Vì sao những giải pháp chống ngập ở TP.HCM không hiệu quả?

RFA
2020.07.15
72340dc2-17c7-420a-8ef2-ccd19a5a1ab2 Đường phố thành phố bị ngập lụt sau cơn mưa lớn.
AFP

Dự án chưa hoàn thành đã bị lạc hậu

Bắt đầu mùa mưa năm 2020, dân chúng Sài Gòn trở lại với điệp khúc “đường phố bỗng chốc thành sông” chỉ sau một trận mưa bất chợt.

Mặc dù là thành phố thương mại, kinh tế lớn nhất của Việt Nam nhưng tình trạng ngập lụt trong mùa mưa tại TP.HCM càng ngày càng nghiêm trọng.

Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 20 của Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa IX, diễn ra vào hôm 10/7, giám đốc Sở Xây dựng-ông Lê Hòa Bình cho biết dự án chống ngập 10 ngàn tỷ đồng đang triển khai ở thành phố đã bị lạc hậu so với thực tế.

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thêm rằng Chính phủ đồng ý ngân sách 10 ngàn tỷ cho TP.HCM thực hiện quy hoạch chống ngập từ năm 2016 và kế hoạch chống ngập của thành phố kéo dài đến 19 năm.

Nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả dự án 10 ngàn tỷ bị lạc hậu là do tính toán theo thông số kỹ thuật vũ lượng mưa 95mm và độ cao đỉnh triều là 1.35m.

Thạc sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM, Phó ban điều phối chống ngập TP.HCM giải thích cụ thể với RFA liên quan thông tin vừa nêu:

“Dự án bị lạc hậu là vì các thông số đầu vào do biến đổi khí hậu. Trước đây khi bắt đầu làm thì dựa theo chuỗi số liệu quá khứ, hiện tại thì cao hơn nhiều nên phải điều chỉnh lại. Thêm nữa là phạm vi đô thị hóa bây giờ mở rộng. Hồi xưa có 650 km2 vuông và bây giờ lên đến 2000 km2. Thành ra bị lạc hậu nên phải mở rộng phạm vi ra. Thứ ba là các giải pháp chống ngập trước đây chỉ chú trọng vào kiểm soát ngập thôi. Còn bây giờ là phải nghĩ đến thích ứng với đường ngập.”

Số tiền đầu tư là phù hợp với nghiên cứu của thời điểm đó. Nghiên cứu thời đó thì số tiền đầu tư với khoa học công nghệ, kỹ thuật là đảm bảo. Tuy nhiên, có 3 lý do xảy ra là sụt lún, mực nước biển dâng cao (tình hình chung của toàn thế giới) và những đô thị phát triển thì lòng mương đa phần bị nhỏ lại. Do bởi mỗi khu đo thị mới từ cấp phường, cấp quận, hay cấp huyện ở xung quanh mọc lên thì lòng mương được thiết kế bị hẹp hơn hiện trạng cũ. Do xây dựng hiện đại hơn thì lòng mương bị hẹp hơn. Chính vì những điều này mà lưu lượng thoát nước chảy không kịp
-Kiến trúc sư ẩn danh

Một kiến trúc sư ẩn danh, ở Sài Gòn lên tiếng với RFA về ghi nhận của ông rằng dự án ban đầu là đạt hiệu quả, tuy nhiên bởi vì những yếu tố thiên nhiên và nhân tạo tác động nên theo thời gian dự án không thể đáp ứng được công năng phù hợp nữa.

“Số tiền đầu tư là phù hợp với nghiên cứu của thời điểm đó. Nghiên cứu thời đó thì số tiền đầu tư với khoa học công nghệ, kỹ thuật là đảm bảo. Tuy nhiên, có 3 lý do xảy ra là sụt lún, mực nước biển dâng cao (tình hình chung của toàn thế giới) và những đô thị phát triển thì lòng mương đa phần bị nhỏ lại. Do bởi mỗi khu đo thị mới từ cấp phường, cấp quận, hay cấp huyện ở xung quanh mọc lên thì lòng mương được thiết kế bị hẹp hơn hiện trạng cũ. Do xây dựng hiện đại hơn thì lòng mương bị hẹp hơn. Chính vì những điều này mà lưu lượng thoát nước chảy không kịp.”

Vị kiến trúc sư không muốn nêu tên cũng trưng dẫn một ví dụ về phát triển đô thị Phú Mỹ Hưng, khu vực này vốn là hồ điều hòa tự nhiên và mặc dù Chính quyền TP.HCM có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng nhưng trong thực tiễn vẫn không giải quyết được vấn đề.

“Khi xây đô thị lên thì cũng đã nghiên cứu rồi. Nhưng dần dần không đáp ứng được. Theo thời gian khi khu đô thị hình thành thì cũng cải tạo hệ thống cống theo 3,4, 5 quy trình. Tuy nhiên lưu lượng nước mưa ngày càng nhiều và mực nước biển dâng lên thì vẫn bị ngập lại. Có nghĩa là lưu lượng nước không thể thoát kịp, cho dù phía dưới nền hạ có đến 5 giải pháp thoát nước từ trong thành phố đi qua Phú Mỹ Hưng để chảy ra sông Vàm Cỏ.”

Người dân bơm nước tràn vào nhà ra ngoài.
Người dân bơm nước tràn vào nhà ra ngoài.
RFA
Tiếp nối những sai lầm trong phát triển đô thị

Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ & Quản lý Môi trường (IESEM), thuộc ĐH Công nghiệp TP.HCM, từ năm 2014 từng nhận định rằng tình trạng ngập lụt ngày càng nặng ở thành phố là do hệ lụy của những sai lầm chiến lược xây dựng đô thị và quy hoạch thoát nước đô thị của Chính quyền TP.HCM.

Hồi năm 2018, tiến sĩ Lê Huy Bá một lần nữa lên tiếng cho rằng Chính quyền TP.HCM “sai lầm nối tiếp sai lầm”, nhất là về giải quyết bài toán ngập theo biện pháp công trình mang tính cục bộ. Truyền thông trong nước dẫn lời của giáo sư Lê Huy Bá khẳng định rằng “ngập đâu, đắp đấy, đường ngập - nâng đường, nhà ngập - nâng nhà, mà hậu quả là giống như vá một ruột xe đã quá cũ nát, vá chỗ này lại xì hơi chỗ kia”.

Trong khi đó, thạc sĩ Hồ Long Phi cho biết Chính quyền TP.HCM đã thiết lập những quy hoạch tổng thể về chống ngập lụt từ 2 thập niên trước:

“TP.HCM đã có quy hoạch tổng thể về chống ngập từ năm 2000, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Sau đó đến năm 2008, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn thiết lập một quy hoạch tổng thể về kiểm soát triều. Và kết quả là dự án 10.000 tỷ này thuộc một phần của dự án đó. Nghĩa là hiện TP.HCM có hai quy hoạch tổng thể, một quy hoạch về chống ngập do mưa và một quy hoạch về chống ngập do triều. Và bây giờ tôi nghe nói đang xây dựng thêm một quy hoạch nữa đến tháng 10 sẽ hoàn chỉnh là mở rộng phạm vi quy hoạch và tích hợp hai quy hoạch vừa nêu vào với nhau.”

TP.HCM đã có quy hoạch tổng thể về chống ngập từ năm 2000, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Sau đó đến năm 2008, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn thiết lập một quy hoạch tổng thể về kiểm soát triều. Và kết quả là dự án 10.000 tỷ này thuộc một phần của dự án đó. Nghĩa là hiện TP.HCM có hai quy hoạch tổng thể, một quy hoạch về chống ngập do mưa và một quy hoạch về chống ngập do triều. Và bây giờ tôi nghe nói đang xây dựng thêm một quy hoạch nữa đến tháng 10 sẽ hoàn chỉnh là mở rộng phạm vi quy hoạch và tích hợp hai quy hoạch vừa nêu vào với nhau
-Thạc sĩ Hồ Long Phi

Mặc dù vậy, thạc sĩ Hồ Long Phi thừa nhận hệ thống chống ngập của TP.HCM hiện nay còn rất yếu và thiếu, bởi vì chỉ mới đạt khoảng 30-40% tổng diện tích lưu vực của thành phố. Và, quan trọng hơn hết là dù cho có những giải pháp để giải quyết tình trạng ngập lụt, nhưng không có tiền để làm. Thạc sĩ Hồ Long Phi quy cho cơ chế tài chính của thành phố đối với việc chống ngập lụt còn yếu khi so với những dịch vụ công ích khác.

“Hệ thống chống ngập hiện nay, dịch vụ thoát nước là bao cấp. Những nguyên nhân gây ngập đã được xã hội hóa rồi: phát triển đô thị, làm đường… tất cả các thứ có nguồn thu và nguồn chi, thành ra phát triển rất nhanh. Trong khi chống ngập không có nguồn thu, 1 năm thu vỏn vẹn chưa tới 1.000 tỷ dùng để vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống hiện tại mà còn chưa đủ thì tiền đâu mà chống ngập. Đó là một bất cập lớn. Một dịch vụ muốn được bền vững thì thu-chi phải cân bằng.”

Hồi tháng 10/2019, Đại sứ quán Hà Lan cùng các chuyên gia đã đề xuất với giới chức lãnh đạo TP.HCM về giải pháp xây dựng hệ thống chống ngập bền vững cho thành phố, trong đó chú trọng giải pháp tài chính mới qua việc áp dụng quan hệ đối tác công tư (PPP). Bí thư thành phố Nguyễn Thiện Nhân phản hồi rằng sẽ lắng nghe, học tập kinh nghiệm và tôn trọng ý kiến từ Hà Lan.

Vào cuối tháng 5/2020, Chính quyền TP.HCM xem xét phương án thu tiền dịch vụ chống ngập đối với người dân của thành phố. Sở Xây dựng TP.HCM giải thích rằng nếu phương án này được duyệt sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội hóa trong việc thực hiện chống ngập cho thành phố trong thời gian tới.

Đài RFA ghi nhận, phương án thu tiền dịch vụ chống ngập đã vấp phải sự phản đối của dư luận, vì đa số người dân Sài Gòn cho rằng việc chống ngập lụt là trách nhiệm của nhà nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.