Vì sao tình trạng xây dựng trái phép trên đất rừng, đất nông nghiệp cứ tiếp diễn?

0:00 / 0:00

Thời gian qua, tình trạng xây dựng trái phép trên đất rừng liên tục xảy ra, từ vụ xây biệt phủ ở rừng phòng hộ Sóc Sơn - Hà Nội cho đến việc phá rừng xây biệt thự ở bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng... Đến nay dù có nơi đã được khắc phục, bắt buộc đập bỏ, nhưng cũng có địa phương tình trạng này vẫn tiếp diễn dù báo chí lên tiếng.

Mới nhất là vụ việc ở rừng phòng hộ thuộc phường Liên Bảo - tỉnh Vĩnh Phúc, dù thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã công bố danh sách chủ của nhiều biệt thự trái phép trên đất rừng tại phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc... đồng thời yêu cầu địa phương xử lý, nhưng những căn nhà vẫn tiếp tục được xây mới như thách thức các cơ quan chức năng.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, nhận định với RFA hôm 23/3 về vấn đề này:

“Đây là tình trạng mà các địa phương trong việc phát hiện các hành vi vi phạm luật đất đai là rất yếu kém. Theo quy định, Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp thị xã, thị trấn có trách nhiệm phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm luật đất đai trên địa bàn, nếu không thuộc thẩm quyền thì báo cáo cấp trên. Mặc dù quy định như vậy, nhưng thường có sự bao che của cấp cơ sở đối với hành vi vi phạm, nên nó vẫn diễn ra và không được xử lý. Đây là tình trạng xảy ra khắp nơi, đã được nêu lên nhưng nó vẫn tiếp tục diễn ra.”

Thay vì các nơi vi phạm luật đất đai, xây biệt phủ trên đất rừng trước đây như ở Sóc Sơn - Hà Nội; Sơn Trà - Đà Nẵng bị tháo dỡ sau vi phạm ... thì theo Giáo sư Đặng Hùng Võ đáng lẽ chính quyền phải ngăn chặn ngay khi hành vi sai phạm mới bắt đầu. Ông Võ giải thích:

“Thào dỡ thì chắc chắn sẽ làm hư hao tài sản đi, đồng thời xử lý khi hành vi bắt đầu cũng dễ hơn, còn xử lý hành vi khi đã hoàn thành thì bao giờ cũng khó khăn hơn rất nhiều. Những tình trạng vi phạm pháp luật này diễn ra khá phổ biến như xây nhà trên đất nông nghiệp, trên đất rừng, thậm chí chặt phá rừng là đất sản xuất nông nghiệp.”

Mặc dù quy định như vậy, nhưng thường có sự bao che của cấp cơ sở đối với hành vi vi phạm, nên nó vẫn diễn ra và không được xử lý. Đây là tình trạng xảy ra khắp nơi, đã được nêu lên nhưng nó vẫn tiếp tục diễn ra.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Vào tháng 3 năm 2017, chính quyền Đà Nẵng khi kiểm tra dự án khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa ở bán đảo Sơn Trà đã phát hiện có 40 móng biệt thự đang được xây dựng trái phép trên khu đất vốn là rừng phòng hộ. UBND quận Sơn Trà, Đà Nẵng đã buộc ngưng công trình và xử phạt 40 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Biển Tiên Sa vì lý do xây dựng không phép.

Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, dù Thanh tra tỉnh này đã vào cuộc từ năm 2014, tuy nhiên đến năm 2019 khi ra kết luận thanh tra, xử lý thì sai phạm xây dựng trên đất rừng tại phường Liên Bảo không những không giảm bớt mà còn có dấu hiệu tăng nhanh khi chính quyền địa phương đã để phát sinh thêm 12 biệt thự xây trái phép.

Đài Á Châu Tự Do hôm 23/3 liên lạc với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam và được ông nói rõ hơn về vấn đề vi phạm pháp luật về đất đai:

“Tình trạng này đã xảy ra rất nhiều, Việt Nam đã ban hành Luật bảo vệ và phát triển rừng, trong đó quy định rất rõ việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định về phát triển rừng. Nhưng trong những năm qua, hoạt động quản lý nhà nước trong lãnh vực bảo vệ rừng còn bộc lộ nhiều hạn chế và thiếu sót, do cơ chế quản lý cồng kềnh, nhiều cơ quan chủ quản... nên xảy ra tình trạng mất rừng và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.”

Không chỉ xây dựng trái phép trên đất rừng, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp không thể ngăn chặn diễn ra thậm chí còn nhiều hơn, hầu như tại địa phương nào tại Việt Nam cũng có vi phạm... Đơn cử như mới đây, tại Thị xã Bến Cát và thành phố Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương, hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp cứ liên tiếp mọc lên. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cho báo chí biết, đối với các công trình sai phạm sẽ bị xử lý và dứt khoát không cho hợp thức hóa. Tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Kỹ sư xây dựng Nguyễn Văn Tấn, khi trả lời RFA từ Đồng Tháp hôm 23/3, nói:

“Việc xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp là do chính sách thuế nhà nước không thỏa đáng. Ví dụ, đất ruộng anh tôi lên thổ cư cất nhà cho con 100m2, phải đóng thuế 75 triệu, họ tính bằng 100% giá đất thổ cư tại khu vực đó, vậy hóa ra họ mua đất cất nhà? Dân ở nông thôn cất cái nhà cấp 4 có khi không quá 100 triệu, mà đóng thế ngần ấy ai chịu nổi, cho nên họ tự ý cất nhà mà không xin phép lên thổ cư là vậy.

Chính sách đánh thuế nặng thổ cư nghe nói là để hạn chế chiếm đất nông nghiệp đầu cơ mua bán, nhưng lại đánh cả vào dân nghèo, mà nhà nước lại luôn hưởng lợi.”

xd-dat-nong-nghiep-630.jpg
Nhiều công trình đang xây dựng dỡ dang và sắp xây dựng trên đất nông nghiệp ở ấp Rạch Bắp, xã An Tây, Bến Cát. Photo of TP.

Đối với việc xây dựng không phép tràn lan hiện nay, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết Việt Nam cũng đã có sửa đổi rất nhiều quy định về luật xây dựng. Nhưng theo ông, thời gian gần đây xảy ra nhiều do xử phạt không nghiêm minh. Ông nêu ví dụ:

“Ví dụ Nghị định 139 ban hành năm 2017 đối với hành vi tổ chức thi công và xây dựng những công trình sai giấy phép thì sẽ phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với nhà riêng lẻ. Những công trình khác nếu không lập báo cáo kỹ thuật kinh tế xây dựng, hay không lập dự án đầu tư... thì phạt từ 20 đến 30 triệu đồng hay phạt từ 30 đến 50 triệu nếu không lập báo cáo kinh tế kỹ thuật... Nhưng các địa phương đã thực hiện không nghiêm. Hay việc các công trình nếu có sai phạm phải lập tức dừng lại, lập biên bản cũng thực hiện không nghiêm.”

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng thời gian vừa qua, các địa phương đã thực hiện không nghiêm túc các quy định của pháp luật. Đối với tình trạng sai phép thời gian vừa qua, theo luật sư Hậu các địa phương cần phải tháo dỡ các công trình không đúng giấy phép, hay không cho phép hoàn công...

Còn Giáo sư Đặng Hùng Võ thì cho rằng phải cương quyết tháo dỡ công trình vi phạm, vì trong tình trạng vi phạm pháp luật tràn lan như thế này thì cách xử lý bắt buộc tháo dỡ bắt buộc phải làm, không có chuyện cho tồn tại bằng bất kỳ cách nào, hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ông nói:

“Lúc này chúng ta phải thảo luận tới công tác kiểm tra thanh tra, và xử lý vi phạm của các cơ quan trung ương, cụ thể là sự quản lý của hai bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... một bộ có chức năng quản lý đất, một bộ có chức năng quản lý rừng. Hai bộ này phải có trách nhiệm thanh tra và xử lý, nếu hai bộ này không làm thì đúng là không còn gì để nói!”

Các địa phương đã thực hiện không nghiêm. Hay việc các công trình nếu có sai phạm phải lập tức dừng lại, lập biên bản cũng thực hiện không nghiêm.
-LS. Nguyễn Văn Hậu

Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng cần nghiêm minh trong việc xử lý sai phạm đất đai, thì chính trong đội ngũ quản lý việc xử lý vi phạm liên quan vấn đề này lại không nghiêm. Không những không bị xử lý mà thậm chí còn được bổ nhiệm lại vị trí cao hơn.

Đơn cử là trường hợp tại tỉnh Quảng Trị, người từng chiếm đất rừng của Công ty Lâm nghiệp Đường 9, là ông Nguyễn Hồng Thái mới đây lại được bổ nhiệm lại chức giám đốc công ty này, với lý do hoàn thành tốt nhiệm vụ.(!?)

Vào năm 2019, ông Thái từng bị báo chí phanh khui việc chiếm đất của Công ty Lâm nghiệp Đường 9. Ông Thái cũng đã thừa nhận, trong tổng số diện tích đất trang trại của ông có phần đất của Công ty Lâm nghiệp Đường 9, trồng gần 1.000 cây cao su. Tuy nhiên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Trị lại không xử lý kỷ luật, chỉ yêu cầu ông Thái phải kiểm điểm và khắc phục.

Liệu một người từng lấn chiếm đất rừng, đến khi bị phanh phui mới khắc phục vi phạm như ông Thái có đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm lại chức giám đốc?

Trả lời báo chí nhà nước, cơ quan bổ nhiệm ông Thái là Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Trị cho rằng ông Thái thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị quản lý trong việc bổ nhiệm cán bộ. Trong khi cơ quan này cho rằng việc ông Thái lấn chiếm đất đai hay những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Quảng Trị.(!?)