Người Việt ở Hong Kong ủng hộ phong trào dân chủ

Cao Nguyên
2019.11.29
hk Hình minh hoạ. Người dân Hong Kong tập trung vào ngày 29/11/2019
AFP

Làn sóng biểu tình đòi dân chủ cho Hong Kong, phản đối sự can thiệp của Trung Quốc đã kéo dài được 6 tháng. Những cuộc biểu tình đã dẫn đến những bạo động và hàng ngàn người, trong đó rất đông sinh viên đã bị bắt, có người bị thương do đạn của cảnh sát hoặc bị đánh đập.

Hong Kong cũng là vùng đất có nhiều người Việt, bao gồm cả các bạn sinh viên đang sinh sống và học tập tại đây.

Khuyên người dân không nên tham gia biểu tình

Theo thông tin từ báo chí Nhà nước, ngày 18/11, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Macau đã hỗ trợ 40 sinh viên đang du học tại Hong Kong về nước an toàn.

Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo Tổng lãnh sự tiếp tục theo dõi sát tình hình, giữ liên lạc chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại và công dân Việt Nam, sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Trước thông tin trên, một bạn du học sinh yêu cầu được giấu tên đang ở Hong Kong cho biết thêm về thực trạng công tác hỗ trợ của Tổng lãnh sự (TLS) Việt Nam qua email rằng:

“Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong có cố gắng liên lạc với sinh viên Việt Nam đang du học tại Hong Kong, tuy nhiên việc hỗ trợ về đi lại hay chỗ ở không được thông báo một cách chính thức.

Việc TLS tuyên bố hỗ trợ đưa năm sinh viên từ đại học Trung Văn (Chinese Unversity) ra sân bay là có thật. Tuy nhiên sự hỗ trợ chỉ dừng lại ở việc đưa ra sân bay, ngoài ra không có gì hơn.

Bộ ngoại giao và TLS tuyên bố đã "đưa 40 sinh viên Việt Nam ở Hong Kong về nước" là chưa xảy ra. Vì ngoại trừ năm sinh viên được hỗ trợ đưa ra sân bay, các bạn còn lại đều tự về (bao gồm tự đi ra sân bay và tự chi trả kinh phí chuyến bay).

Thậm chí ngày hôm 21-11, khi bộ ngoại giao tổ chức họp báo, hơn 10 bạn đã quay trở lại Hong Kong để tiếp tục công việc tại đại học Khoa học kỹ thuật Hong Kong từ ngày thứ Ba (19/11).”

Hình minh hoạ. Những sinh viên tham gia biểu tình thăm một quầy cung cấp đồ ở Trường đại học Trung Văn ở Hong Kong hôm 13/11/2019
Hình minh hoạ. Những sinh viên tham gia biểu tình thăm một quầy cung cấp đồ ở Trường đại học Trung Văn ở Hong Kong hôm 13/11/2019
AFP

Ngoài ra, bạn này chia sẻ thêm là hiện nay bạn vẫn chưa quyết định trở về Việt Nam vì công việc cá nhân ở Hong Kong còn nhiều và quan trọng hơn là bạn vẫn cảm thấy an toàn khi ở lại Hong Kong.

Trong khi đó, linh mục Nguyễn Kim Sơn, người đã sinh sống và làm việc tại Hong Kong hơn 10 năm cho RFA biết một quan chức làm việc ở TLS Việt Nam có nhờ ông vận động giáo dân Việt không nên tham gia vào các cuộc biểu tình:

“Trước đây mình có quen với một anh làm trong lãnh sự quán ở Việt Nam. Ảnh có hỏi mình tình hình như thế nào, nhưng họ chỉ hỏi vậy thôi.

Ông ấy nói với mình là lấy tư cách là linh mục thì nên khuyên ngăn các anh chị giáo dân đừng có đi biểu tình, đừng dính dáng đến các vụ việc đó, chứ họ cũng không đến thẳng với người dân để nói chuyện.”

Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 12/9/2019, trả lời tờ Tân Hoa Xã của Trung Quốc về thái độ của Việt Nam đối với tình hình ở Hong Kong, người phát ngôn Bộ Ngoại giao bà Lê Thị Thu Hằng nói “Việt Nam tôn trọng chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, các quy chế liên quan của Hong Kong và hi vọng tình hình Hong Kong sớm trở lại bình thường, tiếp tục ổn định, phồn vinh, duy trì vị trí là trung tâm tài chính, thương mại quan trọng của khu vực và thế giới.”

Ủng hộ phong trào dân chủ Hong Kong, nhưng…

Chị Hương, một người Hong Kong gốc Việt thường nhập hàng hoá Hong Kong về bán ở Việt Nam nhiều năm nay khẳng định vẫn luôn ủng hộ các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong:

“Mình cũng luôn luôn đồng hành với những người dân biểu tình ở đây. Thực ra thì mình cũng không phải là hiểu được nhiều lắm đâu nhưng vẫn phân biệt được giữa cái ác và cái thiện và nền dân chủ nó làm cho mình như thế nào để có quyền được độc lập như thế.”

Bạn du học sinh giấu tên thẳng thắn nêu quan điểm ủng hộ việc người dân Hong Kong xuống đường biểu tình đòi quyền cơ bản. Và việc chính quyền đáp ứng chậm các yêu cầu của người dân đã tạo ra bạo lực, bất ổn ở Hong Kong trong nhiều tháng gần đây:

Hình minh hoạ. Những người bị cảnh sát bắt giữ gần Đại học Bách khoa Hong Kong hôm 18/11/2019
Hình minh hoạ. Những người bị cảnh sát bắt giữ gần Đại học Bách khoa Hong Kong hôm 18/11/2019
AFP

“Đứng ở góc độ cá nhân, việc biểu tình của người dân Hong Kong là cần thiết để đưa ra quan điểm của người dân trước những chính sách về mặt luật pháp và chính trị của chính quyền Hong Kong.

Tuy nhiên việc leo thang bạo lực ở cả hai phía người biểu tình và cảnh sát là đáng lên án. Các cuộc biểu tình này cho thấy luật biểu tình là cần thiết để hỗ trợ người dân biểu đạt suy nghĩ và chính kiến của mình đối với chính quyền.

Chính quyền cần nhanh chóng ứng phó và trả lời các yêu cầu của người dân nhằm tránh xung đột leo thang. Đây là điều mà chính phủ Hong Kong đã không làm được trong thời gian vừa qua.

Theo quan sát của cá nhân, xung đột giữa người biểu tình và chính quyền Hong Kong gần như không thể giải quyết do một trong các yêu sách của người biểu tình đòi hỏi phổ thông đầu phiếu, việc mà Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép nhằm tạo ảnh hưởng chính trị nhất định lên Hong Kong.”

Linh mục Nguyễn Kim Sơn phân tích rằng vấn đề ở Hong Kong hiện nay rất là phức tạp và sâu rộng. Ông cho biết cá nhân cũng như đa số người dân Hong Kong đều ủng hộ phong trào dân chủ nhưng cũng không hài lòng về các hành động tấn công bạo lực.

Còn về ý kiến chỉ trích các cuộc tuần hành, phản đối người biểu tình vì cho rằng chính những người này gây nên nên bất ổn, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở Hong Kong, linh mục Sơn lý giải rằng Hong Kong hiện nay có thể nhìn có vẻ như ổn định chứ lâu dài thì chưa chắc:

“Nhưng vấn đề biểu tình thì một nửa ủng hộ, một nửa thì không. Họ muốn một xã hội ổn định. Nhưng trước mắt thì ổn định chứ về lâu dai thì chưa chắc nó đã ổn định. Chỉ là trước mắt thôi, còn về lâu về dài thì người Hong Kong đều ủng hộ vấn đề dân chủ mà.”

Cuộc sống có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều

Những cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng đã ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế của Hong Kong. Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Hong Kong xác nhận vào ngày 15/11 vừa qua rằng GDP của Hong Kong giảm 3,2% từ tháng Sáu đến tháng Chín. Các ngành kinh doanh, dịch vụ và du lịch đều bị ảnh hưởng nặng nề. Cuộc sống người Việt ở Hong Kong vì vậy cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Linh lục Nguyễn Kim Sơn nói rằng những cuộc biểu tình kéo dài có ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật nhưng ông không thấy quá phiền hà vì đây là tình hình chung:

“Trước mắt không có ảnh hưởng trực tiếp vì tình hình đang xảy ra thì ảnh hưởng chung đến tình hình của Hong Kong.

Thứ nhất là vấn đề giao thông bởi vì người biểu tình trong vấn đề phản đối thì họ cũng có làm thiệt hại đến các tuyến đường xe điện ngầm, các trạm xe điện ngầm. Chính vì vậy, các trạm xe điện ngầm phải điều chỉnh lại giờ hoạt động, rút ngắn thời gian hoạt động. các chuyến xe sẽ ít hơn, một số trạm ngưng hoạt động luôn.

Thứ 2 là ở một số địa điểm gọi là địa điểm nóng người đi lại cũng bị hạn chế.

Tình hình biểu tình kéo dài như vậy thì một số ngành nghề bị giảm thiểu, như là lĩnh vực phục vụ nhà hàng ăn uống không có khách nhiều, cho nên là công ăn việc làm của họ cũng bị ảnh hưởng luôn. Đó là những cái cơ bản.

Hình minh hoạ. Nhân viên văn phòng tập trung ủng hộ những người biểu tình đòi dân chủ trong một khu trung tâm mua bán ở Hong Kong hôm 26/11/2019
Hình minh hoạ. Nhân viên văn phòng tập trung ủng hộ những người biểu tình đòi dân chủ trong một khu trung tâm mua bán ở Hong Kong hôm 26/11/2019
AFP

Bạn sinh viên giấu tên cũng cho rằng việc biểu tình ở Hong Kong có ảnh hưởng đến cuộc sống của du học sinh Việt Nam nhưng không nhiều, chủ yếu vẫn là giao thông bị gián đoạn, ách tắc tàu điện khiến việc đi lại khó khăn hơn.

Có thời điểm, việc biểu tình còn khiến các trường đại học phải đóng cửa:

“Các trường đại học phải đóng cửa khiến các bạn sinh viên không còn môi trường để làm việc. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh an ninh thì xã hội Hong Kong vẫn vận hành bình thường.

Các bạn sinh viên nước ngoài gần như được đảm bảo an toàn nếu không trực tiếp tham gia biểu tình hoặc tranh cãi với người biểu tình.”

Chị Hương cho biết về những khó khăn mà một người buôn bán như chị đang gặp phải khi những cuộc biểu tình vẫn đang tiếp diễn:

“Ảnh hưởng là thu nhập không đều đặn như trước bởi vì nghỉ hẳn mà nghỉ thì đâu có lương. Rơi vào những thời điểm như thế này thì mình đâu có làm được cái gì đâu, rồi là bên hải quan họ cũng không làm cho nên mình cũng không đánh được hàng về thì mọi thứ tắc nghẽn hết.”

Theo tờ South China Morning Post, nhân dịp lễ Tạ ơn năm 2019, hàng ngàn người dân Hong Kong đã xuống đường tuần hành để cảm ơn nước Mỹ vì Tổng thống Trump đã thông qua hai dự luật ủng hộ dân chủ ở Hong Kong vào ngày 27/11/2019.

Theo đó, điều luật này cho phép Hoa Kỳ có thể áp dụng cấm vận đối với các quan chức Trung Quốc và Hong Kong bị xác định là vi phạm nhân quyền. Luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hàng năm phải xem xét tình hình Hong Kong, đảm bảo khu vực này có được các tự do đặc biệt, nếu không Washington sẽ rút lại quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.