Vì sao Việt Nam chưa ban hành Luật biểu tình?

RFA
2019.09.11
000_15S0O3.jpg Những người biểu tình hô khẩu hiệu phản đối luật Đặc khu trong cuộc biểu tình ở Sài Gòn hôm 10/6/2018
AFP

Tại phiên họp thứ 37 sáng ngày 11/9/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo báo cáo 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 (2014-2019), ông Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu lên câu hỏi: ‘Tại sao chưa ban hành được Luật biểu tình?’

Theo ông Uông Chu Lưu, trong báo cáo của Chính phủ có 3 luật đã nằm trong kế hoạch nhưng sao vẫn chưa được ban hành, đó là Luật về hội, Luật biểu tình và Luật hiến máu, ông Lưu đề nghị Chính phủ cần xác định lộ trình ban hành chứ không nên để tình trạng này kéo dài.

Luật sư Nguyễn Duy Bình khi trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 11/9/2019, giải thích về Luật biểu tình:

“Biểu tình là một quyền cơ bản và quan trọng nhất của nhân dân đã được hiến pháp quy định, chính vì vậy nhà nước không thể lấy lý do này, lý do khác để  trì hoãn vô thời hạn. Xét về mặt tích cực, biểu tình cũng là động lực để góp phần hoàn thiện một nhà nước dân chủ, văn minh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội...”

Biểu tình là một quyền cơ bản và quan trọng nhất của nhân dân đã được hiến pháp quy định, chính vì vậy nhà nước không thể lấy lý do này, lý do khác để  trì hoãn vô thời hạn.
-Luật sư Nguyễn Duy Bình

Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Sử gia Dương Trung Quốc, vấn đề cần thiết về luật biểu tình được đặt ra từ rất lâu rồi. Ngay sau khi nước Việt Nam giành độc lập năm 45 thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh liên quan luật biểu tình, lúc đó được đặt dưới góc nhìn là luật Tự do hội họp và trong Hiến pháp đầu tiên cũng đã được đề cập tới.

Qua một thời gian rất dài, từ ngày còn chiến tranh cho đến mãi năm 2013, khi thông qua Hiến pháp, ai cũng cảm thấy luật Biểu tình sắp được ban hành. Nhưng rồi khi nhiệm kỳ thứ 13 trôi qua với việc luật vẫn chưa thực hiện được. Và đến thời điểm này, theo ĐBQH Dương Trung Quốc, đã quá nửa nhiệm kỳ thứ 14, mà nếu xem lại chương trình làm luật còn lại của nhiệm kỳ 14 thì cũng thấy chắc chắn là Luật biểu tình sẽ bị “khất” cho đến nhiệm kỳ sau. Ông nhận xét:

“Điều đó thể hiện sự lưỡng lự trong việc thực hiện cái luật vốn là rất cơ bản và rõ ràng nó làm cho người ta rất là khó có thể kiểm soát được. Người ta thường e ngại rằng biểu tình có thể dẫn đến sự hỗn loạn, không kiểm soát được nhưng ngược lại không có luật biểu tình thì rõ ràng là nó gây khó cho người dân thực hiện quyền của mình và khó cho cả cơ quan giữ gìn trật tự an ninh vì không có cơ sở pháp luật nào để xử lý cho đúng luật. Do vậy nó rất dễ đi đến việc lạm quyền và vì thế nó làm cho tình hình trở nên căng thẳng mà không đáng có.”

Luật Biểu tình được nguyên thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đề nghị xây dựng sau khi tại Hà Nội xảy ra liên tiếp những cuộc biểu tình vào năm 2011 nhằm phản đối Trung Quốc gây hấn với Việt Nam.

Đến ngày 26 tháng 11 năm 2011, Quốc hội đã thông qua nghị quyết đưa dự luật Biểu tình vào chương trình chuẩn bị xây dựng luật và pháp lệnh khóa 13. Tuy nhiên nhiều năm sau đó dự luật này vẫn chưa được hình thành, thậm chí năm 2015 còn có ý kiến đề xuất rút dự án Luật biểu tình ra khỏi chương trình nghị sự của Quốc hội.

Sau đó có thời điểm, khi nhiều ĐBQH nêu lên vấn đề Luật biểu tình thì  tưởng chừng dự luật này sẽ hình thành, nhưng một lần nữa vào năm 2016 Chính phủ Việt Nam lại xin lùi trình dự án Luật biểu tình. Và từ đó đến nay, dự luật này vẫn chưa được ban hành.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trao đổi với RFA hôm 11/9 từ Hà Nội cho rằng:

“Tôi nghĩ rằng tất cả các quyền con người được ghi một cách trân trọng trong Hiến pháp đều phải có một luật, hay có một luật cho một số quyền, để đảm bảo cho người dân thực hiện được những quyền này một cách văn minh. Trong những quyền mà được Hiến pháp hiến định, có quyền biểu tình.”

Vì vậy theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, phải có luật biểu tình để làm sao người dân có thể đăng ký biểu tình, nhưng không phải xin phép, để người dân có thể thực hiện quyền biểu tình một cách thuận lợi nhất, trong trật tự và không gây cản trở cho người khác. Chứ không phải đề ra luật biểu để cấm hay để quản lý, hay gây khó dễ cho người biểu tình.

Kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung, cựu tù nhân lương tâm, hôm 11/9 đưa ra nhận xét của mình với RFA về việc vì sao Luật biểu tình cần thiết cho Việt Nam hiện nay:

Cuộc biểu tình lớn nhất vì môi trường tại Việt Nam qui tụ hàng ngàn người, phản đối Formosa. 1/5/2016.
Cuộc biểu tình lớn nhất vì môi trường tại Việt Nam qui tụ hàng ngàn người, phản đối Formosa. 1/5/2016.
AFP

“Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam hiện nay, cá nhân tôi thấy Luật biểu tình rất cần thiết. Tại vì một chính quyền, dù hoàn hảo đến đâu thì vẫn luôn luôn có những sai lầm, cho nên người dân có nhu cầu nói lên tiếng nói của mình, nói lên những bất cập, để cho chính quyền trong nước, kể cả chính quyền nước ngoài lắng nghe. Chẳng hạn như ở Hong Kong người ta biểu tình yêu cầu Mỹ thông qua Đạo luật bảo vệ Hong Kong. Hoặc là Việt Nam thì bản thân người dân hoàn toàn có quyền xuống đường biểu tình phản đối chính quyền cộng sản Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là nhu cầu chính đáng cần thiết cho Việt Nam và Thế giới.”

Vì sao qua nhiều năm, quốc hội nhiều lần muốn hình thành dự luật biểu tình, nhưng Luật biểu tình vẫn không được ban hành?

Theo Luật sư Nguyễn Duy Bình, ở Việt Nam từ trước đến nay, do một bộ phận lớn tầng lớp cầm quyền lo sợ nếu cho phép biểu tình thì đất nước sẽ loạn hoặc bất ổn. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới đã xảy ra nạn tham nhũng tràn lan từ trên xuống dưới, nạn thu hồi đất đai trái pháp luật, nạn con vua thì lại làm vua... đã dẫn đến một bộ phận lớn quần chúng nhân dân có thái độ bức xúc, căm phẫn và không còn lòng tin đối với đảng và nhà nước, nên tầng lớp cầm quyền càng lo sợ nếu có luật biểu tình thì nguy cơ sẽ loạn và chế độ có khi sẽ mất, quyền lộc của tầng lớp thống trị cũng sẽ mất.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:

“Tôi không hiểu ông Uông Chu Lưu nói lý do không đưa ra Luật biểu tình là gì? Nhưng tôi nghĩ một lý do quan trọng nhất, vì họ là những người quản lý nhà nước, họ nhìn vô lợi ích của họ, phục vụ cho lợi ích của họ, chứ không phải họ tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền của mình.”

Anh Nguyễn Tiến Trung cho rằng, chính quyền Việt Nam luôn gắn chữ biểu tình với chuyện bạo loạn lật đổ, dù bản thân trong Hiến pháp Việt Nam ban hành năm 2013, công nhận quyền tự do biểu tình của người dân Việt Nam, nhưng chính quyền vẫn sợ chế độ cộng sản bị lật đổ bởi biểu tình. Anh nói tiếp:

“Vì bản thân họ biết rất rõ là họ đã gây ra quá nhiều sự oan ức, bất công, đau khổ cho dân tộc Việt Nam, cho nên họ sợ người dân biểu tình lật đổ họ. Tôi có nghe một số quan chức nói cần luật biểu tình, có thể họ không rõ, chứ ngành công an an ninh họ biết rất sự căm phẫn của người dân, sự không hài lòng của người dân với chế độ, vì vậy ngành công an luôn đưa ra những lý do để chặn chuyện biểu tình lại.”

Đừng lấy lý do tâm lý chưa quen… sẽ có những khó khăn bước đầu nhưng chắc chắn, có luật và thực thi nghiêm túc thì người dân cũng quen luật, tuân thủ luật. Ngược lại, cơ quan giữ gìn an ninh xã hội cũng có cơ sở để mà xử lý một cách nghiêm khắc.
-ĐBQH Dương Trung Quốc

Theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, vướng mắc của việc chậm trễ ban hành Luật biểu tình thứ nhất là về tâm lý vì quá lâu rồi chính quyền chỉ nhìn biểu tình về mặt tiêu cực của nó ở sự hỗn loạn, ở những yếu tố tác động tiêu cực trong xã hội. Người ta thường hay lấy lý do chúng ta chưa quen, chưa có luật, chưa có tập quán. Nhưng ông Dương Trung Quốc cho rằng:

“Đừng lấy lý do tâm lý chưa quen… chúng ta sẽ có những khó khăn bước đầu nhưng chắc chắn chúng ta có luật và thực thi nghiêm túc thì người dân cũng quen luật, tuân thủ luật. Ngược lại, cơ quan giữ gìn an ninh xã hội cũng có cơ sở để mà xử lý một cách nghiêm khắc.”

Nguyên nhân chính, theo ông Dương Trung Quốc, là vẫn nằm ở cơ chế làm luật ở Việt Nam. Luật vẫn do cơ quan Hành pháp thực hiện, ví dụ như luật Biểu tình là do cơ quan công an. Cơ quan công an làm việc này thì sẽ có rất nhiều kinh nghiệm xử lý nhưng luôn luôn nhìn biểu tình như một yếu tố tiêu cực của xã hội và tác động tiêu cực. Vì vậy theo ông, sẽ dẫn đến việc lưỡng lự “nâng lên, đặt xuống” rất nhiều lần và cho rằng không có luật thì cơ quan dễ phản ứng với những người biểu tình hơn. Chính điều đó dẫn đến tình trạng gọi là lạm quyền. Trong khi đó người dân lại không được thể hiện quyền của mình.

Tuy đồng tình về việc cần thiết của Luật biểu tình, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng bày tỏ lo ngại:

“Rất có thể có một khả năng, nếu để cho Bộ Công an dự thảo Luật biểu tình, thì tôi tin đến 99,9% đấy là luật quản lý biểu tình và sẽ gây ra rất nhiều cản trở để bất kỳ cuộc biểu tình nào cũng sẽ trở thành cuộc biểu tình bất hợp pháp. Giống hệt như Luật lao động của Việt Nam, với Công đoàn của Việt Nam, suốt mấy chục năm qua, không cuộc đình công nào ở Việt Nam là hợp pháp cả theo luật hiện hành.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết, chỉ muốn yêu cầu làm sao để tránh chuyện, khi người dân thực hiện quyền được quy định trong một đạo luật, lại phải thực hiện một cách bất hợp pháp. Đó là điều, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Quốc hội cũng như Chính phủ cần phải lưu ý.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.