàn, là cách thức phù hợp nhất cho ngành ngoại thương của Việt Nam, gia công cho các tập đoàn FDI rồi dần dần xây dựng thương hiệu của chính mình.

“Muốn tranh thủ thị trường thì trước hết hàng hóa phải được quen biết, phải có thương hiệu (trademark) cho hàng hóa của mình. Do đó, Việt Nam cũng phải chờ đợi một thời gian để xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trong khi chờ đợi thì phải học hỏi và sản xuất qua các công ty FDI và từ đó dần dần kèm theo hàng hóa của Việt Nam. sự chinh phục khách hàng là một công trình dài hàng. Cho nên, lúc đầu phải đi qua bước xuất khẩu hàng hóa của các công ty nước ngoài đầu tư, sản xuất tại Việt Nam là một lẽ dĩ nhiên. Chúng ta có thể xem đó là một tình trạng phải khắc phục, nhưng không nên buồn vì đằng nào đất nước Việt Nam đã chậm tiến thì phải đi qua ngã đường đó.”

Tuy nhiên, ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng tuyên bố của Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh rằng “kỳ tích xuất siêu mở ra vị thế mới của Việt Nam” trong thời điểm hiện tại là không phù hợp.

“Bởi vì không ai có thể quyết định một điều gì dựa trên những dữ kiện của năm 2020. Năm 2020 là một năm mà cả thế giới đảo lộn hết. Có những sự kiện đáng lẽ không có nhưng lại xuất hiện. Do đó, chúng ta phải chờ đợi đến lúc dịch COVID-19 có thể tạm khắc phục được và tiên liệu được tới khi nào chấm dứt thì khi đó mới có thể dùng các sự kiện trong thời gian đó để dự đoán tương lai.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Thomas
24/02/2021 06:03

VN không thể xuất cảng quá nhiều một cách nhanh chóng được. Chắc chắn phải có hàng lậu TQ trong này. Quốc tế nên điều tra VN.

Anonymous
24/02/2021 06:08

Quốc tế phải coi chừng CSVN đang lợi dụng dịch Covid19 ăn gian thương mại, xuất đồ lậu giùm cho TQ.