Vì sao nhiều người ngại ngần cài app Bluezone?

Diễm Thi, RFA
2020.08.10
104419_bluezone.jpg App Bluezone trên smartphone ở Việt Nam.
Photo: Vietnam news

Bluezone là ứng dụng sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (Bluetooth Low Energy) để ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại di động thông minh cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Ứng dụng sẽ cảnh báo nếu người dùng có tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc người đã từng tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm COVID-19.

Ứng dụng này do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế triển khai dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Bốn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thực hiện gồm: BKAV, Memozone, VNPT, MobiFone.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tất cả mọi người đến làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cần được yêu cầu cài đặt phần mềm Bluezone ngay từ cổng ra vào.

Ông Hùng đồng thời chỉ đạo Cục Viễn thông làm việc với các nhà mạng hàng ngày gửi tin nhắn đề nghị người dân cài đặt phần mềm để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho cộng đồng.

Tại buổi công bố các giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại Bộ Thông tin và Truyền thông hôm 18 tháng 4 năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bluezone là bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng chống dịch bệnh. Đột phá ở chỗ chính quyền không thu thập thông tin người dân, thông tin chỉ lưu trên điện thoại cá nhân.

Trong khi đó, mới hôm 8 tháng 8 năm 2020, chuyên gia bảo mật công nghệ thông tin Dương Ngọc Thái viết trên blog của mình rằng, máy chủ có toàn quyền quyết định lấy dữ liệu bất kỳ lúc nào mà không cần có sự đồng ý của người dùng. Có thể máy chủ sẽ không bao giờ làm vậy, nhưng câu hỏi là làm sao chúng ta có thể kiểm tra được nếu họ không cam kết và không cung cấp thông tin cách họ làm trên máy chủ?

Chẳng hạn những tiếp xúc như tôi vừa nói chỉ ghi lại trên điện thoại của người dùng và không được gửi lên server. Chỉ khi nào có phát hiện người bị nhiễm COVID thì lúc đó dữ liệu mới được gửi lên server với sự đồng ý của người dùng. - Nguyễn Tử Quảng

Trao đổi với RFA tối 10 tháng 8 về vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV cho biết, ích lợi của Bluezone là giúp cho nhà nước có nhật ký tự động trong việc mọi người gặp nhau hàng ngày. Nếu có một người nào đó bị nhiễm COVID-19 thì cơ quan y tế sẽ dựa vào các số liệu được ghi nhận để biết ai đã tiếp xúc với ai, vào lúc nào. Từ đó truy vết và phát hiện những người có nguy cơ nhiễm COVID-19 để phòng ngừa. Không có chuyện dữ liệu cá nhân bị lộ ra ngoài. Ông nói:

“Đây là chủ đề được rất nhiều người quan tâm. Phần mềm này nó chỉ hiệu quả khi có đủ số lượng lớn người sử dụng. Ngay từ khi phát triển chúng tôi đã phải để ý đến việc này. Nó sử dụng các thuật toán để đảm bảo không lộ những thông tin cá nhân của người dùng. Chẳng hạn những tiếp xúc như tôi vừa nói chỉ ghi lại trên điện thoại của người dùng và không được gửi lên server. Chỉ khi nào có phát hiện người bị nhiễm COVID thì lúc đó dữ liệu mới được gửi lên server với sự đồng ý của người dùng.”

Ông Quảng cho biết thêm rằng, ngoài việc phải có sự đồng ý của người dùng, công ty còn có nhiều biện pháp bảo mật khác để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, chẳng hạn như mỗi một người khi tiếp xúc thì máy này chỉ ghi nhận là thấy tiếp xúc với một máy khác chứ không biết được tiếp xúc ở đâu. Thứ hai, các mã số sinh ra ngẫu nhiên và cứ 15 phút thì đổi mã số một lần. Tất cả những biện pháp đó đều để đảm bảo việc thông tin cá nhân được bảo vệ riêng tư.

Vì sao dân phản ứng?

Người dân khai báo thông tin đi du lịch cho nhân viên y tế. Ảnh chụp hôm 8/8/2020 tại Hà Nội.
Người dân khai báo thông tin đi du lịch cho nhân viên y tế. Ảnh chụp hôm 8/8/2020 tại Hà Nội.
AFP

Với những biện pháp bảo mật thông tin cá nhân chặt chẽ như giải thích của ông Nguyễn Tử Quảng cũng như khẳng định chính quyền không thu thập thông tin người dân của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều người dân vẫn không tin họ được bảo vệ.

Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, từ Úc nêu nhận định của ông:

“Về mặt kỹ thuật, cho dù nhà nước Việt Nam không quản lý một cách chặt chẽ thì người dân vẫn ngần ngại. Tại vì bất cứ quyết định nào đó mà đi từ chính phủ, ngay cả quyết định có lợi có thể giúp cứu sinh mạng người dân thì người dân vẫn ngần ngừ. Đó là phản xạ tự nhiên của việc chống lại sự kiểm soát của một chế độ.

Họ không tin chính phủ. Cho dù chính phủ có thiện ý đi chăng nữa họ vẫn không tin và họ từ chối bằng cách này cách khác. Một trong những cái từ chối là sự bùng nổ trên mạng xã hội chỉ trích, khai thác những góc độ mang tính ngờ vực về vấn đề thu thập thông tin của ứng dụng đó hơn là họ mở rộng lợi ích của app này.”

Theo ông Diêu, nếu phải đặt lên bàn cân. Một bên là nguy hiểm về dịch bệnh, một bên là nguy hiểm về thông tin cá nhân bị lộ, người dân sẵn sàng đánh đổi nguy hiểm của tính mạng để từ chối sử dụng cái app có thể làm lộ thông tin cá nhân của họ.

Ông Trần Trọng Nhân, hiện đang sống trong nước cho biết, chính phủ đã quá nhiều lần không trung thực với dân nên rất khó thuyết phục tất cả người dân đồng thuận cài đặt Bluezone vì nó nhạy cảm.

Ông Nhân ủng hộ và hỗ trợ chính quyền trong việc phòng chống dịch bệnh nhưng không đồng ý cài app Bluezone. Ông giải thích:

“Thứ nhất Bluezone do nhà nước thiết lập nhưng họ không minh bạch cái cơ chế làm việc như thế nào trong khi nó liên quan tới việc truyền dữ liệu cá nhân của mình qua một máy khác.

Vì đây là công nghệ, sử dụng dữ liệu cá nhân của mình. Tôi không có niềm tin. Phải có bên thứ ba độc lập, tức là phải có đối tác giám sát từ nước ngoài. Phần mềm này hoạt động bao lâu, như thế nào, cơ sở dữ liệu lưu ở đâu và dưới dạng nào, công ty hay cơ quan nào chịu trách nhiệm bảo mật…

Với Bluezone, có vẻ như BKAV là công ty bảo mật nhưng BKAV có độc lập với nhà nước hay không thì dến giờ này tôi vẫn không tin. Nếu họ hợp tác với Bộ Công an hay bộ nào từ phía nhà nước thì họ sẽ cung cấp dữ kiệu cá nhân của mình khi nhà nước cần. Tôi thấy điều đó không an toàn.”

Logo mạng xã hội Livenguide
Logo mạng xã hội Livenguide
RFA

Ông Trần Trọng Nhân kết luận, một chế độ độc tài thì không thể nào có sự minh bạch cho nên ông không tin.

Theo ông Nguyễn Tử Quảng, để phần mềm Bluezone hoạt động hiệu quả thì cần từ 60 đến 70 phần trăm những người sử dụng smartphone cài đặt. Hiện ở Việt Nam không bắt buộc nhưng thủ tướng và chính phủ có đề nghị người dân cài đặt. Hiện mới chỉ đạt 15 triệu người cài đặt trong khi cần đến 40 triệu người cài đặt. Ông cho biết:

“Mới một tuần triển khai đã có 15 triệu người cài đặt rồi thể hiện sự đồng tình ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, như bầu cử ở Mỹ thì cũng có người đồng tình, người phản đối. Xã hội tất yếu nó như vậy và trong câu chuyện này, những người có ý kiến phản đối rất nhỏ bé so với những người ủng hộ. Không đơn giản nhưng chúng tôi kỳ vọng trong một, hai tuần tới sẽ đạt mức độ cần thiết.”

Dù chính phủ khuyến khích, hy vọng người dân cài đặt app Bluezone với mục đích bảo vệ cộng đồng trước đại dịch COVID-19, giảm thiểu các nguy cơ lây lan, giúp mọi người trở lại cuộc sống bình thường. Đó là điều ai cũng mong muốn, nhưng nhiều người dân vẫn bày tỏ sự hoài nghi trên mạng xã hội như, “Phàm cái gì đảng bảo hay, bảo tốt ta làm ngược lại”; “Cài hay không là quyền của mỗi người. Cái lý: vì sức khoẻ cộng đồng là không vững vàng, và không đáng để đánh đổi với quyền riêng tư cá nhân, nên tui không đổi. Cái gốc rễ vẫn là: niềm tin vào cơ chế, có hay ko?”; …

Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, người sáng lập mạng xã hội Livenguide nói với RFA rằng, để ngăn ngừa Coronavirus lan tràn thì việc biết ai bị nhiễm hay có triệu chứng để ‘tránh xa’ là điều cần làm. Mục đích chính hiện nay là làm sao để dịch bệnh đừng lây lan. App Bluezone ra đời cũng không ngoài mục đích đó. Tuy vậy, nhiều người, trong đó có cả những chuyên gia than phiền về việc bảo mật dữ liệu, bảo mật tính riêng tư của người sử dụng app. Ông nêu giải pháp:

“Thật ra, Livenguide, một mạng xã hội mà tôi tham gia sáng lập hiện giờ cũng đã có nhiều tính năng định vị người dùng và thậm chí có một bản đồ vị trí của mọi người dùng (nếu họ cho phép) trên trang nhất. Các bạn có thể đăng ký dùng Livenguide (đơn giản, hoàn toàn miễn phí), cho biết vị trí của mình, nếu thấy ho hay sốt gì đó thì ghi mình đang có triệu chứng, nếu đã test thấy bị dính Coronavirus thì ghi bị dính. Mọi người khác bất cứ lúc nào bật màn hình Livenguide lên sẽ thấy vị trí người bệnh hiện lên màu đỏ, người có triệu chứng hiện lên màu cam. Như vậy họ sẽ tránh xa để tất cả cùng an toàn.”

Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên sử dụng app theo dõi để phòng chống dịch bệnh, nhưng theo ông Hoàng Ngọc Diêu thì những app đó cũng nối qua Bluetooth nhưng không lưu lại dữ liệu, không truy vết hai thiết bị di động ở cùng địa điểm hay thời gian…

Ở Việt Nam, khi người dân nghe nói truy tìm, theo dõi những di chuyển hay tiếp xúc cá nhân thì họ lo ngại.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.