Vì sao thói hung hãn lên ngôi?
2015.02.28
Trong dịp Tết Ất Mùi đã xảy ra hàng ngàn vụ bạo lực, đánh lộn gây thương tích trong nhân dân, làm hơn 6.000 người phải nhập viện do tai nạn đánh nhau và 15 người đã tử vong.
Vì sao những ngày tết là thời điểm an lành nhất lại có những những “bùng nổ” bất thường như thế?
Những con số khủng khiếp
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong dịp Tết Ất Mùi vừa qua đã xảy ra hàng ngàn vụ bạo lực, đánh lộn gây thương tích trong nhân dân, làm 6.207 người phải nhập viện do tai nạn đánh nhau, ngày cao nhất với 900 trường hợp và 15 người tử vong.
Những con số khủng khiếp đó cho thấy, đây là vấn đề nghiêm trọng của xã hội Việt Nam, vì nó phản ánh một tâm thế rối loạn nào đó của tâm lý đám đông, nó chứa chất những dồn nén không bình thường trong những con người vốn bình thường.
Đúng ra ngày Tết là thời điểm người ta thường nghĩ tới và làm những điều tốt đẹp nhất với những điều kiêng kỵ. Đặc biệt là kiêng kỵ không những không chửi bới nhau mà còn không đánh lộn lẫn nhau.
-TS Nguyễn Xuân Diện
Trước thực trạng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu “Phải có giải pháp tổng hợp về vấn đề này. Các đồng chí lãnh đạo địa phương hết sức chú ý hiện tượng này, không thể xem thường”
Đánh giá về hiện tượng xã hội mang tính bất thường này, Nhà nghiên cứu Văn hóa - TS. Nguyễn Xuân Diện nói:
“Đúng ra ngày Tết là thời điểm người ta thường nghĩ tới và làm những điều tốt đẹp nhất với những điều kiêng kỵ. Đặc biệt là kiêng kỵ không những không chửi bới nhau mà còn không đánh lộn lẫn nhau. Nhưng mà mấy ngày Tết vừa rồi, thì nó lại dồn nén sinh ra nhiều những chuyện ẩu đả đánh nhau đến như thế. Hiện tượng đó cho thấy người dân, mà nhất là thanh niên đã không còn coi cái Tết là một cái gì để hướng đến những điều tốt đẹp, giống như trước đây các thế hệ cao niên nghĩ đến.”
Dưới góc nhìn của các chuyên gia tâm lý thì hoàn cảnh xã hội là yếu tố tác động rất lớn đến tâm lý con người, nếu cuộc sống bế tắc, tương lai mờ mịt cũng dễ làm người ta xử sự thiếu lý trí và ngược lại, nếu người ta có những mối quan tâm khác có giá trị cao hơn những hành động đó thì người ta cũng dễ kiềm chế.
Chuyên gia Tâm lý Phạm Hiền chia sẻ:
“Thực ra đã là người thì không thể nói rằng tôi không hề tức giận, bởi vì nó là cảm xúc của con người. Ai cũng có tức giận, vì mình không phải là gỗ đá hay thần thánh gì cả. Tuy nhiên, hiện tại có 2 cách ứng xử trước sự tức giận của mình, cách thứ nhất có người tức giận thì họ la hét, đập phá hoặc họ cà khịa hoặc đánh nhau để cho bớt cái tức giận đi. Hoặc là những người khác khi tức giận thì họ cố nén, họ kiềm chế cái tức giận vào trong, để rồi cái tức giận ấy âm ỉ, một lúc nào đó nó cũng sẽ bùng lên. Tuy nhiên, cái việc bùng lên đó nó cũng đỡ hơn trường hợp thứ nhất.”
Đáng chú ý, việc đánh nhau trong ngày tết cũng khá phổ biến trong các lễ hội Văn hóa, ví dụ như hỗn chiến kinh hoàng ở Đền Gióng gần đây. Điều gì đã tạo nên những hiện tượng bất thường như thế trong hành xử và tâm lý của đám đông? TS. Nguyễn Xuân Diện giải thích:
“Một cái tập tục mà từ ngày xưa để lại các cụ đã bảo “tả tơi xem hội”, thế nhưng mà ở Hội Gióng vừa qua lại không phải như vậy. Mà các thanh niên này đã lợi dụng Hội Gióng đông đúc như vậy để giải quyết các cái hiềm khích với nhau. Đây là một rất điều đáng báo động và như vậy không chỉ riêng cái hội Đền Gióng, tôi nghĩ rằng Hội Xuân này là nơi tụ tập đông người và nơi giao lưu của các nhóm thanh niên khác nhau, kết hợp với rượu, bia và sự khủng hoảng về niềm tin thì chắc chắn còn có xáo động nữa. Cái Hội Gióng chỉ là cái mở màn cho những cuộc ẩu đả trong những ngày hội.”
Nguyên nhân?
Trả lời câu hỏi, nguyên nhân do đâu khiến tình trạng người dân sử dụng bạo lực, đánh lộn gây thương tích trong dịp Tết rất nhiều như vậy?
TS. Kinh tế Nguyễn Hữu Nguyên, cho biết người dân tự giải quyết mâu thuẫn vì không còn tin vào hệ thống pháp luật và khả năng quản lý, thực thi pháp luật của nhà nước hiện nay không đáp ứng nổi là nguyên nhân chính. Ông nói:
“Tôi cho rằng chính cái quản lý và thực thi pháp luật xuống cấp, chứ không phải pháp luật của chúng ta xuống cấp. Nếu chúng ta giở các bộ luật Hình sự hay Hiến pháp của các nước sẽ thấy, bao giờ Hiến pháp cũng hướng tới Chân, Thiện, Mỹ. Không có Hiến pháp nước nào cho phép những cái đó cả. Nhưng mà ở ta nó vẫn diễn ra, thì chứng tỏ bộ máy của cơ quan quản lý để thực thi pháp luật nó đã xuống cấp. Xuống cấp ở cái đó, tôi cứ nói thẳng thắn là xuống cấp ở khả năng quản lý và thực thi pháp luật. ”
Trong trường học môn Đạo đức thì biến thành môn Giáo dục công dân, khô khan, công thức và sơ cứng. Tôi còn không hiểu nổi, thì làm sao các cháu thiếu niên nhi đồng họ hiểu được?
-TS Nguyễn Việt Hùng
Việc uống rượu bia chỉ mang tính tác nhân, song nguyên nhân chính là hệ quả của sự suy thoái trong giáo dục, văn hóa do không được quan tâm và đầu tư đúng mức. TS. Nguyễn Xuân Diện nhận định:
“Nó là sự khủng hoảng của một đám đông khi một tâm lý đám đông bị dồn nén suốt cả năm và nó chờ đến cái dịp Tết thì nó sẽ bùng lên. Và ở đó chứa đựng mọi mâu thuẫn, mà nguyên nhân chính là cả một xã hội bất an, bất ổn. Bắt nguồn là phải từ Văn hóa – Xã hội, chưa có bao giờ mà văn hóa, giáo dục VN lại khủng hoảng như bây giờ và chưa có bao giờ đạo đức xã hội lại báo động như hiện nay.”
Theo báo Tiền Phong online, PGS.TS Xã hội học Nguyễn Xuân Mai cho rằng: "Nguyên nhân trực tiếp của bạo lực có thể do nhậu nhẹt tràn lan, tình trạng giáo dục xuống cấp nghiêm trọng… Nhưng có thể còn có những nguyên nhân sâu xa hơn như bất bình đẳng xã hội, năng lực quản trị xã hội, quản lý kinh tế yếu kém. Khi tình trạng bất bình đẳng xã hội về cơ hội và thành quả ngày càng gia tăng, cuộc sống và thu nhập không ổn định, sức mạnh của quyền lực và tiền tài lấn át…, bạo lực có thể là phương cách lựa chọn của một số người trong nhiều tình huống của cuộc sống."
Đây là hệ quả của nhiều vấn đề giáo dục, quản lý nhà nước và kể cả về mặt lý luận. TS. Giáo dục Nguyễn Việt Hùng chia sẻ:
“Trong trường học môn Đạo đức thì biến thành môn Giáo dục công dân, khô khan, công thức và sơ cứng. Tôi còn không hiểu nổi, thì làm sao các cháu thiếu niên nhi đồng họ hiểu được? Và cuối cùng là chuẩn thang giá trị về đạo đức thay đổi mà không ai đánh giá, không ai kiểm soát và không ai nhắc nhở. Cho nên, những cái đó nó làm cho sự ích kỷ, vị kỷ của con người trong kinh tế thị trường trở thành bộc phát. Chính do như thế nó trở thành thách thức xã hội.”
Bạo lực là điều rất xấu, nhưng vì sao nó lại xảy ra rất nhiều trong những ngày Tết - thời gian dành cho sự tốt đẹp và an lành như vậy? Xây dựng một xã hội có đạo đức chuẩn mực, khi đó lòng nhân đạo sẽ lan tỏa, ngấm dần vào tâm hồn, và hành động của mỗi con người. Như thế, xã hội sẽ trở nên an bình, ổn định hơn và cái ác sẽ bớt dần đi, khi ấy việc sử dụng bạo lực sẽ không còn là điều phổ biến và tràn lan như hiện nay. Đây là điều cả xã hội cần phải suy nghĩ.