Chứng khoán Việt Nam lao dốc do đâu?

2022.12.13
Chứng khoán Việt Nam lao dốc do đâu? Các nhà đầu tư chứng khoán theo dõi giá cổ phiếu trên bảng điện tử tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội hôm 25/8/2015.
AFP

Thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh trong năm 2022 khiến rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư thua lỗ. Nguyên nhân được đánh giá là do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và chiến dịch chống tham nhũng của Nhà nước Việt Nam mang hơi hướng từ Trung Quốc.

Nguyên do

Một bài viết được đăng trên tờ Nikkei Asia vào ngày 5/12 vừa qua, có tiêu đề tạm dịch là “Chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và cuộc đàn áp tham nhũng” của tác giả Lien Hoang. Bài viết chỉ ra chỉ số VN Index của Việt Nam đã giảm 31% trong năm 2022. Như vậy đây là thị trường chứng khoán lao dốc mạnh nhất Châu Á.

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy nói với RFA rằng việc VN Index sụt giảm mạnh là bởi các biến động kinh tế trong nước cũng như thế giới trong năm qua.

“Kinh tế thế giới hầu như đang khủng hoảng lạm phát rất cao. Khi lạm phát ở các nước lên cao thì dẫn đến sức mua của người dân sẽ bị giảm xuống.

Cho nên, các nước như Trung Quốc hay Việt Nam chuyên xuất khẩu hàng đi Hoa Kỳ hay Châu Âu, khi lượng hàng hóa bị giảm xuống dẫn đến nhu cầu sản xuất trong nước bị giảm đi, dẫn đến lượng người thất nghiệp tăng lên và nền kinh tế bắt đầu gặp khó khăn.” 

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định giảm 31% là con số rất lớn. Nguyên nhân chính là do tác động từ bên ngoài khi mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sáu lần trong năm nay, và như vậy thì tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán của Việt Nam.

Về tình hình kinh tế trong nước, Tiến sỹ Hiếu dẫn ra một số nguyên do khiến VN Index giảm sâu như vậy.

Theo ông, những vụ đại án của các tập đoàn lớn cũng ảnh hưởng tới lòng tin của các nhà đầu tư. Ví dụ như công ty FLC Faros đã tiến hành nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỉ đồng tăng lên đến 4.300 tỉ đồng chỉ trong vòng hai năm. Điều này khiến cho các nhà đầu tư mất lòng tin vào thị trường trái phiếu.

Phía các ngân hàng cũng rất chật vật về vấn đề nguồn vốn trong thời điểm này. Nguyên do được tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu lý giải là trong nửa đầu năm 2022, các ngân hàng đã sử dụng hết “room tín dụng” - là các không gian tăng trưởng mà Nhà nước giao cho mỗi ngân hàng, và trong nửa năm sau thì ngân hàng không còn “room tín dụng” để mà cho vay nữa.

Trong năm nay, tốc độ tăng trưởng tiền gửi thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Trong chín tháng đầu năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng tới 11,05%, trong khi đó tốc độ huy động vốn mới chỉ tăng khoảng 4,33%. Điều này làm cho các ngân hàng gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản.

Bên cạnh đó, việc trấn áp hàng loạt tập đoàn lớn trong năm nay, bao gồm Vạn Thịnh Pháp, FLC hay Tân Hoàng Minh khiến cho các doanh nghiệp e dè hơn trong việc phát hành trái phiếu để huy động vốn. Từ đầu năm cho đến nay, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%.

“Việc giảm sâu như thế (VN Index - PV) bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Trong đó, vấn đề giảm niềm tin vừa là nguyên nhân và đó cũng vừa là hậu quả của việc chứng khoán dao động mạnh.

Tức là khi người ta đã mất lòng tin thì người ta sẽ rút tiền khỏi chứng khoán, bán tháo cổ phiếu, trái phiếu. Nhưng mà chính hành động đó cũng là hành động tác động ngược lại, làm thị trường chứng khoán giảm mạnh.”

Mang hơi hướng của Trung Quốc

Bài viết được đăng trên Nikkei nhận định sự suy thoái của thị trường chứng khoán Việt Nam mang hơi hướng của cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản và chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc.

Cũng giống như ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng mở chiến dịch chống tham nhũng, tuyên bố sẽ loại trừ các quan chức có hành vi sai trái, ngay cả trong đảng và các tập đoàn kinh tế lớn.

Ông Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh lại quyết tâm này của Đảng trong một bài phát biểu hôm 17/11, rằng sẽ “đảm bảo ổn định chính trị và trật tự xã hội để mọi người có thể sống trong hòa bình, phát triển nền kinh tế lành mạnh, đúng pháp luật.”

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng với nền kinh tế thế giới đang được toàn cầu hóa như hiện nay thì một nền kinh tế tương tự Trung Quốc cùng với những biến chuyển của nó sẽ tác động lên tất cả các nền kinh tế khác, đặc biệt là Việt Nam - một quốc gia ở sát nách Trung Quốc, có những giao thương rất lớn về giao dịch hàng hóa cũng như giao dịch tiền tệ. 

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Do đó, khi tỷ giá dao động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế trong nước và cả thị trường ngoại thương của Việt Nam:

“Bên cạnh vấn đề tỷ giá thì những biến chuyển trong nền kinh tế của Trung Quốc về vấn đề đầu tư bất động sản, cũng như hệ thống tài chính của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới Việt Nam. Bởi vì cả hai nước đều có những gắn kết chặt chẽ trên nhiều phương diện.”

Ông Hiếu lấy ví dụ, trong một vài năm vừa qua, ở Trung Quốc có hiện tượng rất nhiều bất động sản trở thành các tài sản lãng khí của quốc gia. Bởi vì, các các đô thị được xây dựng lên một cách ồ ạt, nhanh chóng nhưng cuối cùng thì lại không được sử dụng. Từ đó tạo ra một cú sốc trên thị trường bất động sản ở Trung Quốc.

“Tình hình đó hầu như có một sự tương đồng với tình hình bất động sản ở Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy một số các vụ đại án liên quan đến trái phiếu, và đặc biệt là trái phiếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản, như những vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…”

Vị tiến sỹ này nhận định, các vụ án vừa nêu sẽ làm nhà đầu tư mất lòng tin ở thị trường trái phiếu, từ đó dẫn đến việc thị trường trái phiếu bị đóng băng. Khi đó, các doanh nghiệp bất động sản không thể phát hành trái phiếu mới, cũng không có thu hồi tiền từ các sản phẩm bán ra của mình, và từ đó tạo ra tính mất thanh khoản cho nhiều doanh nghiệp bất động sản. 

Lời khuyên cho các nhà đầu tư

Vì những nguyên do mà các chuyên gia kinh tế đã phân tích ở trên, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh, từ 1500 điểm vào hồi tháng  một giảm còn hơn 900 điểm vào cuối tháng 11. Đặc biệt, vào ngày 15/11, chỉ số VN Index chỉ còn 908 điểm - thấp nhất trong vòng hơn hai năm trở lại đây kể từ tháng 10/2020.

Screen Shot 2022-12-13 at 11.15.12 AM.png
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu trong năm 2022. Ảnh: VNDirect

Sau những lần trồi sụt mạnh và liên tục đã khiến VN Index trở thành chỉ số có hiệu suất đầu tư kém tích cực từ đầu năm. Rất nhiều nhà đầu tư cũng thua lỗ nặng nề.

Tuy nhiên, trong các diễn đàn đầu tư chứng khoán trong nước, câu hỏi được một số nhà đầu tư đặt ra là thị trường Việt Nam liên tục đỏ sàn từ đầu năm, liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư “bắt đáy”, chờ thị trường đi lên hay không.

Phân tích về vấn đề này, tiến sỹ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho rằng chuyện có “bắt đáy” hay chưa rất phức tạp. Mọi người cần xem xét đến hai giá trị là giá trị nội tại là sức khoẻ của nền kinh tế, và và thứ hai là giá trị mong đợi, ví dụ như người ta mong đợi những chính sách của nhà nước đi đúng hướng thì sẽ mua vào, giữ đến lúc giá trị cổ phiếu đi lên.

Tuy nhiên, tiến sỹ Vũ đánh giá cả hai giá trị này không mấy khả quan trong thời điểm hiện nay:

“Chúng ta thấy có rất nhiều vấn đề mà Chính quyền Việt Nam hiện nay không có khả năng giải quyết nhanh chóng. Cho nên cái vấn đề nền tảng sức khỏe nền kinh tế không có và hiện nay mong đợi thay đổi về chính sách nhà nước thì cũng không rõ ràng và kinh tế thế giới sắp tới rất khó khăn.

Cho nên, nếu nói về mong đợi thì chưa thấy tương lai sáng sủa gì trong vòng một năm tới. Chứng khoán hiện nay của Việt Nam rất mờ mịt, chưa có gì thể hiện chứng khoán Việt Nam đang ở đáy cả.”

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo việc đợi cổ phiếu xuống đáy rồi mới mua là rất rủi ro bởi không ai có thể biết được khi nào thị trường sẽ chạm đáy cả. Do đó, ông đưa ra lời khuyên:

“Chính vì thế nên cần có kỷ luật tài chính. Tức là các nhà đầu tư nên đưa ra một điểm sàn và một điểm trần. Khi thị trường chứng khoán đụng tới điểm sàn thì mua vào, rồi khi đến điểm trần thì mình bán chứng khoán đó chứ không đợi nó lên tiếp theo.

Chúng ta không bao giờ biết là chừng nào thì thị trường chứng khoán chạm đáy và cũng không thể ai biết được điểm trần của nó ở đâu.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.