Công an sao phải mua tin vi phạm giao thông từ dân?
2024.08.12
Bộ Công an đề xuất được sử dụng nguồn thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe để mua tin vi phạm giao thông từ người dân với mức chi mỗi vụ việc bằng 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính nhưng không quá năm triệu đồng.
Từ trước đến nay, công an một số tỉnh, thành phố cũng kêu gọi người dân cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua đường dây nóng, nhưng việc kêu gọi dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân, chưa có cơ chế trả tiền hoặc thưởng cho người cung cấp thông tin.
Đề xuất của Bộ Công an lần này được nói là lần đầu tiên có cơ chế chi tiền để mua tin hoặc thưởng cho người cung cấp thông tin về trật tự an toàn giao thông một cách chính thức trong một văn bản quy phạm pháp luật áp dụng trên cả nước.
Việc công an trả tiền để mua tin vi phạm giao thông, theo tôi có hai mục đích: Thứ nhất là mị dân, cho dân thấy chính phủ dân chủ, dân tố cáo tội phạm thì được thưởng hết. Thứ hai là ăn tiền dân khi vi phạm. Nghĩa là khi có tin báo vi phạm, nhất là những vi phạm lớn, cảnh sát giao thông sẽ thương lượng với người vi phạm để ăn tiền. Người cung cấp thông tin mà thắc mắc có khi còn bị quy vào tội 331. - Cựu công an
Một cựu công an nói với RFA nhận định của ông:
“Công an họ đặt bẫy người dân. Bây giờ ra nghị định như thế khác nào hợp thức hóa những cái bẫy này? Tôi chỉ nêu hai cái bẫy thông dụng. Thứ nhất, có những đoạn đường có tốc độ khác nhau ở các làn. Khi xe muốn chuyển qua làn tốc độ cao hơn thì phải tăng tốc, và đó là lúc vi phạm tốc độ. Thứ hai, họ cho một số xe chạy chậm trước mặt để cản trở giao thông, những xe sau bị chậm hàng loạt phải né qua và cán vạch, đó là lúc vi phạm.
Việc công an trả tiền để mua tin vi phạm giao thông, theo tôi có hai mục đích: Thứ nhất là mị dân, cho dân thấy chính phủ dân chủ, dân tố cáo tội phạm thì được thưởng hết. Thứ hai là ăn tiền dân khi vi phạm. Nghĩa là khi có tin báo vi phạm, nhất là những vi phạm lớn, cảnh sát giao thông sẽ thương lượng với người vi phạm để ăn tiền. Người cung cấp thông tin mà thắc mắc có khi còn bị quy vào tội 331”.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng thì cho rằng:
“Tôi thấy chuyện chi tiền đó rất kỳ cục dù Bộ Công an được giữ đến 85% số tiền thu phạt. Không thể tùy tiện chi tiền như thế được. Tôi thấy rõ ràng họ đang lập ra một quy định để sử dụng số tiền đó. Nhiệm vụ của CSGT là giữ gìn trật tự an toàn giao thông mà lại khuyến khích dân tố giác lẫn nhau gây sự nghi kỵ lẫn nhau; chuyên đi canh me để tố cáo nhau. Tại sao Bộ Công an không sử dụng số tiền đó để hoàn thiện cơ chế về giao thông cũng như hạ tầng cơ sở?
Thưởng như vậy tôi thấy họ đã vô tình hoặc cố ý hợp thức hóa việc chi 85% số tiền được giữ lại, hoặc để kiếm thêm bằng cách thương lượng với người bị tố giác”.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm diễn ra sáng 12 tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia từng nêu giải pháp mua thông tin từ camera gắn trên các xe làm cơ sở xử phạt vi phạm giao thông để tăng mức xử phạt, đảm bảo tính răn đe. Ông Quang cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông, tổ chức chính trị xã hội phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền; lực lượng Cảnh sát giao thông tích cực tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Ông nhấn mạnh: “Bất kỳ ai can dự, các đồng chí cứ nói liên lạc, nhắn tin cho tôi và tôi sẽ chịu trách nhiệm, không nghiêm không xong.”
Với đề xuất của Bộ Công an chi cho tập thể, cá nhân cung cấp thông tin có giá trị tối đa là năm triệu đồng mỗi vụ việc, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nêu quan điểm của ông với RFA:
“Nó cũng có mặt tích cực của nó là người dân sẽ cung cấp những vi phạm luật giao thông để công an xử lý. Nhưng bên cạnh đó nó có mặt tiêu cực, bởi đây là chức năng của cơ quan công an, nhất là CSGT. Bộ công an đã trình và Quốc hội đã thông qua cho hưởng đến 85% số tiền thu phạt vi phạm an toàn giao thông, thì công an phải hoạt động hết trách nhiệm và chức năng của mình. Không nên dùng tiền khuyến khích người dân báo vi phạm như thế vì nó sẽ dẫn đến tiêu cực.
Khi người dân tự giác với tinh thần xây dựng một xã hội, một cộng đồng văn minh thì khác chứ không nên trả tiền, nó sẽ sinh ra vu cáo, bịa đặt. Không nên cổ vũ người dân bằng hình thức thưởng tiền như thế”.
Một số người quan tâm cho rằng, công an phải thực thi chức năng của mình chứ không thể dùng tiền “mướn” dân làm giúp, hoặc khuyến khích dân làm việc của mình.
Khi người dân tự giác với tinh thần xây dựng một xã hội, một cộng đồng văn minh thì khác chứ không nên trả tiền, nó sẽ sinh ra vu cáo, bịa đặt. Không nên cổ vũ người dân bằng hình thức thưởng tiền như thế. - nhà báo Nguyễn Khắc Toàn
Cũng liên quan việc nhà nước trả tiền mua tin, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành quy định về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn. Bên xử lý và mua tin là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố; các thành viên trong Ban Chỉ đạo; Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Ban Nội chính Thành ủy.
Mỗi tin báo phản ánh về hành vi tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn sẽ được thành phố trả tối đa 10 triệu đồng, kèm lời hứa người cung cấp được bảo vệ để không bị trù dập.