Theo kết quả được công bố hôm 30 tháng 1 năm 2021, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không được bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13. Điều này được cho là ông Nhạ sẽ không tiếp tục làm Bộ Trưởng Giáo dục- Đào tạo, trừ trường hợp đặc biệt nào đó.
Trường hợp đặc biệt có thể nói là vị trí Bộ trưởng Y tế của bà Nguyễn Thị Kim Tiến trước đây. Bà Tiến đảm nhiệm vị trí này từ tháng 8 năm 2011 đến tháng 10 năm 2019, dù tại Đại hội 12 (tháng 1 năm 2016) bà không được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12.
Theo cái nhìn của các nhà quan sát chính trị thì nhiều phần, Việt Nam sẽ có một Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo mới. Vậy vị Bộ trưởng mới cần làm gì khác với vị Bộ trưởng tiền nhiệm để thay đổi hay vực dậy ngành giáo dục có quá nhiều tiêu cực trong những năm qua?
PGS-TS Hoàng Dũng, hiện giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM nhận định:
“Theo tôi, trong tất cả các ông Bộ trưởng giáo dục từ trước đến nay thì ông Nhạ là yếu nhất. Do đó, để có bộ trưởng mà làm hơn ông Nhạ thì điều đó không quá khó. Nhưng để làm sao cho giáo dục có được một bước ngoặt thì lại không đơn giản vì giáo dục ở Việt Nam lại liên quan rất chặt đến thể chế.
Tôi nói ví dụ, riêng về giáo dục đại học, ai cũng biết giáo dục đại học cần phải đặt nặng vấn đề tự do học thuật. Thế nhưng với cách mà Ban Tuyên giáo hàng ngày hàng giờ cứ rà soát công việc trong đại học như hiện nay thì có hy vọng gì thay đổi được cái gọi là tự do học thuật hay không? Điều đó vượt ra khỏi tầm của Bộ Giáo dục."
Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông:
“Dù cho có bộ trưởng mới hay bộ trưởng cũ thì để cải thiện tình giáo dục hiện nay, quan điểm của tôi về mặt tổ chức là phải tách riêng Bộ Giáo Dục. Đừng để lẫn giáo dục với đào tạo đại học. Bởi vì kể từ khi Bộ GD-ĐT được thành lập đến nay thì toàn dân bên đại học là Bộ trưởng. Mà tôi cam đoan 100% đào tạo đại học khác hẳn giáo dục đối với trẻ con. Dạy người lớn khác hẳn dạy trẻ con.
Và điều quan trọng nhất là phải cho những người làm giáo dục chịu trách nhiệm đưa ngành giáo dục lên. Phải để ngành giáo dục đứng riêng và đầu tư cho giáo dục thì lúc đó mới có hy vọng có một nền giáo dục đổi mới.
Kể từ khi Bộ Giáo dục Đào tạo được thành lập trên cơ sở sát nhập Bộ giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, thì Bộ trưởng toàn bộ và hầu hết các Thứ trưởng đều từ các trường đại học. Chính vì vậy giáo dục coi như không ổn về mặt tổ chức.”

Năm 1990, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở sáp nhập Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề. Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến giáo dục đại học và sau đại học. GS.TS Trần Hồng Quân, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, được bầu giữ chức bộ trưởng đầu tiên.
Giáo sư Đặng Hùng Võ phản đối việc sáp nhập này với lý do dạy con trẻ và dạy người lớn hoàn toàn khác nhau về phương pháp và trình độ chuyên môn. Một nhà khoa học giỏi chưa chắc dạy được trẻ con, thế hệ mầm non của quốc gia.
Không chỉ ông Đặng Hùng Võ, những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục cũng từng có đề nghị tương tự.
Hôm 19 tháng 2 năm 2020, tại hội thảo góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026” do Bộ Nội vụ tổ chức tại Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Phó Viện trưởng Viện này là Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục, chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ. Tức tách riêng giáo dục và đào tạo.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Hữu Dũng cũng đề nghị đưa mảng đào tạo ở Bộ Giáo dục và Đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ. Còn hệ thống trường sư phạm vẫn nên để Bộ Giáo dục quản lý để tạo điều kiện cho Bộ Giáo dục và Đào tạo làm tốt hơn chức năng quản lý của mình.
Mức lương
Ngoài việc thay đổi cách tổ chức như tách riêng Bộ Giáo dục khỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo, một vấn đề nữa cũng đang bị cho trì hoãn sự phát triển của ngành giáo dục Việt Nam, đó là lương bổng của giáo viên, giảng viên. Tăng lương cho giáo viên được xem là yếu tố tiên quyết trong quá trình cải cách giáo dục.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, phải coi giáo viên như thành phần xây dựng và bảo vệ đất nước để tăng lương cho họ. Ông nói:
“Công an và quân đội có nghĩa vụ bảo vệ đất nước, còn giáo viên là những người đào tạo ra thế hệ sau, tức vừa bảo vệ vừa phát triển đất nước. Vai trò không kém công an với quân đội hiện nay.
Chế độ đãi ngộ và lương cho giáo viên tất cả các cấp phải được tính như bên công an và quân đội. Nghĩa là phải gấp rưỡi những người làm ở các ngành khác và xã hội phải tôn trọng Thầy, Cô trong ngành giáo dục. Điều này gắn với thể chế.
Bây giờ nhiều khi vẫn còn câu chuyện được coi như tếu lâm ngày trước là em nào học kém thì vào sư phạm. Với nhận thức như thế thì không thể nào có một nền giáo dục tử tế được.”
Khi còn đương chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo, ông Nguyễn Thiện Nhân, đã phát biểu là đến năm 2010, giáo viên sẽ sống được bằng lương. Hơn 10 năm sau mốc dự kiến đó vẫn chỉ là mong ước của nhiều giáo viên đã và đang đứng trên bục giảng.
Theo quy định hiện nay, mức lương của giáo viên tiểu học mới vào nghề, bao gồm phụ cấp ưu đãi nghề, chưa đến 3.300.000 đồng/tháng. Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các giáo viên này sau 25 năm làm việc sẽ có thêm ưu đãi thâm niên nghề và ưu đãi vượt khung, mức lương dao động từ 9.000.000 cho đến 10.000.000 đồng/tháng.
Chế độ đãi ngộ và lương cho giáo viên tất cả các cấp phải được tính như bên công an và quân đội. Nghĩa là phải gấp rưỡi những người làm ở các ngành khác và xã hội phải tôn trọng Thầy, Cô trong ngành giáo dục. Điều này gắn với thể chế.- Giáo sư Đặng Hùng Võ
PGS-TS Hoàng Dũng nhắc lại lời nói của Giáo sư Hoàng Tụy trước đây rằng, với mức lương của giáo viên hiện nay thì đừng trông mong gì giáo dục thay đổi. Thầy giáo họ không đủ sống nên họ không thể 100% toàn tâm toàn ý vào việc dạy học được. Ông nói thêm:
“Vấn đề là mức lương của giáo viên nằm trong toàn bộ mức lương công chức nói chung, thì khó lòng mà chờ đợi một điều dũng cảm từ phía nhà cầm quyền chấp nhận cho lương giáo viên thay đổi hẳn so với trước.
Họ chỉ làm được điều đó với lương công an và quân đội, bởi chế độ toàn trị thì họ dựa vào sức mạnh của lực lượng này nên họ dễ dàng chấp nhận tăng lương cho lực lượng này.
Nhưng thuyết phục tăng lương cho giáo viên trong ngành giáo dục thì khó khăn vô cùng. Nhưng có một cái có thể thực hiện được ngay, đó là phải thực sự tôn trọng quyền đại học tự quyết.”
PGS-TS Hoàng Dũng cũng đề cập đến một yếu tố nữa cần thiết để thay đổi hiện trạng giáo dục hiện nay, đó là phải cho tự trị đại học, tự chủ đại học. Nếu không thay đổi được những điều cơ bản như vậy thì dù có vị bộ trưởng tài giỏi đến đâu cũng không thay đổi được hiện trạng giáo dục. Bởi, tất cả phụ thuộc vào thể chế. Ông kết luận:
“Tất cả các nước toàn trị đều sợ tự trị đại học vì lúc đó bàn tay của nhà cầm quyền khó mà điều khiển được như trước. Họ cho tự chủ về tài chánh chứ không thể tự chủ về học thuật, về tư tưởng…”
Giới chuyên môn cho rằng thể chế chính trị của Việt Nam là nút thắt gây ách tắc không chỉ cho ngành giáo dục mà tất cả các ngành khác. Điều này được chính một số quan chức chính phủ Hà Nội chỉ ra; thế nhưng chỉ dừng lại ở đó mà không có hành động dứt khoát nào được thực hiện để tháo gỡ nút thắt cản trở phát triển toàn xã hội Việt Nam bấy lâu nay.