Bao giờ Việt Nam hợp pháp hóa hoạt động mại dâm?

Diễm Thi, RFA
2018.10.30
000_Par8263967 Một cô gái bán dâm đang chờ khách. Ảnh minh họa.
AFP

Sáng 29/10, khi báo Tuổi Trẻ đăng dự thảo của Bộ GD-ĐT rằng sinh viên ngành sư phạm nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học, dư luận xã hội lập tức phản ứng và đặt câu hỏi về việc hợp pháp hóa hoạt động này?

Thực tế

Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Luật Phòng chống nhiễm HIV/AIDS, Luật Phòng chống ma tuý và Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, giai đoạn 2011- 2016 của Ủy ban Quốc Hội, thì số lượng người bán dâm ở Việt Nam là khoảng 15.000 người, trong khi báo cáo của Bộ Y tế năm 2016 vào khoảng 87.000 người.

Tuy nhiên một bài viết trên tờ The Diplomat hôm 13/4/2017 thì nói rằng con số được báo cáo chính thức năm 2013 đã là 33.000 người nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng con số thật là khoảng 200.000 người cùng thời điểm.

Với những con số “không ai giống ai” như vậy có thể thấy một điều là không ai có con số thực tế hay ít nhất là gần với thực tế, bởi cho đến nay hoạt động mại dâm ở Việt Nam vẫn được coi là bất hợp pháp và không được quản lý bằng luật pháp.

Một chuyên gia muốn giấu tên đang làm việc cho một tổ chức NGO về lãnh vực mại dâm, ma túy ở Việt Nam đã 8 năm nói với RFA rằng cả xã hội ai cũng biết chuyện mại dâm là có thật ở Việt Nam, là hiện thực của xã hội. Vấn đề là họ đang hoạt động trá hình nên không được kiểm soát bởi luật pháp, mà lại được kiểm soát bởi hệ thống ăn chia giữa xã hội đen và chính quyền, nhất là ngành công an vì đây là lực lượng đi bắt.

Anh nói thêm rằng chuyện mại dâm tràn lan khắp nơi, ai cũng biết nhưng không ai dám công nhận một cách chính thức.

Cần hợp thức hóa?

Ngày 28/3, Bộ Lao động Thương binh Xã hội phối hợp với Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm. Trao đổi với báo chí sau đó, TS Trần Văn Đạt, Phó vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp, khẳng định ở góc độ chuyên gia, ông ủng hộ coi mại dâm là một ngành nghề. Ông nói rằng hợp pháp hóa mại dâm thì có nhiều cái lợi hơn là hại, nhưng ông thừa nhận rằng xã hội chưa quen với việc này vì mại dâm trái với thuần phong mỹ tục.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình, từng tham gia các hội thảo bàn tròn cho ý kiến về việc hợp pháp hóa chuyện mại dâm với tư cách một chuyên gia thì nói với RFA rằng, cho đến bây giờ quan điểm vẫn chưa ngã ngũ, và khả năng hợp thức hóa mại dâm, coi mại dâm là một nghề vẫn chưa được thừa nhận, có nghĩa mọi hoạt động mua bán dâm đều được tính là ngoài vòng pháp luật. Ông nói rằng theo quan điểm của ông thì bây giờ cần phải triển mạnh tư duy từ chỗ cấm cản, tiêu diệt, tẩy trừ không thừa nhận nhưng rồi vẫn mặc nhiên thừa nhận.

Thay vì như thế thì cần phải tổ chức tốt hơn, có nghĩa phải đưa nó vào vòng kiểm soát bằng luật pháp cũng như đưa nó vào hệ quy chiếu của giá trị đạo đức xã hội.”

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
AFP

Một vấn đề khác mà các chuyên gia thấy cần phải hợp pháp hoạt động mai dâm, đó là quyền con người.

Một chuyên gia về xã hội học nói với RFA rằng hiện không có ai thúc đẩy để nói lên tiếng nói của người hành nghề mại dâm nên xã hội nhìn họ rất kỳ thị. Nếu các tổ chức tiếp cận dựa trên quyền con người thì tất cả đều bình đẳng, những người hành nghề mại dâm không bị phân biệt đối xử.

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nhìn thấy cái lợi khi nhìn nhận đây là một nghề, bên cạnh quyền con người. Ông nói:

“Khi người ta nhìn nhận nó là một nghề, đặt nó vào trong sự kiểm soát, thì không chỉ là quan điểm giảm hại cho cộng đồng thực hiện vệ sinh xã hội, vệ sinh dịch tễ, chăm sóc y tế tốt hơn cho mọi đối tượng tham gia vào hoạt động mua bán dâm, mà còn là thực hiện quyền con người của họ.”

Rào cản nào?

Với tình hình thực tế hiện nay là mại dâm tràn lan khắp nơi, các cơ quan chức năng cũng nhiều lần nói đến việc hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh được coi là nhạy cảm này, nhưng đến bây giờ vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều lẫn dè dặt.

Anh P.T.S cho rằng đối với người dân thì do bị tuyên truyền áp đặt từ lâu nên họ nghĩ mại dâm là xấu, mại dâm là phá vỡ hạnh phúc gia đình. Và những áp đặt đó rất nặng trong xã hội bấy lâu nay. Để phá vỡ những rào cản đó hiện đang là một thách thức lớn. Anh nói thêm:

Cuộc tranh cãi về đạo đức vẫn đang dậy sóng ở Việt Nam với những từ Thuần phong mỹ tục” nên việc tìm hiểu về mại dâm hay tình dục luôn luôn gặp những khuôn mẫu liên quan tới đạo đức đó. Nhà nước đặt ma túy và mại dâm vào tệ nạn xã hội, nghĩa là họ bị đạp xuống tận đáy xã hội. Đó là hai điều cản trở nhiều nhất trong các cuộc thảo luận liên quan đến mại dâm.

Theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình thì điều cần làm là phải thay đổi tư duy của các nhà làm luật cũng như trong xã hội. Thay vì chống một cách vô vọng, thậm chí phản khoa học thì phải chuyển sang quản lý. Trong thực tế lịch sử thì tình dục có thể xem như nó có một thị trường. Thời nào cũng có. Khi con người hoạch định ra chế độ một vợ một chồng thì tự nhiên mại dâm tồn tại song song.

Là một người hoạt động trong lĩnh vực ma túy, mại dâm trong xã hội đã 8 năm và nhìn thấy những bất công mà người hành nghề mại dâm gặp phải, anh P.T.S hy vọng một ngày nào đó những người mua bán dâm sẽ được bảo vệ quyền lợi một cách hợp pháp. Anh nhìn thấy một bước tiến khi trước đây gái mại dâm bị bắt phải vô trại Phục hồi Nhân phẩm, rồi chuyển sang Giáo dục dạy nghề. Bây giờ chỉ bị phạt hành chính mà chỉ có tổ chức mại dâm mới bị bắt. Vấn đề là phải xóa sự kỳ thị trong cộng đồng.

Một trong những tranh cãi lâu nay là nếu coi đây là một nghề thì cũng sẽ có thu thuế. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nói rằng nếu hợp thức hóa mại dâm và quản lý minh bạch thì ngành kinh doanh này cũng tạo ra một nguồn thu thuế đáng kể và dùng nguồn thu đó để góp phần cho công cuộc lành mạnh hóa xã hội cũng như phòng chống các bệnh lây lan qua đường tình dục.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.