Học phí đại học tăng cao gây bao quan ngại về nguồn nhân lực

0:00 / 0:00

Lo lắng vì học phí tăng đột biến

So sánh mức học phí mà các trường đại học vừa thông báo cho niên học 2020-2021, mức của trường Đại học Y dược, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM cao nhất, đặc biệt là khoa Y lên đến từ 55 đến 88 triệu đồng.

Hiện tại mức học phí của trường Đại học Y dược TP.HCM là 13 triệu đồng/năm và theo quy định kể từ khóa tuyển sinh năm 2020 thì trường đại học này áp dụng mức học phí mới với 10% gia tăng cho mỗi năm học tiếp theo.

Cô Chi, một phụ huynh có con đang theo học năm nhất tại trường Đại học Y dược TP.HCM, vào tối hôm 9/6 chia sẻ với RFA:

<i>Năm nay có thông báo mới là 70 triệu. Tăng thấy chóng mặt luôn! Có nghĩa là năm thứ nhất thì 70 triệu. năm thứ hai thì khoảng 78 triệu. Mỗi năm đều tăng lên cho đến năm thứ 6 là năm cuối thì một trăm hai mươi mấy triệu/năm. Với mức lương hiện tại của tôi thì làm sao mà đóng nỗi<br/>-Cô Chi, phụ huynh sinh viên Y dược TP.HCM</i>

“Năm nay có thông báo mới là 70 triệu. Tăng thấy chóng mặt luôn! Có nghĩa là năm thứ nhất thì 70 triệu. năm thứ hai thì khoảng 78 triệu. Mỗi năm đều tăng lên cho đến năm thứ 6 là năm cuối thì một trăm hai mươi mấy triệu/năm. Với mức lương hiện tại của tôi thì làm sao mà đóng nỗi?”

Truyền thông trong nước cũng ghi nhận ý kiến của giới sinh viên bày tỏ rằng nếu như học phí cao quá thì họ phải tìm việc làm thêm để trang trải. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc học tập của họ có thể bị ảnh hưởng rất nhiều. Hay cũng có những sinh viên tâm tình rằng mức học phí tăng đột biến thì có thể không tiếp tục theo đuổi được ước mơ vì gia đình không có khả năng hỗ trợ cho các em.

Vì sao học phí đại học tăng cao?

Trước những băn khoăn của sinh viên và phụ huynh, Bộ Y tế yêu cầu trường Đại học Y dược TP.HCM giải trình vì sao tăng học phí lên gấp 5 lần.

Báo mạng Tuổi Trẻ, vào ngày 5/6, dẫn lời của PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết hiện tại trường không còn được Nhà nước cấp ngân sách nên mức học phí 13 triệu đồng/năm không đủ chi phí đào tạo. Từ niên học 2020-2021, trường Đại học Y dược TP.HCM sẽ thực hiện tự chủ tài chính. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khôi nhấn mạnh rằng khi trường tự chủ thì phải thu mức học phí mới như vừa công bố mới đủ chi phí đào tạo.

Một trong những lý do chính để giải thích vì sao mức học phí tăng cao gấp 5 lần, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khôi cho biết các vật dụng, nguyên vật liệu thực hành ngành y khoa khá nhiều và không thể tận dụng lại được nên chỉ sử dụng được một lần rồi bỏ, do vậy chi phí rất lớn.

Tuy nhiên, đại diện của Đại học Y dược TP.HCM cũng khẳng định sẽ không có bất kỳ sinh viên nào học giỏi, thi đậu vào trường mà vì nghèo không có tiền đi học. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khôi cho biết thêm trường dự kiến ngay trong năm đầu tiên sẽ trích 15% tổng thu học phí để cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Báo giới quốc nội cũng cho hay từ năm 2020, nhiều trường công lập đại học sẽ áp dụng cơ chế tự chủ, tức là được thực hiện quyền tự chủ về học thuật, tài chính và nhân sự. Trong phần tự chủ tài chính, các trường đại học công lập được tự hạch toán và đưa ra mức học phí theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.

Thuộc trong danh sách các trường đại học công có mức học phí tăng cao, Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Luật TP.HCM nói với Tuổi Trẻ Online, hôm 5/6 rằng học phí năm 2020 tăng nhẹ so với năm trước từ 500 ngàn đến gần 6 triệu đồng tùy lớp và các năm tiếp theo trường sẽ thông báo ngay sau khi đề án tự chủ của trường được phê duyệt.

Ảnh minh họa. Sinh viên Việt Nam tìm hiểu thông tin về du học tại hội chợ giáo dục Pháp, diễn ra ở Hà Nội ngày 9/10/16.
Ảnh minh họa. Sinh viên Việt Nam tìm hiểu thông tin về du học tại hội chợ giáo dục Pháp, diễn ra ở Hà Nội ngày 9/10/16. (AFP)

Một vị tiến sĩ ẩn danh là viên chức thuộc trường Đại học Mở TP.HCM cho RFA biết hiện trường đang thí điểm tự chủ và hoạch định tài chính của trường đại học công này được viên chức trình bày như sau:

“Trường đang thực hiện thí điểm đề án tự chủ tài chính, có nghĩa là tự lo về các khoản tài chính trong thu chi của trường. Tuy nhiên việc tăng học phí là tăng bao nhiêu cũng được mà phải theo lộ trình, hoàn cảnh và tình hình thực tế. Nguồn thu của trường hiện nay là nguồn thu chủ yếu từ học phí cho nên các nguồn hoạt động khác, ví dụ như về cơ sở vật chất, về các thiết bị…thì có thể từ các nguồn vốn vay kích cầu hoặc từ các dự án và các chương trình tài trợ khác và từ đó trường sẽ xoay sở để thực hiện chứ không phải tất cả đều lấy từ nguồn thu của sinh viên để trang trải cho tấy cả các hoạt động. Do đó, việc tăng học phí phải cân nhắc chứ không phải muốn tăng bao nhiêu thì tăng.”

Trong khi đó, Hiệu phó trường Đại học Công nghệ thông tin TP.HCM, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang lên tiếng với Báo mạng Tuổi Trẻ rằng mức học phí tăng lên trong năm học 2020 mặc dù bị cho là cao nhưng so với mức thu hiện tại là không nhiều cũng như còn thấp hơn chi phí đào tào sinh viên của trường.

Đại học tự chủ đạt hiệu quả tốt?

Hồi cuối tháng 9 năm 2019, trong cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ Online, Giáo sư Phạm Phụ, thuộc trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết bản chất của đại học là phải tự chủ và các trường đại học tại Việt Nam phải theo xu hướng tự chủ, bởi vì không có tự chủ thì chất lượng giáo dục bị kìm hãm và nguồn nhân lực thiếu chất lượng.

Giáo sư Phạm Phụ cho biết tự chủ đại học xoay quanh bảy nội dung: nghiên cứu/công bố; nhân sự; chương trình/giảng dạy; hiệu trưởng; sinh viên (tuyển sinh đầu vào); quản trị trường; hành chính và tài chính. Thế nhưng, các trường đại học chưa có cái nào tự chủ trọn vẹn và theo ghi nhận của vị giáo sư tận tụy này thì nội dung giảng dạy là được tự chủ nhiều hơn.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng từng giảng dạy nhiều năm tại trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Từ Pháp, Giáo sư Phạm Minh Hoàng xác nhận đội ngũ giảng viên đại học và bản thân ông luôn cổ súy cho đại học tự chủ. Giáo sư Phạm Minh Hoàng dẫn chứng trường Đại học Tôn Đức Thắng là một hình mẫu đại học tự chủ, hoạt động độc lập thành công ở Việt Nam và được xếp trong danh sách 400 trường đại học nổi tiếng của Châu Á.

Mặc dù vậy, Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho rằng đa số các trường đại học taị Việt Nam vẫn gặp nhiều trở ngại và ràng buộc trong việc tự chủ:

<i>Nếu là tự chủ thì Nhà nước phải để cho trường học tự chủ thứ nhất về nội dung. Đối với tôi quan trọng nhất là nội dung. Nếu mà áp đặt trường đại học phải học 4 môn chính trị và phải học đi học lại ở năm đầu tiên và năm cuối cùng cũng phải học thì làm cho học sinh mất rất nhiều thời gian về việc học các môn đó. Nếu áp đặt như vậy thì còn cái gì là tự chủ nữa<br/>-Giáo sư Phạm Minh Hoàng</i>

“Nếu là tự chủ thì Nhà nước phải để cho trường học tự chủ thứ nhất về nội dung. Đối với tôi quan trọng nhất là nội dung. Nếu mà áp đặt trường đại học phải học 4 môn chính trị và phải học đi học lại ở năm đầu tiên và năm cuối cùng cũng phải học thì làm cho học sinh mất rất nhiều thời gian về việc học các môn đó. Nếu áp đặt như vậy thì còn cái gì là tự chủ nữa?”

Bên cạnh đó, các trường đại học vẫn phải dưới quyền điều khiển của Đảng. Giáo sư Phạm Minh Hoàng tiếp lời:

“Trong trường vẫn có Đảng ủy, vẫn có bộ máy của Đảng song song với bộ máy của trường. Làm như vậy thì ông hiệu trưởng và hội đồng quản trị đâu có quyền hành gì nữa. Tại vì theo luật pháp của Việt Nam thì Đảng lãnh đạo hết tất cả. Hội đồng quản trị có bầu ra ông hiệu trưởng thì ông hiệu trưởng muốn làm gì phải hỏi ý kiến của ông bí thư Đảng ủy thì không còn độc lập gì nữa? Nội dung do Nhà nước quy định. Quản trị cũng do Nhà nước quyết định. Còn vấn đề nhân sự thì may ra nhà trường còn giữ được một số độc lập thôi. Đối với tôi như vậy thì chưa phải là tự chủ hoàn chỉnh.”

Trở lại vấn đề học phí từ niên học 2020 của một số trường đại học công tăng cao, Giáo sư Phạm Minh Hoàng bày tỏ rằng ông rất lấy làm tiếc vì theo quan điểm cá nhân thì Nhà nước nên hỗ trợ cho sinh viên 80% học phí, bởi đó là hệ thống trường công thì không thể nào sinh viên đóng phí lên đến 50%. Cô Chi thì chia sẻ rằng cô đành phải chuyển trường cho con mình, mà chạnh lòng với ước mơ thành bác sĩ trong vài năm tới không thể thực hiện được. Và một độc giả đã viết trên trang fanpage Báo mạng VNExpress.net rằng “Với học phí như thế này thì nhiều cặp vợ chồng không dám sinh con thứ hai và lập gia đình trước 30 tuổi theo như chính sách khuyến khích của ông Thủ tướng ban hành. Cái gì cũng có nguồn cơn của nó”.