Lý giải chuyện đề thi thật gần giống đề thi ôn tập

Học sinh tham dự kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Trung học tại Hà Nội ngày 7 tháng 7 năm 2021.
Học sinh tham dự kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Trung học tại Hà Nội ngày 7 tháng 7 năm 2021. (REUTERS)

0:00 / 0:00

Đề thi tốt nghiệp Phổ thông Trung học môn Sinh học năm nay bị cho là có nội dung giống đến 80% đề ôn tập của thầy giáo Phan Khắc Nghệ ở Hà Tĩnh. Hiện Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết đang xác minh sự việc.

Truyền thông Nhà nước dẫn lời thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội rằng, khi so sánh mã đề chẵn và lẻ của đề thi thật và những tài liệu của thầy Nghệ thì thấy sự tương đồng giữa hai đề thi lên tới 80%, tức 32/40 câu.

Thầy giáo Phan Khắc Nghệ lý giải về sự tương đồng này là với kinh nghiệm đi dạy hơn 20 năm, ông biết người ra đề cũng sẽ tham khảo và phát triển từ đề thi thử của một số tỉnh có uy tín. Với những giáo viên có kinh nghiệm thì ai cũng chốt đúng chứ không chỉ mình ông.

Theo chương trình mới thì khó lòng mà ra đề giống với nội dung ôn thi được. Bởi vì thứ nhất, người ra đề phải căn cứ vào chương trình chứ không phải căn cứ vào sách giáo khoa. Thứ hai là có nhiều sách giáo khoa nên đề thì ra bất kỳ, miễn đúng với mục tiêu cần đạt của bài học. - Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng nói về việc đề thi trùng đề ôn tập của thầy giáo Phan Khắc Nghệ ở Hà Tĩnh:

"Có thể nói việc ra đề năm nay là cách ra đề kéo dài từ trước đến nay. Tôi tin rằng nó sẽ chấm dứt. Chắc chắn sẽ có thay đổi, nhất là sau khi chương trình mới hoàn thành đầy đủ ở tất cả các cấp. Theo chương trình mới thì khó lòng mà ra đề giống với nội dung ôn thi được. Bởi vì thứ nhất, người ra đề phải căn cứ vào chương trình chứ không phải căn cứ vào sách giáo khoa. Thứ hai là có nhiều sách giáo khoa nên đề thì ra bất kỳ, miễn đúng với mục tiêu cần đạt của bài học."

Cô giáo Kiều Thị Giang từ Tây Nguyên nhận định về việc này:

“Thông tin lộ đề hay trùng đề thì hầu như năm nào cũng có. Đó là việc không thể tránh khỏi và nó phản ánh bản chất ngành giáo dục Việt Nam. Theo tôi, điều đó thể hiện qua hai khía cạnh. Thứ nhất, chắc chỉ ở Việt Nam mới tồn tại một bộ phận chuyên sống bằng việc soạn sách giáo khoa. Việc độc quyền soạn sách rồi giáo viên phải có giáo án mẫu, đề mẫu, hướng dẫn chấm, đáp án chi tiết đề…

Như vậy vô hình chung, việc tư duy và sáng tạo trong giáo dục nó rập khuôn, dẫn đến tình trạng cả người học lẫn người dạy chỉ có mục đích là thi. Như thế thì việc đề thi ra giống để thi ôn tập là chuyện bình thường.”

Nhà giáo Đinh Kim Phúc thì cho rằng, việc một thầy giáo phản ánh một đề thi chính thức giống đề thi ôn tập khiến Bộ Giáo dục - Đào tạo phải điều tra, là sự kiện tào lao nhất của ngành Giáo dục trong đại dịch. Bởi học trong sách giáo khoa, thi cũng trong sách giáo khoa thì bất cứ giáo viên giỏi nào cũng tự cho ra đề thi trắc nghiệm có khả năng trùng với đề thi của Bộ. Ông phân tích thêm:

ề thi chỉ nằm trọn trong sách giáo khoa. Tất cả bài học đều có trong sách giáo khoa và đề thi bám chặt vào đó. Thứ hai, trước khi cho thi chính thức thì Bộ giáo dục - Đào tạo cũng cho công bố đề thi mẫu để học sinh tham khảo, xem cấu trúc đề thi hàng năm như thế nào.

Chính vì vậy mà vừa qua có hiện tượng một thầy giáo ôn thi cho những người học luyện thi có những câu hỏi trắc nghiệm gần giống đề thi của Bộ ra cho môn sinh học. Có người xem qua, đối chiếu rồi làm đơn tố cáo. Tôi nghĩ việc tố cáo là hết sức tào lao vì vấn đề thi trắc nghiệm, kiến thức nằm trọn trong sách giáo khoa, bất cứ một thầy giáo giỏi nào, nhất là những thầy chuyên luyện thi đều có thể cho ra đề thi trắc nghiệm với những câu hỏi giống của Bộ.”

Tại Việt Nam từ xưa đến nay, trong quá trình ôn thi thì bao giờ cũng căn cứ vào ba điều: hướng dẫn giảng dạy của Bộ Giáo dục - Đào tạo, nội dung đề tham khảo được Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố và nguồn đề của một số tỉnh có uy tín.

Làm sao thay đổi?

Giáo dục Việt Nam bị cho là ngày càng thụt lùi sau nhiều lần cải cách. Tính từ năm 1976 đến nay, Việt Nam đã tiến hành ba cuộc cải cách giáo dục (1998, 2005, 2009) và hai lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có sách giáo khoa mới.

Một số chuyên gia về giáo dục đánh giá rằng, cải cách giáo dục tại Việt Nam cho đến nay không dựa trên một hệ thống triết lý giáo dục nào, cũng không có lý luận giáo dục rõ ràng để định hướng cho cải cách. Mọi cải cách đều mang tính thử nghiệm nhằm áp dụng những yếu tố từ nền giáo dục của các nước phát triển vào nền giáo dục Việt Nam.

Trong cuốn “Xin được nói thẳng”, Giáo sư Hoàng Tụy viết rằng: Nếu nói giáo dục Việt Nam có khủng hoảng thì nét chính của khủng hoảng ấy là sự tha hóa, biến chất. Giáo dục có nguy cơ trở thành phản giáo dục. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trực tiếp làm tha hóa giáo dục có ba sai lầm lớn. Sai lầm thứ nhất là chính sách đối với giáo viên. Sai lầm thứ hai là tập trung tất cả việc dạy và học vào thi cử. Sai lầm thứ ba là chạy theo số lượng, hy sinh chất lượng, bất chấp mọi chuẩn mực, thông lệ và kinh nghiệm quốc tế.

Theo tôi, thứ nhất là đừng ngại nhận sai vì thực tế càng cải cách, càng thay sách thì lại càng bộc lộ những thiếu sót. Thứ hai, việc biên soạn, thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa cần xã hội hóa, tư nhân hóa chứ không thể để Bộ giáo dục độc quyền. Và khi biên soạn thì cần phải có sự tham khảo từ đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy. - Cô Kiều Thị Giang

Theo cô giáo Kiều Thị Giang, để đổi mới giáo dục thì cần nhiều yếu tố. Điều tiên quyết là phải biết nhận sai. Cô nói:

“Theo tôi, thứ nhất là đừng ngại nhận sai vì thực tế càng cải cách, càng thay sách thì lại càng bộc lộ những thiếu sót. Thứ hai, việc biên soạn, thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa cần xã hội hóa, tư nhân hóa chứ không thể để Bộ giáo dục độc quyền. Và khi biên soạn thì cần phải có sự tham gia của các học giả, các chuyên gia giáo dục, những nhà nghiên cứu tâm lý, những nhà phê bình. Quan trọng nhất là phải có tham khảo từ đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Như thế may ra mới thay đổi căn bản chương trình sách giáo khoa.”

Nhà giáo Đinh Kim Phúc thì nêu một khía cạnh trong phương thức thi cử:

“Đề thi trắc nghiệm đưa vô chấm bằng máy nên nó tránh được việc tiêu cực, nhưng liệu có tránh hết được không? Qua vụ tiêu cực nâng điểm mấy năm trước ở các tỉnh phía Bắc cho thấy không tránh được tiêu cực nếu có sự cấu kết từ trên xuống để sửa mã đề thi, sửa đáp án trong bảng trả lời câu hỏi…

Theo tôi, muốn có một thế hệ thông minh, một thế hệ trí tuệ được đào tạo với đầy đủ kiến thức, khả năng, trình độ để quản trị đất nước thì phải thi tự luận chứ không thể thi trắc nghiệm như hiện nay.”

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng ví cải cách giáo dục hiện nay như người đi trên cát trong một bài thơ của Cao Bá Quát, tức tiến một bước thì lùi một bước. Phải nhìn thấy bước lùi để đau khổ nhưng đồng thời nhìn thấy bước tiến mà hy vọng.