Giới trẻ Việt Nam với thông tin trên internet (phần 1)

Theo thống kê của Yahoo! Vietnam và TNS, có đến 80% người sử dụng Internet tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ có độ tuổi chỉ từ 15-19.
Khánh An phóng viên đài RFA
2009.06.29
Giới trẻ Việt Nam với thông tin trên internet Giới trẻ Việt Nam với thông tin trên internet
AFP photo

Điều này cho thấy nhóm tuổi sử dụng internet ngày càng trẻ hơn và họ chính là lực lượng chủ yếu.Trong số đó, có đến 90% cho biết họ sử dụng internet để đọc tin tức. Vậy thì, giới trẻ đọc những gì trên các website?

Không thể phủ nhận internet đóng một vai trò quan trọng trong việc cập nhật tin tức của giới trẻ hiện nay. Vì vậy mà hầu hết các tờ báo lớn, các đài truyền hình, truyền thanh đều cố gắng xây dựng cho mình một website để “đồng hành cho trót” với độc giả, khán giả

90% cho biết họ sử dụng internet để đọc tin tức

Khánh An tìm hiểu về những mối quan tâm của giới trẻ khi họ đọc các tin tức online.

Không thể phủ nhận internet đóng một vai trò quan trọng trong việc cập nhật tin tức của giới trẻ hiện nay. Vì vậy mà hầu hết các tờ báo lớn, các đài truyền hình, truyền thanh đều cố gắng xây dựng cho mình một website để “đồng hành cho trót” với độc giả, khán giả hay thính giả của mình. Cũng theo thống kê trên, có gần 90% người sử dụng internet để đọc tin tức.

Có thể nói, việc làm đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế suy thoái như hiện nay. Theo bản báo cáo gần đây của bà Nguyễn Thị Hải Vân, phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết theo dự đoán của Bộ Lao động thì khoảng 300,000 công nhân sẽ mất việc trong nửa đầu năm 2009, và hơn 100,000 công nhân sẽ bị giảm biên chế trong nửa cuối năm 2009.

Giới trẻ ở mọi ngành nghề khai thác internet ngày càng nhiều

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, một giáo viên cấp II, cho biết những điều chị quan tâm:

Đó là thông tin về việc làm, rồi các chính sách xã hội và các thông tin giúp cho sự phát triển sự nghiệp của mình.

Ngoài việc quan tâm đến miếng cơm manh áo, còn có một bộ phận giới trẻ khác vốn hay được gán ghép cho mỹ từ “con mọt sách” bởi ưu tiên lớn nhất của nhóm trẻ này là kiến thức.

Đó là thông tin về việc làm, rồi các chính sách xã hội và các thông tin giúp cho sự phát triển sự nghiệp của mình.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy

Tuy nhiên, kiến thức mà các bạn trẻ này cập nhật hầu như chỉ giới hạn trong lãnh vực chuyên môn, nên dễ tạo nên thế khập khiễng giữa khối kiến thức chuyên môn và các kiến thức xã hội tổng quát. Bạn Trần Thị Hồng Ly, sinh viên Đại học Ngọai Thương Hà Nội chia sẻ:

Em thì em hay quan tâm đến các vấn đề về kinh tế thôi ạ, bởi vì em cũng đang học về cái đấy mà nên em hay xem thông tin về cái đấy. Vấn đề khác thì khi mà em đọc tin thì cũng chỉ đọc qua qua thôi chứ còn cũng không đọc kỹ lắm.

Internet còn là một cái cầu nối giữa con người

Trong bảng thống kê trên còn có một con số mà những người lớn hẳn phải quan tâm khi mà có đến 95% trong số người được điều tra cho biết họ sử dụng internet để chat và email. Nhu cầu dùng internet để làm cầu nối với bạn bè đã dần dần biến thành mục đích chính của giới trẻ trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi các mạng xã hội, phong trào viết blog trở nên phổ biến.

Rất nhiều blogger đã trở nên nổi tiếng vì biết cách khai thác “thị hiếu” của giới trẻ, đó là liên tục cập nhật những tin tức độc và “hot” trong làng giải trí.

Nhu cầu dùng internet để làm cầu nối với bạn bè đã dần dần biến thành mục đích chính của giới trẻ trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi các mạng xã hội, phong trào viết blog trở nên phổ biến.

Cũng chính vì thị hiếu nghiêng về các “ngôi sao”, hậu trường giải trí, phim ảnh… của phần đông giới trẻ mà blog của các phóng viên văn hóa văn nghệ thường bị “quá tải” vì những người hâm mộ muốn add nick vào quá nhiều.

Trong khi đó, những blogger thuộc nhóm “đấu tranh dân chủ” thì số độc giả chỉ giới hạn trong một phạm vi nhất định. Cũng vì thị hiếu này mà bên cạnh những tờ báo “chính thống” của Nhà Nước, một số tờ báo và website được gọi là “lá cải” vẫn tìm đựơc chỗ đứng và ngày càng ăn nên làm ra.

Bạn Hoàng Đông Dương, một MC kiêm người mẫu tại Hà Nội, khi được hỏi những mảng nào bạn quan tâm khi lên internet, đã chia sẻ như sau:

Thường thì các lĩnh vực giải trí, âm nhạc, phim ảnh gì đó thì mình hay vào.

Trong khi đó, những blogger thuộc nhóm “đấu tranh dân chủ” thì số độc giả chỉ giới hạn trong một phạm vi nhất định. Cũng vì thị hiếu này mà bên cạnh những tờ báo “chính thống” của Nhà Nước, một số tờ báo và website được gọi là “lá cải” vẫn tìm đựơc chỗ đứng và ngày càng ăn nên làm ra.

Chính trị thường không được quan tâm nhiều

Hầu như rất ít người trẻ quan tâm đến vấn đề chính trị. Trong câu chuyện của giới trẻ, ngọai trừ những người đựơc xem là thủ lĩnh hay họat động trong Đoàn, Đảng, số còn lại, hai từ “chính trị” phải kể vào hàng “kỵ húy” bởi nhiều lý do. Thứ nhất: Chán phèo! Thứ hai: Có thay đổi được gì đâu! Thứ ba: Đó không phải là chuyện của tôi! Và nhiều lý do khác nữa. Chị Hạnh, nhân viên một Trung tâm Anh ngữ thẳng thắn:

Chị không có hứng thú gì về chính trị hết á. Nói chung là về chính trị, chị không quan tâm lắm.
Chị Hạnh, nhân viên TT. Anh ngữ

Chị không có hứng thú gì về chính trị hết á. Nói chung là về chính trị, chị không quan tâm lắm.

Không chỉ riêng mảng chính trị, rất nhiều bạn trẻ còn bị rơi vào tình trạng “mù” về những vấn đề thời sự, xã hội của đất nước mặc dù ngày ngày vẫn cắp sách đến giảng đường đại học.

Đơn cử là vấn đề bauxite, một vấn đề thời sự nóng bỏng có liên quan đến cả vận mệnh đất nước, đã được tranh luận sôi nổi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước và tại kỳ họp Quốc Hội. Thế nhưng, có nhiều sinh viên chẳng bao giờ biết đến tin tức này.

Một giảng viên Đại học tại TPHCM kể, khi anh hỏi ý kiến của các sinh viên về vấn đề bauxite, có sinh viên đã hỏi rất ngây ngô rằng: “Bauxite là vấn đề gì vậy?!”

Một giảng viên Đại học tại TPHCM kể, khi anh hỏi ý kiến của các sinh viên về vấn đề bauxite, có sinh viên đã hỏi rất ngây ngô rằng: “Bauxite là vấn đề gì vậy?!”

Cái lỗi nặng nhất của người có trách nhiệm

Học giả Dương Trung Quốc, trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ Sinh Viên Việt Nam Online, đã nhận định: “Ai cũng có một thời tuổi trẻ cả. Nhưng tại sao thời tuổi trẻ lại quan trọng nhất trong đời người, vì nó là giai đọan hình thành các hệ thống quan niệm”, và rằng: “Không nên để người trẻ có cảm giác đang đứng bên lề dòng thời cuộc của đất nước.

Một lỗi nặng nhất của những người có trách nhiệm là tự cho mình có thể thay mặt được tất cả. Chủ nghĩa nhân danh đại diện rất nguy hiểm, thực chất nó là trá hình, hay biểu hiện biến tướng của việc bao cấp về tư duy”.

Học giả Dương Trung Quốc

Để điều đó xảy ra chủ yếu là do lỗi của người lớn. Một lỗi nặng nhất của những người có trách nhiệm là tự cho mình có thể thay mặt được tất cả.

Chủ nghĩa nhân danh đại diện rất nguy hiểm, thực chất nó là trá hình, hay biểu hiện biến tướng của việc bao cấp về tư duy”.

Khánh An xin mượn lời ông để làm lời kết cho phần một này. Xin kính chào tạm biệt.

Vừa rồi, Khánh An vừa gửi đến quý thính giả bài tường trình về những mối quan tâm của người trẻ hiện nay khi đọc tin tức trên internet.

Trong bài tường trình tới, Khánh An sẽ tìm hiểu tình trạng giới trẻ Việt Nam “miễn nhiễm” với các website nước ngoài. Mời quý thính giả đón nghe.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.