Phát hiện loài ếch nhỏ mang ý nghĩa lớn về bảo tồn trên dãy núi Hoàng Liên Sơn

Giang Nguyễn
2021.03.23
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
Phát hiện loài ếch nhỏ mang ý nghĩa lớn về bảo tồn trên dãy núi Hoàng Liên Sơn Ếch sừng Kỳ Quan San (Megophrys Frigida)
Courtesy of Jodi Rowley/Australian Museum

Một nhóm nhà sinh học đa quốc gia vừa mới công bố khám phá một loài ếch mới trên dãy núi Hoàng Liên Sơn miền Tây Bắc Việt Nam. Loại ếch được đặt tên “ếch sừng Kỳ Quan San”. Mục đích đặt tên cho loài ếch mới của các nhà khoa học là để kêu gọi thêm chú ý đến nhu cầu bảo tồn rừng vùng núi Bạch Mộc Lương Tử, nơi loài ếch này được khám phá.

Phóng viên Giang Nguyễn có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ khoa học Jodi Rowley, người phụ trách Sinh học Bảo tồn Động vật Lưỡng cư và Bò sát tại Bảo tàng Úc và Đại học New South Wales.

Năm 2017, bà cùng ông Nguyễn Thanh Luân từ Việt Nam và ông Benjamin Tapley từ London đã thực hiện công tác tìm loài ếch có nguy cơ tuyệt chủng trên Bạch Mộc Lương Tử. Trong quá trình, họ đã khám phá loài ếch mới này và kết quả vừa được công bố.

Jodi-Rowley-Australian-Museum-Hoang-Lien-mountain-range-Lao-Cai-Province.jpg
Dãy núi Hoàng Liên Sơn, tỉnh Lào Cai. Courtesy of Jodi Rowley/Australian Museum

Giang Nguyễn: Cảm ơn Tiến sĩ Jodi Rowley đã dành thời gian cho chúng tôi. Tôi biết bà đang rất bận và đang tiếp tục khám phá các loài ếch khác ở Tasmania. Xin bà kể lại cho tôi về chuyến công tác của bà và các đồng nghiệp vào năm 2017 đến Kỳ Quan San, còn được gọi là Bạch Mộc Lương Tử. Mục tiêu của nhóm là gì?

Ts. Jodi Rowley: Vâng, tôi đã làm việc ở Việt Nam hơn 10 năm nay và mục tiêu chung của công việc cùng với một số đồng nghiệp tuyệt vời của chúng tôi là cố gắng tìm hiểu có bao nhiêu loài ếch và các loài lưỡng cư khác và hiện trạng của chúng như thế nào. Liệu có cần sự giúp đỡ của chúng tôi không hoặc là chúng vẫn ổn? Việt Nam có nhiều loài ếch mà chúng ta vẫn chưa có tên khoa học. Vì vậy, điều thực sự quan trọng là phải khám phá có những loài nào ở đó. Đặc biệt trong chuyến đi này, chúng tôi cố gắng leo lên một trong những ngọn núi cao nhất của Việt Nam để xem loài ếch quý hiếm mà chúng tôi đã tìm thấy trước đây trên đỉnh Phan Xi Păng cũng có ở trên đỉnh núi này không? Bởi vì nếu có thì đó là một tin vui vì chúng tồn tại ở nhiều nơi hơn chúng tôi nghĩ. Còn nếu không thì chúng ta phải thực sự lo ngại về quần thể đang có trên đỉnh Phan Xi Păng. Trong quá trình thực hiện công tác này, chúng tôi đã tìm thấy một số loài ếch kỳ thú, điều này thật sự tuyệt vời.

Giang Nguyễn: Rất là hay. Bà cùng đồng nghiệp đã phát hiện chúng như thế nào. Bà có thể kể lại quá trình dẫn đến ngày hôm nay mà chúng ta mới được biết về loài ếch mới này?

Ts. Jodi Rowley: Mọi việc bắt đầu khi chúng tôi leo lên được đến trại có độ cao khoảng 2.800 mét. Trời lúc đó mưa và nhiều sương mù. Chúng tôi thực hiện các cuộc khảo sát tìm kiếm những con ếch vào ban đêm.

Mặt đất thực sự chỉ toàn bùn, vì vậy chúng tôi chỉ có thể căng một tấm bạt xanh và chúng tôi đã dựng một khu trại tạm gọi là tốt hết mức có thể. Chúng tôi đã đốt lửa để sưởi ấm và chờ đêm xuống. Ban đêm là lúc bạn sẽ thấy những con ếch xuất hiện, hoạt động, thậm chí là kêu gọi. Khi trời tối thì chúng tôi đeo đèn pin lên đầu. Chúng tôi đi xuống một con suối xinh đẹp vẫn còn sót lại ở đó và chúng tôi đã tìm thấy một số loài ếch. Trong số này có một con ếch nhỏ có sừng. Một con ếch nhỏ màu nâu lớn khoảng ba hoặc bốn cm với những điểm nho nhỏ trên đỉnh mắt, trên mí mắt nhỏ xíu của nó. Và chúng tôi nghĩ đó có lẽ đó là loài mà chúng tôi đã từng tìm thấy trên đỉnh Phan Xi Păng vì những con ếch sừng nhỏ này trông rất giống nhau. Nhưng chúng tôi không chắc chắn. Sau khi chuyến đi đã chấm dứt chúng tôi vẫn chưa chắc. Sau khi trở về văn phòng chúng tôi ở Việt Nam, Úc và Anh, chúng tôi đã mất rất nhiều công việc tìm tòi để cố gắng xác định loài ếch nhỏ này và thử xem nó có thực sự là cùng một loài ếch mà chúng ta tìm thấy trên đỉnh Phan Xi Păng không hay là một loài mới.

Chúng tôi đã nghiên cứu tiếng kêu của nó. Mỗi loài ếch có một cách phát ra tiếng kêu khác nhau, như các loài chim và tiếng chim hót nên bạn có thể phân biệt các loài ếch bằng cách kêu của chúng. Và rõ ràng nó có khác. Sau đó, chúng tôi xem xét một mẫu DNA và kiểm tra nó và chúng tôi phát hiện ra nó cũng khác. Rồi chúng tôi cũng xem xét các số đo của các con ếch, màu sắc và hình dạng của chúng. Đây thật sự như là một loại câu đố mà chúng tôi phải thử giải và chúng tôi đã khám phá rằng, không, đây hoàn toàn là một loài ếch khác mà cho đến nay chỉ được biết tồn tại trên Núi Kỳ Quan San. Chúng tôi đặt tên nó là Megophrys frigida. Chữ frigida từ thời tiết lạnh giá trên đỉnh núi này, nó có nghĩa là “lạnh giá”. 

Giang Nguyễn: Còn Megophrys nghĩa là gì?

Ts. Jodi Rowley: Megophrys là tên của nhóm ếch, megophrys là nhóm ếch có sừng. Tên giống tự nhiên nó là phần của tên. Phần chữ “frigida” là phần mà chúng tôi được chọn để đặt tên cho loài này.

Giang Nguyen: Còn tên “ếch Kỳ Quan San” là tên gọi của chúng?

Ts. Jodi Rowley: Vâng, chính xác, đó là tên gọi thường. Đôi khi bạn có nhiều tên gọi khác nhau cho một loài ếch, nhưng chúng tôi đề xuất một tên vì nó đề cập đến nơi sinh sống của chúng. Hy vọng rằng chúng tồn tại ở nhiều nơi khác không chỉ trên ngọn núi đó, nhưng chúng tôi chưa chắc chắn. Còn rất nhiều việc cần phải làm và môi trường ở nơi đó rất hà khắc. Kỳ Quan San có cảnh đẹp tuyệt nhưng nơi đó cũng cực kỳ khó để sống và làm việc trong mưa và điều kiện giá lạnh trên núi.

Giang Nguyễn: Có phải tiến sĩ đã muốn đặt tên gọi nó theo tên ngọn núi để thu hút sự chú ý hơn nữa đến môi trường sống và các biện pháp bảo tồn cần thiết cho các loài ếch này? 

Ts. Jodi Rowley: Đúng vậy. Những khu rừng xinh đẹp ở miền Bắc Việt Nam này hầu như không còn chút bóng dáng của rừng trước đây vì đã bị mất rừng rất nhiều. Rất nhiều loài ếch và các loài động vật lưỡng cư và đa dạng sinh học khác xuất hiện ở những khu vực này thực sự cần rừng. Vì vậy, một khi rừng bị chặt, chúng không còn khả năng tồn tại. Sẽ vẫn có những con ếch trên đồng lúa, trong các khu vực nông nghiệp và thậm chí ở trong các làng mạc. Nhưng hầu hết các loài ếch này thực sự thích nghi với những dòng suối chảy trong veo trong rừng. Thế nhưng ở đây đã có rất nhiều vụ phá rừng và nó vẫn tiếp diễn. Vì vậy, chúng tôi thật lo lắng về nhiều loài ếch đang tồn tại trong các khu rừng này vì những khoảnh rừng ngày càng bị thu nhỏ hơn. Bước đầu tiên trong nỗ lực bảo tồn là biết rằng chúng đang tồn tại ở đó. Do đó chúng tôi hy vọng rằng việc nâng cao nhận thức về các con ếch nhỏ xinh này sẽ giúp ưu tiên bảo tồn những khu vực này và giúp bảo vệ chúng khỏi tình trạng mất rừng.

Jodi-Rowley-Australian-Museum-Mount-Ky-Quan-San-Horned-Frog-Megophrys-frigida.jpg
Loài ếch sừng Megophryis Frigida mới được khám phá. Courtesy of Jodi Rowley/Australian Museum

Giang Nguyễn: Việc phát hiện một loài mới như ếch sừng Kỳ Quan San có ỹ nghĩa gì đối với các nhà sinh học như cá nhân tiến sĩ và ngành sinh học nói chung?

Ts. Jodi Rowley: Điều quan trọng là chúng ta phải biết được những gì chúng ta đang có, và vì vậy (khám phá này) tuyệt vời về mặt khoa học, và rất quan trọng đối với nỗ lực bảo tồn. Thêm nữa, nó cũng là một tin vui. Điều này thật thú vị khi mà bạn đi vào một khu rừng và bạn nhìn thấy được một con ếch mà giới khoa học chưa biết đến. Nó cực kỳ thú vị. Vì vậy, chúng tôi hy vọng tin vui này được lan tỏa để cho thấy rằng vẫn còn một đa dạng sinh học tuyệt vời ở trên kia mà chúng ta còn phải khám phá. Nó có thể truyền cảm hứng cho một thế hệ sinh viên trẻ Việt Nam trở thành nhà sinh học ếch ở Việt Nam, trở thành nhà sinh học bảo tồn và đấu tranh cho sự đa dạng sinh học kỳ diệu của Việt Nam.

Giang Nguyễn: Cảm ơn TS. Jodi Rowley rất nhiều đã chia sẻ về trải nghiệm của bà, và xin chúc mừng bà đã có khám phá mới đó.

Ts. Jodi Rowley: Rất hân hạnh. Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã quan tâm đến ếch. Tôi rất trân trọng điều này. Việt Nam là một nơi tuyệt vời cho loài ếch. Hy vọng rằng chú ếch nhỏ bé này vẫn tồn tại lâu dài trong tương lai.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.