Lãnh đạo Kiên Giang sẽ bị xử lý thế nào khi phá tan đảo ngọc Phú Quốc?

RFA
2020.05.28
kien_giang_3_vov_qlyb Những khu phân lô, tách thửa trái quy định ở khu Ba Trại, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc. Hình chụp tháng 4/2018.
Courtesy: vov.vn

Giới chức lãnh đạo được nêu tên

Truyền thông trong nước cho biết UBND tỉnh Kiên Giang, vào ngày 15/5, gửi công văn hỏa tốc đến các cơ quan ban ngành trong tỉnh yêu cầu thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến sai phạm đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường ở tỉnh.

Trước đó khoảng 10 ngày, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra với xác định UBND tỉnh Kiên Giang, UBND các huyện, các sở, ngành đã vi phạm trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, môi trường giai đoạn 2011-2017. Đặc biệt những sai phạm nghiêm trọng tại huyện đảo Phú Quốc là UBND huyện và UBND các xã, thị trấn trực thuộc đã buông lỏng quản lý về đất đai, về trật tự xây dựng đô thị, dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ để chuyển nhượng. Song song đó, còn cấp giấy quyền sử dụng đất chồng lấn với diện tích đất được chứng nhận cho Vườn Quốc gia sử dụng.

Trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ nêu rõ Chính quyền tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017 chịu trách nhiệm về những thiếu sót và sai phạm nêu trên. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân sai phạm.

Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu các cơ quan hành chính của tỉnh Kiên Giang bao gồm UBND tỉnh, Sở Tài chính tỉnh, Cục thuế tỉnh phải truy thu về cho ngân sách nhà nước tổng cộng 334 tỷ đồng.

Báo mạng Tiền Phong Online vào ngày 27/5, dẫn lời một cán bộ lão thành của tỉnh Kiên Giang cho biết theo như yêu cầu của Thanh tra Chính phủ thì lãnh đạo giai đoạn 2011-2017 là các chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh trong nhiệm kỳ vừa nêu phải bị kiểm điểm.

Về trường hợp ở Phú Quốc sẽ xử lý ra sao thì rất là khó đoán. Bởi vì nhìn chung đối với quan chức thì bao giờ cũng nhẹ tay hơn đối với dân thường. Nói thẳng là như vậy. Mấy thanh niên nhà quê ăn cắp mấy con vịt bị đi tù 7 năm. Quan chức làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ cũng đi tù 7 năm. Chuyện đấy là quy luật chung…Ngay ở Khánh Hòa nơi tôi ở cũng xảy ra sai phạm quản lý đất đai, sơ sơ tính ra cũng 15-16 nghìn tỷ. Ủy ban Kiểm tra Tung ương cũng làm việc rồi. Thế nhưng cũng chưa thấy hình thức kỷ luật nào cho ra hồn. Chỉ mới kỷ luật trong Đảng, cách chức nguyên bí thư. Cách chức kiểu đó thì không tác dụng gì
-Nhà báo Võ Văn Tạo

Vị cán bộ lão thành (không nêu tên) đưa ra danh tính của các cán bộ lãnh đạo giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang mà ông cho là phải chịu trách nhiệm bao gồm cựu Chủ tịch-ông Nguyễn Thanh Sơn (từng giữ chức Bí thư Huyện ủy Phú Quốc và hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương), cựu Chủ tịch-Thiếu tướng Công an Lê Văn Thi, cựu Chủ tịch-ông Phạm Vũ Hồng (từng giữ chức Chủ tịch huyện Phú Quốc).

Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017 lần lượt bao gồm: ông Nguyễn Thanh Nghị (nay là bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang), ông Mai Anh Nhịn, ông Lê Khắc Ghi, bà Lê Thị Minh Phụng…

Bên cạnh đó, một số cán bộ lãnh đạo thuộc cơ quan Chính quyền tỉnh Kiên Giang cũng được nêu tên.

Xử lý nghiêm như thế nào?

Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, diễn ra vào ngày 26/5, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng vẫn phải làm rất quyết liệt và mạnh mẽ. Ông Trọng cũng khẳng định “không chỉ cốt xử nhiều, xử nặng mới là tốt…”.

Trước tuyên bố vừa nêu của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam, Đài RFA nêu câu hỏi với Giáo sư Đặng Hùng Võ về trường hợp giới chức Chính quyền tỉnh Kiên Giang sẽ bị xử lý như thế nào liên quan các sai phạm đất đai nghiêm trọng theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, Giáo sư Đặng Hùng Võ, vào tối hôm 28/5 cho biết quan điểm của ông:

“Tôi luôn luôn hy vọng đã là xử lý thì phải đảm bảo nguyên tắc công bằng và đấy là điểm rất quan trọng trong việc phát triển xã hội. Phát triển xã hội mà không có công bằng thì sẽ không thể phát triển được. Lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam vẫn luôn có một khẩu hiệu là ‘không có vùng cấm trong xử lý’. Do đó, tôi hy vọng là mọi việc sẽ được xử lý một cách công bằng. Tức là, ai, khuyết điểm đến đâu, thậm chí tội trạng đến đâu thì xử lý ở mức về phía đảng thôi hay tiếp tục liên quan đến hình phạt hành chính, hình sự.”

Nhà lấn rừng trên các đảo nhỏ quanh Phú Quốc.
Nhà lấn rừng trên các đảo nhỏ quanh Phú Quốc.
Courtesy: Facebook Tùng Thiện
Vào hôm 21/5, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Đô đốc Nguyễn Văn Hiến vừa bị tuyên 4 năm tù giam, liên quan vụ đại án tham nhũng đất Quốc phòng. Nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra nhận xét với RFA rằng bản án này chỉ là “giơ cao đánh khẽ” đối với viên chức lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Chúng tôi cũng nêu vấn đề với Nhà báo Võ Văn Tạo về giới chức lãnh đạo tỉnh Kiên Giang bị xử lý ra sao? Theo suy luận cá nhân của ông liệu rằng cũng có thể sẽ “nương tay” tương tự như trường hợp của ông Hiến hay không? Nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ ý kiến như sau:

“Về trường hợp ở Phú Quốc sẽ xử lý ra sao thì rất là khó đoán. Bởi vì nhìn chung đối với quan chức thì bao giờ cũng nhẹ tay hơn đối với dân thường. Nói thẳng là như vậy. Mấy thanh niên nhà quê ăn cắp mấy con vịt bị đi tù 7 năm. Quan chức làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ cũng đi tù 7 năm. Chuyện đấy là quy luật chung. Thế còn riêng từng vụ việc một có thể do quan điểm hay do phe nhóm như thế nào đó thì chúng tôi không thật rõ, nhưng cũng có những trường hợp tương đối là nghiêm túc và hình phạt xứng đáng với tội lỗi. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp chỉ kỷ luật hành chính thôi, chứ không bị hình sự. Ngay ở Khánh Hòa nơi tôi ở cũng xảy ra sai phạm quản lý đất đai, sơ sơ tính ra cũng 15-16 nghìn tỷ. Ủy ban Kiểm tra Tung ương cũng làm việc rồi. Thế nhưng cũng chưa thấy hình thức kỷ luật nào cho ra hồn. Chỉ mới kỷ luật trong Đảng, cách chức nguyên bí thư. Cách chức kiểu đó thì không tác dụng gì.”

Chúng tôi cũng đề cập đến nhân vật đương kim Bí thư tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Thanh Nghị là con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người mà các lãnh đạo đảng trong một lần họp kỷ luật chỉ gọi là "đồng chí X".

Liên quan luồng dư luận cho là phe nhóm lợi ích triệt hạ nhau mà vốn dĩ đã từng có đồn đóan về sự đối nghịch giữa ông Trọng và ông Dũng, nên sẽ có thể một kịch bản “xử lý nghiêm, xử lý nặng” dành cho giới chức lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng biện pháp xử lý nặng nhất cũng là tuyên án tù. Tuy nhiên, Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh:

“Ai cũng biết những quan chức tham nhũng như thế thì vơ vét cả hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Vài ba năm tù đối với họ có nghĩa lý gì đâu. Có nhiều người ở trong tù cũng sướng chẳng khác gì ở nhà. Từ hồi ông Lê Hồng Anh làm Bộ trưởng Công an thì ông đã cho phép chuyện tù nhân đầu tư vào trại giam như xây nhà, thậm chí gắn thiết bị máy lạnh, tủ lạnh…mua bán thoải mái nếu (phạm nhân) có điều kiện kinh tế. Ông Lê Hồng Anh cho rằng cách thức như thế có thể hiểu nôm na là ‘nhà nước và nhân dân cùng làm’, tức là cải thiện cơ sở vật chất của nhà tù. Thế thì đi tù cũng sướng như ở nhà.”

Tôi luôn luôn hy vọng đã là xử lý thì phải đảm bảo nguyên tắc công bằng và đấy là điểm rất quan trọng trong việc phát triển xã hội. Phát triển xã hội mà không có công bằng thì sẽ không thể phát triển được. Lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam vẫn luôn có một khẩu hiệu là ‘không có vùng cấm trong xử lý’. Do đó, tôi hy vọng là mọi việc sẽ được xử lý một cách công bằng. Tức là, ai, khuyết điểm đến đâu, thậm chí tội trạng đến đâu thì xử lý ở mức về phía đảng thôi hay tiếp tục liên quan đến hình phạt hành chính, hình sự
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Đài RFA cũng trao đổi vấn đề này với một số người dân ở đảo Phú Quốc, là nơi mà Chính phủ Việt Nam từng chủ trương xây dựng thành một phiên bản Singapore nhưng hiện tại được gọi tên là hòn đảo bị “tan rừng, nát biển”. Những cư dân Phú Quốc chia sẻ với chúng tôi rằng họ không thật sự quan tâm mấy đến vị quan chức nào sẽ bị kiểm điểm hay hình phạt đối với các quan chức sai phạm nặng nhẹ ra sao. Bởi vì sự quan tâm chính của họ là Phú Quốc không còn là hòn đảo ngọc nếu như tiếp tục dưới sự quản lý lần lượt của các quan chức “không có tâm lẫn không có tầm”, như chia sẻ của ông Duyệt, một người con của Phú Quốc phải than rằng:

“Nhìn thấy sự phát triển của Phú Quốc đi lên thì mình rất hãnh diện nhưng cũng có những nỗi buồn. Nói tóm lại là không quản lý chặt chẽ. Đời sống của người dân mà người bị lấy đất thì đi xuống, còn người bỏ tiền ra đầu cơ thì đi lên. Mạnh ai nấy phá, đốt rừng, chiếm đất cho nên từ chỗ đó cũng thấy buồn. Rồi tệ nạn xã hội ở Phú Quốc nhiều lắm, cũng buồn lắm…Do những người quản lý yếu kém.”

Đó cũng là quan ngại của hầu hết người dân đối với thiệt hại gây ra không thể nào cứu vãn bởi những vô số quan chức "tự tung, tự tác" bấy lâu nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.