Vì sao không thể xóa việc chạy chức, chạy phiếu vào nhân sự Đại hội 13?

Diễm Thi, RFA
2020.11.20
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
000_8V28AW.jpg Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (giữa) và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (phải). Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 12/11/2020
AFP

“Giảm hẳn tình trạng chạy chức”

Hôm 19 tháng 11 năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết Đại hội Đảng bộ các cấp tại Hà Nội. Nhận định về việc chuẩn bị nhân sự Đại hội 13, ông Trọng phát biểu rằng: “Nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp uỷ các cấp và chuẩn bị cho nhân sự trung ương. Những hiện tượng vận động, tranh thủ phiếu bầu cơ bản được khắc phục; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm hẳn.”

Ông Trọng nói thêm là có nơi chuẩn bị nhân sự chưa thật kỹ, còn bố trí người nhà, người thân chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, uy tín tham gia cấp ủy. Tuy vậy, ông vẫn khẳng định đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công tốt đẹp, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, để lại những dấu ấn nổi bật và những tình cảm tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Với cái nhìn của một nhà quan sát thời cuộc, blogger Nguyễn Ngọc Già nêu nhận định về phát biểu của ông Trọng về tình trạng chạy chức, chạy quyền giảm hẳn:

Thứ nhất, ông Trọng nên đưa ra con số rõ ràng chứ không nên nói chung chung như vậy. Phải có số tuyệt đối là bao nhiêu con người và số tương đối là chiếm bao nhiêu phần trăm. Ổng phải làm một phép so sánh với các kỳ đại hội đảng trước đây thì mới phát ngôn như vậy được.

Thứ hai, tất cả các đại hội đảng hàng chục năm qua họ đều nói là thành công. Như vậy có phải họ đã nói dối hay không khi đại hội nào họ cũng bảo là chọn ra những người xứng đáng, đủ tiêu chuẩn. Nhưng thực tế chứng minh ngược lại. Tham nhũng rồi bỏ trốn ra nước ngoài trở thành chuyện nghiêm trọng.

Vậy qua các kỳ đại hội vừa ra, nhân sự của họ đã bị ở tù, bị kỷ luật, bị khai trừ khỏi đảng là những người có chạy chức, chạy phiếu hay không, phải điểm ra cho rõ ràng. Nếu kỳ này gọi là giảm hẳn, thì cũng phải đưa ra những kẻ nào đã chạy chức chạy quyền ra cho dân biết.”

Vậy qua các kỳ đại hội vừa ra, nhân sự của họ đã bị ở tù, bị kỷ luật, bị khai trừ khỏi đảng là những người có chạy chức, chạy phiếu hay không, phải điểm ra cho rõ ràng  - Blogger Nguyễn Ngọc Già

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị, thì cho rằng cách nói của ông Trọng là tự khen, là ‘nói chỉ để mà nói’ thôi chứ làm sao mà biết là giảm hay tăng, bởi chính các ông ấy còn không biết ai chạy ai!

Đây không phải lần đầu ông Nguyễn Phú Trọng nói đến việc chạy chức, chạy quyền hay chạy phiếu cho nhân sự Đại hội 13. Hôm 26 tháng 4 năm nay, ông Trọng có một bài viết được đăng trên truyền thông trong nước có tựa 'Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng'.

Trong phần nói về tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội có đoạn: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự.”

Vì sao chỉ giảm mà không dứt?

Tệ nạn chạy chức, chạy quyền, thậm chí chạy phiếu trước mỗi kỳ đại hội đảng không là chuyện lạ trong xã hội Việt nam từ nhiều năm qua. Các cấp lãnh đạo trong Đảng, trong Chính phủ cũng từng nhiều lần đề cập thậm chí ra những quy định rõ ràng. Chẳng hạn như Quy định 205-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 23 tháng 9 năm 2019.

Đây là Quy định của Bộ Chính trị về việc “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Một trong những điểm nổi bật của Quy định này là đề cao trách nhiệm của người đang được xem xét, thực hiện các quy trình trong công tác cán bộ cũng như đề cao trách nhiệm của những cá nhân có thẩm quyền quyết định nhân sự. Đây được cho là chìa khóa để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.

Theo một số nhà quan sát thì chuyện xóa bỏ hoàn toàn nạn chạy chức, chạy quyền là chuyện không thể có. Còn chuyện giảm hay giảm hẳn như lời ông Trọng nói thì không có căn cứ.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng khẳng định như vậy. Ông giải thích:

Không bao giờ hết vì đây là chế độ chỉ có một đảng mà lại không công khai minh bạch gì cả. Do đó, cái nền tảng để đưa chuyện tham nhũng chính trị, chuyện chạy chọt, mua quan bán chức về số 0 là chuyện không thể có được. Với cái thể chế như thế nào thì không bao giờ chuyện đó xảy ra. Lý do thứ nhất là không có sự minh bạch; thứ hai là không có một chính sách rõ ràng để bầu cử; thứ ba là người ta làm việc theo cảm tính và theo kiểu tiến cử cá nhân.”

Không bao giờ hết vì đây là chế độ chỉ có một đảng mà lại không công khai minh bạch gì cả. Do đó, cái nền tảng để đưa chuyện tham nhũng chính trị, chuyện chạy chọt, mua quan bán chức về số 0 là chuyện không thể có được. - Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp

Trong lần trò chuyện với RFA về vấn đề này hôm 6 tháng 5 năm 2020, tức hai tuần trước khi bị bắt, nhà báo Phạm Thành cho rằng, lời kêu gọi mà Chính phủ Hà Nội mỗi lần họp bàn nhân sự đại hội đảng đều nêu ra thể hiện ý muốn duy ý chí và không thể thực hiện được:

“Mồm nói như vậy nhưng cơ chế vận hành của chủ nghĩa xã hội lại không đảm bảo cho việc đó đạt được kết quả. Do thể chế chính trị, cơ cấu vận hành của thể chế chính trị tạo ra vòng xoáy cơ hội cho những phần tử ham muốn quyền lực, chỉ biết lợi ích riêng của mình mà không biết đến lợi ích cộng đồng chui vào bộ máy nhà nước vì mục đích quyền, tiền. Làm gì có cơ hội cho những người liêm chính, sống vì mục đích cộng đồng, dám hy sinh cái tôi của mình để cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên cũng có tác dụng với người không hiểu biết và vẫn tin tưởng vào đảng.”

Những năm gần đây, thông tin về việc những quan chức lạm dụng chức vụ, quyền hạn đưa người thân vào giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan công quyền; chuyện cả nhà làm quan, cả họ làm quan không còn là hiện tượng đơn lẻ đã được truyền thông nhà nước Việt Nam nhiều lần công khai đăng tải.

Một trong những lãnh đạo nổi tiếng trên mạng xã hội với việc ‘cả họ làm quan’ là ông Triệu Tài Vinh ở tỉnh Hà Giang. Gia đình ông có ít nhất 8 người thân ruột thịt và họ hàng làm công chức nhiều ban ngành, địa phương trong tỉnh. Có thể kể những người ruột thịt của ông Vinh là bà Phạm Thị Hà, vợ ông, giữ chức Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Em trai ông Vinh là Triệu Tài Phong giữ chức Bí thư Huyện ủy huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang; Triệu Sơn An giữ chức Phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì; Triệu Tài Tân là Phó phòng Hành chính Viễn thông tỉnh Hà Giang. Em gái ông Vinh là Triệu Thị Giang giữ chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hà Giang…

Nhằm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Khoản 6, Điều 3 Quy định 205-QĐ/TW nêu rõ: Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
20/11/2020 16:54

Ông Trọng bảo, đến Đường Tăng đi lấy kinh, bước chân sang nước Phật đã phải đút lót, hối hộ... thì không nên xóa bỏ hoàn toàn việc chạy chức, chạy phiếu vào Đại hội đảng, mà chỉ nên giảm có mức độ... rồi sẽ lại phải tăng!
Vì xét cho cùng, có ai tin yêu đảng hơn những người chạy chức, chạy phiếu để được hiến dâng đời mình cho Đảng, để lãnh đạo nhân dân xây dựng CHXH ở VN???

(Ai có hỏi ông Trọng, CNXH là cái gì, ông sẽ ú ớ... như việt gian!)

Anonymous
21/11/2020 03:06

Mục đích vào đảng ngày nay là để bốc hốt chứ không phải để "giải phóng dân tộc", "giành độc lập", "chống Mỹ, cứu nước". Một người có tài đức không cần vào đảng cũng khá lên. Một kẻ dốt nát, bất tài phải vào đảng thì mới được "bổng lộc" và quan trọng nhất là có cơ hội tha hồ bốc hốt. Điều đó cắt nghĩa tại sao rốt cuộc đảng viên giàu hơn dân thường. Cho nên phải tìm cách vô đảng.

Anonymous
23/11/2020 06:31

Ở Việt Nam hiện nay tạm dùng khái niệm tư bản „đỏ“, vì nhiều cái nó còn hoang dã hơn tư bản các nước truyền thống. Tuy nhiên theo quy luật thì tạm lấy lí luận của Karl-Max: „nếu lợi nhuận 100% thì nhà tư bản bất chấp pháp luật, còn lợi nhuận 300% thì có treo cổ nó lên, nó vẫn làm.“. Còn đầu cơ vào mua chức bán quyền ở Việt nam thực tế nhiều người thành công vượt xa lợi nhuận 300 % rất nhiều thì có 3 đầu sáu tay ông Trọng và đồng sự cũng không thể ngăn được việc mua quan, bán chức – dù biết Ông chỉ có sự quan tâm lớn nhất vào việc đó.

Anonymous
23/11/2020 10:57

Trọng nói càng hay, Đảng làm càng láo.
Đảng làm càng láo, Trọng nói láo càng hay.

Độc đảng > độc tài, độc đoán, độc tôn > độc quyền, độc diễn... chạy chức, chạy quyền, chạy tiền, vác tiền chạy sang các nước đa đảng, tự do, tư bản Mỹ, Anh, Pháp

Đảng chủ > Đảng cử, Đảng bầu, Đảng chọn ngàn ngàn cán bộ tham nhũng, tham ô, tham tiền, tham quyền, lộng quyền, lộng hành, lộng ngôn, bất tài, bất lực, bất lương, trong Đảng, của Đảng, do Đảng, vì Đảng, phục vụ quyền lợi bất chính, bất công, bất nhân của các đảng viên " lãnh đạo " dao búa " Búa Liềm " Việt Cộng.

Tại các nước văn minh, tiến bộ, tự do, dân chủ, đa đảng như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Đại Hàn, tất cả mọi công dân đều có quyền tự do đăng ký, gia nhập vào các đảng, ly khai các đảng, đề cử đảng viên tranh cử Tổng thống, Chủ tịch nước theo ý thích, ý muốn của mình.

Còn công dân Việt Nam của cái đất nước
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc thì sao nhỉ?

Một đất nước rất ngộ... chưa tự giác ngộ.