Giải pháp nào cho Việt Nam trong tình trạng thiếu nước sạch?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2018.03.16
000_8M53P.jpg Một con kênh khô cạn, tại khu vực Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, đồng bằng Sông Cửu Long. Hình chụp ngày 08/03/16.
AFP

Theo thống kê của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới, xét về nguồn nước nội địa và khoảng 20% dân cư tại Việt Nam chưa được tiếp cận nguồn nước sạch. Việt Nam cần làm gì để đối phó với tình trạng, mà giới chuyên gia cho là báo động khan hiếm nước sạch?

Nguyên nhân

Việt Nam là một quốc gia bị rơi vào tình trạng thiếu nước, mặc dù có mạng lưới sông ngòi dày đặc và có nhiều ao hồ. Số liệu thống kê của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA) cho thấy nguồn nước nội địa của Việt Nam đạt trung bình kém, ở mức 3.840 m3/người/năm thấp hơn 400 m3/người/năm so với mức bình quân toàn cầu. Trong khi đó, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam còn dự báo lượng nước bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ còn một nửa con số vừa nêu đến năm 2025.

Nằm trong danh sách những quốc gia nhận được sự trợ giúp của thế giới, thuộc chương trình Mục tiêu Phát triển Toàn cầu (MDG) về cấp nước và vệ sinh, kể từ năm 2000 Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng những chính phủ và các tổ chức thế giới đã giúp đỡ cho Chính phủ Việt Nam phát triển Chiến lược Cung cấp Nước sạch Nông thôn và Vệ sinh Quốc gia đến năm 2020. Theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam, vào năm 2008, bắt đầu áp dụng các quy định bắt buộc về an toàn nước, theo quy chuẩn hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, đối với 68 nhà máy cung cấp nước trên toàn quốc. UNICEF còn hợp tác với Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam để hướng dẫn cho cộng đồng cách thức xử lý và trữ nước ở những nơi mà người dân chưa thể tiếp cận nguồn nước máy.

Truyền thông quốc nội, trong những năm gần đây đưa tin về tình trạng khan hiếm nước sạch nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở các khu vực thành thị, như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà còn khắp các vùng nông thôn ở Tây nguyên, vùng biển, thậm chí vùng sông nước đồng bằng Sông Cửu Long, do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn.

Đài RFA liên lạc với bà Dung, một nông dân ở Đồng Tháp và được cho biết tình hình nước sinh hoạt của gia đình bà cùng hàng xóm tại khu vực đang dần được đô thị hóa:

Bây giờ ở đây người ta dùng nước máy của xã, của huyện cung cấp để sử dụng cho sinh hoạt, ăn uống, nấu nướng…Bây giờ cũng không trồng trọt gì được nữa vì tưới nước máy thì cây không sống nỗi. Không có nguồn nước nào vô hết. Những ruộng sau nhà chỉ trồng cây tạp nham, sống nhờ vào nước mưa
-Nông dân ở Đồng Tháp

“Bây giờ ở đây người ta dùng nước máy của xã, của huyện cung cấp để sử dụng cho sinh hoạt, ăn uống, nấu nướng…Bây giờ cũng không trồng trọt gì được nữa vì tưới nước máy thì cây không sống nỗi. Không có nguồn nước nào vô hết. Những ruộng sau nhà chỉ trồng cây tạp nham, sống nhờ vào nước mưa.”

Bà Dung cũng cho biết ở những vùng trong tỉnh Đồng Tháp còn chưa bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị, thì người dân dùng nước sông cho công việc tưới tiêu ruộng vườn. Tuy nhiên, bà Dung than phiền nguồn nước sông ngày càng bị ô nhiễm.

Những gì bà Dung vừa chia sẻ không phải mỗi con sông Tiền hay sông Hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long bị ô nhiễm, mà đó là tình hình chung của hệ thống sống ngòi ở Việt Nam hiện nay.

Tại Hội thảo Khoa học “Giải Pháp Xanh cho Nguồn Nước”, vừa diễn ra vào ngày 16 tháng Ba, năm 2018 ở Hà Nội, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường thừa nhận một số sông tại Việt Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng và chất lượng nước không đáp ứng được yêu cầu của mục đích sử dụng. Giới chức Bộ Tài Nguyên-Môi Trường khẳng định tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn vào nguồn nước sông vẫn xảy ra thường xuyên trên diện rộng đã dẫn đến hậu quả như thế.

Thách thức

Báo giới trong nước cũng dẫn nguồn theo đánh giá của các nhà nghiên cứu rằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mà công tác bảo vệ môi trường không hiệu quả thì sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước. Giới chức Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, tại buổi Hội thảo Khoa học “Giải Pháp Xanh cho Nguồn Nước” cũng cho rằng việc thực thi các chính sách quản lý liên quan nguồn nước hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.

Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải, từ Hà Nội nói với RFA rằng nguồn nước sạch ở Việt Nam cần phải xem xét trên 3 yếu tố quan trọng, bao gồm rừng, sông hồ và xử lý nước thải. Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải giải thích:

“Khi nước chảy ở những nơi rừng cây, nước chảy qua đá, tất cả các thứ thì sẽ chặn lại các bùn. Trong quá trình va đập vào đá sẽ sinh ra các ion khử các chất độc và mùi hôi và đặc biết nó thấm qua đất, thì đất làm cho nước lọc rất tuyệt vời nên nước chảy ra sẽ rất trong. Do đó, nếu không có rừng cây thì nước sẽ bị trôi hết và sẽ sinh ra hạn hán rất lớn. Vì vậy, vấn đề rừng cây chỉ là một yếu tố. Nhưng nó lại là bắt đầu vì nước trên nguồn phải sạch. Tôi đi đến tất cả những đỉnh núi cao, đến các bản làng thì cứt lợn, cứt gà hôi thối, người ta vứt rác…Trên nguồn, người ta còn dùng thuốc trừ sâu để phun vào chè (trà) và cây cối, thậm chí cả thuốc diệt cỏ. Cuối cùng là trên nguồn bị ô nhiễm, thì làm sao dưới nguồn có nước sạch được?”

Liên quan yếu tố thứ hai, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nhắc lại lời cảnh báo của giới khoa học ở trong nước từng lên tiếng cả thập niên trước rằng các sông hồ ở Việt Nam sẽ bị ô nhiễm do sự kết hợp giữa tình hình hạn hán với tình trạng xả thải một cách vô tội vạ của các nhà máy công nghiệp lẫn từ dân chúng xả rác bừa bãi. Ông Nguyễn Văn Khải nhấn mạnh:

Một mối nguy hiểm nữa là các nhà máy nhiệt điện bây giờ đẩy chất thải ra bờ biển. Do (các sông) bị phù sa, do bị lấp nên lượng nước về kém đi thì nước mặn sẽ tràn vào. Nhưng nước mặn tràn vào không phải là nước mặn do muối, mà là nước mặn đầy các chất độc ở các resort, các nhà máy thải ra bờ biển, đặc biệt là than xỉ của các nhà máy nhiệt điện. Tức là, người Việt Nam đang tự hủy hoại mình
-Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải

“Một mối nguy hiểm nữa là các nhà máy nhiệt điện bây giờ đẩy chất thải ra bờ biển. Do (các sông) bị phù sa, do bị lấp nên lượng nước về kém đi thì nước mặn sẽ tràn vào. Nhưng nước mặn tràn vào không phải là nước mặn do muối, mà là nước mặn đầy các chất độc ở các resort, các nhà máy thải ra bờ biển, đặc biệt là than xỉ của các nhà máy nhiệt điện. Tức là, người Việt Nam đang tự hủy hoại mình.”

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, một vài nhà khoa học ở trong nước mà chúng tôi được dịp trao đổi cho rằng yếu tố quan trọng nhất để cải thiện tình trạng thiếu nước sạch tại Việt Nam là dân trí, do ý thức vì cộng đồng của người Việt Nam không được chú trọng, kể cả trong việc quản lý cấp vĩ mô của nhà nước.

Ngày 22 tháng Ba hàng năm là “Ngày Thế Giới Nước”, do Liên Hiệp Quốc quy định. Nhân ngày này trong năm 2018, Liên Hiệp Quốc sẽ công bố báo cáo về phát triển nước trên thế giới và các giải pháp dựa vào thiên nhiên cho nước.

Tại Việt Nam, Bộ Y Tế và Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, hồi năm ngoái công bố số liệu thống kê có đến 9000 người tử vong vì sử dụng nguồn nước ô nhiễm và kém vệ sinh, gần 250 ngàn gười nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm và gần 200 ngàn người mắc bệnh ung thư mỗi năm.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.