Quần đảo Hoàng Sa tròn 50 năm bị Trung Quốc cưỡng chiếm và ý kiến chuyên gia
2024.01.16
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, Hải quân Trung Quốc đã dùng vũ lực tấn công hoàn tất công cuộc chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa từ phía Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tình hình an ninh Biển Đông chịu ảnh hưởng rất nhiều từ khi quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Thái Văn Cầu, hiện đang ở Hoa Kỳ nêu nhận định với RFA:
“Theo tôi, Biển Đông quan trọng cho thế giới và Việt Nam. Biển Đông là nơi có khoảng 5.000 tỷ USD hàng hóa của thế giới đi qua mỗi năm. Biển Đông cũng là nơi có nguồn tài nguyên dầu và khí đốt lớn lao. Riêng Việt Nam, với đường bờ biển dài hơn 3.200 km và với tiềm năng to lớn của nó, Biển Đông được xem như là cánh cửa đi vào tương lai của Việt Nam.
Trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và tham vọng thống trị Biển Đông của Trung Quốc trong hơn 20 năm qua đã thay đổi tất cả. Do vị thế chiến lược của nó, Trung Quốc đã biến Hoàng Sa thành một căn cứ quân sự hiện đại, trang bị với máy bay chiến đấu tàng hình, tên lửa siêu thanh, tàu sân bay… Lần đầu tiên trong lịch sử, từ Hoàng Sa, Trung Quốc có thể trực tiếp đe dọa an ninh quốc phòng của Việt Nam, từ Hà Giang cho đến Cà Mau. Trung Quốc cũng có thể kiểm soát mọi di chuyển hàng hải trên Biển Đông”.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông với RFA:
“Cuộc hải chiến Hoàng Sa cách đây 50 năm mở ra một thời kỳ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Đó là Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết tất cả vấn đề mà họ cho rằng thuộc chủ quyền của họ. Mới hôm 4/1/2024, ông Uông Văn Bân, phát ngôn nhân của Bộ ngoại giao Trung Quốc một lần nữa khẳng định, Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền lợi trên biển. Và một lúc nào đó, khi thời cơ thuận lợi, khi tình hình thế giới có lợi cho Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ ra tay nuốt trọn Biển Đông. Trung Quốc cũng từng tuyên bố không sợ bất cứ thế lực nào trên Biển Đông vì họ là cường quốc số hai trên thế giới”.
Cưỡng chiếm Hoàng Sa được coi là sự kiện khởi đầu để Trung Quốc bước vào giai đoạn dùng vũ lực để mở rộng lãnh thổ, lãnh hải. 14 năm sau khi mất Hoàng Sa, Việt Nam lại mất đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa vào tay Trung Quốc. Trong trận thảm sát vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc dùng trọng pháo và súng phòng không tiêu diệt 64 chiến sĩ Công binh và Hải quân Việt Nam trên đảo.
Từ đó đến nay, Việt Nam chưa mất thêm phần biển đảo nào vào tay Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc lý giải:
“Năm 1988, khi Việt Nam đang mắc kẹt vấn đề Campuchia, Việt Nam đang bị thế giới bao vây, cấm vận; đang phải giải quyết nhiều khó khăn về bài toán kinh tế; khi Liên Xô có những dấu hiệu cho thấy họ sắp sụp đổ, tan rã thì Trung Quốc nhân cơ hội đó đánh chiếm một phần quần đảo Trường sa của Việt Nam với sự kiện Gạc Ma.
Khi mà mất một phần Trường Sa vào năm 1988, Nhà nước Việt Nam có thái độ rất kiên quyết trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của mình. Kể từ sau năm 1988, Việt Nam không mất thêm một thực thể nào trên Biển Đông. Và từ những thực thể chiếm đóng ban đầu sau 30/4/1975, ngày nay Việt Nam đã chiếm đóng trên 20 thực thể và có 33 điểm đóng quân trên Biển Đông. Trung Quốc có gây khó khăn, đôi lúc lên đỉnh điểm nhưng Trung Quốc không chiếm thêm quần thể nào. Tôi thấy đó là sự thành công của chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua. Mà phải nói rằng việc đó là nhờ sự vận động của tất cả các nhà đấu tranh cho chủ quyền của Việt Nam trong cũng như ngoài nước đã đánh động dư luận quốc tế. Đã lên tiếng kêu gọi quốc tế phải có thái độ trước nhà cầm quyền Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Và chính những điều kiện trong mối quan hệ quốc tế đó mà Trung Quốc chưa ra tay nuốt trọn Biển Đông như tham vọng của họ. Tôi thấy đây là một bài học cho Việt Nam trong tương lai, để làm sao giữ vững được những phần đất còn lại không bị Trung Quốc chiếm và không bị Trung Quốc ức hiếp. Việt Nam tránh những giải pháp làm lợi cho Trung Quốc trong mối quan hệ song phương cũng như đa phương”.
Cuối năm 2022, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, ông Greg Poling xác nhận với RFA ban tiếng Anh rằng:“Trung Quốc đã không chiếm đóng một thực thể mới kể từ tháng 12 năm 1994 và không xây dựng bất cứ thứ gì mà họ chưa chiếm giữ.”
Theo các tài liệu lịch sử, Đội Hoàng Sa - Lực lượng chuyên trách thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa được thành lập từ thế kỷ 17, thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687). Đội Hoàng Sa hoạt động từ những thập kỷ đầu thế kỷ 17 cho đến những thập kỷ đầu thế kỷ 19. Trong những năm đầu thế kỷ 20, quần đảo Hoàng Sa do người Pháp quản lý. Trong Đệ nhị thế chiến từ năm 1941 đến năm 1945, người Pháp phải rút quân khỏi Đông Dương, người Nhật quản lý quần đảo Hoàng Sa.
Trong lịch sử hàng ngàn năm, Việt Nam đã nhiều lần bị phong kiến Trung Quốc đe dọa hay xâm chiếm. Người dân và lãnh đạo đã phải đối diện với khó khăn gấp nhiều lần hơn so với vấn đề Hoàng Sa. Tuy nhiên, từ Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lê Lợi, Quang Trung cho đến thế hệ gần đây, không có vị tiền nhân nào để nỗ lực bảo vệ chủ quyền, bảo vệ quyền lợi đất nước cho thế hệ tương lai giải quyết. - Nhà nghiên cứu Thái Văn Cầu
Tại Hiệp ước hòa bình San Francisco năm 1951, người Nhật tuyên bố từ bỏ chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Năm 1958, Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa tuyên bố quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Tuy Việt Nam đã mất Hoàng Sa 50 năm, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Việt Nam cũng xây dựng một số nhà trưng bày để lưu giữ, triển lãm những tư liệu liên quan Hoàng Sa, Trường Sa. Một trong số đó là Nhà trưng bày Hoàng Sa được khánh thành vào ngày 28 tháng 3 năm 2018. Nơi đây có khu trưng bày tư liệu, hình ảnh quần đảo Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời nhà Nguyễn; bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1945 đến năm 1974 và bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay.
Tại cuộc đối thoại với các nhà khoa học Việt Nam vào sáng 17 tháng 5 năm 2014, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Hoàng Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và nhất định chúng ta phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi được thì con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi lại”.
Nhận định về việc chính phủ Việt Nam cần làm gì để thế hệ trẻ nung nấu ý chí đòi lại Hoàng Sa, Nhà nghiên cứu Thái Văn Cầu nói với RFA:
“Một mặt, xây dựng nhà trưng bày tư liệu chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là việc làm đáng khích lệ. Mặt khác, khẳng định chủ quyền, phản đối ngoại giao là điều kiện "cần" nhưng không "đủ" để bảo vệ chủ quyền. Không ai phủ nhận sự khó khăn trong giải quyết tranh chấp Hoàng Sa với Trung Quốc. Trong lịch sử hàng ngàn năm, Việt Nam đã nhiều lần bị phong kiến Trung Quốc đe dọa hay xâm chiếm. Người dân và lãnh đạo đã phải đối diện với khó khăn gấp nhiều lần hơn so với vấn đề Hoàng Sa. Tuy nhiên, từ Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lê Lợi, Quang Trung cho đến thế hệ gần đây, không có vị tiền nhân nào để nỗ lực bảo vệ chủ quyền, bảo vệ quyền lợi đất nước cho thế hệ tương lai giải quyết”.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc thì cho rằng, xét trong thế và lực hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc thì Việt Nam không tài nào có thể lấy lại Hoàng Sa từ tay Trung Quốc. Ông nói tiếp:
“Thứ nhất, cuộc hải chiến Hoàng Sa cách đây 50 năm là cuộc chiến tranh chống xâm lược dù dưới bất cứ chính thể nào, dù là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Việt Nam Cộng Hòa. Cuộc hải chiến này có 75 vị anh hùng đã vị quốc vong thân đáng phải được tôn thờ, đáng phải được nhắc nhở hàng ngày, đáng phải được đưa vô sách giáo khoa và phải có tượng đài tưởng niệm. Có như thế thì thế hệ trẻ mới nhìn thấy gương của tiền nhân mà sẵn sàng hy sinh xương máu của mình để bảo vệ đất mẹ Việt Nam.
Nếu chúng ta không làm được chuyện đó, chúng ta coi 75 vị anh hùng đó là ngụy quân ngụy quyền thì rõ ràng không thể nào giáo dục được thế hệ trẻ hiện nay, và họ sẽ làm ngơ khi cha ông họ đã làm ngơ một sự kiện, một biến cố cách đây 50 năm”.
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc nhiều lần gây hấn trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây căng thẳng trên Biển Đông. Trung Quốc cũng bị cho là đã tiến hành hàng loạt hành động phi pháp với mục đích nuốt trọn Biển Đông kể từ khi cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Một số nhà nghiên cứu và một số đại biểu Quốc hội từng đề nghị chính phủ Việt Nam cần vận dụng công cụ pháp lý để bảo vệ chủ quyền biển đảo, cụ thể là nộp đơn kiện Trung Quốc theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển.
Nếu chúng ta không làm được chuyện đó, chúng ta coi 75 vị anh hùng đó là ngụy quân ngụy quyền thì rõ ràng không thể nào giáo dục được thế hệ trẻ hiện nay, và họ sẽ làm ngơ khi cha ông họ đã làm ngơ một sự kiện, một biến cố cách đây 50 năm. - Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Vậy, nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì tài liệu về chủ quyền của Việt Nam có đứng vững về mặt công pháp quốc tế hay không? Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định:
“Nói về mặt lịch sử, Việt Nam có đầy đủ các thư tịch, có đầy đủ các văn kiện của các nhà nước phong kiến trước đây, cũng như thời kỳ quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thời Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng khi ra tòa án công lý quốc tế, người ta sẽ xét trên những điều kiện thực tế. Về luật pháp người ta không xét đến quan điểm. Nếu như Việt Nam không có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh về chủ quyền của mình dựa trên công pháp quốc tế thì tôi e rằng nếu Trung Quốc có đồng ý ra tòa thì chưa chắc Việt Nam sẽ thắng. Mà đã kiện về chủ quyền lãnh thổ, không thắng thì chỉ có thua, chỉ có mất trắng.
Nói gì thì nói, Công hàm Phạm Văn Đồng vẫn là một khúc xương khó gặm nhất trong bộ hồ sơ chủ quyền của Việt Nam. Trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lãnh hải như thế nào thời Việt Nam Cộng hòa cũng phải được chính thức thừa nhận thì như thế Việt Nam mới có khả năng thắng tại tòa án công lý quốc tế.
Phải hoàn chỉnh một bộ hồ sơ pháp lý. Và tôi nói thẳng, trình độ của các nhà lập pháp hiện nay, của các nhà luật học hiện nay không xây dựng nổi một bộ hồ sơ về chủ quyền đâu. Phải nhờ đến các luật sư nổi tiếng có kinh nghiệm trên thế giới cố vấn, như bộ hồ sơ Phillipines kiện Trung Quốc hồi năm 2013”.
Nhà nghiên cứu Thái Văn Cầu nói với RFA:
“Tôi có nghiên cứu về hành xử chủ quyền của Việt Nam qua các thời đại từ xưa đến nay. Dựa trên nghiên cứu của các chuyên gia và nghiên cứu cá nhân, tôi đánh giá cơ sở pháp lý và chứng cứ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam vững chắc hơn của Trung Quốc. Đấy là lý do Trung Quốc làm áp lực để Việt Nam không kiện Trung Quốc.
Theo án lệ tòa án và chuyên gia luật pháp quốc tế, chỉ khẳng định chủ quyền hay phản đối ngoại giao không bảo vệ được chủ quyền, không đòi lại được Hoàng Sa. Dù Trung Quốc không đồng ý, khi khởi kiện, Việt Nam chứng minh sự chân thành, nghiêm túc và thiện chí của mình trước hệ thống tòa án và trước dư luận quốc tế.
Hơn 10 năm trước, tôi có làm việc với một số quan chức nhà nước để giúp họ củng cố chứng cứ chủ quyền Hoàng Sa. Vào đầu năm 2016, họ ngưng nỗ lực này sau khi có sự thay đổi lãnh đạo.
Vào tháng 4 năm 2016, tôi làm việc với trí thức trong nước cho một thư ngỏ có tên “Thư gởi lãnh đạo Việt Nam về Biển Đông”. Thư này do 54 người ký, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 đến 1987, và nhiều nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước khác”.
“Thư gởi lãnh đạo Việt Nam về Biển Đông” có đoạn: “Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, mạnh mẽ và nghiêm túc yêu cầu lãnh đạo Nhà nước Việt Nam công khai kêu gọi Trung Quốc tiến hành đàm phán hòa bình với các nước có tranh chấp trên Biển Đông, hay đồng ý cùng Việt Nam đưa tranh chấp ở Hoàng Sa - Trường Sa ra hệ thống tòa án quốc tế để giải quyết. Nếu kêu gọi này không được Trung Quốc đáp ứng, Việt Nam sẽ tích cực sử dụng các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả chính thức khởi kiện Trung Quốc trong thời gian sớm nhất”.