Cơ quan chức năng Việt Nam từ tháng 10/2022 đến 17/2/2023 đã bắt giữ bốn tàu đang giữ và vận chuyển 66 thiết bị giám sát hành trình – VMS của tàu cá khác. Thông tin vừa nói do Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Trưởng Ban chỉ đạo chống khai thác IUU cho báo chí biết hôm 17/2/2023.
Mới nhất là vào ngày 9/2, tàu BRP Teresa Magbanua của Tuần duyên Philippines đã bắt gặp một tàu cá mang cờ Việt Nam tại khu vực Bãi Cỏ Rong mà Manila cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Tàu Tuần duyên Philippines đã phát loa yêu cầu tàu cá Việt Nam rời khỏi khu vực, đồng thời thả thuyền để tiến hành biện pháp khám xét. Chiếc tàu cá Việt Nam đã nhanh chóng rời khu vực Bãi Cỏ Rong khi bị yêu cầu.
Ngư dân cũng có một số người trong thời buổi kinh tế khó khăn, giá dầu tăng trong khi giá cá không tăng theo và vùng biển của Việt Nam cũng cạn kiệt do khai thác quá mức… dẫn đến chuyện ngư dân đôi khi phải đi tìm nơi có nhiều cá hơn để đánh bắt.
-Ông Trần Văn Lĩnh
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 21/2/2023, nhận định:
“Trong vài năm qua cả chính quyền lẫn ngư dân Việt Nam đều có những biện pháp tích cực để thực hiện điều này. Tuy nhiên ngư dân cũng có một số người trong thời buổi kinh tế khó khăn, giá dầu tăng trong khi giá cá không tăng theo và vùng biển của Việt Nam cũng cạn kiệt do khai thác quá mức… dẫn đến chuyện ngư dân đôi khi phải đi tìm nơi có nhiều cá hơn để đánh bắt nhằm bảo đảm không thua lỗ, thậm chí dùng thủ đoạn để đi đánh cá xâm lấn vào vùng biển nước khác.”
Mặt khác theo ông Lĩnh, có một số vùng biển trước đây ví dụ như vùng Trường Sa giữa Việt Nam và Philippines có khái niệm về biên giới không rõ ràng nên ngư dân dễ vi phạm. Ông Lĩnh nêu ví dụ:
“Ví dụ vùng biển Cỏ Mây vẫn tuyên bố là của Việt Nam, nên ngư dân cứ ra đánh cá. Trước đây thì có khi Trung Quốc đuổi bắt, nhưng trong những ngày gần đây thì Philippines lại tăng cường bắt bớ và coi đó là xâm phạm, trong khi rước đây thì Philippines bỏ lơ… Thành thử những bằng chứng ngày càng rõ ràng hơn khi các quốc gia trên vùng lãnh thổ tranh chấp tăng cường thể hiện về chủ quyền của họ.
Nhưng trên hết theo ông Lĩnh là do một số ngư dân Việt Nam vì mưu sinh, nếu không có cá thì họ lỗ do giá dầu tăng quá cao, dẫn đến vi phạm… Mặc dù Hội Nghề cá Việt Nam cũng như chính quyền đã bằng mọi biện pháp tuyên truyền giáo dục người dân về vấn đề này nhưng theo ông Lĩnh, ngư dân vẫn nhiều lần vi phạm vì nghĩ rằng vùng biển bao la nhà nước không quản lý được. Nhưng bây giờ theo ông Lĩnh, cơ quan quản lý đã có đầy đủ phương tiện hơn trước đây, nếu tắt định vị hoặc gửi định vị cho tàu khác… thì nhà nước Việt Nam cũng có những phương tiện để biết và tiến tới bắt, phạt.

Vào ngày 23 tháng 10 năm 2017, Ủy Ban Châu Âu (EC) đã quyết định cảnh cáo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, vì không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EC trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm ba tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU. Nếu tỷ lệ vi phạm các quy định này thấp thì không sao, nhưng nếu tỷ lệ cao thì EU sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng của nơi xuất xứ trong vòng ít nhất 6 tháng, hay còn gọi là phạt “thẻ vàng”.
Hôm 18/2/2023, ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho truyền thông Nhà nước biết, việc vi phạm hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý – IUU bị phạt rất nặng, nhưng vẫn khó xử lý dứt điểm vì vẫn có cách qua mặt lực lượng kiểm soát.
Một ngư dân ở Cà Mau cho RFA biết, ngoài cách gởi định vị cho tàu khác, còn có thể tắt định vị để qua mặt cơ quan chức năng:
“Cũng có một số vi phạm, có nghĩa là họ biết cách tắt máy rồi chạy qua bên kia mần. Tổng đài mất liên lạc mới kêu trên máy cho ghe đó chạy quay về. Chủ ghe mà để cho tài công chạy lút ra đó thì chủ ghe bị phạt. Người nào lì thì tắt máy rồi lén chạy qua mần nhưng mà bên mình là người ta biết.”
Tôi nghĩ dù chưa gỡ thẻ vàng, thì cũng là một cái án treo để cho cả chính phủ và ngư dân Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa… Chứ còn nếu gọi là phạt thẻ đỏ thì tôi nghĩ cũng chưa đến mức đó, tôi hy vọng là như vậy.
-Ông Trần Văn Lĩnh
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - hôm 20/2/2023 cho báo chí Nhà nước biết, trong các cuộc làm việc với Việt Nam, Ủy ban châu Âu - EC đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần nếu chúng ta không quản lý được đội tàu, chỉ cần còn một tàu vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ không thể gỡ được thẻ vàng.
Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này nhận định:
“Hội chúng tôi nhận thấy các đáp ứng của nhà nước để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo không đánh bắt bất hợp pháp đã được các địa phương làm tốt. Còn mức độ tốt như thế nào thì tôi cho rằng để trở về con số không có một trường hợp nào vi phạm ở nước ngoài chẳng hạn, thì mình chưa thể đạt được.”
Đến hết năm 2022, theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, đã có 96,35% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình – VMS, nhưng đã có 157 lượt tàu thân dài từ 24m bị mất kết nối. Ngoài ra, chỉ trong tháng 1/2023, đã có tới 6 tàu bị Malaysia bắt giữ.
Liệu nếu cứ tiếp diễn vi phạm hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý – IUU khi đã mang án phạt thẻ vàng nhiều năm… có dẫn đến án phạt nặng hơn là ‘thẻ đỏ’?
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, nhận định:
“Mặc dù chúng ta chưa xây dựng một cách tốt đẹp để họ gỡ thẻ vàng được, tuy nhiên họ cũng phải thừa nhận những nỗ lực của chúng ta từ trước đến nay mỗi ngày một tốt hơn. Mặc dù tình trạng chung là chưa tốt nhất, nhưng mọi người đều có nỗ lực… Nên tôi nghĩ dù chưa gỡ thẻ vàng, thì cũng là một cái án treo để cho cả chính phủ và ngư dân Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa… Chứ còn nếu gọi là phạt thẻ đỏ thì tôi nghĩ cũng chưa đến mức đó, tôi hy vọng là như vậy.”
Từ ngày Ủy Ban Châu Âu – EC quyết định cảnh cáo thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam đến nay đã hơn 5 năm và EC đã nhiều lần qua Việt Nam kiểm tra. Dù Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp, tuy nhiên ‘thẻ vàng’ hiện vẫn chưa được EC gỡ bỏ.